Trong vô lượng kiếp đã trôi qua,
Ngài thành tựu giáo lý hoàn toàn giải thoát.
Thế nhưng để rèn luyện những kẻ khó độ,
Ngài xuất hiện là đạo sư thành tựu anh hùng,
Đấng Jigdral Yeshe Dorje xuất chúng.
Tùy theo thiên hướng, căn cơ và ý định của hàng ngũ đệ tử,
Ngài hiển bày vô vàn hoạt động của chư Thánh.
Từ tấm gương bóng trăng trên các bình chứa nước,
Tôi sẽ kể lại một [phần] cực kỳ nhỏ
[trong câu chuyện cuộc đời Ngài], chỉ một mảy may ngọn tóc.
Trì Minh vĩ đại Jigdral [Jigme] Lingpa (1730-1798) sinh ở trung tâm Dra thuộc Vùng Yo [của Tây Tạng]. Ngài là một hóa hiện của Đức Vua Hoa Thiêng Phạm Thiên (tức Vua Trisong Detsen).
Trong ba năm, Ngài đã thực hành ở Chimphu và được chăm sóc bởi thân trí tuệ nguyên sơ của Đấng Toàn Tri [Longchenpa] Drime Ozer (1308-1364). Trí nguyên sơ của Ngài phát triển, một sự thông tuệ toàn tri chẳng cần học hỏi.
Là đấng uyên bác – thành tựu và bất khả phân với Kim Cương Trì vinh quang, Ngài đã đưa ra những cam kết. Theo một trong những đảm bảo này, nơi sinh của Đức Jigdral Yeshe Dorje, vị tái sinh của Ngài, sẽ là ở Go. Đây là vùng gần Rặng Núi Zalmo Gang ở Madza, Dokham.
Cha của Ngài, [vị thần] Lhanyen Tanglha và mẹ của Ngài, Daza Tsewang Men đã đưa Ngài đến với thế gian này bằng tình yêu thương của hai vị. Đó là buổi sáng ngày Mười lăm tháng Mười năm Kim Thân (1800), năm được gọi là Hung Nộ.
Ngay sau khi chào đời, Ngài ngồi trong thế kim cương kiết già, tụng rõ ràng nguyên âm và phụ âm. Ba ngày sau khi Ngài chào đời, lúc bình minh, Dakini Pema Bumde đã ôm Ngài trong tay và đưa đến [Tịnh độ] Khechara. Ở đó, Ngài được nhiều đạo sư và Không Hành Nữ gia trì. Ba ngày trôi qua và lúc bình minh ló dạng, Ngài [lập tức] xuất hiện ở khoang trên của túp lều đen nhỏ và rơi xuống lòng mẹ Ngài.
Khi mới vài tháng tuổi, Ngài đã đứng dậy mà không cần hỗ trợ và nhìn chằm chằm về phía Tây Nam với bàn tay chắp lại; Núi Huy Hoàng Màu Đồng và các vật thiêng khởi lên trong linh kiến của Ngài.
Sau một thời gian, Ngài du hành đến Barzhi Rong. Ngày nọ, Yingchuk Khandro bế Ngài lên và đặt Ngài lên mái nhà. Tôn giả Nyangral [Nyima Ozer (1124-1192)] đã xuất hiện trước Ngài trong một khối cầu vồng và ra lệnh rằng, “Hãy tìm kiếm vị tái sinh của Sangye Lingpa – Dodrub Sonam Choden!”. Chính từ tiên tri này, Ngài đã nhớ lại các đời trước.
Khoảng một tuổi, cậu bé liên tục thốt ra danh hiệu Dodrub. Ngay cả chính Đức Do Drubwang [tức Ngài Dodrubchen Rinpoche] cũng nghĩ về cậu bé và đã đến gặp. Trong cuộc hạnh ngộ này, Đức Yeshe Dorje thấy Ngài Do Drubwang đích thực là Đấng Orgyen vĩ đại.
Lama Do Drubwang hỏi, “Con có biết Ta là ai không?”.
Đáp lại, Ngài Yeshe Dorje thốt lên, “Sonam Choden, dĩ nhiên, con nhận ra Ngài!”. Nhờ nhận ra Đức Dodrubchen [Jigme Trinle Ozer (1745-1821)], Ngài Yeshe Dorje được công nhận chắc chắn là vị tái sinh không sai lầm của Trì Minh Jigdral Lingpa.
Lên hai tuổi, Ngài được cung thỉnh về trụ xứ Tu viện của Đức Dodrubchen ở Shukchen Takgo. Sau khi ở đó một tháng rưỡi, Ngài trở về [Barzhi] Rong.
Năm Thủy Tuất (1802), Đức Dodrubchen du hành đến vùng Derge. Ngài Yeshe Dorje và đoàn tùy tùng đã đến Rudam Lhalung Do. Ở đó, Ngài thấy con đường dẫn đến Lhasa và các nơi ở Samye, Chimphu, trụ xứ Tsering Jong và những nơi khác khởi lên rõ ràng trong tâm.
Sau này, ở Cholung Dong, Đức Yeshe Dorje đã ban quán đỉnh và khẩu truyền Tuyển Tập Trước Tác như đại dương của Đức Dodrubchen [Jigme Trinle Ozer] và Đấng Toàn Tri [Longchenpa] cùng với vị kế thừa [Jigme Lingpa] cho nhiều đạo sư và vị tái sinh của Tu viện Kathok, Tu viện Dzogchen, Tu viện Shechen và các Phật học viện khác. Khi ấy, Ngài thấy hình tướng Guru [Rinpoche] dưới nhiều vỏ bọc khác nhau và nổi bật là, hình tướng của Ekajati, Rahula và Dorje Lekpa đã xuất hiện. Sau đấy, cả chư thiên và con người từ Tsering Jong đã thỉnh mời Ngài về Tsering Jong và [không lâu sau,] Ngài gặp đoàn cung thỉnh gồm các quan chức quý tộc, chẳng hạn các thị giả từ nơi cư ngụ của đạo sư Drikung.
