Thư Viện Hoa Sen

Đạo Cao Đài Tam Kỳ Phổ Độ

ĐẠO CAO ĐÀI
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ-
NƠI HỘI TỤ PHẬT-KHỔNG-
LÃO-THIÊN CHÚA

Người Long Hồ
dao cao dai
ĐẠO CAO ĐÀI TAM KỲ PHỔ ĐỘ

I

Từ ngàn xưa, nhân loại hữu phước có được nhiều tôn giáo để có được nơi hướng tâm linh về đó. Tùy nơi tùy chỗ và tùy theo phong tục tập quán của từng vùng từng miền mà tôn giáo thích hợp được khai sinh, như ở Ấn Độ thì xuất phát Ấn Độ giáoPhật Giáo; ở Trung Hoa thì xuất phát Khổng giáoLão giáo; ở Trung Đông thì xuất phát Do Thái giáo, Bái Hỏa giáo, Cơ Đốc giáo, và Hồi giáo, vân vân. Các tôn giáo khác nhau đều có những danh xưng khác nhau cho Chơn Lý của tôn giáo mình. Có một điều rất kỳ diệu, dầu được thành lập trên nhiều vùng đất khác nhau hay vào những thời kỳ khác nhau, hoặc dưới những hình thức khác nhau, nếu nghiên cứu kỹ, các tôn giáo đều có cùng một chơn lý. Với Phật thì chơn lý đó là cái Chơn Như hay Phật Tánh; với Do Thái thì chơn lý đó là Thượng đế toàn năng Jehovah; với Cơ Đốc giáo thì gọi là đấng Jesus Christ; với Hồi giáo thì chơn lý đó là Thánh Allah; với Ấn Độ giáo thì chơn lý đó là Chơn Như Đại Linh Quang; với Bái Hỏa giáo thì chơn lý đó là Ahura Mazda; trong khi với Khổng giáo thì gọi là Thái Cực; Lão giáo gọi là Đạo. Riêng người bình dân Việt Nam từ ngàn xưa thì gọi chơn lý đó là Ông Trời; người Ăng Lê thì gọi là God; người Pháp thì gọi là Dieu, và có thể những bộ tộc ở Phi châu cũng có danh xưng riêng cho chơn lý của họ, vân vânvân vân.

Riêng nói về Việt Nam, trong lịch sử gần năm ngàn năm của dân tộc này, Phật giáoNho giáo đã từng một thời là quốc đạo vì nhận được sự ủng hộ của nhiều thành phần trong xã hội. Nhưng đối với những người tiên phong đi mở cõi về đất phương Nam, đa số là những người cùng khổ đến đây mong tìm kiếm cuộc sống mới khá hơn; hoặc những người tù phát lưu bị bắt buộc phải lưu xứ. Chính vì vậy mà những giáo lý của Phật giáo hay Nho giáo không thích hợp và không thực tiễn đối với họ. Sự ra đời của các tôn giáo dân tộc tại vùng đất phương Nam một phần nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của những con người ngày ngày phải đương đầu với ma thiêng nước độc. Để đáp ứng những nhu cầu tâm linh này, chính các tôn giáo như Phật, Khổng, Lão, và ngay cả Cơ Đốc... đều phải tìm cách thích ứng với tính cách đặc biệt của người dân vùng sông nước đất phương Nam như tánh hào sảng, hiếu khách, bộc trực, bao dung, thực tiễn, quảng đại, và cởi mở, vân vân. Chính trong những điều kiện đặc biệt trong đời sống này, không phải đợi đến những thập niên đầu thế kỷ thứ XX ở miền Nam mới phát sinh ra những tôn giáo mới như Cao ĐàiHòa Hảo, mà cả hàng thế kỷ về trước đã có những sắc thái tín ngưỡngtôn giáo rất đặc biệt, chỉ có trong Nam chứ ngoài Trung và ngoài Bắc không có. Tuy nhiên, có những sắc thái chúng ta ghi nhận được và nhiều sắc thái tín ngưỡng chúng ta ghi nhận được vì còn tài liệu lưu truyền, trong khi rất nhiều sắc thái tín ngưỡng của dân đi mở cõi về phương Nam mà chúng ta không có tài liệu để tham khảo, mà chỉ còn thấy chúng bàng bạc trong nếp sống của cư dân vùng sông nước này mà thôi. Rất có thể trước thời người miền Nam có đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã có những ông đạo đã từng đi hành hiệp trên khắp các miền sông nước miền Nam và đã góp phần không nhỏ trong nếp sống tín ngưỡng tâm linh của con dân vùng đất này trong những thời kỳ khó khăn nhất của lịch sử đi mở cõi về phương Nam.

