Con đường tu tập theo lời dạy của Đức Phật luôn thống nhất dù theo bất cứ truyền thống Phật giáo nào. Đây là quan điểm mang tính nhất quán và có thể kiểm chứng qua các nguồn kinh điển khả tín. Tuy nhiên, do căn tánh và nghiệp lực của chúng sanh không giống nhau, thế nên Đức Phật đã mở bày phương tiện và đã dựng lập những phương cách, những pháp tu mang tính riêng biệt, đặc thù. Điều này cho thể thấy rõ qua việc thiết định và thực hành những điều khoản giới luật. Không những vậy, ngay như trong pháp môn tu, hành giả có thể tùy theo căn tánh, bổn nghiệp, tuổi tác, thời gian… mà có thể tự chọn cho mình một pháp môn tu thích hợp.
Ở đây, việc tu tập theo hạnh đầu-đà cũng là một trường hợp như vậy. Tuy không phải là một hạnh tu phổ quát, nhưng trong thời Đức Phật đã có một vài Tỳ-kheo phát nguyện thực hành. Chuyên khảo sau cố gắng đưa ra những cơ sở kinh điển dẫn xuất hạnh đầu-đà và những lưu ý của Đức Phật xoay quanh những hạnh khó thực hiện đó.
1. Hạnh đầu-đà, từ kinh điển Pāli cho đến Hán tạng
Về từ nguyên, đầu-đà (頭陀) được phiên âm từ chữ “dhūta” (धूत) trong tiếng Phạn, có nghĩa là bị loại bỏ, được rũ sạch, bị tiêu diệt (shaken off, removed, destroyed)[1]. Từ này bắt nguồn từ căn động từ “dhū” (धू) có nghĩa là rũ bỏ, phủi sạch. Do vậy, dhūta còn được Hán dịch là đẩu-tẩu (抖擻) có nghĩa là rủ sạch, như rủ sạch y phục (抖擻衣服)[2], hoặc rủ bỏ phiền não trần cấu (抖擻煩惱塵垢)[3]. Ngoài ra, đầu-đà còn được dịch âm là đổ-đa (杜多) cũng mang ý nghĩa tương tự.
1.1 Trong kinh điển Pāli
Trong kinh điển Pāli, những hạnh đầu-đà xuất hiện rời rạc trong kinh Trung bộ, kinh Tương ưng bộ, kinh Tăng chi bộ và trong Luật tạng.
Trong kinh Trung bộ, kinh Chân nhân (M.113, Sappurisasutta) ghi nhận chín hạnh đầu-đà, gồm:
Kinh Tăng chi bộ (A.5.181-III. 219) ghi đầy đủ tám hạnh trên (trừ hạnh khất thực (Piṇḍapātikaṅga) và bổ sung thêm hai hạnh:
Kinh Trung bộ, kinh Không uế nhiễm (M.05 Anaṅgaṇasutta), đề cập các hạnh tương tự nêu trên và thêm hạnh:
Kinh Tương ưng bộ (S.16.5-II.203) cũng đề cập các hạnh tương tự nêu trên và thêm hạnh:
Trong quá trình khảo sát năm bộ Nikāya, chúng tôi phát hiện rằng, không có một bài kinh nào ghi nhận đầy đủ mười ba hạnh này. Tuy nhiên, trong Luật tạng Pāli, ở bộ Tập yếu (Parivāra) đã liệt kê tên gọi đầy đủ của mười ba hạnh đầu-đà với cách thức lược nêu tên gọi[7]. Căn cứ vào nguyên tác Pāli của của bộ Tập yếu (Parivāra), có dẫn nguồn từ kinh Tăng chi bộ, chương Năm pháp (A.5.181-III. 219). Điều này dẫn đến suy đoán là, có thể lúc ban đầu, bản kinh Tăng chi bộ nêu trên ghi nhận đầy đủ mười ba pháp, nhưng dần bị rơi lọt, thất truyền nên hiện chỉ còn mười hạnh.
Đặc biệt, tư liệu đầy đủ nhất trong kinh tạng Pāli đề cập về mười ba hạnh đầu-đà, đó chính là tác phẩm Luận thanh tịnh đạo (Visuddhimagga) của Tôn giả Phật Âm (Buddhaghosa) trước tác vào khoảng thế kỷ thứ V. Trong tác phẩm này, mười ba hạnh đầu-đà được sắp xếp trọn vẹn ở chương hai, mục Giải thích về hạnh đầu-đà (Dhutaṅganiddesa) với những phân tích và chú giải rất mực chi tiết. Theo tác phẩm này: Tổng quát thì có mười ba hạnh dành cho Tỳ-kheo, tám hạnh dành cho Tỳ-kheo-ni, mười hai hạnh cho Sa-di, bảy hạnh cho Sa-di-ni và hai hạnh cho nam, nữ cư sĩ; như vậy là bốn mươi hai hạnh[8]. Có thể nói, đây là một tác phẩm rất mực quan trọng dành cho những ai quan tâm về hạnh tu này.
