PHẦN 1
HƯ VÔ CHỦ NGHĨA.
Có hôm nghe một trí thức Việt Nam cho rằng, Phật giáo xem cuộc đời sanh đó, tử đó, thật chẳng có ý nghĩa gì. Mọi sự mọi vật trên thế gian trong cái nhìn của đạo Phật, đều là huyển, ảo.
Tại đây, vị trí thức này nhận định không sai.
Nhưng ông lại đọc một đoạn kinh Bát Nhã sắc tức thị không, không tức thị sắc, rồi nói tiếp, Phật giáo chủ trương phó mặc tất cả: gia đình, xã hội, tổ quốc...tất cả đều là không, là hư vô, nên suốt đời tu sĩ Phật giáo hô hào gõ mõ tụng kinh, phó mặc cuộc đời !
Ở đây thì ông đã không hiểu sắc và không của đạo Phật là gì cả, và ông đã mớm ý muốn nói rằng, đạo Phật dẫn con người đến hư vô thuyết theo đoạn kiến.
Linh mục Giuse Ngô Quang Kiệt cũng từng phê bình đạo Phật là sắc sắc không không, sao bằng giáo lý sống vĩnh hằng của Kitô giáo trong một youtube truyền giáo.
Tôi dám chắc khi đưa ra nhận định như trên, cả hai tín đồ của Chúa Giêsu vừa kể chẳng ai hiểu tường tận thế nào là sắc không, và cũng chẳng ai biết rành về hư vô thuyết.
Kinh Bát Nhã nói sắc tức thị không, là nói về tính không của các pháp. Tính không ấy vốn là thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. 是諸法空相,不生,不滅,不垢,不淨,不增,不減 - Śariputra sarvā dharmāḥ śūnyatā lakṣaṇā, anutpannā, aniruddhā, amalā, avimalā anūnā, aparipūrṇāḥ.
Các ông ấy khi đọc kinh Phật, nguyên một tòa nhà to lớn đồ sộ bằng kim cương đặc khối, thay vì chân thành dùng ánh sáng nội tâm rọi vào khối kim cương để tìm hiểu, các ông ấy lại ráng sức cạy đục, nhưng kim cương đặc thì làm sao cạy đục được, cuối cùng các ông ấy phủi ra được chút bụi vốn rất vô minh luôn bao phủ các đền đài, cho rằng đó là giáo pháp nhà Phật, rồi lập tức “phỉ báng”, thêu dệt.
Bát Nhã là kinh tóm lược rất thâm sâu về triết học Tính Không của Phật giáo. Không phải chỉ một câu sắc tức thị không, không tức thị sắc, thì đã tưởng rằng có thể đập nát được đạo Phật.
Gioan Phalồ II, có cùng cung cách ấy, trong cuốn “Crossing the Threshold of Hope” đã cố tình hạ bệ đạo Phật, tự đề cao Thiên Chúa của mình, đồng hóa Phật giáo với hư vô thuyết như sau:
Phật giáo đại để là một hệ thống “vô thần”. Con người không tự giải thoát khỏi cái xấu ác qua cái thiện từ nơi Thiên Chúa; mà chỉ tự giải thoát qua sự cất bỏ ràng buộc với thế giới xấu xa. Sự vô chấp rốt ráo đó không phải là sự hiệp thông với Thiên Chúa, mà gọi là Niết Bàn, một trạng thái thờ ơ toàn hảo đối với thế giới. Tự cứu có nghĩa là, trên hết, tự giải thoát khỏi sự xấu ác bằng cách trở thành thờ ơ với thế giới, nguồn gốc của sự xấu ác. Đây là tột điểm của quá trình tu tập tinh thần” - TCN dịch. (Buddhism is in large measure an “atheistic” system. We do not free ourselves from evil through the good which comes from God; we liberate ourselves only through detachment from the world, which is bad. The fullness of such a detachment is not union with God, but what is called Nirvana, a state of perfect indifference with regard to the world. To save oneself means, above all, to free oneself from evil by becoming indifferent to the world which is the source of evil. This is the culmination of the spiritual process).
Ba nhận xét trên đại diện cho ba trình độ “trí thức” Công giáo khác biệt, thù đồ nhưng rất đồng quy. Người đầu tiên là một kỹ sư gốc Việt khá danh tiếng, thủ lãnh một tập thể chính trị đấu tranh bất bạo động chống cộng sản sống tại Pháp, người thứ hai là một tổng giám mục, và cuối cùng là giáo hoàng, hơn nữa, ngài là một giáo hoàng được phong thánh sau khi chết.
Từ lâu, thái độ của đạo Phật vốn là bất đắc tham dự thế sự, thường bị hiểu lầm là tiêu cực, phó mặc.
