Thư Viện Hoa Sen

Truyền Bá Thiền Nội Quán Tại Ấn Độ Và Các Quốc Gia Tây Phương

TRUYỀN BÁ THIỀN NỘI QUÁN
TẠI ẤN ĐỘ VÀ CÁC QUỐC GIA TÂY PHƯƠNG
Geo Poland | Thích Viên Lý dịch

Nhân Duyên Học Phật Của Tôi

Trước tiên, tôi cần phải rất thành thật với quý vị. Tôi chưa từng nghiên cứu Phật giáo hoặc triết lý Phật giáo tại bất cứ học viện hoặc trường học nào, tôi là một bác sĩ y khoa đã được huấn luyện theo những phương pháp khoa học Tây phương. Nhân duyên khiến tôi tiếp xúc với giáo lý của Đức Phật rất giống như những người ở vào thời đại của ngài. Hồi đó tôi đang chịu đựng những căng thẳng tinh thần và những nỗi khổ tâm, cho nên tôi đã tầm cầu phương pháp giải thoát đau khổ. Trong khi tôi chưa từng đọc sách về Phật giáo, và trong khi du lịch ở Ấn Độ, tôi tiếp xúc với phương pháp thiền Nội Quán (Vipassana) theo như Đức Phật đã thực hành và truyền dạy. Dưới sự chỉ đạo của ân sư Sri S.N. Goenka, tôi tham gia một lớp học thiền kéo dài 10 ngày. Với sự thành tâm và tấm lòng cởi mở, tôi đã chuyên cần học tập trong 10 ngày một cách tự nhiên, tôi thể nghiệm những lợ ích của quá trình thanh lọc tâm thức.

Như Đức Phật đã dạy, một đặc điểm của Giáo Pháp thuần túy là những hiệu ứng phải được thể nghiệm tức khắc lúc này và nơi này, ngay trong cuộc đời này – trong Pali ngữ gọi sự kiện đó là “akaliko.” Chính nhờ sự thể nghiệm này mà tôi đã phát sanh tín ngưỡng đối với giáo lý của Đức Phật. Dưới sự chỉ đạo của thầy tôi, trong 23 năm qua tôi đã tiếp tục tu trì thiền Nội Quán, đồng thời nghiên cứu Phật Pháp liên quan trực tiếp tới sự tu hành. Trong số những nghiên cứu này có Thập Nhị Nhân Duyên, Chánh Niệm Xứ Kinh, Tứ Niệm Xứ, và đọc những sách nói về cuộc đời Đức Phật.

Cách đây khoảng 10 hay 11 năm, với sự chấp thuận của thầy tôi, tôi bắt đầu đại diện ông chủ trì các khóa trình tu thiền. Hôm nay tôi lấy bối cảnh này để đàm thoại với chư vị. Do ở kinh nghiệm này, tôi tự nhiên tin tưởng mạnh mẽ rằng nếu Phật pháp phát huy bất cứ ảnh hưởng lâu dài nào đối với xã hội ở thế kỷ thứ 21, thì cần phải đem ra thực hành. Tức là, yếu nghĩa của Phật Pháp cần phải được mỗi phần tử của xã hội thực hànhchấp nhận, ở giai tầng thực nghiệm, giống như trong thời của Đức Phật.

Tiến Trình Thanh Tịnh của Thiền Nội Quán

Tất cả thánh hiền trên thế giới đều khuyên chúng ta phải “hiểu rõ chính mình.” Điều đó có nghĩa là hiểu rõ chính mình ở giai tầng thực nghiệm, chứ không phải chỉ là ở giai tầng trí thức mà thôi. Chỉ khi nào chúng ta thấy rõ thực tướng của mình, trong chân tánh của mình, thì chúng ta mới thực sự nhận thức được chân lý trong tất cả mọi chiều hướng và hiểu rõ chân lý này trong nội tâm thâm sâu của mình. Loại hiểu biết này sẽ thay đổi chúng tathanh tịnh hóa tâm thức chúng ta. Trong Cơ Đốc giáo có nói: “Hãy chứng kiến chân lý, rồi chân lý sẽ thanh tịnh hóa bạn.” Đây chính là tác dụng của thiền Nội Quán. Nhờ thiền Nội Quán, chúng ta chứng kiến chân lý, hay chân như, ngay chính trong bản thân. Loại chân lý thực tướng này cần phải được trải qua trong thân xác ở giai tầng thực nghiệm.