Một điều cần phải lưu ý là ngay từ những ngày đầu lập quốc ở miền đất phương Bắc, rồi sau đó đi lần vào miền Trung, rồi đến miền Nam, Việt tộc lúc nào cũng tin tưởng các bậc Tiên Thánh. Việt tộc lúc nào cũng hãnh diện được làm con Rồng cháu Tiên, do vậy mà đi đâu đến đâu và dầu thuộc bất kỳ tôn giáo nào, thì tín ngưỡng trong lòng của người Việt, không nhiều thì ít, vẫn là tin tưởng vào chư Tiên Thánh. Như trên đã nói, chính các tôn giáo như Phật, Khổng, Lão, và ngay cả Cơ Đốc... đều phải tìm cách thích ứng với tính cách đặc biệt của người dân vùng sông nước đất phương Nam như tánh hào sảng, hiếu khách, bộc trực, bao dung, thực tiễn, quảng đại, và cởi mở, vân vân... để tự biến thành một tôn giáo đặc sản của miền sông nước. Thêm vào đó, như trên đã nói, dầu được thành lập trên nhiều vùng đất khác nhau hay vào những thời kỳ khác nhau, hoặc dưới những hình thức khác nhau, nếu nghiên cứu kỹ, các tôn giáo đều có cùng một chơn lý. Nhưng với thời gian chơn lý của mỗi tôn giáo ngày càng bị diễn dịch sai lệnh, vì mục tiêu riêng của từng nhánh đạo địa phương. Càng ngày thì nhân loại lại có khuynh hướng thiên về vật chất, nên càng tranh đua hiềm khích hay kỳ thị với nhau, thậm chí còn tàn sát lẫn nhau qua những cuộc chiến được mệnh danh là Thánh Chiến... Trước những vấn nạn này, những tôn giáo có khuynh hướng đại đồng hơn được thành lập để làm một nhịp cầu liên kết các tư tưởng và triết lý giữa Đông phươngTây phương. Riêng ở vùng đất phương Nam của đất nước Việt Nam hồi đầu thế kỷ thứ XX, ở miền Tây thì nó có tên là Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa... Trong khi ở miền Đông thì nó có tên là Cao Đài.