Phải hiểu thế sự ở đây, là thị phi sự hoặc chính sự. Người tu cần tránh xa chuyện thị phi, bỏ ngoài tai chuyện thế sự. Chuyện thị phi, là chuyện không có lợi cho văn hóa và đạo đức xã hội. Còn chính sự phải hiểu là nhóm lợi ích, chứ không hàm nghĩa phó mặc vận nước. Người tu hành có thể có thái độ chính trị, nhưng phải luôn đứng về phía đại nghĩa và đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, không được tham gia đảng phái, không làm quan, không nắm quyền điều hành, không đứng ở đảng xanh đối lập với đảng đỏ. Đức Phật từng ba lần chặn đường bất bạo động vua Tì Lưu Ly nhằm ngăn cản ông này đi tru diệt dòng họ Thích Ca. Ngài cũng từng đứng ra dàn xếp vụ tranh chấp giành quyền lợi trên một giòng sông giữa hai tộc dân khác biệt. Đạo Phật không chủ trương phó mặc dân tình đất nước.
Nếu Phật giáo thờ ơ tiêu cực cắt đứt tất cả, thì tại sao đạo Phật thuyết về tứ trọng ân mà làm người ai cũng phải báo đáp. Ân lớn đầu tiên là phụ mẫu ân, kế đến là sư trưởng ân, sau đó là ân quốc gia, cuối cùng là ân chúng sanh. Cả bốn đều là trọng ân, Phật giáo không thờ ơ tí nào với cuộc đời như được cố tình bêu xấu. Tôi nói cố tình, là vì nếu là tôi, khi không hiểu, thì tôi lặng im dựa cột mà lĩnh giáo chứ không phán xét. Khi mình không phán xét, thì đúng như Chúa từng nói, mình cũng sẽ không bị phán xét.
Lịch sử Việt Nam từ lập quốc đến nay, cho thấy Phật giáo luôn đồng hành và gắn bó với dân tộc:
Đưa ra vài nét như trên, để thấy rằng, gán những thuộc từ tiêu cực, buông xuôi vào Phật giáo, thật ra chỉ là một ác ý. nhằm làm giảm sút uy tín không thể thay thế của đạo Phật đang có ảnh hưởng mạnh trên thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh Viẹt Nam.
Hư vô chủ nghĩa.
Theo triết học Tây phương, hư vô thuyết hay nihilism, có gốc La Tinh là nihil, nghĩa là không có gì cả. Tiếng Pháp là rien, tiếng Anh là nothing. Một số học giả cho rằng thuyết hư vô chính là thuyết tương đối (relativism) của thời đại mới. Trong hạn định ở đây, chúng ta chỉ thảo luận thuyết này vào thời kỳ hậu Kỷ Nguyên Ánh Sáng (Post-Enlightenment), là thời kỳ mà Âu châu muốn giải phóng nhân loại khỏi chiếc thòng lọng của Thượng Đế trong phạm trù triết học, và cái ách của Giáo Hội La Mã trong phạm trù chính trị xã hội.
Hư vô thuyết chối bỏ mọi giá trị, cho rằng không thể nào định hình được các giá trị, nó tách vỏ các giá trị ra khỏi sự thật, nó tuyên bố sự bất khả thi của việc phân cấp giá trị. Ở vị trí này, nó bao hàm chủ nghĩa vô luân (amoralism) hoặc chủ nghĩa hoài nghi đạo đức.
Phải hiểu rằng giá trị mà triết học nói đến, là giá trị đạo đức, hay tinh thần Âu châu, trải qua hơn thiên niên kỷ áp đặt của thần quyền. Từ chối các giá trị này, hư vô chủ nghĩa được liệt vào hàng ngũ nhân bản thế tục “phi đạo đức”.
Có thể nói hư vô là sản phẩm đầu tiên của Đức và Nga. Một làn gió cách mạng “hư vô ” và vô chính phủ đã tự phát vào tiền bán thế kỷ XIX, phủ định chính quyền Nga và giáo hội Chính Thống, nổi loạn với cả gia đình, đòi hỏi một cơ cấu xã hội dựa vào lý trí và “vật chất” - cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hư vô được phái thực chứng (positivism) hỗ trợ. Theo Tom Rockmore trong cuốn The Heidegger Case: On Philosophy and Politics, thì Heidegger cũng nối tiếp ngọn lửa hư vô bằng nhận định đế quốc khoa học và kỹ thuật là biểu tượng cho hư vô thuyết. Còn Nietzsche thì cho rằng hư vô báo hiệu một sự thay đổi văn minh nhân loại, và chính ông là người đã khai tử Thượng Đế viết hoa. Chúng ta sẽ trở lại với Nietzsche ở phần bên dưới khi ta đi sâu hơn vào tâm điểm của đề tài.