1.2. Trong kinh điển Hán tạng
Trong Hán tạng, hạnh đầu-đà được ghi lại trong nhiều bản kinh, luật với số lượng không đồng nhất, có chỗ ghi mười hai hạnh và cũng có nơi ghi là mười ba hạnh.
Về mười hai hạnh đầu-đà
Theo kinh Phật nói về mười hai hạnh đầu-đà (佛說十二頭陀經)[9], bao gồm:
Trong mười hai hạnh này, hạnh ăn vừa đủ (節量食) trong kinh điển Pāli, gọi là: Hạnh ăn trong một bát (Pattapiṇḍikaṅga); hạnh sau bữa trưa, không uống nước trái cây (中後不得飲漿), kinh điển Pāli gọi là: Hạnh đã ăn rồi thì không ăn nữa (Khalupacchābhattikaṅga); hạnh ngày ăn một bữa (受一食法), kinh điển Pāli gọi là: Hạnh ăn một lần ngồi (Ekāsanikaṅga), thường được Hán dịch là Nhất tọa thực (一坐食).
Ngoài bản kinh nêu trên thì có nhiều bản kinh, luật, luận đề cập đến mười hai hạnh đầu-đà với đầy đủ mười hai chi phần, có thể kể đến, như:
- Đại thừa bổn sanh tâm địa quán kinh 大乘本生心地觀經 (T.03. 1059.5. 0313a01)
- Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật kinh 摩訶般若波羅蜜經 (T.08. 0223.14. 0320c04)
- Đại Phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh大方廣佛華嚴經 (T.10. 0293.33. 0814b15)
- Di-sa-tắc-hòa-hê Ngũ phần luật 彌沙塞部和醯五分律 (T.22. 1421.4. 0026a13)
- Tỳ-ni-mẫu kinh 毘尼母經 (T.24. 1463.1. 0804c10)
- Đại Tỳ-kheo tam thiên oai nghi 大比丘三千威儀 (T.24. 1470.1. 0919b06)
- Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.68. 0537a19)
- Thập trụ Tỳ-bà-sa luận 十住毘婆沙論 (T.26. 1521.17. 0116b24)
Về mười ba hạnh đầu-đà
Xuất hiện trong tác phẩm: Căn bản thuyết Nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da 根本說一切有部毘奈耶 (T.23. 1442.18. 0723a18). Bao gồm:
Ngoài ra, tác phẩm Giải thoát đạo luận (解脫道論) cũng đề cập mười ba hạnh đầu-đà như trên và còn khái quát rằng, mười ba hạnh này gồm có:
Hai pháp liên quan đến y phục. Đó là y phấn tảo và ba y (糞掃衣及三衣). Năm pháp liên quan đến việc khất thực. Đó là khất thực, khất thực theo thứ lớp, ăn một lần ngồi, ăn vừa đủ, quá ngọ thì không ăn (乞食、次第乞食、一坐食、節量食、時後不食). Năm pháp liên quan đến việc cư trú. Đó là ở chỗ A-lan-nhã, ở bên gốc cây, ở nơi đất trống, ở nơi mộ địa, ở chỗ ngẫu nhiên (無事處坐、樹下坐、露地坐、塚間坐、遇得處坐). Một pháp liên quan đến sự tinh tấn. Đó là luôn ngồi, không nằm (常坐不臥)[10].
Sự khác biệt giữa mười hai hạnh và mười ba hạnh đầu-đà ở các bản kinh có liên quan đến sự tăng thêm hoặc giảm bớt hạnh cư trú, đó là ở chỗ ngẫu nhiên (遇得處坐), ở Pāli gọi là Hạnh sống mọi chỗ như nhau (Yathāsanthatikaṅga).
2. Hạnh đầu-đà ở thời Phật
Căn cứ vào hai nguồn kinh điển chủ yếu, từ Hán tạng đến Nikāya đã xác tín rằng, trong thời Đức Phật, hạnh đầu-đà đã được thực hành.