Riêng đối với đạo Cao Đài tại miền Đông Nam Kỳ, đặc biệt là vùng Tây Ninh, vào thập niên 1920s, người sáng lập đã tìm cách liên kết vừa vô hình vừa hữu hình. Ở đây tưởng cũng nên nhắc lại, nếu đạo Hòa Hảo ở vùng An Giang tôn sùng đức độ của đức Phật Thầy Tây An bao nhiêu, thì đạo Cao Đài ở Tây Ninh lại càng ngưỡng mộ vị ẩn sĩ tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm bấy nhiêu. Nguyễn Bỉnh Khiêm là một danh sĩ tiên tri thời Lê mạt, nổi tiếng với quyển “Sấm Trạng Trình”, rất được nhiều người Việt Nam thán phục; cũng giống như trường hợp của nhà tiên tri Nostradamus ở Pháp với quyển “Centuries” vẫn còn được rất nhiều người Tây phương thán phục. Và phải thành thật mà nói, sự xuất hiện của đạo Cao Đài hay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ trong thập niên 1920s của thế kỷ thứ XX, chẳng những là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam trong thời hiện đại, mà còn là một hiện tượng hết sức đặc biệt về mặt phát triển của một tôn giáo, sự phát triển nhanh với tốc độ vượt ra ngoài sức tưởng tượng. Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn với con số vài trăm ngàn người trước thế chiến lần thứ nhì, vậy mà chỉ khoảng nửa thế kỷ sau đó, con số đã lên đến hàng 6 hay 7 triệu người, tuy con số chính xác vẫn cần phải được các nhà tôn giáo học nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Để đáp ứng như cầu tìm hiểu và thực nghiệm siêu hình của dân chúng, bình dân cũng như trí thức, người sáng lập ra đạo Cao Đài đã nghĩ đến phương tiện thông công của Cao Đài Cơ Bút. Bên cạnh đó, giáo lý chủ đạo của tôn giáo này kết hợp một cách tài tình giáo lý của ba tôn giáo lớn của Việt Nam từ ngàn xưa là Phật, Khổng, Lão. Cao Đài đã làm một cuộc pha trộn tài tình để biến những giáo lý này thành một thứ tín ngưỡng rất phù hợp với đặc trưng tín ngưỡng dân gian vùng đất phương Nam, và ngay từ đầu người sáng lập ra Cao Đài cũng đã đặt cho nó một cái tên hết sức đặc biệt: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Hơn thế nữa, trong các thánh thất Cao Đài, chúng ta luôn thấy hình tượng của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đức Khổng Tử và đức Lão Tử. Thật vậy, không một người Việt nào mà không biết Phật-Khổng-Lão, dầu là một người dân hết sức bình thường. Như vậy Cao Đài đã đánh trúng vào tâm lý tín ngưỡng của Việt tộc, đặc biệttâm lý tín ngưỡng của người dân đất phương Nam trong thời bị đặt dưới sự cai trị của một chủng loại không cùng màu da và huyết thống với mình; trong hoàn cảnh bế tắc và tuyệt vọng của kinh tế xã hội vì sự vơ vét tài nguyên đem về mẫu quốc của người cai trị đã tạo ra môi trường rất thuận lợi cho sự phát triển của bất kỳ tôn giáo địa phương nào chứ không riêng gì đạo Cao Đài. Như trên đã nói, Cao Đài là sự kết hợp giáo lý của tam giáo Phật-Khổng-Lão, chứ Cao Đài không lập ra để triệt tiêu hay thay thế ba tôn giáo này. Vì sau các thời đại Lý Trần, theo dòng sinh mệnh và phát triển của dân tộc, Phật giáo đã dần mất đi vai trò lãnh đạo ban đầu của nó để nhường chỗ cho Khổng giáo từ cuối đời nhà Trần. Đến giữa thế kỷ thứ XIX, với sự phát triển toàn cầu, các nhà Nho theo Khổng giáo lại bất lực không thích ứng được với hoàn cảnh mới. Chính trong hoàn cảnh này mà Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được khai sinh với chủ trương Tam Giáo Qui Nguyên với một vũ trụ quan mới là “Vạn Vật Đồng Nhất Thể” và lời Thánh giáo như: “Khai Thiên địa cũng Thầy, sanh Tiên Phật cũng Thầy. Thầy đã nói một Chơn Thần mà biến Càn Khôn thế giới và cả Nhơn loại. Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy... Ngày Thầy đến đây đem ba nền tôn giáo hợp nhất lại tạo thành một tòa lớn lao để đời đời kiếp kiếp cho nhơn sinh nương vào đó mà lánh cơn nạn khổ thảm sầu, nhưng Thầy cũng vì lòng từ bi, chọn lựa cái nào còn dùng đặng thì Thầy lấy, cái nào hư nát thì bỏ ra.”