Chúng ta kinh nghiệm đời sống qua những cảm quan, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý. Khi những cảm quan này tiếp xúc với lục trần, trên thân thể liền sanh ra cảm thọ. Thập nhị nhân duyên miêu thuật loại quá trình này như sau “Xúc duyên thọ, thọ duyên ái.” Sau khi lục trầnlục căn tiếp xúc, thì sanh ra “thọ,” mà loại thọ này chỉ có thể kinh nghiệm trên thân thể. Chúng ta chỉ cần quan sát những thọ này thì có thể trực tiếp kinh nghiệm về Tam Pháp Ấn: Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Loại quá trình kiến chứng chân lý này, giống như khoa học gia, chỉ quan sát một cách khách quan, tiếp nhận thực thể vốn có của sự thật, không có những ý niệm tiên khởi nào, nhờ đó có thể thanh tịnh hóa tâm thức của chúng ta. Chúng ta chỉ cần tiếp tục tu trì thiền Nội Quán, thì lòng càng ngày càng thanh tịnh. Nhờ loại phương pháp quan sát giác thọ này, chúng tathể đạt đến chân lý tối thượngNiết Bàn tịnh tịch. Đức Phật dạy rõ ràng về điều đó: Như Lai chỉ là người vạch ra con đường giải thoát, chứ không phải là người mang chúng sanh tới mục tiêu tối cao; mỗi con người đều cần phải tự mình gắng công mới có thể tự giải thoát.

Thiền Nội Quán Không Bao Hàm Màu Sắc Tôn Giáo

Loại tu trì quan sát chính mình, quan sát thực tướng trong thân thể mình và pháp môn tịnh tâm, mỗi con người, bất kể địa vị xã hội, giai cấp, tôn giáo hoặc màu da của mình, đều có thể thực hành. Người ta không cần phải tự xưng Phật tử mới có thể tu tập Phật pháp, cho dù hành giảtín đồ Ấn Độ giáo, Cơ Đốc Giáo, Hồi Giáo, hoặc người vô thần, đều không khác biệt.

Đức Phật dạy: “Ta không có ý bảo ngươi lìa thầy, ngươi cần nên tiếp tục tôn kính họ và hỗ trợ họ. Ngươi đang chịu khổ, ta đã tìm thấy con đường thoát khổ. Ta muốn dạy ngươi làm sao để giải thoát đau khổ.” Đây là điều ngài đã dạy và đã tu trì. Lối tu hành và giáo pháp của ngài hoàn toàn không mang màu sắc giáo phái.

Ngài đã dạy những gì? Ngài dạy Bát Chánh Đạo. Ngài dạy Giới, ngài dạy Định, ngài dạy Huệ. Qua “Giới” chúng ta biết ngài dạy đạo đức – không dùng ngôn ngữ hoặc động tác làm phương hại người khác. Đạo Đức không phân biệt giáo phái, nó là cơ sở của tất cả tôn giáo. Ngài dạy “Định,” dùng đối tượng không mang màu sắc tôn giáo, heo dõi hơi thở của mình để kiểm soát tâm, Pali ngữ gọi là “Anapanasati.” Bằng cách theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra của mình, người ta có thể huấn luyện tâm, kiểm soát tâm. Với một cái tâm được kiểm soát, người ta có thể kiểm soát những hành vingôn ngữ của mình, không làm phương hại người khác, cũng không làm hại chính mình nữa. Điều này cũng không mang màu sắc giáo phái, người ta không cần tự xưng Phật tử mới có thể tu “Anapanasati.” Hô hấphô hấp. Chúng ta quan sát hơi thở vào và hơi thở ra. Khi tâm tản mạn, chúng ta liền mang nó trở lại với sự giác tỉnh của hô hấp. Dùng phương pháp này chúng ta phát triển “Định” – tức là “sự chuyên nhất bất động của tâm.” Kế đó, Đức Phật lại dạy trí huệ Bát Nhã, dùng “Quán” để định tâm.