Một trong những đại diện tiêu biểu cho việc thực hành hạnh đầu-đà, đó chính là Tôn giả Đại Ca-diếp (Mahā Kassapa).
Trong kinh Tăng chi bộ[11] và bản kinh tương đương trong Hán tạng là Tăng-nhất A-hàm[12] đều đồng thời xác chứng rằng, Tôn giả Đại Ca-diếp (Mahā Kassapa) là vị thực hành hạnh đầu-đà bậc nhất.
Tuy nhiên, nếu đọc kỹ kinh văn, có thể thấy rằng, dường như đây là hạnh riêng của Tôn giả. Tôn giả tự mình thực hiện, được Đức Phật tùy thuận chấp nhận và Ngài cũng có những tán thán về hạnh tu này. Kinh Tương ưng bộ (S.16.5-II.202) ghi:
Thế Tôn nói với Tôn giả Mahākassapa đang ngồi một bên:
- Này Kassapa, ông đã già rồi. Đã cũ nát là những vải gai thô phấn tảo này của ông đáng được quăng bỏ. Vậy này Kassapa, hãy mang những y áo do các gia chủ cúng, thọ dụng các món ăn được mời và ở gần bên Ta.
- Bạch Thế Tôn, con là người đã lâu ngày sống ở rừng, và tán thán hạnh ở rừng; con là người đi khất thực và tán thán hạnh khất thực; con là người mang y phấn tảo và tán thán hạnh mang y phấn tảo; con là người mang ba y và tán thán hạnh mang ba y; con là người thiểu dục và tán thán hạnh thiểu dục; con là người tri túc và tán thán hạnh tri túc; con là người sống viễn ly và tán thán hạnh viễn ly; con là người sống không giao thiệp và tán thán hạnh không giao thiệp; con là người tinh cần và tán thán hạnh tinh cần.
- Này Kassapa, ông thấy có lợi ích gì mà ông đã lâu ngày sống ở rừng và tán thán hạnh sống ở rừng… đi khất thực… mang y phấn tảo… mang ba y… thiểu dục… tri túc… sống viễn ly… sống không giao thiệp… tinh cần và tán thán hạnh tinh cần?
- Bạch Thế Tôn, con thấy có hai lợi ích nên đã lâu ngày con sống ở rừng và tán thán hạnh ở rừng… con đi khất thực… con mang y phấn tảo… con mang ba y… con thiểu dục… con tri túc… con sống viễn ly… con sống không giao thiệp… con sống tinh cần và tán thán hạnh sống tinh cần.
Con thấy tự mình được hiện tại an lạc trú và vì lòng từ mẫn đối với chúng sanh sắp đến, mong rằng các chúng sanh sắp đến sẽ bắt chước (diṭṭhānugatiṁ): “Đối với các đệ tử Phật và tùy Phật (Buddhānubuddhasāvakā), mong họ trong một thời gian dài trở thành những vị sống ở rừng và tán thán hạnh ở rừng… những vị đi khất thực… những vị mang y phấn tảo… những vị mang ba y… những vị thiểu dục… những vị tri túc… những vị viễn ly… những vị không giao thiệp… những vị tinh cần và tán thán hạnh tinh cần… họ sẽ thực hành như vậy, và như vậy trong một thời gian dài họ sống hạnh phúc an lạc”[13].
Qua đoạn kinh trên, có thể thấy rằng, những hạnh tu kể trên là do chính Tôn giả Đại Ca-diếp (Mahā Kassapa) tự mình thực hiện, chứ không phải do Đức Phật chủ trương[14]. Điều đáng chú ý là, kinh văn cho biết Tôn giả chỉ thực hành những hạnh cơ bản của hạnh đầu-đà mà không thể hiện cho thấy Tôn giả thực hành đầy đủ cả mười ba hạnh.
Tuy nhiên, do vì những hạnh tu này dẫn đến hai lợi ích như lời Tôn giả trình bày: Thứ nhất, lợi ích cho người thực hành, là được sống an lạc ngay trong hiện tại (diṭṭhadhammasukhavihāra). Thứ hai, để chắc chắn rằng, chúng sanh trong tương lai sẽ noi gương theo (appeva nāma pacchimā janatā diṭṭhānugatiṁ āpajjeyyuṁ). Do bởi hai lý do đó nên Đức Phật tán thán hạnh này.