Thuật ngữ chủ nghĩa hư vô được nhà văn Nga Ivan Turgenev (1818-1883) sử dụng lần đầu tiên trong tác phẩm “Những người cha và những đứa con trai ” để chỉ cho cuộc khủng hoảng xã hội dẫn đầu bởi giới trí thức cấp tiến của Nga đã mất đi ảo tưởng về cải cách chính trị. Từ chối mọi ràng buộc của xã hội đối với cá nhân, những người theo chủ nghĩa hư vô Nga như Dobrolioubov, Pissarev, Chernyshevski, Lavrov và Kropotkin ủng hộ những hành động trực tiếp và bạo lực, muốn lật đổ chế độ, nhằm xây dựng lại một thế giới đảm bảo hạnh phúc cho người dân. Phong trào hư vô đã thành công trong việc ám sát Sa hoàng Alexander II vào năm 1881. Cuộc đàn áp sau đó đã đè bẹp được phong trào phù du này, nhưng ảnh hưởng của nó lan tỏa khắp nước Nga. Tuy tôi không hoàn toàn đồng ý quan điểm này, nhưng theo một số người quan sát, thì hai cuộc Thế Chiến I và cuộc Cách Mạng Bolchevik đều bắt nguồn từ ảnh hưởng của hư vô chủ nghĩa.
Không khí bơ vơ lạc lõng sau khi giết chúa và cơ cấu xã hội do Chúa tạo dựng trong gần 2000 năm đã khiến Dostoïevski la làng rằng không thể nào có thể dàn xếp một cuộc sống chung nhịp nhàng giữa một bên là Thiên Chúa lòng lành đầy quyền năng, và một bên là sự hiện diện của mọi sự dữ trút lên đầu nhân loại. Làm sao có thể hiểu được một sự thần phục dâng hiến nhân loại vào đôi bàn tay từ ái của Thiên Chúa từ bao thế kỷ, mà số phận nhân loại lại chỉ gặt hái toàn những khổ đau. Loài người nổi loạn không công nhận lòng lành của Chúa đã đành, tư duy làm loạn này còn phủ nhận ngay cả công lao sáng tạo vũ trụ của ngài, bất chấp lời hứa tái lâm. Có vẻ như nhân loại chịu đựng sự lừa gạt đã quá lâu, đến nỗi họ thà nổi loạn mà vào hỏa ngục còn hơn nhai cái bánh vẽ. Bánh vẽ hay hỏa ngục, đều chỉ sẽ có sau khi chết, mà hiện tại thì sự khổ đã ngập đầu, tất cả đều quá phi lý. Albert Cammus hàm ý sự phi lý này là hư vô. Ông định nghĩa sự phi lý (absurdité) nảy sinh từ cuộc đối đầu giữa tiếng gọi của con người và sự im lặng vô lý (déraisonnable) của thế giới. Phi lý (absurdité) sau đó được duy trì như một sự chắc chắn và là một giả thiết nền tảng. Việt ngữ không cho phép chúng ta hiểu sự khác biệt giữa absurdité và déraisonnable. Nhưng hãy thử giải thích như sau: déraisonnable nói đến sự trái nghịch lại những thông tục mang tính cách hậu thiên, còn absurdité chỉ cho sự phi lý bẩm sinh mang tính tiên thiên.
Trong tác phẩm Ba anh em nhà Karamazov, Dostoïevski đã lo ngại rằng, nếu đã không còn Thiên Chúa, thì con người có thể quyết định tất cả và làm bất kỳ điều gì. Ông cảnh cáo sự nguy hiểm xã hội dưới ảnh hưởng của trào lưu hư vô. Sau 20 thế kỷ sống trong lồng, bỗng được thả ra, trước khi bay nhảy tự do, đôi cánh cần một vài thoáng ngơ ngác. Sự ngơ ngác này được đánh giá là mất định hướng, vong thân, tựa như một triều đại bị sụp đổ.
Hư vô chủ nghĩa có thể bắt nguồn từ nhiều trào lưu văn hóa khác nhau, như triết lý hoài nghi (skepticism), triết lý duy danh (nominalism), triết lý bi quan (pessimism) hoặc do tự thân của Kitô giáo đã thai sinh ra nó theo tầm nhìn của các chuyên gia. Trong số các trào lưu được kể, mạnh nhất vẫn là sự kết hợp giữa thần học Kitô giáo và thuyết bi quan, được xem như là hai thực thể tương sinh. Lời hứa cứu rỗi của Thiên Chúa sau bao thế kỷ, vẫn chỉ là chiếc bánh vẽ, con người như là một thực tại khổ đau không lúc nào vơi bớt, cho dù Ngôi Hai đã chịu đóng đinh chuộc tội cho nhân loại, vẫn chỉ là sự hy sinh được thổi phồng vô nghĩa và vô ích. Tâm trạng bi quan của con người ở thế kỷ XIX thể hiện rõ nét qua tiếng than của đại văn hào Albert Camus:
“Cuộc ly hôn này giữa con người và sự sống của mình, giữa diễn giả và sân khấu, là sự nổi cộm nhất của tình trạng phi lí” (Ce divorce entre l’homme et sa vie, l’acteur et son décor, c’est proprement le sentiment de l’absurdité - Le Mythe de Sysiphe).
