Có một điều rất là lạ là hồi xưa tôi có nói là những người có căn cơ tương đối tốt thì mỗi khi họ có chuyện hoạn nạn xảy ra thì họ lại thăng tiến công phu. Đó là cái thấy trong giai đoạn mà mình đang công phu thật. Mỗi một lần mình bị bịnh nặng, hoặc mình gặp phải chuyện gì đó, thì sau đó công phu của mình thay đổi một cách rất là vượt bực, để mình thấy rằng hoạn nạn chính là cái thước đo công phu của mình.
Nhưng mà sau này, tôi đọc một câu chuyện của ngài Milarepa, thì có một câu nói của ngài làm tôi bị sửng sốt giật mình. Phải nói là sửng sốt! Một câu nói hết sức là đặc biệt! [Đại ý ngài nói rằng] mỗi lần trải qua hoạn nạn là cảnh giới tu chứng của các bậc Thánh. Ủa, sau này mình nghiệm thì mình mới thấy rằng đúng là câu nói của một người ở trong cảnh đó thiệt. Tức là ông sư phụ thì gài cho đủ thứ chuyện khó, mà mỗi lần ông đệ tử gặp chuyện khó là chứng một phần Thánh quả. Thành ra cuối đời, ngài Milarepa mới nói một câu đó. Và đó là một câu của những người thực trải nghiệm.
Như mình, người bình thường mà gặp khó thì mình bỏ vỡ câu chuyện, đúng không? Mỗi lần mình gặp hoạn nạn thì có khi mình thối thất công phu. Nhưng các vị có thiện căn tốt thì mỗi lần gặp hoạn nạn là họ thăng tiến. Còn các vị Thánh thì mỗi lần khó khăn là mỗi lần chứng được Thánh quả của chính họ.
Tức là giống y như thế gian, mỗi lần thi là mỗi lần lên lớp vậy đó. Mỗi lần gặp khó là được đưa đề tài cho mình thi. Mà thi có qua hay không? Thi qua thì lên lớp. Thành ra học sinh giỏi, bài càng khó nó càng thích. Còn học sinh dở dở, bài khó quá làm không được thì ở lại lớp. Đó là nguyên lý của thế gian nhưng chúng ta phải thấy là đi sâu vào công phu cũng vậy. Người nào mà có căn cơ thì mỗi lần xảy ra chuyện, rút mắc gì đó không cần biết, khó cỡ nào không cần biết, nhưng sau trận đó rồi là họ thăng tiến một tầng bậc thật sự chứ không phải là không có. Thì đó là những người có hạnh tu của Bồ Tát và có được cái sức tự tại của Chư Phật.
Còn mình chưa được cái sức tự tại của Chư Phật. Gặp chuyện thì được xem như là chướng duyên. Nhưng một khi đã có cái sức tự tại của Chư Phật rồi, khi mà sức tự tại của Tự Tâm đã có thì chúng ta mới thấy cái lực tự tại của Tự Tâm mới kinh khủng tới mức nào, tới cái mức độ là gần như không có cái gì không hóa giải được.
Và chuyện hóa giải ở đây không có phải là công phu. Lúc đầu mình tu thì mình quán nó thế này, thế kia để vượt qua. Nhưng khi đã vượt qua một giai đoạn tu tập rồi và đạt tới cảnh giới sâu như thế này rồi thì nó không phải là công phu nữa, mà gần như chưa đầy một chớp mắt là mọi chuyện gọi là biến cố, mọi chuyện khó khăn, mọi chuyện phiền não đều là Bồ Đề, chứ nó không phải là tức Bồ Đề nữa. Đó mới là cái chuyện khác! Không có chuyện phiền não tức Bồ Đề đâu. Không có tức. Tức là còn chậm.
Đây là một điều rất là đặc biệt ở trong đạo Phật. Ở một cái tầng nào đó thì người ta mới thấy rằng ngay cái phiền não là Bồ Đề, chứ không có tức luôn. Ngay bùn đó nở hoa sen chứ không đợi lâu. Đến giai đoạn tâm thức lên một tầng cao thì chúng ta mới thấy là đốn ngộ, đốn tu, đốn chứng mới được nói ở tầng này. Chưa đến đó nói không được. Tức là tự động tiêu dung hết tất cả mọi thứ phiền trược, mà từ trước tới giờ mình vùng vẫy, mình làm đủ thứ kiểu mà nó vẫn không ra.
*Bức hình này của đức Milarepa (1052-1135) đã được dâng lên Thiền Sư Thích Tuệ Hải vào mùa hè 2022 kèm với một tập truyện hình tiểu sử của ngài. Thân ngài là da bọc xương, trần trụi, màu xanh rêu do bởi khi tu tập nhiều năm tháng trong hang động trên núi tuyết, khi không có lương thực thì quanh năm ngài chỉ ăn rau tầm ma xanh!
Đọc thêm các bài giảng bằng Việt ngữ:
--https://ekayanazen.com/bài-
|
THƯỢNG TỌA THÍCH TUỆ HẢI
Chùa Long Hương