Ngoài Tôn giả Đại Ca-diếp thực hành hạnh đầu-đà thì còn có nhiều Tỳ-kheo cùng thời với ngài tu tập theo pháp tu này. Kinh Tương ưng bộ (S.14.15-II.155) ghi nhận rằng:
Một thời Thế Tôn trú ở Rājagaha (Vương-xá), tại núi Gijjakūta (Linh Thứu).
Lúc bấy giờ, Tôn giả Sāriputta cùng với một số đông Tỷ-kheo đang đi kinh hành, không xa Thế Tôn bao nhiêu.
…
Này các Tỷ-kheo, các ông có thấy Kassapa cùng với một số đông Tỷ-kheo đang đi kinh hành?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Này các Tỷ-kheo, tất cả vị Tỷ-kheo ấy chủ trương hạnh đầu-đà (Sabbe kho ete, bhikkhave, bhikkhū dhutavādā)[15].
Kinh Tạp A-hàm số 447[16] và kinh Tăng nhất A-hàm (49.3)[17] cũng ghi nhận tương tự.
Bên cạnh chư tôn đức cùng nhóm với ngài Đại Ca-diếp thì cũng có nhiều vị tự mình tu tập theo hạnh đầu-đà. Trường hợp Tôn giả Bhaddiya, một trong bảy vị xuất gia đầu tiên, thuộc dòng họ Sākya là một minh chứng sống động về việc thực hành đầy đủ mười ba hạnh đầu-đà ngay trong thời Đức Phật. Tôn giả đã tự thuật hạnh tu của mình bằng những vần kệ sống động, được ghi lại trong Trưởng lão Tăng kệ (Theragāthā):
844. Áo lượm rác, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.
845. Thường khất thực, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.
846. Mặc ba y, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.
847. Đi từng nhà, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.
848. Ăn một bữa kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.
849. Ăn trong bát, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.
850. Không ăn thêm, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.
851. Sống trong rừng, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.
852. Ngồi gốc cây, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.
853. Sống ngoài trời, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.
854. Trú nghĩa địa, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.
855. Tùy xứ trú, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.
856. Sống thường ngồi, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha[18].
Ngoài ra, trong Trưởng lão Tăng kệ cũng ghi nhận về hạnh đầu-đà của Trưởng lão Anurudha, với đặc thù là năm mươi lăm năm chỉ ngồi không nằm:
Suốt năm mươi lăm năm,
Ta không bao giờ nằm,
Trong hai mươi lăm năm,
Đoạn dứt được ngủ nghỉ[19].
Và Tôn giả Tālapuṭa, với lời tự thuật:
Hãy sống trong rừng núi,
Ăn đồ ăn khất thực,
Sống tại chỗ nghĩa địa,
Mặc y lượm đống rác.
Chỉ có ngồi không nằm
Luôn vui hạnh đầu-đà,
Này tâm, hãy khích lệ,
Hãy khuyên ta như trước[20].
Như vậy, từ trường hợp của ngài Đại Ca-diếp, cho đến các Tôn giả Bhaddiya, Anurudha, Tālapuṭa… đã khẳng định rằng, việc tu tập theo hạnh đầu-đã vốn đã xuất hiện trong thời Phật tại thế.
3. Quan điểm của Đức Phật về khổ hạnh và đầu-đà
Trong kinh điển Pāli có sự phân biệt giữa khổ hạnh (tapa) và đầu-đà (dhuta). Kinh Trung bộ, số 12, Đại kinh sư tử hống, Đức Phật đã khẳng định rằng, tiền thân Ngài đã từng thực hành khổ hạnh (tapa) và là bậc khổ hạnh đệ nhất (paramatapassī):
Này Sāriputta, Ta thắng tri phạm hạnh, đầy đủ bốn hạnh: về khổ hạnh, Ta khổ hạnh đệ nhất; về bần uế, Ta bần uế đệ nhất; về yểm ly, Ta yểm ly đệ nhất; về độc cư, Ta độc cư đệ nhất[21].
Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì hai từ này được sử dụng lẫn lộn, đôi khi thay thế lẫn nhau. Kinh Pháp cú, kệ số 184 là một minh chứng cho trường hợp này:
184. Chư Phật thường giảng dạy;
Nhẫn, khổ hạnh (tapa) tối thượng,
Niết-bàn, quả tối thượng;
Xuất gia không phá người;
Sa-môn không hại người[22].
