Trong Pháp hội Đại Thành Tựu (Drupchen) về Tác Minh Phật Mẫu (Kurukulle) tại Trung Tâm Dharma Mati ở Berlin vào tháng 10 năm 2024, trong tâm trạng suy tư và nói nhiều lạ thường, Orgyen Tobgyal Rinpoche gần như đều ngưng lại thực hành mỗi ngày để chia sẻ giáo lý và chỉ dẫn, cũng như lời khuyên và nhận xét chung. Sau đây là những quán chiếu về sứ mệnh cuộc đời Ngài, tầm quan trọng của Drupchen và chủ đề lão hóa. Sự quán chiếu về quá trình lão hóa đặc biệt đáng chú ý bởi đây là lần đầu tiên mà nhiều người chúng tôi nghe Rinpoche nói về chủ đề này, điều hiếm khi được thảo luận trong các bài giảng. Và dĩ nhiên, Ngài tiếp cận theo cách thức không thể bắt chước của riêng mình – vừa thẳng thắn, bộc trực, vừa vô cùng thông tuệ và sáng suốt.
Tôi thấy sứ mệnh chính yếu của mình trong cuộc đời là cử hành càng nhiều Drupchen càng tốt và đến nay, tôi đã hoàn thành được rất nhiều. Hiển nhiên, chúng ta cần lắng nghe Giáo Pháp và quán chiếu về chúng; nhưng rõ ràng, điểm quan trọng nhất là thực hành chúng. Về thực hành Giáo Pháp, kinh văn nói rằng giáo lý Kim Cương thừa chứa đựng gia trì lớn nhất, mạnh mẽ và nhanh chóng nhất trong việc đem đến kết quả. Kinh văn cũng nói thêm rằng gặp được giáo lý Kim Cương thừa Chân ngôn Bí mật, thứ lấy kết quả là con đường – dù trong quá khứ, hiện tại hay tương lai – là điều cực kỳ hiếm.
Giáo lý Kim Cương thừa Chân ngôn Bí mật ban đầu được bậc thầy của chúng ta, Phật Thích Ca Mâu Ni, giảng dạy và từ đó về sau, vẫn hiện diện trong thế giới của chúng ta. Tuy nhiên, dường như thời kỳ này sắp kết thúc và giáo lý đang dần dần biến mất. Tại sao tôi lại nói vậy? Bởi hiện nay, trong thời kỳ này, chúng ta dường như không thấy bất kỳ hành giả thành tựu nào của Kim Cương thừa Chân ngôn Bí mật – kiểu hành giả có thể bay trên trời, đi xuyên qua mặt đất hay hiển bày những thần thông khác nhau, như là kết quả của sự thành tựu.
Chúng ta chỉ là không thấy bất kỳ ai như vậy nữa, đúng không? Có lẽ không phải là không có ai đạt đến cấp độ thành tựu đó, chỉ là chúng ta không thấy họ. Nếu bạn thực sự dấn thân thực hành, thành tựu bốn hoạt động và tám thành tựu (Siddhi) vĩ đại là điều khả thi. Tôi chắc chắn rằng vẫn có những người đạt được thành tựu thông thường và thù thắng, chỉ là có rất hiếm những vị, nếu thực sự có, mà chúng ta có thể tự mình gặp gỡ. Lý do của điều này là gì? Đó là bởi công đức của hữu tình chúng sinh cạn kiệt.
Bởi bối cảnh này, chúng ta cần hiểu rằng thực hành Drupchen vô cùng quan trọng. Như Guru Rinpoche từng nói, tham gia vào thực hành Drupchen giống như hòa với máu tim của Ngài. Đức Bà Yeshe Tsogyal nói thêm rằng, “Với những vị trong tương lai có được cơ hội thực hành những phát lộ giáo lý Terma sâu xa, điều đó giống như trực tiếp diện kiến Guru Rinpoche. Những chúng sinh may mắn như vậy cần thực sự hoan hỷ!”.