Hiểu Rõ Vô Thường, Khổ và Vô Ngã

Thầy của đại sư Goenka là Sayagi U Ba Khin, người Ngưỡng Quang, Miến Điện, vị thầy thiền Nội Quán rất nổi tiếng và rất được tôn kính. Ông bảo với học sinh Tây phương rằng: “Vô Thường, Khổ, Vô Ngã là ba đặc tánh cốt yếu trong giáo lý của Đức Phật. Nếu bạn hiểu đúng nghĩa Vô Thường, tự nhiên có thể hiểu rõ Khổ và Vô Ngã, chứng được Chân Lý Tối Cao. Cần phải trải qua một thời gian mới có thể hiểu rõ Tam Pháp Ấn này cùng một lượt.

Vô thườngsự kiện cốt yếu, cần phải tu tập để thể nghiệm và hiểu rõ thêm. Nếu chỉ gặt được trí thức Phật pháp trên sách vở, và thiếu giai tầng kinh nghiệm, thì vẫn không đủ để hiểu rõ vô thường một cách chính xác. Kiến thức qua sách vở về Phật pháp sẽ không đủ để giúp người ta hiểu đúng nghĩa Vô Thường, như là tiến trình biến đổi không ngừng trong chúng ta, thì bạn mới có thể hiểu được Vô Thường theo như Đức Phật muôn bạn hiểu nó. Ở thời đại Đức Phật, đối với những người không biết gì về Phật pháp cũng có thể hiểu rõ vô thường này, ngày nay cũng vậy. Nếu muốn hiểu rõ vô thường, và tiến tới hiểu rõ khổ và vô ngã, cần phải nghiêm chỉnhtinh tiến thực hành Bát Chánh Đạo và Giới, Định, Huệ. Giới (cách sống đạo đức) là cơ sở của Định (kiểm soátan định tâm ý); và Định là điều kiện để phát triển Huệ. Vì thế, Giới và Định là điều kiện tiên quyết của Huệ. Vậy thì Huệ có nghĩa là hiểu rõ Vô Thường, Khổ, Vô Ngã qua sự thực hành thiền Nội Quán. Mục tiêu trước tiên của thiền Nội Quán là thể nghiệm Vô Thường trong chính bản thân mình, sau cùng đạt đến yên tịnhquân bình cả bên trong và bên ngoài.”

Khóa Trình Thiền Nội Quán 10 Ngày

Kỹ thuật thiền Nội quán do Đại Sư S.N Goenka dạy theo truyền thống của Sayagi U Ba Khin, được thiết kế thành khóa trình kéo dài 10 ngày. Khóa sinh tuân theo ngũ giới, ba ngày đầu tu theo “Anapanasati.” Khi đến ngày thứ ba, không những có thể rõ ràng cảm nhận hơi thở ra vào mà còn có thể cảm thấy những cảm giác phát sinh ở giữa khu vực ba góc của hai lỗ mũi và môi trên, không liên quan tới hơi thở. Đó là những cảm giác tự nhiên bình thường, giống như cảm giác tê tê, toát mồ hôi, sức ép hồi hộp, đau mỏi, siết chặt, nới rộng, co rút v.v…Thật ra thì những cảm giác này luôn luôn có ở nơi đó; nhưng vì tâm chúng ta tán loạn cho nên lúc bình thường chúng ta không cảm thấy. Tương tự như vậy, những cảm giác này cũng luôn luôn hiện diện trên toàn thân chúng ta.

Một khi tâm có cảm giác cảm thọ ở môi trên thì khóa sinh có thể luyện tập thiền Nội Quán. Phương pháp ấy sẽ được truyền dạy vào ngày thứ tư. Khóa sinh sẽ luyện tập di chuyển sự chú tâm đi khắp thân thể, bắt đầu từ đỉnh đầu, và dần dần chuyển xuống từng mỗi phần khắp toàn thân, cảm nhận những cảm giác này, và hiểu rõ chúng, qua chính kinh nghiệm của mình, rằng những cảm giác này đang thay đổi. Trong sáu ngày còn lại, khóa sinh quan sát những cảm giác trong toàn thân, hiểu rõ những cảm thọ này không ngừng thay đổi và mình không thể kiểm soát chúng, và tập giữ cho tâm mình bình thản trong khi có những kinh nghiệm này.