Theo chú giải kinh Tương ưng bộ, chú giải kinh Phi đạo (Uppathasuttavaṇṇanā), đã giải thích rằng:
Từ “tapa” (khổ hạnh) là tên gọi chỉ cho sự chế ngự các căn, các hạnh đầu-đà, các đức tính tinh tấn, và những nỗ lực khó làm. Ở đây, ngoại trừ những hành vi cực đoan quá mức, thì tất cả những con đường thực hành nào có khả năng diệt trừ phiền não đều được xem là thích hợp[23].
Cũng trong kinh Tương ưng bộ (S.7.11-I.172), Đức Phật dạy rằng, khổ hạnh như là một yếu tố tăng thượng, là một sự trợ duyên cần thiết, thể hiện qua bài kệ sau:
Lòng tin là hạt giống,
Khổ hạnh (tapa) là mưa móc,
Trí tuệ đối với Ta,
Là cày và ách mang,
Tàm quý là cán cày,
Ý căn là dây cột,
Chánh niệm đối với Ta,
Là lưỡi cày, gậy đâm[24].
Khảo cứu kinh, luật và luận cho thấy, trong mười ba hạnh đầu-đà thì hầu như tất cả các hạnh đều do Đức Phật chế định trong những bối cảnh khác nhau, và chính bản thân Ngài cũng từng thực hiện trong một giai đoạn nào đó chứ không phải thực hành suốt cả cuộc đời. Chẳng hạn như, Như Lai thích sống ở rừng núi, nhưng nếu ai hiến cúng tinh xá, như kiểu tinh xá Cấp Cô Độc thì Như Lai cũng không từ chối; Như Lai thường đi khất thực, nhưng nếu có thí chủ phát tâm cúng dường tại tư gia và nếu như hội đủ nhân duyên thích hợp thì Như Lai cũng im lặng nhận lời. Có thể thấy, đối với những nhu cầu cơ bản của đời sống xuất gia theo quan điểm của Đức Phật như việc ăn mặc, ẩm thực, ngủ nghỉ, thuốc thang… nên được tiếp nhận và sử dụng trong tinh thần trung đạo cùng với đặc tính thiểu dục, tri túc.
Trường hợp Đề-bà-đạt-đa cầu thỉnh Đức Phật cho phép thực hiện năm pháp nhưng được đưa lên một cực đoạn mới, tức là phải thọ trì suốt đời (yāvajīva, 盡壽), dùng đó như là những lý do nhằm chia rẽ hội chúng của Đức Thế Tôn. Theo Culla Vagga, Đề-bà-đạt-đa đã thỉnh cầu Đức Phật năm việc như sau:
- Bạch Ngài, lành thay! Các Tỳ-kheo nên là các vị sống ở rừng cho đến trọn đời, vị nào cư ngụ trong làng thì vị ấy phạm tội. Là các vị khất thực cho đến trọn đời, vị nào ưng thuận sự thỉnh mời thì vị ấy phạm tội. Là các vị mặc y [may bằng] vải bị quăng bỏ cho đến trọn đời, vị nào ưng thuận y của gia chủ thì vị ấy phạm tội. Là các vị sống ở gốc cây cho đến trọn đời, vị nào đi đến mái che thì vị ấy phạm tội. Không ăn cá thịt cho đến trọn đời, vị nào ăn cá thịt thì vị ấy phạm tội[25].
Với những yêu cầu có tính chất cực đoạn như thế, Đức Phật đã không đồng ý chấp nhận. Nhân đây, cũng lưu ý thêm rằng, trong những hạnh đầu-đà, cũng có hạnh không được ghi nhận là Ngài đã từng thực hiện, tiêu biểu là hạnh “chỉ ngồi không nằm” (Nesajjikaṅga). Đây là một chi tiết đặc biệt rất đáng lưu tâm.
Trường hợp Đức Phật tán thán hạnh đầu-đà của Tôn giả Đại Ca-diếp, thì trong phần nhân duyên trước đó, Đức Phật đã từng khuyên Tôn giả từ bỏ hạnh tu này. Xem ra, việc tán thán các hạnh khó làm cũng như các hạnh đầu-đà cũng tùy vào từng trường hợp cụ thể và không phải trường hợp nào cũng đúng pháp, và cũng được Đức Phật chấp nhận.
Cuộc hội thoại giữa du sĩ Sakuludayi và Đức Thế Tôn tại Kalandakanivapa, trong kinh Trung bộ, số 77 là một trường hợp như vậy[26]. Trong cuộc gặp, vị du sĩ này cho rằng, do Thế Tôn có năm pháp nên các đệ tử mới cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường. Năm pháp đó là: 1. Thế Tôn ăn ít và tán thán hạnh ăn ít; 2. Thế Tôn biết đủ với bất cứ loại y nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ loại y nào; 3. Thế Tôn biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào; 4. Thế Tôn biết đủ với bất cứ sàng tọa nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ sàng tọa nào; 5. Thế Tôn sống viễn ly và tán thán hạnh sống viễn ly.