Có nhiều trường phái hư vô chủ nghĩa:
Tôi => Thân xác tôi <-> thân xác của tha nhân <= Tha nhân
Sartre còn khẳng định, “con người là một thực thể đang hình thành và chỉ con người mới có thể làm ra con người. Con người được hình thành qua trung gian hành động của chính mình trên thế giới.” (L'hommne est à faire et c'est l'homme qui seul peut faire l'homme. L'homme se crée par l'intermédiaire de son action sur le monde. – L’être et le Néant).
Nên hiểu, từ monde trong tiếng Pháp không chỉ có ý nghĩa là thế giới như từ world của tiếng Anh, nó còn mang nghĩa chúng ta, tất cả mọi người. Con người sống là sống giữa xã hội, nên chữ monde còn bao hàm xã hội, vũ trụ, tất cả những gì bên ngoài và bao quanh ta. Đối với Sartre, vũ trụ là vũ trụ của con người, không có còn người, vụ trụ có thể có mặt, nhưng vô nghĩa.
Qua khẳng định trên, Sartre ngầm cho rằng Thượng Đế không đóng một vai trò gì trong việc cấu tạo loài người.
Ngoài ra ông phủ nhận luôn niềm tin thần học cho rằng Thiên Chúa ban cho con người tự do, được gán ghép một cách gượng ép vào sự lựa chọn cãi lời Chúa ăn trái cấm của Adam – Eva. Sartre khẳng định: “Tôi bị bắt buộc tự do. Điều này có nghĩa là không ai tìm thấy một biên giới nào khác cho tự do của tôi ngoài chính nó.” (Je suis condamné à être libre. Cela signifie qu'on ne saurait trouver à ma liberté d'autres limites qu'elle-même.)
Thực ra hư vô là một phiên bản nặng của hoài nghi, vì nó xuất phát từ hoài nghi.
Hoài nghi là một đề tài rất rộng bao trùm triết lý đông tây, được triết gia cổ đại từ Hy Lạp sang Ấn Độ đến cả Trung Hoa xem là căn bản của mọi suy tư.
Hy Lạp thì có Pyrrho, Sextus..; Ấn Độ thì có Phật giáo, Phái bất Tri (Ajñana), Phái Duy Vật khoái lạc (Lokāyata) và Kỳ Na Giáo (Jainism)..; Trung Hoa có Trang Tử, Vương Sung…
Một Triết gia Hy Lạp thộc trường phái Pyrrhonism đã đưa ra một danh sách gồm 10 điều phải kiểm soát khi tìm hiệu một vấn đề. Nó khá khoa học và rất tương cận với tinh thần kinh Kalama của đạo Phật. Dưới đây là 10 phép quy chiếu (the ten tropes of Aenesidemus) của triết gia Aenesidemus:
1 - Các loài động vật khác nhau biểu hiện các phương thức nhận thức khác nhau
2 - Sự khác biệt tương tự cũng được nhìn thấy giữa những từng cá nhân
3 - Đối với cùng một người, thông tin được nhận thức bằng các giác quan là tự mâu thuẫn.
4 - Hơn nữa, các thông tin ấy thay đổi theo thời gian cùng với những thay đổi vật lý.
5 - Ngoài ra, dữ liệu này khác nhau tùy theo mối quan hệ địa phương
6 - Vật thể chỉ được biết đến một cách gián tiếp qua môi trường không khí, hơi ẩm, v.v.
7 - Những vật thể này ở trong tình trạng thay đổi vĩnh viễn về màu sắc, nhiệt độ, kích thước và chuyển động
8 - Tất cả các nhận thức đều tương đối và tương tác lẫn nhau
9 - Cảm tưởng của chúng ta trở nên bớt nghiêm khắc hơn khi trở thành thói quen hay tập tục.
10 - Tất cả mọi người được nuôi dưỡng với những niềm tin khác nhau, theo những luật lệ và điều kiện xã hội khác nhau.