Tại Lhalung Khuk ở Derge, để khơi dậy niềm tin trong tâm của hoàng hậu và hoàng tử Derge, cũng như các đại diện của Tu viện Shechen và Tu viện Dzogchen, đích thân Đức Dodrubchen đã trao cho Ngài Yeshe Dorje một bài kiểm tra để xem liệu Ngài có thể nhận ra những vật dụng của đời trước hay không. Ngài nhận ra mỗi một thứ không sai sót và mọi người trở nên phấn khởi trước sự nhớ lại của Ngài. Đoàn cung nghênh, Đức Yeshe Dorje, em gái của Ngài, cha mẹ Ngài và đoàn tùy tùng đều du hành về trung tâm Tây Tạng.
Đặc biệt, bởi có kết nối thầy-trò trong nhiều đời với Đức Drikungpa, Ngài đã nhận được lễ tấn phong hoành tráng tại Yangri Gang. Ở Lhatse Phodrang, Rahula xuất hiện trước Ngài, thị hiện thân tướng. Theo những lời hứa từ đời trước, Ngài được khuyến khích học tập tại Tsang Tekchok Ling. Tuy nhiên, bởi sức mạnh của những người khác, điều này không được quan tâm và Ngài đã ở lại Tu viện Drikung Thil, Phodrang Dzongsar và những [cơ sở Drikung] khác.
Khi Zhabdrung Rinpoche dạy những chỉ dẫn về Sáu Du Già Của Naropa, Ngài Yeshe Dorje thấy Tổ Milarepa trên ngai tòa và Ngài đã lắng nghe giáo lý này. Vị Trì Giữ Ngai Tòa Nyi Dzong, Kham đã trao giải thích mở rộng và chi tiết về Hai Giáo Lý Drikung, Ý Định Duy Nhất. Ngài hiểu tất cả như thể có trí nhớ sao chụp và đã giải thích chúng cho những vị khác vào ban đêm.
Lên mười, Ngài đã sống ở đó trong ba năm. Trong thời gian dài, Ngài phụng sự dưới gót sen của vô số vị tôn quý, chẳng hạn Zhabdrung Rinpoche, Gyalse Rinpoche (1793-1826), Tsurpu Gyaltsab (1821-1876), Vị Trì Giữ Ngai Tòa Nyi Dzong, Tsogyal Tulku từ Palri, Longchen Rolpa Tsal và Gyalse từ Zurkhar Tekchok Ling.
Ngài đã thọ quán đỉnh chín muồi và nghiên cứu chỉ dẫn giải thoát của nhiều cách tiếp cận tâm linh được tìm thấy trong Kinh điển, Mật điển, truyền thừa truyền miệng (Kama), truyền thừa kho tàng (Terma), giáo lý linh kiến thanh tịnh (Daknang) và thực hành như được giải thích trong các luận giải kinh văn. Nhờ đó, Ngài đạt đến cấp độ [sự hiểu] cao nhất.
Khi Ngài đi hành hương đến một sơn thất, Đức Liên Hoa Sinh đã xuất hiện và gia trì Ngài trong thiền thất đó. Sau đấy, Ngài đến trụ xứ Tu viện Tsering Jong, hạnh ngộ thái hậu và Đấng Toàn Tri Wonpo [Gyalse Rinpoche] cùng với nhiều đệ tử đã tập hợp về đó. Sau đó, Ngài đến Động Pha Lê, nơi những tia sáng phóng ra từ luân xa tim của tôn tượng nhiếp chính của Guru [Rinpoche] và đã tan hòa vào Ngài.
Một lần nữa, khi Ngài du hành về Kham, cha Ngài – Tanglha xuất hiện trong giấc mơ và khuyến khích Ngài khi nói rằng, “Con trai, đừng nản lòng về việc đi đến Kham. Hãy đến thọ nhận tất cả chỉ dẫn từ vị đạo sư có kết nối nghiệp của con”. Khi Ngài đến nơi được gọi là Darlung Nyak ở Do Me, có những dấu hiệu chào đón từ vị thần địa phương Nyenpo Yutse, chẳng hạn ánh sáng cầu vồng trên trời và âm nhạc. Ở đó, Ngài đoàn tụ với cha trước sự hiện diện của Đức Do Drubwang.
Ngài ở lại đó ba năm, hoàn toàn tràn ngập tâm bằng quán đỉnh chín muồi và chỉ dẫn giải thoát bao la như đại dương. Các giáo lý sâu sắc thông thường và đặc biệt mà Ngài thọ nhận từ đạo sư bao gồm luận giải mở rộng, chi tiết về Kho Tàng Phẩm Tính [Yonten Dzod], Trang Sức Bảo Châu Của Giải Thoát của Tôn giả Gampopa, giáo khoa chỉ dẫn Yeshe Lama [Trí Nguyên Sơ Vô Song], các thực hành về kinh mạch và khí cũng như Mười Bảy Mật Điển [Đại Viên Mãn].
Khi Ngài bước sang tuổi mười sáu, Đức Do Drubwang một lần nữa gửi Ngài đến trung tâm Tây Tạng, bởi Ngài có năm lý do để làm vậy. Trong lúc đi thuyền qua vùng núi đá bao quanh của Sông Drichu, Drupai Wangchuk từ Ranyak đã nhắm súng chứa đầy đạn đồng vào tim Ngài Yeshe Dorje – hắn đã bắn! Ngài không những chẳng bị làm hại, mà một sự chứng ngộ phi phàm còn khởi lên trong Ngài. Các chướng ngại tan biến, và [những dấu hiệu xuất hiện], chẳng hạn thân của Mã Đầu (Hayagriva) khởi lên trong đá. Ngài cũng nhận được sức mạnh làm chủ mạng sống, hoàn thành lý do đầu tiên trong năm lý do. Cuối cùng, Ngài đến được Tu viện Drikung Thil.