Cũng như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, và Phật Giáo Hòa Hảo ở miền Tây, đạo Cao Đài ở miền Đông, một trong bốn tôn giáo lớn của vùng đất phương Nam, đã được thành lập để tự thích ứng với hoàn cảnh sinh hoạt của địa phương. Chính sự liên kết Tam Giáo hài hòa này đã đi thẳng vào lòng người phương Nam khiến cho đạo Cao Đài ngày phát triển và càng có chỗ đứng vững chắc trong lòng các tín đồ. Đạo Cao Đài, tức là đạo Tam Kỳ Phổ Độ, thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, lấy con mắt thiên nhãn làm biểu tượng và chủ trương vun trồng nền tảng đạo lý theo nhân đạo, đồng thời tu luyện tính tình cho hợp với thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo. Tu tậprèn luyện Tinh-Khí-Thần gần với Lão Giáo. Tuệ Tĩnh là ông tổ của nền y dược Cổ truyền Việt Nam, cụ khuyên bảo mọi người nên giữ gìn sức khoẻ bằng một câu thơ mà chúng ta thường nghe: “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”. Hai câu thơ nhắc nhở bảy điều cốt yếu để giữ gìn sức khỏe, trong đó, câu đầu nêu lên ba yếu tố cần thiếtquý báu nhất đó là: Bế Tinh, Dưỡng Khí, Tồn Thần. Tinh-Khí-Thần là ba tố chất cơ bản trong cơ thể con người, chúng rất quan trọng tồn tại trong thể xác mỗi con người. Nó quyết định toàn bộ sự tồn tại và phát triển của con người đó, từ khi sinh ra, lớn lên và đến khi già đi (3). Người theo đạo Cao Đài hay sử dụng pháp cầu cơ để thỉnh cầu những lời chỉ dạy của đấng Thượng Đế. Dưới thời Pháp thuộc và thời VNCH, đạo Cao Đài đặt trụ sở chính tại Tòa Thánh Tây Ninh, và có nhiều thánh thất khắp nơi trong nước. Hiện nay số đạo hữu của tất cả 12 chi đạo Cao Đài trong cả nước lên đến trên 4 triệu người.

Ghi Chú:

(1) ​Theo truyền thuyết Phật giáo Ấn Độ, trong hiền kiếp (kiếp hiện tại), người ta đã thấy hai mươi bốn vị Phật trước Phật Thích Ca Mâu Ni, mà Đức Phật Nhiên Đăng là vị cổ Phật đầu tiên). Ngày vía Đức Phật Nhiên Đăng là ngày mồng hai trong tháng.