Về sau, chủ nghĩa hoài nghi phát triển cực thịnh tại Âu châu qua các Triết gia như Montaigne, Hobbes, Spinoza, Bayle, Hume, Kant…
Hư vô là hình ảnh đứa con chán nản cuộc sống tù túng và nghèo đói bỏ nhà đi hoang, đứng trước ngã ba đường. Nietzsche đã giải thích ngã ba đường ấy bằng hình ảnh gia tốc mất cân bằng của lịch sử. Sự mất cân bằng ngày càng tăng, có xu hướng được bù đắp bởi sự một thứ bạo chính vô danh (tyrannie anonyme) chưa có tên trong các thể chế, một loại bạo chính tự nó tạo ra "căng thẳng". Đối với ông, khái niệm chủ nghĩa hư vô dấu kín một nghịch lý thú vị. Ông mô tả hai hình thức của chủ nghĩa hư vô, tiêu cực và tích cực.
Nhóm tiêu cực là nhóm đánh giá rằng thế giới mà họ đang sống không nên tồn tại, và thế giới như họ ước mơ lại không tồn tại. Do đó, cuộc tồn sinh bao gồm hành động, đau khổ, ước muốn, cảm xúc, không gì có ý nghĩa, do đó, cảm tính (pathos) về thất bại là cảm tính mang nặng hư vô, lại đồng thời là nghịch lý của hư vô thuyết.
Hư vô thụ động rất gần với học thuyết của Schopenhauer, người ảnh hưởng mạnh đến Nietzsche. Chủ nghĩa hư vô ở hình thức này ẩn náu trong một thế giới bên lề (thế giới của những ý tưởng) và do đó, từ chối sự sống thực tiễn.
Ngược với hư vô thụ động tiêu cực là hư vô chủ động. Ý chí của những kẻ mạnh là sau khi các giá trị sụp đổ, họ không thể bị suy sụp bỡi những absurdes của kiếp nguời, họ đứng lên trên hai chân mà trước kia được cái nạng gỗ thần quyền chống đỡ. Họ vượt qua nỗi bi ai của cơn gió hư vô, tự sáng tạo ra cái vĩnh hằng nhân bản của chính họ, và họ gọi đó là những giá trị được chuyển hóa. Vô hình chung, hư vô đã dẫn họ đến con đường siêu nhân. Siêu nhân là kẻ biết thích nghi và sống với lẽ thật lưu chuyển chứ không là “lẽ thật” vĩnh hằng xơ cứng chỉ có trong ước mơ.
La volonté du fort n'est pas abattue par l'absurde, mais invente de nouvelles valeurs à sa mesure. Ainsi, le dépassement du nihilisme, à travers la pensée de l'éternel retour, est-il nommé transvaluation des valeurs. Ce nihilisme conduit alors au surhomme, qui est celui qui approuve entièrement le monde du devenir, son caractère changeant et incertain: on peut dire que le surhomme est ce monde, il le vit. (wikipedia).
Siêu nhiên là nơi chốn của siêu nhân. Siêu nhiên biến hóa, luân chuyển, thì siêu nhân cũng biến hóa, luân chuyển ; siêu nhiên bất định thì siêu nhân cũng bất định (changeant et incertain). Những giá trị nhân bản này rất trùng hợp với khám phá khoa học của Darwin trong thiên nhiên học. Mặc dầu Giáo Hội La Mã chống lại thuyết tiến hóa của Darwin, ta phải công nhận rằng, không một tôn giáo nào mà giáo lý lại biến hóa đến gần như hoàn toàn cắt đứt với các giáo lí cơ bản nguyên thủy như thần học Công Giáo Rôma, từ thuyết Ba Ngôi đến thuyết Vô Nhiễm Nguyên Tội, rồi thuyết Luyện Ngục và nghi thức Rước Mình Thánh Chúa. Nghi thức này, theo một số học giả Kitô, là phản lại tín điều Chúa Phục Sinh và đang ở bên cạnh Chúa Cha: Chúa đã phục sinh bay về trời thì máu và thịt nào ở lại thế gian cho tín đồ ăn uống ?
Mọi tiến hóa đều bắt buộc phải chấp nhận nguyên lý natural selection để tồn tại. Nguyên lý này buộc mọi vật muốn sinh tồn thì phải biết sống phi ngã, biết quên cái ngã của sát na trước để sống với cái ngã của sát na sau. Thân cây đang phát triển, bị cơn gió làm nghiêng, cây ấy sẽ sống với cái nghiêng. Nó sẽ không còn cái thuộc tính thẳng trước đó. Nếu nó từ chối sự thay đổi, nó sẽ bị thiên nhiên loại trừ. Dòng lưu chuyển liên tục từng sát na ngã biến con người thành một thực thể phi ngã và bất định. Cơ cấu tổ chức của Kitô giáo cũng không khác cơ cấu tổ chức của một tế bào sinh học, nó luôn biến thiên với thời gian, và cũng tuân theo “luật siêu nhân” của Nietzsche mà biến dạng và bất định, không thể đeo bám vào một khẩu thuyết vĩnh hằng xơ cứng phi tự nhiên. Tin vào thuyết vĩnh hằng xơ cứng, một số tín đồ thà chết chứ không chấp nhận chuyền máu, cho rằng như vậy là làm thay đổi tạo vật của Thiên Chúa.