Trong khóa trình 10 ngày, có một sự thật càng ngày càng rõ rệt: mỗi khi ta cảm thấy cảm giác lạc thú thì sẽ sanh ra phản ứng tham dục, ta muốn kéo nó dài bất tận. Tương tự như vậy, mỗi khi cảm thấy cảm giác khó chịu, ta sẽ sanh ra phản ứng ghét nó (sân) – “Ta không thích nó, ta phải khử trừ nó.” Ta cố gắng đẩy nó ra. Loại đẩy ra và níu kéo này, tức là nguyên nhân cơ bản của tất cả những căng thẳng trong nội tâm chúng ta.

Khi tiếp tục thực hành nội quán, ta thấy rõ rằng khi ta cắt đứt phản ứng đó bằng cách quan sát những cảm giác của mình và giữ cho tâm bình thản thì ta bắt đầu thoát ra khỏi sự khó chịu (khổ). Vậy thì sự khó chịu là gì? Thực ra, sự khó chịu là phản ứng đối với cảm giác của ta. Nó là sự khác biệt giữa tình huống thực tế và tình huống mà ta mong đợi ở bất cứ thời khắc nào đó. Tình huống thực tếnhư vầy, nhưng bạn lại mong rằng nó nhiều hơn thế hoặc ít hơn thế. Vì vậy ta thấy khổ. Xuyên qua thiền Nội Quán, có thể biết trên thân ta luôn luôn có những cảm thọ này, ta cảm nhận ra chúng bằng tiềm ý thức và ta phản ứng đối với nó bằng tiềm ý thức. Bây giờ tiềm ý thức này trở thành ý thức nhờ thực hành thiền Nội Quán, và ta bắt đầu kinh nghiệm đến cái khổ bên trong mình. “Ô! Đây là khổ! Cả đời tôi là sống như vậy đó! Vậy mà tôi và ý thức của tôi đều không biết, tôi cứ mãi mãi cảm thọphản ứng, cảm thọphản ứng.”

Vì thế, trong thiền Nội Quán, khi hành giả bắt đầu phát triển sự bình thản trong tâm qua sự ý thức về những cảm thọ và hiểu được Vô Thường, họ bắt đầu kinh nghiệm được sự an tường và hòa hài nội tâm. Những tầng lớp của tham và sân cũ dần dần trồi lên trên bề mặt và tan biến đi. Sau khi thiêu rụi tham và sân tồn trữ trong quá khứ, ngọn lửa phiền não của chúng ta dần dần giảm bớt, cho tới khi không còn nhiên liệu để đốt nữa. Cảnh giới này gọi là Niết Bàn. Niết Bàn có nghĩa là không đốt cháy nữa. Cháy đã ngưng rồi. Ngọn lửa tham sân si dập tắt rồi. Chỉ cần không phản ứng, những phiền não cũ liền trồi lên bề mặt, biểu hiện thành các cảm giác và tan biến đi, vì lòng chúng ta bình thản. Chúng đến để mà biến đi. Đây là thiền Nội Quán.

Vào ngày thứ 10 trong khóa trình, khóa sinh học tập thiền Metta Bhavana, chữ ngày có nghĩa là Từ-Ái (từ biyêu thương). Trong cách thiền này hành giả chia sẻ an lạc và hài hòa với tất cả mọi chúng sanh. “Nguyện tất cả chúng sanh đều đạt được cát tường hạnh phúc.” Bây giờ lòng Từ-Ái phát ra từ nơi sâu thẳm của tâm với sự ý thức về những cảm giác. Vào ngày thứ 10, sau 9 ngày đã Tịnh Khẩu, khóa sinh được phép nói chuyện với nhau, thảo luận về những kinh nghiệm của mình, chuẩn bị về nhà làm việc và học hành. Nhiều trường hợp cho ta thấy rằng kinh nghiệm gặt được trong 10 ngày của khóa sinh giúp họ có lòng tự tin để tiếp tục thiền quán hằng ngày ở nhà mình.

Truyền Bá Thiền Nội Quán

Vào thời của Đức Phật, loại pháp môn Nội Quán này truyền bá khắp Ấn Độ. Rồi tới thời của Vua A Dục (Asoka), nó được truyền bá từ Ấn Độ sang các nước lân cận, trong số đó có Miến Điện. Tại Miến Điện pháp môn này đã được bảo tồn đúng như phương pháp thực hành nguyên thuỷ, qua sự tiếp nối liên tục do các vị tăng sĩ truyền dạy trong hơn 2000 năm qua.