Sau đó, Ngài đến Samye và cúng dường trăm nghìn Mandala trước [tôn tượng] Đấng Đại Giác. Kết quả là, Không Hành Nữ trí nguyên sơ thực sự xuất hiện và dẫn Ngài đến [tôn tượng] Tỳ Lô Giá Na trong phòng cao nhất. Đức Tỳ Lô Giá Na, trở nên sống dậy, đã ban cho Ngài bảy cuộn pha lê và những vật khác mà nhờ đó, Ngài thọ quán đỉnh cùng với tiên tri, hoàn thành lý do thứ hai trong năm lý do.
Ngài Yeshe Dorje đã thực hành [giai đoạn] tiếp cận và thành tựu cho thực hành Đạo Sư tại động bí mật phía trên của Đức Bà Tsogyal ở Chimphu. Vì lý do này, Ngài có những linh kiến về các thân khác nhau của Đạo Sư khi ánh sáng từ tim của chư vị tràn ngập toàn bộ chốn cư ngụ linh thiêng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn ở đây là lúc bình minh sau bảy ngày, Ngài du hành đến [Cõi] Hỷ Tích nhờ sức mạnh của sự hóa hiện và đạt được những thành tựu sâu sắc và mở rộng, hoàn thành lý do thứ ba trong năm lý do.
Trong ba ngày tại Samye Kardzo Ling, Ngài sống tại gốc của cây sinh lực của Pehar, rồi ba ngày bên mặt nạ [của vị bảo vệ] và một ngày tại cửa Dzamling Sokdu. Sáng hôm sau, Hộ Pháp xuất hiện, mở cửa và mời Ngài vào trong. Ngay khi bước vào, cửa đóng sầm lại và vô số khiêu khích không ngừng từ chư thiên và ma xuất hiện; Ngài đã áp đảo chúng bằng cái nhìn uy nghiêm. Sáng hôm sau, khi tất cả những hiển bày diệu kỳ đầy thách thức này chấm dứt, Hộ Pháp một lần nữa mở cửa và hộ tống Ngài ra ngoài bằng hương và âm nhạc. Hộ Pháp trao cho Ngài đá-linh hồn được đặt trong lụa và thề sẽ phục vụ, hoàn thành lý do thứ tư trong năm lý do lớn.
Sau đó, Ngài đến Động Pha Lê. Tôn tượng nhiếp chính [của Guru Rinpoche] mở mắt và mỉm cười. Đêm đó, Đức Chetsun vĩ đại và Namkha Jigme Trulshik Wangdrak Gyatso đã xuất hiện và ban chỉ dẫn truyền miệng.
Bởi [đã đi hành hương và] tạo kết nối tại Tu viện Chakzam Chuwori, Ngài có linh kiến về Tôn giả Thangtong Gyalpo (1361-1485), vị trao cho Ngài những mệnh lệnh tiên tri. Sáng hôm sau, Ngài rút ra một kho tàng, đó là tôn tượng nhiếp chính màu vàng đỏ của Đạo Sư – giải thoát nhờ nhìn ngắm, hoàn thành lý do cuối cùng trong năm lý do.
Sau đó, Ngài trở về Tu viện Drikung Thil; tại đây, Ngài thọ nhận giáo lý từ Gyalse Rinpoche, [con trai] của Đức Jigme Lingpa, chẳng hạn quán đỉnh Tập Hội Kinh từ truyền thừa của Đấng Toàn Tri đời trước [tức Đức Jigme Lingpa]. Ngài trở về Kham lần nữa và trên đường, Ngài thực sự thấy Lhanyen Tanglha [cha của Ngài] cùng với tổ tiên, vợ và con cái của Tanglha.
Bước sang tuổi mười bảy, Ngài trở về đỉnh lễ Đức Do Drubwang, vị ban cho Ngài chỉ dẫn về kinh mạch và khí, toàn bộ luận giải về Mật điển Guhyagarbha từ truyền thừa của Đấng Toàn Tri đời trước, cùng với khẩu truyền hỗ trợ và những giao phó.
Theo mệnh lệnh của Đức Dodrub, tại Tu viện Kathok, Ngài phục vụ dưới chân vô số đấng vĩ đại của Kham, bao gồm đấng vĩ đại của chư vị truyền bá Ngũ Minh, Getse Mahapandita [Gyurme Tsewang Chokdrub (1761-1829)], chúa tể của chư thành tựu – Đức Zhingkyong và Gyarong Namkha Tsewang. Ngài đã nghiên cứu, quán chiếu và thiền định về vô vàn hệ thống giáo lý của Kinh và Mật, nhờ đó, hoàn thiện kỹ năng trí tuệ. Ngài cũng thọ nhận các Mật điển Nyingma từ Kilung Lama Jigme Ngotsar. Chính khi ấy, Ngài hoàn toàn lĩnh hội luận giải Mật thừa của Tôn giả Vô Cấu Hữu về sự xuất hiện của tịnh quang.
Sau đó, khi Ngài du hành đến Thượng Ma, lãnh tụ của mười ba vị thần của các đỉnh [núi], Độ Mẫu Bạc Trắng đã dâng lên lời mời. Khi thời điểm duyên khởi cát tường xuất hiện, pho giáo lý của Đức Liên Hoa Vương xuất hiện trước Ngài trong một linh kiến thanh tịnh. Trong sự phát lộ, Ngài thấy Đấng Tôn Quý Gesar đội chiếc mũ đặc biệt của nhà thơ và hát bài ca oai nghiêm áp đảo tám bộ.