Nếu tán thán Thế Tôn mà chỉ dựa vào năm việc này thì sự tán thán ấy chưa hoàn toàn thỏa đáng. Vì cũng ngay trong bản kinh này, chính Đức Phật đã khẳng định rằng, có những vị Thánh đệ tử còn ăn ít hơn Đức Thế Tôn, họ ăn mặc thô xấu hơn Đức Thế Tôn, họ thọ nhận vật thực dỡ tệ hơn Đức Thế Tôn, họ sống ở những nơi khắc nghiệt hơn Đức Thế Tôn, họ sống trong những chỗ xa vắng hơn Đức Thế Tôn.
Nhưng các đệ tử của Như Lai không do năm pháp này để không cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Thế Tôn mà ngược lại, do năm pháp khác, khiến họ cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Thế Tôn. Đó chính là: 1. Giới tăng thượng; 2. Tri kiến vi diệu; 3. Trí tuệ tăng thượng; 4. Tứ Thánh đế; 5. Đạo lộ tu tập.
Trong trường hợp ngược lại, có những hành giả dựa vào việc tu tập những hạnh đầu-đà khó làm của mình, liền sinh tâm coi thường người đồng phạm hạnh thì đó cũng là điều không đúng pháp, Phật gọi là Pháp phi chân nhân (asappurisadhamma), như kinh Trung bộ, số 113 đã ghi:
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có người phi Chân nhân là người theo hạnh sống ở núi rừng. Người ấy suy nghĩ như sau: "Ta là người theo hạnh sống ở rừng núi, còn các Tỷ-kheo này không theo hạnh sống ở rừng núi". Người ấy vì tự mình theo hạnh sống ở rừng núi nên khen mình chê người. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là phi Chân nhân pháp.
Nếu theo hạnh mặc y phấn tảo, theo hạnh khất thực, hạnh sống dưới gốc cây, theo hạnh sống nơi mộ địa... theo hạnh sống ngoài trời... theo hạnh thường ngồi, không nằm... Theo hạnh ngồi tại chỗ mời... theo hạnh chỉ ăn một lần ngồi…Vị ấy dựa vào những hạnh đầu-đà đang thọ trì mà khen mình chê người thì những pháp đó không phài là pháp của bậc Chân nhân[27].
Như vậy, việc thực hành khổ hạnh nói chung hay hạnh đầu-đà nói riêng chỉ là trợ hạnh, không phải hạnh chính yếu, càng không phải căn cứ vào đó để tán thán người này hay chê bai người khác. Đây cũng là điều được luận Đại trí độ (大智度論) dẫn giải như sau:
Có hai người đều có đức tin, có trì giới nhưng một người dùng mười hai pháp đầu-đà để trang nghiêm giới hạnh, còn người kia thì không làm được. Có người hỏi: Tại sao người kia không làm được? Đáp rằng: Giới do Phật chế định, đệ tử phải thọ trì. Còn mười hai pháp đầu-đà không gọi là giới (不名為戒), nếu thực hành được thì làm trang nghiêm cho giới, nếu không thực hành thì cũng không phạm giới. Giống như bố thí, ai thực hành thì được phước, ai không thực hành thì không có tội. Đầu-đà cũng vậy. Cho nên, nếu hai bên không hòa hợp, thì đó là việc của ma.
…
Phật pháp chỉ lấy trí tuệ làm căn bản, không lấy khổ hạnh làm dẫn đầu. Pháp đầu-đà đều trợ đạo, thuận theo đạo, nên chư Phật thường khen ngợi[28].
4. Nhận định
Từ thực tế lịch sử và từ kinh điển cho thấy rằng, Phật giáo đã tiếp biến và vận dụng những thành tựu từ các lĩnh vực như văn hóa, tư tưởng, tôn giáo, triết học của Ấn Đổ cổ đại. Một số khái niệm, biểu tượng, pháp hành… của Phật giáo có những liên hệ cội nguồn với các giá trị tôn giáo cổ xưa của Ấn Độ. Pháp tu khổ hạnh nói chung và đầu-đà nói riêng có thể là những trường hợp như vậy. Từ những cứ liệu có nguồn cội từ kinh điển Pāli và Hán tạng đã cho thấy, pháp đầu-đà đã xuất hiện từ thời Đức Phật. Có những hạnh do Đức Phật chủ trương và cũng có những hạnh được Đức Phật chấp thuận, phát xuất từ thực tiễn hành trì của một vài đại diện tiêu biểu của Phật giáo.