Trong tác phẩm Ecce Homo, Nietzsche đã giải mã ý nghĩa siêu nhân như sau:
Phải dấn thân để hiểu những gì Zarathustra muốn nói: chủng loại người mà ông quan niệm, nó biết nắm bắt lẽ thực như là lẽ thực: họ (nhân loại) đủ mạnh để biết điều đó; - lẽ thực không xa lạ cũng không xa vời đối với họ; nó hòa nhập vào họ: họ có trong mình mọi thứ của lẽ thực đáng kinh sợ và đáng nghi ngờ, bởi vì chỉ ở mức giá này, con người mới có thể trở nên vĩ đại.(Il faut partir pour comprendre ce que veut Zarathoustra: la race d'hommes qu'il conçoit, conçoit la réalité telle qu'elle est: ils sont assez forts pour cela ; — la réalité n'est pas pour eux chose étrangère ni lointaine ; elle se confond avec eux: ils ont en eux tout ce qu'elle a d'effrayant et de problématique car c'est à ce prix seul que l'homme peut être grand)
Lẽ thực không xa lạ cũng không xa vời. Lẽ thực ở ngay (confond) trong chính con người, lẽ thực ấy kinh khiếp và luôn đeo nhiều chiếc mặt nạ để con người không bao giờ biết chính hắn là ai. Siêu nhân là kẻ phải luôn so kiếm với siêu nhiên. Dừng lại, chịu khuất phục, thì đó không còn là lịch sử của nhân loại nữa.
Hư vô biểu thị một thái độ hoài nghi tuyệt đối, bóc thế giới cũng như cuộc tồn sinh ra khỏi lớp vỏ bọc ý nghĩa, tri kiến, hay những giá trị tuyệt đối. Do đó, thuyết này từ chối bất kỳ thứ bậc giá trị nào, bất kỳ đạo đức nào, bất kỳ niềm tin nào, bất kỳ sự siêu việt nào và đặc biệt là sự tồn tại của Thượng đế. Hư vô chủ nghĩa cố gắng chứng tỏ rằng cuộc sống của con người và những tuyên bố của con người là phi lý. Friedrich Nietzsche coi đó là cuộc khủng hoảng của nền văn minh bệnh hoạn vốn là hậu quả của 20 thế kỷ suy đồi ở phương Tây dưới ách thống trị tư tưởng và chính trị của thần linh.
Nietzsche là thủ lãnh cho công cuộc cách mạng lật đổ thần quyền. Ông từng nói một câu trứ danh: Kitô giáo và rượu, hai chất liệu tàn phá nhất. Le christianisme et l'alcool, les deux plus grands agents de corruption.
Hư vô chủ nghĩa là một trong những dấu ấn đậm nét của trào lưu nhân bản thế tục (secular humanist) vào tiền bán thế kỷ XX.
Theo Michael Novak nhận xét, từ năm 1870 đến 1940, cơn gió “hư vô” thổi vào tầng lớp trí thức Âu châu khởi đầu bằng chủ thuyết hoài nghi (scepticism – mời đọc xét lại vụ đánh cuộc của Pascal), đưa đến không khí buồn nôn về các giá trị được gắn vào thần linh. Và người khắc khoải suy tư nhiều nhất về hư vô là Jean Paul Sartre với những tác phẩm như la nausée, no exit, tuy nhiên, phải đợi đến tác phẩn l'Être et le Néant mới khiến Sartre được suy tôn là cha đẻ của triết lý hiện sinh.
Để trả lời cho bọn “hư vô nửa vời ” (nihilisme incomplet) của truyền thống siêu hình tôn giáo, đặt trung tâm sự sống không phải ở con người, mà ở “Ơn trên” (Au-delà), hoặc hứa hẹn một “thế giới hư cấu sau khi chết” (arrière-monde fictif), Nietzsche đã trả lại chân giá trị của con người, đưa ra một chủ trương “hư vô trọn vẹn” (nihilisme complet), loan báo cái chết của Thượng Đế, trả lại toàn bộ tự do cho con người. Nietzsche viết trong Ecce Homo rằng “mọi thứ đều có thể được phép nếu không có Thượng Đế” (tout est permi si Dieu n’existe pas), bởi vì không có Chúa, con người tạo ra bản chất của mình, con người thấy mình đơn độc, không bị dán nhãn, và vì chẳng cần ai định đoạt giúp đời mình, nên hoàn toàn tự do. - Car, en l’absence d’un Dieu créateur de sa nature, l’homme se retrouve seul, injustifié et, n’étant déterminé par rien, se trouve être libre de tout.