Vào ngày Mười tháng Năm năm Thổ Mão (1819), Ngài bắt đầu mặc y phục trắng và tết tóc lại. Bất cứ thứ gì Ngài sở hữu – những vật dụng cho khu trại, những món cúng dường, một con ngựa, một con la, y phục và đồ ăn – Ngài đều cúng dường hết lên Drikung Lama, hiển bày sự xả ly mọi thứ.
Đêm đó, trong trạng thái chói ngời, vua của giáo lý, Tôn giả Longchenpa, đã trao cho Ngài giáo lý chỉ dẫn về [pho thực hành] Yangtik vĩ đại và Ngài đã hòa nhập những chỉ dẫn này.
Hơn nữa, vô số chư Tôn đặc biệt và Không Hành Nữ trí tuệ nguyên sơ đã chăm sóc Ngài. Nhờ đó, Ngài hoàn toàn hoàn thiện các phẩm tính của kiến thức, tình thương và năng lực và có thể làm chủ bốn hoạt động giác ngộ. Ngài tỏ lòng kính trọng đến chư vị xuất sắc từ các trường phái khác nhau, đặc biệt là tâm tử thù thắng của Trì Minh Jigdral Lingpa – Đức Jigme Trinle Ozer [tức Dodrubchen Rinpoche], người cũng được biết đến là vị trông giữ giáo lý Changchub Dorje và chúa tể của gia đình.
Ngài tỉ mỉ đổ đầy tâm như bình xuất sắc bằng truyền thừa giảng giải của Đại Viên Mãn – tinh túy tự nhiên từ giáo lý của chư Thắng giả ba thời – và cam lồ của toàn bộ chỉ dẫn cốt tủy từ dòng truyền miệng. Gia trì lớn của tâm trí tuệ thâm nhập vào Ngài và Ngài đạt được trạng thái thành tựu cao, trở nên chứng ngộ và giải thoát đồng thời. Sau đó, Đức Dodrubchen đã ban dấu ấn giao phó, tụng những lời cầu nguyện và ban tiên tri.
Ngài đã đến chiêm bái Đấng Đại Bi ở Trokyab, Gyalrong; tại đó, tôn tượng thốt ra Chân ngôn Sáu âm ba lần. Ngài phát những lời nguyện và lời cầu khẩn. Mọi người nghe nói rằng Ngài đã nhận được sự giúp đỡ nhờ dâng những lời cầu nguyện này.
Sau đó, Ngài du hành theo hướng Bắc về Núi Amye Mu ở Linggya; tại đây, Ngài khai mở cánh cửa của thánh địa, nơi chứa đựng nghìn vị Phật tự sinh.
Khi ở vùng lân cận Đồng Bằng Jamo ở Rebkong, Ngài bị đậu mùa và đã lang thang mọi Tịnh độ trong trạng thái tịnh quang. Sau đấy, Ngài đến Núi Huy Hoàng Màu Đồng, nơi Ngài thọ nhận toàn bộ bốn quán đỉnh từ Guru Rinpoche. Ngài đã đem đến vô số lợi lạc cho hữu tình chúng sinh, chẳng hạn tiêu diệt thiên và ma xấu xa.
Vào ngày Mười ba tháng Thần Thông năm Kim Tỵ (1821), Lama Dodrubchen ban toàn bộ di chúc cuối cùng. Sau đó, Ngài Yeshe Dorje du hành đến tám thánh địa của chư thành tựu ở Rebkong. Tại Jang Yama Tashi Khyil, Ngài dạy các thực hành sơ khởi Tâm Yếu Cõi Bao La cho một nhóm khoảng năm mươi người. Kế đó, Ngài lưu lại một thời gian tại ẩn thất mới thành lập ở Linggya. Ở đó, Ngài ban quán đỉnh và khẩu truyền cho các giáo lý, chẳng hạn Tâm Yếu Cõi Bao La (Longchen Nyingtik) và Tám Mệnh Lệnh (Kagye), cùng với lời khuyên chỉ dẫn cá nhân và phù hợp cũng như sự giới thiệu trực tiếp [về bản tính của tâm] cho chư Tăng và hành giả Mật thừa trong vùng. Hàng trăm hành giả Mật thừa đã hộ tống Ngài đến Golok, Yarlung Pemako, Derge, Rudam và Dzato. Họ được chăm sóc nhờ kết nối từ việc thấy, nghe, nhớ và tiếp xúc với Ngài. Bởi Đức Yeshe Dorje đã thoát khỏi hình tướng và nhận thức tinh thần, Ngài tiến hành hành vi như của [thợ săn vĩ đại] Shavaripa vinh quang nhờ thị hiện vô số điều diệu kỳ, chẳng hạn giết động vật rồi hồi sinh chúng, khiến các đệ tử chẳng còn lựa chọn nào ngoài việc trở nên tin tưởng. Trước [tôn tượng] Đấng Đại Bi ở Trokyab, Ngài thực hành Tự Nhiên Giải Thoát Khổ Đau (Dukngal Rangdrol) và kết quả là, tôn tượng cười và cam lồ sôi.
Ở bốn vùng của Golok, Ngài ban chỉ dẫn cho thực hành sơ khởi của kinh mạch và khí cho một nhóm khoảng trăm người, bao gồm Pema Senge, và các dấu hiệu về hơi ấm đã hiển bày.
Theo tiên tri từ chư Không Hành Nữ, năm Thủy Mùi (1823), Ngài khai mở cánh cửa duyên khởi cát tường. Ở những nơi xa xôi mà dễ chịu, Ngài cử hành tiệc Mật thừa khiến các dấu hiệu tốt lành đều hiển bày trước tất cả. Chúng bao gồm việc tất cả những lãnh đạo của đoàn tùy tùng trải qua sự ló rạng của chân như thật diệu kỳ, ánh cầu vồng cuộn xoáy xuất hiện quanh Mandala, và người ta không ngủ bởi thân họ trụ trong trạng thái tự tại. Bởi Ngài đã hoàn thiện các duyên khởi cát tường, chư Không Hành Nữ tấn phong Ngài bằng danh hiệu Chúa Tể Chư Thành Tựu Giả.