Cần phải thấy, lộ trình tu tập của Phật giáo nói chung đều thống nhất trên ba nền tảng căn bản, đó là giới, định và tuệ. Hạnh đầu-đà không phải là giới, chỉ là trợ hạnh dùng để trang nghiêm giới. Thế nên mỗi cá nhân có thể tự nguyện tiếp nhận và thực hành một vài hạnh, hoặc đầy đủ mười ba hạnh, hoặc không thực hành hạnh đầu-đà thì đều không ảnh hưởng quá nhiều đến lộ trình tu tập.
Mục tiêu cơ bản của hạnh đầu-đà nhằm diệt trừ phiền não tham dục, nuôi lớn tâm xả ly, hạn chế thân cận với thế gian, tăng trưởng tinh tấn, giữ vững chánh niệm. Đó là những mục tiêu cao cả cần được ghi nhận và tán thán. Tuy nhiên, phiền não thì không phải chỉ có mỗi một loại tham dục và hơn nữa, tu tập mà chỉ có sức tinh tấn không thôi thì vẫn chưa đủ. Bài kinh Tất cả lậu hoặc (Sabbāsava Sutta) thuộc kinh Trung bộ, số 2, đã liệt kê nhiều loại phiền não và đưa ra nhiều phương cách điều phục tương ứng. So với hạnh đầu-đà thì những giải pháp diệt trừ phiền não từ bài kinh này có căn cơ và mang tính triệt để[29].
Trong tất cả, lời dạy của Đức Phật đối với Sa-môn Nhị-thập-ức-nhĩ (二十億耳, Soṇa) trong kinh Tạp A-hàm, số 254 vẫn là một giải pháp trung đạo, có tính vẹn toàn và có thể thực hiện cho bất kỳ ai và ở bất kỳ giai đoạn nào:
Tinh tấn thái quá thì tăng thêm trạo hối, tinh tấn lơi lỏng thì khiến người biếng nhác. Vì vậy, thầy nên tu tập và nhiếp thọ quân bình, chớ đắm trước, chớ buông lung, chớ chấp tướng[30].
[1] M. Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p.517.
[2] Xem, Trung A-hàm kinh 中阿含經 (T.01. 0026.131. 0620c28).
[3] Xem, Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa 善見律毘婆沙 (T.24. 1462.6. 712a13).
[4] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 2, Kinh Trung bộ, NXB.Hồng Đức, 2020, tr.878-879.
[5] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 2, Kinh Trung bộ, NXB.Hồng Đức, 2020, tr.30.
[6] Cũng xuất hiện ở M.32.
[7] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 11, Tập yếu (Parivāra), Nhóm năm. Tỳ-kheo Indacada dịch, NXB.Tổng Hơp TP. HCM, 2022, tr.1244-1245.
[8] Theo, tipitaka.org. Nguyên tác Pāli: Byāsato pana bhikkhūnaṃ terasa, bhikkhunīnaṃ aṭṭha, sāmaṇerānaṃ dvādasa, sikkhamānasāmaṇerīnaṃ satta, upāsakaupāsikānaṃ dveti dvācattālīsa honti.
[9] Kinh Phật nói về mười hai hạnh đầu-đà 佛說十二頭陀經 (T.17. 0783. 0720b17).
[10] Giải thoát đạo luận 解脫道論 (T.32. 1648.2. 0404b27-0404c03).
[11] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 4, Kinh Tăng chi bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB.Hồng Đức, 2021, tr.25.
[12] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 7, Kinh Tăng-nhất A-hàm, Trung tâm dịch thuật Trí Tịnh, dịch, NXB. TP. HCM, 2022, tr.34.
[13] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 3, Kinh Tương ưng bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB.Hồng Đức, 2020, tr, 440-441.
[14] Kinh Tăng nhất A-hàm cũng xác nhận điều tương tự: Tỳ-kheo Ca-diếp tự mình thực hành mười hai pháp đầu-đà, và cũng dạy người khác thực hành pháp yếu này (迦葉比丘自行頭陀十二一法,亦復教人行此要法). Xem, Tăng 增 (T.01. 0125.49.7. 0801b12).
[15] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 3, Kinh Tương ưng bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB.Hồng Đức, 2020, tr. 402-403.