Simon Bouchard của đại học Laval trong cuốn “ Sartre le Maître du soupçon, Le Nihilisme est-il un Humanisme ? ”, trang 598 viết về sự khác biệt giữa Nietzsche và Sartre như sau:
Lý luận này trình bày trong hội nghị nổi tiếng de Sartre, chúng ta phải cẩn thận như Stambaugh, không đẩy vấn đề đến mức khẳng định rằng "để hành động ... con người cần phải giết Thượng Đế". Sự cần thiết phải giết hoặc tiêu diệt Thượng Đế, nếu nó hiện diện ở Nietzsche, như có vẻ được Daigle ủng hộ , lại không có mặt một cách tương đồng ở Sartre. Ce raisonnement présent dans la célèbre conférence de Sartre, nous devons nous garder, comme le fait Stambaugh, de le pousser au point d’affirmer que « pour pouvoir agir […] l’homme doit tuer Dieu » (p. 112). Cette nécessité de tuer ou de détruire Dieu, si elle est présente chez Nietzsche, comme Daigle semble le soutenir, n’est pas pour autant présente chez Sartre.
Joan Stambaugh, Christine Daigle là hai nữ giáo sư triết học danh tiếng ở Bắc Mỹ chuyên dạy về Heidegger, Nietzsche và Sartre.
Joan Stambaugh có vẻ đồng ý với Sartre, cho rằng, không cần phải giết chết Thượng Đế.
Còn Christine Daigle thì dường như ủng hộ Nietzsche trong ý tưởng cần phải giết chết Thượng Đế thì con người mới thực sự được tự do.
Theo tôi, Sartre sinh sau Nietzsche đến hơn 60 năm, cái nhìn của Sartre đã dịu lại so với tiền nhân phải trực tiếp đeo chiếc ách Thiên Chúa cực nặng, không khác nào ngày nay người người ta không còn cảm thấy cần thiết phải giết Hitler hay Pol Pot đúng như điều thứ 9 trong 10 Phép Quy Chiếu của triết gia hư vô cổ đại Hy Lạp Aenesidemus để lại.
Vào thời của Sartre, nước Pháp có quá nhiều tự do do tiền nhân đấu tranh giành được, ông không cảm nhận được sức nặng của kiếp làm súc sinh dưới cây thánh giá như tầm nhìn của Diderot, của Voltaire, đặc biệt là của Jean-Jacques Rousseau hay tư tưởng Cách Mạng 1789 bỏ lịch Grégorien thay thế bằng lịch Cọng Hòa, mỗi tuần có 10 ngày thay vì 7 ngày ; bỏ ngày Chúa Nhật, năm thứ nhất là năm Cách Mạng thay cho năm sinh của Giêsu, trưng dụng Nhà Thờ Đức Bà làm đền Lý Trí, tịch thu toàn bộ tài sản của Giáo Hội, và chém hằng vạn thủ cấp trong số có rất nhiều giám mục, linh mục, nữ tu.
Qua cuộc Cách Mạng, nước Pháp không những đã giết Chúa, còn đập nát cả Giáo Hội cùng với liên minh tăng lữ quí tộc bóc lột (xem wikipedia).
Tuy Sartre cho rằng không cần phải vấy máu của Thiên Chúa, cái nhìn của ông tỏ ra rất xem thường Chúa như kẻ bên lề, có mặt Ngài ấy hay không, con ngưòi vẫn có tự do và tự quyết định lấy định mệnh của mình. Thời Sartre, không cần phải trốn chui trốn nhũi như Rousseau khi phê bình Giáo Hội Kitô giáo. Sartre không có nhu cầu giết Chúa như Nietzche đã làm trước ông hơn nửa thế kỷ.
Sartre giống Spinoza ở chỗ cho rằng, nếu có Thượng Đế, ông ấy không can thiệp vào sự sống của con người - Dieu, s’il existe, est “non interventionniste”.
Có một sự do dự ở Sartre trong việc giết chết Thượng Đế.
Đối với thuyết hiện sinh, sự có mặt của một Thượng Đế không can thiệp là cần thiết, vì Thượng Đế cho con người một chương trình qua đó sự sống của con người mới có ý nghĩa. Sartre tự mâu thuẫn với chính mình khi đồng thời cho rằng con người là một thực thể tự do, trong khi muốn có một chương trình định sẵn từ Thượng Đế.