Một lần nữa, Ngài du hành đến Dzirka, Golok, Thượng và Hạ Tsang, cũng như Yukhok, bởi đã đến lúc dạy các đệ tử. Nhờ kết nối với những vị thượng và hạ căn, Ngài khiến các tập hội trở nên ý nghĩa hơn. Ngài ban chỉ dẫn chín muồi của Tâm Yếu Cõi Bao La cho những vị thượng căn, đứng đầu là Sengtsang Lama Tengye. Sau đấy, Ngài lưu lại Ẩn thất Drongdzong ở Trokyab một thời gian. Một lần nữa, Ngài du hành đến Derge, Tu viện Dzogchen, [Học viện] Shri Singha, Tu viện Shechen và Chaktsa.
Ngài thiết lập kết nối Pháp và khai thị về tri kiến cho những kẻ may mắn, chẳng hạn những đệ tử trực tiếp của Đấng Toàn Tri [Jigme Lingpa]. Tiếp đó, Ngài hạnh ngộ Đức Jigme Gyalwe Nyugu (1765-1842) và Getrul Rinpoche khi hai vị đến Dza Darthang. Chư vị trao cho nhau các quán đỉnh và v.v. khiến cho tâm giác ngộ chư vị hòa làm một. Nhờ tham gia vào thực hành tiếp cận và thành tựu ở các nơi, chẳng hạn thánh địa Pema Bum, Ngài đã giải phóng mọi chướng ngại về thân của Ngài.
Đức Yeshe Dorje đã chăm sóc hầu hết con người và phi nhân ở mười tám vương quốc của Gyalrong. Ngài cũng chăm sóc Rebkong, Golok và Minyak Rabgang, cũng như vua của Somang và [Vua] Trokyab Miwang Tsewang Namkha. Ngài chấp nhận họ làm đệ tử, trao cho họ quán đỉnh, chỉ dẫn và lời khuyên.
Vô số người đã lập tức giải thoát nhờ những hành động bi mẫn hỗ trợ của Ngài, chẳng hạn thấy khuôn mặt Ngài, nghe giọng của Ngài, được tay Ngài chạm vào và thậm chí là bị Ngài rầy la hay trách mắng. Ngài thành tựu lợi lạc chẳng thể nghĩ bàn cho chúng sinh nhờ những hành động như thiết lập ngay cả kẻ ngỗ ngược trong giáo lý bằng các sức mạnh diệu kỳ khác nhau, trói thiên và ma xấu xa bởi lời thề. Năm Hỏa Dần (1866) của chu kỳ sáu mươi năm thứ mười bốn, Ngài đã viên tịch giữa vô vàn điềm tuyệt diệu chẳng hạn âm thanh và ánh sáng.
Em gái của Đức Do Khyentse Yeshe Dorje là Bà Losel Drolma (1802-1861). Cha của Bà là Chokhor Sonam Pen còn mẹ của Bà là Tsewang Men. Bà sinh vào ngày Mười tháng Kết Quả (tức tháng Chín) năm Thủy Tuất (1802) của chu kỳ sáu mươi năm thứ mười ba. Sáng sớm hôm Bà chào đời, âm thanh lớn Chân ngôn Mười âm [của Độ Mẫu] được nghe thấy rõ ràng và nhiều dấu hiệu tuyệt vời đã hiển bày, chẳng hạn ánh sáng xanh lá bao trùm cả ngôi nhà.
Nhờ nương tựa Bổn Sư Do Drubwang và các giáo lý cũng như lời khuyên của vị này, dòng tâm Bà được giải thoát. Nổi bật nhất, Bà thọ toàn bộ chỉ dẫn về Yangsang Tuktik [Tinh Túy Tâm Cực Mật] từ Đức Yeshe Dorje. Bà đạt được thành tựu nhờ tham gia vào những thực hành này và đã thấy diện mạo của Không Hành Nữ trí tuệ nguyên sơ và vô số chư Bổn tôn. Chư Hộ Pháp và tập hội những kẻ kiêu ngạo vâng lời phục vụ. Bà trở nên nổi tiếng là hóa hiện của Độ Mẫu Tara và Kim Cương Hợi Mẫu.
Bà thường xuất hiện là đang ngồi kiết già trong không trung và nhờ tụng Phat, Bà di chuyển đến nơi khác rồi sau đó, tái xuất hiện trong thân thể. Bà đã làm chủ những sức mạnh diệu kỳ như thế. Bà là vị trì giữ các kho tàng và vị trông giữ giáo lý Tinh Túy Tâm. Bà viên tịch ở tuổi năm mươi chín.
Con gái tôn quý của Đấng Quy Y Thù Thắng Yeshe Dorje là Bà Khaying Drolma (1823-1854), sinh vào năm Thủy Mùi (1823) thuộc chu kỳ sáu mươi năm thứ mười bốn. Bà đã thọ giáo lý và chỉ dẫn từ cha; nhờ đó, một sự chứng ngộ đặc biệt phát triển trong Bà. Bà kết hôn với Vua Trokyab – Tsewang Namkha, trở thành hoàng hậu của vị này. Bà qua đời ở tuổi ba mươi hai bởi [căn bệnh] do đồ ăn kém gây ra. Thân thể Bà thu nhỏ lại còn khoảng bốn mươi lăm xen-ti-mét và trong lễ trà tỳ, nhiều ánh sáng cầu vồng xuất hiện và những xá lợi nhỏ như ngọc được tìm thấy.