[16] Xem, Tạp. 雜 (T.02. 0099.447. 0115a24).
[17] Xem, Tăng. 增 (T.02. 0125.49.3. 0795b20).
[18] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 5, Kinh Tiểu bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB.Hồng Đức, 2021, tr.1014-1015.
[19] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 5, Kinh Tiểu bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB.Hồng Đức, 2021, tr.1020.
[20] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 5, Kinh Tiểu bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Hồng Đức, 2021, tr.1046
[21] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 2, Kinh Trung bộ, NXB.Hồng Đức, 2020, tr.95. Nguyên tác Pāli: Abhijānāmi kho panāhaṁ, sāriputta, caturaṅgasamannāgataṁ brahmacariyaṁ caritā - Variant: caritā → caritvā (mr) tapassī sudaṁ homi paramatapassī, lūkho sudaṁ homi paramalūkho, jegucchī sudaṁ homi paramajegucchī, pavivitto sudaṁ homi paramapavivitto.
[22] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 5, Kinh Tiểu bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB.Hồng Đức, 2021, tr.55. Nguyên tác Pāli: Khantī paramaṃ tapo titikkhā./ nibbānaṃ paramaṃ vadanti buddhā./ na hi pabbajito parūpaghāti./ samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto.
[23] Theo, tipitaka.org. Nguyên tác: Tapoti indriyasaṁvara-dhutaṅgaguṇa-vīriya-dukkarakārikānaṁ nāmaṁ, idha pana ṭhapetvā dukkarakārikaṁ sabbāpi kilesasantāpikā paṭipadā vaṭṭati (SA.1.58).
[24] Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Kinh Tương ưng bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.267 Nguyên tác Pāli: Saddhā bījaṁ tapo vuṭṭhi, paññā me yuganaṅgalaṁ; Hirī īsā mano yottaṁ, sati me phālapācanaṁ.
[25] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 11, Hợp phần và Tập yếu, Indacanda dịch, NXB. TP.HCM, 2024, tr.827-828. Nguyên tác Pāli: Sādhu, bhante, bhikkhū yāvajīvaṃ āraññikā assu; yo gāmantaṃ osareyya, vajjaṃ naṃ phuseyya. Yāvajīvaṃ piṇḍapātikā assu; yo nimantanaṃ sādiyeyya, vajjaṃ naṃ phuseyya. Yāvajīvaṃ paṃsukūlikā assu; yo gahapaticīvaraṃ sādiyeyya, vajjaṃ naṃ phuseyya. Yāvajīvaṃ rukkhamūlikā assu; yo channaṃ upagaccheyya, vajjaṃ naṃ phuseyya. Yāvajīvaṃ macchamaṃsaṃ na khādeyyuṃ; yo macchamaṃsaṃ khādeyya, vajjaṃ naṃ phuseyyā’’ti.
[26] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 2, Kinh Trung bộ, NXB.Hồng Đức, 2020, tr.564-577.
[27] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 2, Kinh Trung bộ, NXB.Hồng Đức, 2020, tr.877-879.
[28] Đại Trí Độ Luận 大智度論 (T.25. 1509.68. 0537b25- 0538b10). Nguyên tác: 是二人皆有信、有戒,而一人以十二頭陀莊嚴戒,一人不能. 問曰: 一人何以故不能? 答曰: 佛所結戒,弟子受持。十二頭陀不名為戒,能行,則戒莊嚴;不能行,不犯戒。譬如布施,能行則得福,不能行者無罪。頭陀亦如是。是故兩不和合,則是魔事…佛法唯以智慧為本,不以苦為先。是法皆助道、隨道故,諸佛常讚歎.
[29] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 2, Kinh Trung bộ, NXB.Hồng Đức, 2020, tr.7-12.
[30] Kinh Tạp A-hàm. Xem, Tạp. 雜 (T.02. 0099.254. 0062c16). Nguyên tác: 精進太急,增其掉悔,精進太緩,令人懈怠,是故汝當平等修習攝受,莫著、莫放逸、莫取相. Tham chiếu: Sa-môn nhị thập ức kinh 沙門二十億經 (T.01. 0026.123. 0611c26); Tăng. 增 (T.02. 0125.23.3. 0612a17); Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da phá tăng sự 根本說一切有部毘奈耶破僧事 (T.024. 1450.017. 0185c24); A.6.55 - III.374.
Xem thêm:
Kinh Phật Nói Về 12 Hạnh Đầu Đà (Thích Nguyên Hùng)