(2)​ Phạm Công Tắc là một giáo sĩ nhiệt thành trong buổi đầu thành lập đạo Cao Đài. Ngoài nhiệm vụ lãnh đạo Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh tây Ninh, ông còn là một nhà tu hành. Đối với các tín đồ Cao Đài, ông nhân danh Thượng đế rao giảng chân lý trong nhân gian. Chưa kể đến những bài diễn văn trong các buổi lễ tôn giáo, những bài giảng đạo của ông về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống và Bí Pháp đã được Ban Tốc Ký Tòa Thánh Tây Ninh ghi lại và pháp hành. Các tín đồ Cao Đài xem những tài liệu này rất quan trọng bởi lẽ trong nội dung của những bài thuyết giảng này chứa đựng triết lý cà các phương cách tu tập rất đặc trưng của đạo Cao Đài. Ngoài ra, Phạm Công Tắc còn là một nhà quy hoạch và xây dựng. Chính ông là người khởi công xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh vào năm 1936 và tổ chức lễ khánh thành thành vào năm 1955. Tòa Thánh là cơ ngơi quan trọng nhất của tôn giáo Cao Đài. Thiếu thể pháp Tòa Thành này, đạo Cao Đài không thể nào phát triển thành một tôn giáoquy củ được. Triết lý đạo Cao Đài do Thượng đế mà có, và thông qua đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc mà thành hình và được phổ biến. Ngoài ra, trong thời gian chịu trách nhiệm tại Tòa Thánh Tây Ninh, đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc còn xây dựng nhiều cơ sở vật chất khác mà vẫn còn cho đến ngày nay như Trí Huệ Cung (tịnh thất đầu tiên của đạo Cao Đài), Trí Giác Cung, Chợ Long Hoa, Báo Ân Từ hay Điện thờ Phật Mẫu, vân vân. Bên cạnh đó, ông cũng đề ra sẵn một số cơ sở khác cho hậu tấn sau này thực thi. Tuy nhiên, do chiến tranh và bất ổn triền miên, nên mãi cho đến nay những cơ sở này vẫn chưa được tiến hành xây dựng. Trong số này có thể kể ra là Vạn Pháp Cung, Điện thờ Phật Mẫu chính thức...Ông còn ban hành: Luật Lệ chung các Hội, Nội Luật Hội Nhơn Sanh, Nội Luật Hội Thánh. Nếu không có 3 luật này thì không có quyền Vạn Linh trong đạo Cao Đài. Đặc biệtĐạo Luật Mậu Dần 1938 để lập ra Tứ Trụ: “Hành-Chánh-Phước-Thiện”. Nhờ đó mà Thánh Địa là nơi có nhiều người làm việc nghĩa, tự nguyện giúp đỡ người khác mà không nhận tiền, chẳng hạn như tang lễ được cử hành long trọnghoàn toàn miễn phí... Chắc hẵn không có tôn giáo nào có được tính cách vô cùng đặc biệt này kể cả những tôn giáo lớn ở Việt Nam thời đó như Phật giáoThiên Chúa giáo. Thể pháp tôn giáo như “Ăn chay-thực hành nhân nghĩa” đã được ông đưa vào xã hội và hòa tan vào lòng các tín đồ cũng như những cư dân vùng Thánh Địa Cao Đài, tạo nên nếp sống văn hóa trong xã hộicon người Tây Ninh nói riêng và tín đồ Cao Đài trên toàn thế giới nói chung. Chính nhờ vậy mà hiện nay tín đồ Cao Đài và vùng Thánh Địa Tây Ninh là nơi có người ăn chay cao nhất Việt Nam và ngay cả thế giới. Cuộc đời của đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc gần như gắn liền với lịch sử của đạo Cao Đài trong 31 năm đầu tiên thành lập đạo, kể từ năm 1925 cho đến 1956, nghĩa là khi ông rời khỏi Tòa Thánh Tây Ninh để lưu vong sang Campuchia. Ông được xem là một trong những người trẻ tuổi thời đó được đức Cao Đài đặt vào phẩm vị cao quý nhất của Hiệp Thiên Đài, 37 tuổi đắc phong Hộ Pháp, và kể từ đó ông luôn xả thân hành đạo cho đến ngày quy tiên. Trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh, cũng như trong khắp vùng Thánh Địa Tây Ninh, từ những đền thờ đến các dinh thự, từ những con đường lớn hay nhỏ đến các cây cầu, từ những ngôi chợ đến các khu nhà khang trang, từ những ngôi trường dạy trẻ em nhà Đạo cho đến ngay cả các Y Viện, Dưỡng Lão, Cô Nhi Viện... đâu đâu cũng có những dấu tích nhắc nhở cho đàn hậu tấn về công nghiệp to lớn của ông. Theo lời bà Đầu Sư Nguyễn Hương Hiếu và ông Hiền Pháp Trương Hữu Đức thì “Nếu không có đức Phạm Công Tắc thì không có Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, vì khi đức Chí Tôn đến với đức Ngô Minh Chiêu, chỉ xưng là Thầy và ban hồng danh Cao Đài Tiên Ông”, nghĩa là có ý nghĩa lớn trong sự thành hình và phát triển tôn giáo Cao Đài. Trong khi đó, theo Hiền Tài Trần Văn Rạng, Thạc sĩ Sử Học, trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, một chức sắc Cao Đài đã tóm lược về đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc nhu sau: “Tâm vô quái ngại, đaị hùng, đaị lực, đại từ bi”.

(3) Nguồn tư liệu Thánh Thất Cao Đài Garden Grove, California, U.S.A