Con trai tôn quý Sherab Mebar (1829-1842) là hóa hiện bi mẫn của Đức Do Drubwang và cũng được gia trì bởi Đức Văn Thù. Từ khi còn nhỏ, Ngài đã biết cách đọc và viết, cũng như những điều khác, mà không cần học. Ngài tự nhiên sở hữu lòng từ, bi và Bồ đề tâm, hiểu mọi hiện tượng nhờ những ám chỉ đơn thuần từ chư đạo sư.
Đôi lúc, Đức Văn Thù và vị phối ngẫu thị hiện trước Ngài. Ngài Sherab Mebar đặt một hạt lúa mạch dưới lưỡi và sau một thời gian, một mầm dài mọc lên với A Ra Pa Ca (Chân ngôn của Đức Văn Thù) xuất hiện rõ ràng ở cuống. Một vài kẻ may mắn thấy những ngọn lửa từ thanh kiếm vàng rực rỡ [của Đức Văn Thù] nhưng không thể thấy thân [của Đức Văn Thù].
Với những điều lạ thường như vậy, ngoài một thệ nguyện (Samaya) bị ô nhiễm, Ngài đã chào đời vào năm Thổ Sửu (1829) nhưng qua đời vào năm Thủy Dần (1842). Thân Ngài thu nhỏ lại chỉ còn khoảng bốn mươi lăm xen-ti-mét.
Ngài Gyalse Rigpai Raltri sinh năm Kim Dần (1830) của chu kỳ sáu mươi năm thứ mười bốn. Ngài là vị tái sinh của Jigme Nyinje Wangpo – con trai của Đức Jigme Lingpa. Lúc chào đời, một thanh kiếm vàng ánh đỏ, kích cỡ khoảng bốn mươi lăm xen-ti-mét, rơi vào tay Đấng Quy Y Yeshe Dorje, vị đã đặt tên Ngài theo điều đó.
Ngài đã thân cận nhiều vị vĩ đại – xuất sắc, chẳng Cha Tôn Quý Yeshe Dorje, Dzogchen Khenpo Pema Vajra (1807-1884), Patrul Rinpoche (1808-1887) và Dzogchen Tulku thứ Tư – [Mingyur Namkhai Dorje (1793-1870)]. Ngài thọ các giáo lý nói chung của Kinh điển và Mật điển, cũng như giáo lý truyền miệng, kho tàng và linh kiến thanh tịnh [tức Kama, Terma và Daknang]. Nổi bật hơn cả, Ngài thọ toàn bộ quán đỉnh, chỉ dẫn, khẩu truyền, giáo lý hỗ trợ và sự giao phó cho Tinh Túy Tâm Cực Mật, kho tàng tâm trí tuệ của vị trì giữ kim cương vĩ đại – Cha Tôn Quý Do Khyentse Yeshe Dorje.
Nhờ thực hành chúng nhất tâm, Ngài chứng ngộ, không chút mê lầm, ý nghĩa cốt yếu. Ngài không chấp nhận một nhóm nhiều Lama hay đệ tử mà sống theo lối ẩn mật. Tuy nhiên, Ngài đã chấp nhận vài vị có căn cơ cao và sở hữu nghiệp tiền định.
Vào ngày Mười lăm tháng Chiến thắng, khi Ngài sáu mươi sáu tuổi, người ta kể rằng Đức Vairocana đã xuất hiện khi Ngài an nhiên viên tịch giữa những âm thanh và ánh sáng. Đến khi được trà tỳ, thân Ngài đã thu nhỏ chỉ còn khoảng bốn mươi lăm xen-ti-mét. Khi ấy, vài dấu hiệu tuyệt diệu xuất hiện – ba cấp độ tồn tại [bầu trời, mặt đất và dưới mặt đất] đều đầy những hình ảnh như hình nút bất tận, hình con rồng rực rỡ nhiều màu từ mây trắng và cầu vồng cuộn lên trên, ánh sáng mang hình dạng các chấu, những tia sáng, khối sáng và ánh sáng hình vuông. Những bông hoa đỗ quyên cũng nở đồng thời.
Cọn trai của Đức Rigpai Raltri và Ragza Rigje Wangmo là Ngài Khamsum Zilnon Gyepa Dorje (1890-1939). Ngài sinh vào ngày Bốn tháng Saga năm Kim Dần (1890) của chu kỳ sáu mươi năm thứ mười lăm. Tiên tri của Drubwang Do Khyentse tiên đoán rằng:
“Những tia sáng sẽ phóng ra từ đầu thanh kiếm của phương tiện thiện xảo [và thâm nhập] vào hang vàng của rắn đất uyên bác, sinh ra vị sẽ đè cổ tám mươi con hổ”.
Đúng theo tiên tri này, ngay sau khi chào đời, Rudam Gemang Tulku – Tubwang Tenpe Nyima (1857?-1925) đã công nhận Ngài là vị tái sinh của Do Rinpoche Drime Drakpa (1846-1886), dâng những lời cầu nguyện trường thọ và trao cho Ngài danh hiệu.
Lên năm tuổi, Ngài học đọc và viết đơn giản bằng vài cử chỉ từ thầy giáo thọ. Ngài thọ nhận toàn bộ quán đỉnh, khẩu truyền, chỉ dẫn, giao phó và lời nguyện của pho giáo lý Tinh Túy Tâm của cha Ngài và được tấn phong là một vị nhiếp chính. Lên chín, Ngài du hành đến Tu viện Dodrub. Ngài thân cận Đức Dodrub Tenpe Nyima [tức Dodrubchen Rinpoche thứ Ba], Dzogchen Rinpoche thứ Năm – [Tubten Chokyi Dorje (1872-1935), Ju Mipham Rinpoche (1846-1912), Minyak Tsokshul Norbu Tendzin, Khenchen Ratnakirti và Ngài Gemang thứ Hai – Tenpe Nyima.