Khi chúng ta sinh ra trên thế giới này, bóng của cái chết theo chúng ta cùng lúc. Hiện nay, chúng ta mừng sinh nhật, nhưng ngày chết của chúng ta cũng sẽ đến. Khi cái chết xảy đến, điều gì giúp đỡ chúng ta nhiều nhất? Đó chính là việc từng tham gia vào một số Drupchen khi còn sống. Tại sao vậy? Bởi bản tính căn bản của các pháp, Pháp tính, thanh tịnh nguyên sơ và là Phật tính mà chúng ta đều sở hữu. Chính bởi Pháp tính/Phật tính thanh tịnh mà sự hành trì trở nên hiệu quả. Trong khi Pháp tính vẫn luôn thanh tịnh, ở cấp độ của những hiện tượng, luật nhân quả luôn áp dụng – nó không lừa dối. Gia trì, lòng bi mẫn và sức mạnh của chư Phật và những vị kế thừa thật bao la. Chúng bao gồm những giáo lý đặc biệt của Kim Cương thừa Chân ngôn Bí mật, các phương pháp về vị Tôn, Chân ngôn, thủ ấn và định, mà sức mạnh là chân thật.
Ngay lúc này, chúng ta tập hợp về đây để thọ quán đỉnh và tham gia vào thực hành Drupchen; tuy nhiên, trong tương lai, kiểu cơ hội này gần như chắc chắn cũng sẽ biến mất.
Có câu chuyện về vị đạo sư già được đệ tử cầu khẩn trở lại như một Tulku. Vị đạo sư đáp rằng, “Ồ, trở lại như một Tulku khá dễ, nhưng tìm được đệ tử có thể thực sự thọ nhận quán đỉnh, trao truyền và sự giới thiệu về bản tính của tâm, điều đấy khó hơn rất nhiều!”.
Chúng ta có thể sinh làm người, nhưng sau đó, tiếp nhận Giáo Pháp, thọ nhận quán đỉnh, trao truyền và giáo lý từ một đạo sư đủ phẩm tính và thực hành chúng trọn vẹn là điều cực kỳ khó. Vì vậy, hãy hoan hỷ khi đã đến đây và có cơ hội thực hành.
Nhân đây, tôi nhận thấy vài điều mà tôi cần nói với các bạn.
Nhiều năm về trước, tôi đã viếng thăm ngọn núi linh thiêng Ngũ Đài Sơn (núi Văn Thù) ở Trung Quốc trong một chuyến hành hương do chính quyền Trung Quốc tổ chức. Ở chùa Tiên Đồng, nơi lưu giữ bức tượng Văn Thù vô cùng linh thiêng, có một phòng thờ nhỏ màu vàng, trong đó có thể cúng đèn – một ngọn đèn nhỏ giá 500 Nhân Dân Tệ (khoảng 65 Euro). Tôi chẳng nghĩ gì lúc ấy và đã đốt năm đèn để tôi có thể chứng ngộ năm trí. Đấy là tất cả những gì tôi nghĩ trong tâm.
Đi cùng đoàn chúng tôi có một người Tây Tạng – một quan chức quan trọng trong chính quyền Trung Quốc. Ông ấy có niềm tin với Giáo Pháp, mặc dù phải giữ bí mật. Ông ấy cũng muốn cúng dường đèn nhưng khi hỏi về giá và được bảo 500 Nhân Dân Tệ, ông ấy không tin vào tai mình và nổi cơn thịnh nộ. Ông ấy quở trách các tu sĩ bán đèn (có lẽ họ không phải là tu sĩ thật) và bảo họ rằng ông ấy sẽ tống họ vào tù vì lừa đảo khách du lịch ngây thơ. Tôi bảo ông ấy đừng tức giận, tôi không sao, nhưng ông ấy tiếp tục quát tháo và đe dọa báo cáo họ với nhà chức trách.
Ý tôi là chúng ta có cách nhìn nhận sự việc khác nhau. Tất cả những gì tôi muốn nói là bạn cần mua ít đèn và cúng dường chúng, và hãy hào phóng. Tương tự với Tsok, điều rất quan trọng, hương – thứ mà tôi không thấy hay ngửi được ở đây – và hoa nữa! Khi chúng tôi thực hành Drupchen ở Bir, tôi cúng dường hàng trăm nghìn đèn bơ, Torma và v.v. Đấy là lý do khi tôi thấy đồ cúng dường sơ sài được sắp xếp ở đây, tôi cảm thấy không thoải mái lắm. Nếu bạn cúng dường nhiều đèn, điều đó không có lợi gì cho tôi, nó hoàn toàn là vì lợi lạc của bản thân các bạn.