Điều này cho chúng ta thấy gì ?
Hư vô hiện sinh hoảng sợ sự đánh mất đạo đức. Dù Thượng Đế không can thiệp, để cho cái xấu hoành hoành trên mặt đất, nhưng sự có mặt của Thượng Đế với chương trình đi về Chân Thiện Mỹ vẫn rất cần thiết.
Một số học giả cho rằng Sartre không phải là người vô thần tuyệt đối, ông là kẻ vô thần đạo đức (athéisme moral) mà thôi, vì Sartre luôn cho rằng, cho dù có giết chết Thượng Đế, thì con người với nhu cầu tôn giáo sẽ tự tạo ra một thần linh khác.
Tới đây ta sẽ thấy sự cần thiết của thuyết Luân Hồi.
Thuyết luân hồi không được Âu Mỹ ủng hộ mặc dù họ cũng không chống.
Chỉ có Kitô giáo ra mặt chống thuyết này. Vì nếu thuyết này được thừa nhận, thì ngày tàn của các ngôi thánh đường càng thu ngắn.
Tuy thuyết luân hồi chưa được chứng minh bằng các nghiên cứu khoa học một cách thuyết phục, ít ra, nó có thể dễ chứng minh hơn sự hiện diện của Thượng Đế như được mô tả trong Thánh Kinh.
Luân hồi được nhìn thấy qua hiện tượng của các hệ sinh thái ecosystem tự sinh sản tự hoại diệt như ở mặt đất. Xác chết động vật là lương thực cho cây cỏ, cây cỏ là lương thực cho động vật. Nước bốc hơi bay lên thành mây, được thanh lọc làm sạch đi qua sự phân rẽ Oxy với Hydro. Oxy và Hydro lại gặp lạnh dính lại rơi xuống thành mưa. Nếu không có luân hồi, nghĩa là không có dây chuyền tự sản xuất và tự dọn sạch, thì làm sao có sự sống ? Có vị linh mục rao giảng với tín đồ rằng chúng ta thải bao nhiêu khí CO² ra nếu không có Thiên Chúa hít hết thì chúng ta sẽ chết, nên nhân loại phải cám ơn Thiên Chúa. Trong trường hợp này, vị linh mục đang mặc áo luân hồi vào Thiên Chúa một cách kín đáo, dù nếu ai hỏi ông ấy có tin thuyết luân hồi không ? Ông ta sẽ chắc chắn nói không.
Tuy Kitô giáo tỏ ra rất hiếu chiến với thuyết luân hồi, ít ra ta thấy được hình ảnh lưu chuyển của luân hồi trong sinh hoạt hằng ngày, so với thông tin được thổi phồng một cách ấu trĩ về cái được gọi là Thượng Đế chỉ sống trong khái niệm được các tay buôn thần bán thánh dùng để mưu sinh.
Thuyết luân hồi cũng đe dọa các nghiệp dữ, cũng đưa ra các phần thưởng cho lẽ thiện, nhưng nó chỉ là hậu quả trực tiếp từ chính hành động của chúng ta, nó hợp lý và khoa học hơn là trao vào tay một đấng siêu nhiên làm việc thưởng phạt (déterminisme divin) rất thường bị bọn con buôn lợi dụng.
Luân hồi là nghiệp, hay nói cách khác là hành động do chính cá nhân hay cộng đồng tạo ra.
Thuyết luân hồi là một biểu diễn khác và đơn giản hơn của thuyết nhân quả.
Mặc dù Sartre luôn chủ trương con người phải vượt qua nỗi sợ hãi về cái chết, nhưng không được dựa vào sự cứu rỗi của một thần linh, cũng không nên tin vào một sức mạnh siêu nhiên hoăc vào thuyết luân hồi. (L'existentialisme athée nécessite un combat contre la peur de la mort sans avoir à espérer être sauvé par un dieu, et sans recours à une quelconque force surnaturelle ou réincarnation.)
Nhưng Sartre lại cần một yếu tố dẫn con người đến Chân Thiện Mỹ mà không phải là một đấng siêu nhiên, thì không ứng cử viên nào sáng giá hơn thuyết luân hồi. Có vẻ như Sartre hiểu luân hồi theo dạng sự thưởng phạt được định đoạt bỡi một đấng vô hình (déterminisme divin), trong khi sự định đoạt của luân hồi là do chủ thể chịu luân hồi quyết định do tham ái thúc đẩy.
Chúng ta không thể bàn về hư vô chủ nghĩa, mà thiếu đi sự hiểu biết về cái chết của Thượng Đế ở phần sau.
(Xin đón xem phần II : Thượng Đế Đã Chết)