Ngài đã thọ nhận và rèn luyện trong nhiều hệ thống giáo lý trong thừa của các đặc tính, chẳng hạn những bản văn của Trung Đạo (Madhyamaka), Bát Nhã Ba La Mật (Prajnaparamita), Luật Tạng (Vinaya) và A Tỳ Đạt Ma Câu Xá. Ngài cũng rèn luyện trong Chân ngôn [thừa] về giáo lý truyền miệng, kho tàng và linh kiến thanh tịnh, chẳng hạn Mười Bảy Mật Điển Dzogchen và Bảy Kho Tàng. Nhờ đó, Ngài sở hữu những kỹ năng của kiến thức thù thắng. Ngài cũng thọ nhận các pho đặc biệt từ truyền thừa nhĩ truyền của Dzogchen từ Đức [Adzom] Drukpa Drodul Pawo Dorje (1842-1924).
Đức Drubchok Shechenpa – Kugo Tenpa Gyaltsen đã bất ngờ giới thiệu cho Ngài [bản tính của] tâm, dùng ví dụ, ý nghĩa và biểu tượng. Nhờ tham gia vào thực hành Đạo Sư Phẫn Nộ Tràng Sao Băng Bừng Cháy [Gudrak Namchak Metreng]. Sau đó, Ngài trói Chandali, vị bảo vệ của Tinh Túy Tâm Cực Mật, làm đầy tớ.
Kế đó, Đức Văn Thù hóa hiện thành một người mặc đồ trắng và giao phó các Pháp khí, một mũi tên và đàn luýt Piwam. Nhưng đặc biệt, thân trí tuệ của Tôn giả Do Khyentse Yeshe Dorje đã chăm sóc và trút mưa gia trì tâm trí tuệ cho Ngài. Nhờ đó, mọi xuất hiện – tồn tại hiển bày thành biểu tượng và bản văn; Ngài chứng ngộ các kinh văn như là lời khuyên chỉ dẫn. Mọi điều Ngài làm trong đời tự nhiên thành tựu lợi lạc cho chúng sinh khác.
Cho đến hết năm mười tám tuổi, Ngài chăm sóc các đệ tử ở mười tám vương quốc của Gyalrong và vùng đất Đông Minyak. Hai mươi tuổi, Ngài du hành về phía Bắc và ở Dranak Khasum, Thượng và Hạ Golok, Rongpo ở Rebkong, Thượng và Hạ Trokho, chăm sóc đa số tu sĩ và cư sĩ với các căn cơ khác nhau, thiết lập họ trên [con đường của] quán đỉnh chín muồi và chỉ dẫn giải thoát. Sau đó, Ngài xây dựng Tu viện Tri Dargye Jamchen Chokhor Ling ở Mekhok.
Ngài viên tịch ở tuổi năm mươi vào ngày Mười ba tháng Hai. Khi thân Ngài được trà tỳ, bầu trời tràn ngập mây cầu vồng và thân Ngài sinh ra vô số xá lợi nhỏ như ngọc.
Bà Tsedzin Wangmo (1894–1953), có cùng cha và mẹ với Đức Khamsum Zilnon Gyepa Dorje, sinh năm Mộc Ngọ (1894) của chu kỳ sáu mươi năm thứ mười lăm. Bà đã học đọc và viết từ Osel Nyima, thầy giáo thọ của Do Rinpoche. Bà học y học từ Troru Jampel, đệ tử của Đức Ju Mipham. Bà thọ nhận được các bài giảng về thi ca và ngữ pháp từ Adzom Drukpa Rinpoche và các pho giáo lý về chỉ dẫn thực tiễn “đỏ” [Martri] từ truyền thừa nhĩ truyền của cha và con [tức Tôn giả Longchenpa và Jigme Lingpa]. Bà vô cùng hào phóng, liên tục bố thí cho những người ăn xin. Đáng chú ý, vì tình thương, Bà trao cho kẻ túng thiếu bất cứ loại thuốc nào mà họ muốn trong khi không nhận lại tiền. Dân chúng gần xa đều kính trọng Bà như mẹ. Bà qua đời vào ngày Hai mươi lăm năm Thủy Tỵ (1953) của chu kỳ sáu mươi năm thứ mười sáu. Hơi ấm từ thân Bà không giảm trong bảy ngày và khi thân Bà được trà tỳ, bầu trời trở nên hoàn toàn quang đãng. Thân Bà để lại năm kiểu xá lợi lớn như ngọc.
Ngài Gyalse Rigpai Raltri và [Sonam Wangmo,] hoàng hậu của [Tsegon Rigdzin] Vua Somang có một người con trai, vị lại là tái sinh của Bà Khaying Drolma, con gái [của Tôn giả Do Khyentse Yeshe Dorje]. Somang Choktrul (1855-khoảng 1935) sinh năm Mộc Mão (1855) của chu kỳ sáu mươi năm thứ mười bốn. Ngài trị vì sau khi đức vua qua đời và đã xua tan bệnh tật, nạn đói và xung đột trong vùng Trochu. Sức mạnh của các thượng thư, dân chúng và quyền lực chính trị tăng trưởng lớn lao. Ngài thân cận chư đạo sư, chẳng hạn Cha Tôn Quý Rigpai Raltri và Do Rinpoche Drime Drakpa. Ngài nổi tiếng là một học giả về các lĩnh vực kiến thức, và con trai Ngài tên là Trungsar, vị không có bất kỳ hậu duệ nào.