Quay lại chủ đề chính, một hay hai lần mỗi năm, chúng ta đi khám sức khỏe, đúng chứ? Chúng ta đều làm vậy – bác sĩ thông báo cho chúng ta về tình hình sức khỏe và thông thường, chúng ta đơn giản được bảo rằng không có gì phải lo lắng. Nhưng rồi một ngày nọ, chúng ta đi gặp bác sĩ và bất ngờ được thông báo rằng chúng ta bị ung thư. Nhiều thí chủ của Dzongsar Khyentse Rinpoche và chính tôi đã bị ung thư. Họ hoảng hốt, báo cho chúng tôi về căn bệnh và hỏi rằng, “Tôi có thể làm gì?”. Tất cả những gì tôi nói với họ là “Chẳng có gì nhiều mà bạn có thể làm bây giờ. Tôi không biết bạn sẽ sống bao lâu nhưng hãy cứ chắc chắn rằng bạn trưởng dưỡng một trái tim tốt lành trong khoảng thời gian còn lại”. Thông thường, họ sẽ hỏi thêm rằng, “Có Pháp tu nào mà tôi có thể thực hành để đẩy lùi ung thư hay không?”, và tôi đáp, “Nếu muốn bạn có thể phóng sinh một chút, lấy ví dụ, nhưng tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ giúp ích nhiều lắm”.
Một số người thân thiết với tôi, những vị đã mắc phải bệnh ung thư, nói rằng họ không muốn đau đớn quá nhiều trước khi chết, họ thà chết sớm còn hơn.
Về phần mình, tôi tiến hành kiểm tra tỉ mỉ 3 tháng một lần – các bài kiểm tra máu, mọi thứ. Cho đến nay, tôi không phát triển căn bệnh nào mới, tôi cứ duy trì tình trạng cũ mà tôi đã có trong quá khứ. Nhưng tôi chắc chắn trăm phần trăm rằng một ngày nào đó, bác sĩ sẽ thông báo điều gì đó mới với tôi. Khi ấy thì tôi sẽ làm gì? Đấy là điều mà tôi cần nghĩ đến từ bây giờ, đúng không? Chúng ta cần biết điều này sẽ xảy ra và khi nó xảy ra, chúng ta chẳng thể làm gì nhiều về nó. Chúng ta sẽ được bảo rằng chúng ta không còn nhiều thời gian để sống và sẽ nhanh chóng qua đời. Sự thật rằng chúng ta đều sẽ chết thật rõ ràng, đúng chứ? Không có nghi ngờ gì về nó. Dù có được chẩn đoán mắc bệnh giai đoạn cuối hay không, chúng ta đều sẽ chết, phải vậy không?
Tôi đến tham dự thực hành trong vài ngày qua và kết quả là đường huyết của tôi rất cao. Vấn đề với bệnh tiểu đường là nó có thể gây ra các biến chứng khác, chẳng hạn hôn mê trong thời gian dài mà không chết. Một số đạo sư gặp phải vấn đề về thận – vài vị sau đó thường phẫu thuật ghép thận. Với những vị khác, thân thể nổi đầy vết loét và cuối cùng cần cắt bỏ tay hay chân vì nhiễm trùng. Những chuyện này chẳng ngăn được cái chết, chúng ta dẫu sao đều sẽ chết; chúng chỉ khiến cuộc sống khó khăn hơn nhiều. Nếu chúng ta không mắc phải bệnh tật như vậy thì cuộc sống vẫn ổn.
Về bản thân mình, tôi đã hoàn thành mọi chuyện tôi cần làm trong đời này; vì vậy, dẫu chuyện gì xảy ra, tôi đều sẵn sàng.
Tất cả các bạn đều cần quán chiếu về điều này. Chỉ có vài người trẻ ở đây, nhưng họ đã bắt đầu già đi. Càng già, bạn càng gần với cái chết. Khi tôi lần đầu tiên đến Ấn Độ, tất cả đạo sư mà bạn thấy hình của chư vị ở đây đều còn trụ thế. Giờ đây, chư vị đều đã viên tịch. Trong thế hệ cũ đó, những vị duy nhất còn trụ thế là Garchen Rinpoche, Tarthang Tulku và Ngài Namkha Drimed. Nhưng bạn [hầu như] chẳng thể gặp chư vị. Tarthang Rinpoche không bao giờ rời khỏi phòng và không tiếp khách nữa.
Và còn cả Đức Dalai Lama. Lần đầu tiên đến Ấn Độ, Ngài mới 26 tuổi. Khi bạn thấy Ngài hiện nay qua Internet, bạn có thể thấy Ngài đi lại khó khăn thế nào. Điều đó chỉ cho bạn thấy cách mà cuộc sống trở nên khó khăn hơn nhiều khi bạn già đi. Khi tôi thấy điều đấy, nó làm tôi sợ hãi. Nếu bất cứ điều gì có thể được làm để ngăn chuyện đó xảy ra, bạn có thể chắc chắn rằng Đức Dalai Lama đã làm thế rồi. Ngài có nhiều người chăm sóc và được bao quanh bởi những bác sĩ tốt nhất từ mọi truyền thống – Tây Tạng, Ấn Độ (Ayurveda) và phương Tây. Nhưng việc đi lại của Ngài vẫn giảm đi đáng kể. Đấy là tuổi già. Ngài đã hứa trụ thế 113 năm nhưng trong tình trạng như vậy, sẽ không dễ dàng với Ngài.
Đây là điều gì đó mà các bạn đều cần suy ngẫm. Người phương Tây thực sự tốt hơn đôi chút so với người Tạng chúng tôi về điểm này. Một người Thụy Sĩ từng nói với chúng tôi rằng, “Tất cả báo chí của các bạn tường thuật rằng Đức Dalai Lama có sức khỏe tốt, dù đã 90 tuổi, nhưng ở Thụy Sĩ, chúng tôi có những người 90 tuổi vẫn có thể đạp xe. Vì thế, thực sự Đức Dalai Lama cũng không khỏe lắm, đúng vậy không?”. Đây là kết luận của ông ấy và có lẽ ông ấy đúng. Người phương Tây thường sống lâu hơn.
Một người bạn của tôi ở Bỉ làm việc trong viện dưỡng lão và tôi hỏi anh ấy nhiều câu hỏi về trải nghiệm ở đó. Nhờ đó, tôi hiểu rõ hơn hoàn cảnh của người già. Vào những giây phút cuối đời, bạn được cho một que kem để ăn. Một giờ sau, bạn chết. Tôi đã tìm hiểu về mọi khía cạnh trong cuộc sống của một người già. Ví dụ, tôi hỏi anh ấy rằng, “Người già nói về điều gì khi họ trò chuyện cùng nhau?”. Tại sao tôi lại hỏi vậy? Bởi một ngày nào đó, tôi biết rằng tôi cũng sẽ gặp phải tình cảnh tương tự.
Như Thắng giả vĩ đại, Đức Phật từng nói, chúng ta đều trải qua sinh, lão, bệnh và tử. Khổ đau bởi bệnh tật là điều gì đó chúng ta đều biết. Chúng ta không thực sự biết rõ về khổ đau bởi sinh, nhưng nó đã qua và kết thúc. Thế nhưng, chúng ta sẽ đều trải qua lặp đi lặp lại, hàng tỷ lần nữa. Khổ đau bởi cái chết thì chúng ta biết đôi chút và sẽ đều phải đối mặt. Nhưng khổ đau của tuổi già là điều gì đó chúng ta cần tìm hiểu thêm và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Văn học Tây Tạng của chúng ta nói rất ít về khổ đau của tuổi già. Ngoại trừ vài dòng trong Lời Vàng Của Thầy Tôi, bạn chẳng tìm thấy nhiều điều được viết về nó. Vì vậy, tôi nghĩ đây là điều gì đó thực sự quan trọng mà bạn cần suy xét, tìm hiểu thêm.
Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các bạn như vậy. Về cơ bản, đây là điều gì đó mà bạn cần suy nghĩ, quán chiếu. Nếu chúng ta không thể suy nghĩ một chút về đại dương khổ đau của luân hồi – tức là về tính không thể tránh khỏi của cái chết và khổ đau bởi lão và bệnh – thì chúng ta sẽ không bao giờ trở thành hành giả Giáo Pháp chân chính.
Nguồn Anh ngữ: https://all-otr.org/public-talks/80-a-reflection-on-ageing.
Gyurme Avertin chuyển dịch Tạng-Anh; Philip Philippou hiệu đính.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.