Tại Do Gar, Do Rinpoche Khamsum Zilnon Gyepa Dorje đã xuất gia và truyền thừa gia đình bị gián đoạn. [Trước đó,] khi Tôn giả Do Khyentse sắp về các cõi Tịnh, Do Rinpoche Drime Drakpa, Abu Tulku và các vị kế thừa khác hỏi Ngài, “Vị hóa hiện [của Ngài] sẽ ở đâu?”. Tôn giả Do Khyentse đáp rằng, “Nhiều hóa hiện của Ta sẽ xuất hiện, nhưng các con sẽ không tìm thấy bằng cách tìm kiếm. Chư vị sẽ trở lại bởi chư vị biết nhà của mình”. Chư Tăng và chư đạo sư của Tu viện Kyilung đến và hỏi lại Ngài. Ngài đã trả lời đúng như trước và họ trở về Tu viện của mình.
Sau đó, ở Gartok, em trai của Do Rinpoche Gyepa Dorje, hai vị do cùng mẹ sinh ra, được công nhận là hóa hiện Rangjung Dorje. Ngài sinh năm Thổ Thân (1908) của chu kỳ sáu mươi năm thứ mười lăm. Do Rinpoche dạy Ngài đọc và từ Drok Khen và Khen O của Tu viện Palyul Darthang, Ngài học thi pháp và hầu hết các truyền thống kinh văn của chư học giả Ấn Độ và Tây Tạng, chẳng hạn Nhập Bồ Tát Hạnh, Kho Tàng Phẩm Tính Quý Báu và Kho Tàng Như Ý. Mặc dù vốn đã thông minh, Ngài luôn khiêm nhường và chẳng nuôi dưỡng sự tự phụ nào.
Ngài thọ nhiều giáo lý sâu xa về Mật điển, chỉ dẫn cốt tủy và khẩu truyền từ nhiều vị vĩ đại, chẳng hạn Đức Adzom Drukpa, [Adzom] Gyalse Gyurme Dorje (vị sinh năm 1895), vị trụ trì Dzogchen và bậc trì giữ kim cương nổi tiếng – Ngài Tubten cũng như nhiều đạo sư và hóa hiện khác của Tu viện Dzogchen. Ngài đặc biệt thọ quán đỉnh, khẩu truyền và chỉ dẫn cho Tâm Yếu (Nyingtik) và Tinh Túy Tâm (Tuktik) từ anh trai. Sự chứng ngộ hiển bày trong Ngài nhờ bí mật tham gia vào các thực hành này.
Ngài đã đến Tsering Jong, trụ xứ của Đấng Toàn Tri [Jigme Lingpa]; tại đó, Ngài ban các quán đỉnh và khẩu truyền cho Lời Vàng Của Thầy Tôi cũng như hai phần của Tâm Yếu cho đệ tử vùng đó. Ngoài ra, Ngài không bao giờ ban quán đỉnh hay tương tự cho bất kỳ ai khác. Ngài viên tịch vào ngày Hai mươi hai tháng Hai khi mới ba mươi chín tuổi; thân Ngài thu nhỏ lại còn khoảng bốn mươi lăm xen-ti-mét.
Sau khi hứa khả tại Tu viện Kyilung, Ngài [Do Khyentse] đã trở lại như là hóa hiện của chúa tể chư thành tựu giả vĩ đại, Amdo Zenkar và thiết lập mọi chúng sinh với mọi căn cơ ở vùng đó vào con đường giải thoát. Ngài nhớ về đời trước, bao gồm cả cách mà Ngài xây dựng Tu viện. Ngài cũng ban nhiều giáo lý [trong suốt cuộc đời]. Ngài đã an nhiên viên tịch, sau khi sống một cuộc đời viên mãn.
Vị tái sinh của Ngài là [Alak Zenkar] Tubten Lungrik Mawai Nyima. Ngài sinh năm Thủy Mùi (1943) với cha là ông Nyima Ozer và mẹ là bà Rinchen Lhamo từ Gyalrong. Ngài học đọc đơn giản nhờ vài cử chỉ từ thầy giáo thọ Palri Orgyen.
Mười hai tuổi, Ngài đến Tu viện Rudam Dzogchen. Ngài thọ nhận và lĩnh hội giáo lý từ Đức Dzogtrul [Jigdral Jangchub Dorje (1935-1959)], Khenpo Tubnyen (1883-1959), Jamyang Khyentse Tulku – Jamyang Gawai Lodro (1893-1959) [tức Ngài Jamyang Khyentse Chokyi Lodro] và thầy giáo thọ Khen. Bên cạnh đó, Ngài học hỏi thơ ca từ Khenpo Ngak Nor và Nhập Bồ Tát Hạnh từ Khenpo Pema Tsewang (1902-1959). Chư vị chỉ cần đơn giản dạy Ngài bằng cử chỉ, [bởi Ngài vốn đã hiểu].
Ngài đã phụng sự dưới chân nhiều vị xuất sắc tại Tu viện Dodrub, chẳng hạn hai hóa hiện thù thắng của Đức Do Drubwang, [phát triển] khả năng kiến thức bao quát về Kinh điển, Chân ngôn và các lĩnh vực kiến thức khác. Hiện nay, Ngài là trang sức vương miện của chư học giả ở Xứ Tuyết. Nhiều quốc gia trong cũng như ngoài [Tây Tạng] đã thỉnh mời và kính lễ Ngài, bởi Ngài là cội nguồn cho sự tôn kính. Ngài sống vì vinh quang của giáo lý và chúng sinh. Ngài đã đảm bảo điều này.
Vài kẻ chí thành tuyên bố rằng Tiểu Sử Truyền Thừa Gia Đình Do cần được biên soạn. Dasel Wangmo, hậu duệ còn sống của gia đình Do, đã viết bản văn giới thiệu đơn thuần này theo thỉnh cầu của họ. Nguyện thiện lành tràn khắp. Nguyện cát tường! Mangalam!
Nguồn Anh ngữ: https://www.tibshelf.org/tibetan-translations/abridged-biographies-the-lineage-of-the-do-family.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.