Bốn đời gần đây, sự tiếp nối của các vị thầy là từ Hòa Thượng Ledi Sayadaw ở Miến Điện. Ngài sanh năm 1846 ở phía bắc Miến Điện, và đã du hành khắp Miến Điện để dạy cả pháp môn thiền này và kinh điển. Ngài xuất sắc cả hai môn. Ngài viết khá nhiều và những bài viết đó đã được tập hợp trong nhiều cuốn sách. Năm 1911, chính phủ Anh Quốc tặng cho Ngài danh hiệu “Aga Maha Pandita,” Có nghĩa là “Thượng Đẳng Đại Sư.” Ngoài ra, ngài cũng được đại học Ngưỡng Quang tặng cho học vị Tiến Sĩ Văn Học. Hòa Thượng Ledi Sayadaw đã chọn một Cư sĩ nông gia tên là U-Thet làm một trong các truyền nhân của ngài. U-Thet đã tu theo phương pháp Anapanasati 7 năm, trước khi gặp vị hoà thượng này. Và sau khi nhận Hòa Thượng Ledi Sayadaw làm thầy, ông lại trải qua bảy năm tu trì thiền Nội Quán rồi mới được phép dạy pháp môn này.

Hòa Thượng Ledi Sayadaw khuyến khích một số đệ tử xuất gia của ngài hãy học thiền từ U-Thet, và vị này đã thành lập trung tâm tu thiền gần Ngưỡng Quang, và chính tại đây một kế toán viên thuộc Phòng Tổng Kế Toán tên là U Ba Khin đã tới học thiền Nội Quán. Sau khi tu học mấy năm dưới sự chỉ đạo của U-Thet, U Ba Khin bắt đầu dạy thiền tọa và thành một bậc thầy nổi tiếng. Sayagi U Ba Khin tiếp tục đời sống tại gia, ông có gia đình, và sau này khi Miến Điện được Anh Quốc trao trả độc lập ông trở thành Trưởng Phòng Tổng Kế Toán của chính phủ Miến Điện. Và ông bắt đầu dạy thiền Nội Quán cho các công chức dưới quyền, khiến cho hiệu năng công tác của cơ quan trọng yếu này trở thành cao hơn trước rất nhiều.

Cuối thập niên 1950, S.N. Goenka gặp gỡ Sayagi U Ba Khin khi ông tham dự một khóa thiền 10 ngày ở trung tâm tu thiền của vị đại sư này. Rồi ông ở lại để tiếp tục học thêm 14 năm dưới sự chỉ đạo của U Ba Khin, cho đến khi trở về quê hương ở Bombay, Ấn Độ. Năm 1969, tại Bombay ông dạy khóa trình Nội Quán thứ nhất cho một nhóm gồm 14 khóa sinh. Sau khi khóa trình kết thúc, 14 người này yêu cầu ông dạy thêm khóa nữa cho các thân hữuquyến thuộc của họ, rồi cứ thế hết khóa này tới khóa khác được tổ chức khắp nơi ở Ấn Độ. Vậy là Bánh xe Pháp Luân lại được chuyển lần nữa sau 2000 năm vắng bóngẤn Độ.

Những khóa trình này được tổ chức trong những ngôi đền, nhà thờ và đền Hồi giáo của tất cả những tôn giáo chủ yếu ở Ấn Độ: Ấn giáo, Hồi giáo, Cơ Đốc giáo, Kỳ Na giáo (Jainism). Hiển nhiên rằng đây là một kỹ thuật tu tập phi giáo pháimọi người đều có thể tu và tiếp nhận lợi ích. Một số người Tây phương tới viếng Ấn Độ cũng bắt đầu theo học với đại sư Goenka, và sau khi ở lại Ấn Độ thêm thời gian, họ trở về Tây phương, sau khi trở về các nước Tây Phương, trông thấy người chung quanh họ quá đỗi đau khổ, nên họ đã thuyết phục đại sư Goenka sang Tây phương để dạy Đạo Phật. Năm 1979, đại sư đến nước Pháp và Canada để mở những khóa trình thiền Nội Quán đầu tiên ở Tây phương.

Cứ như thế, đại sư Goenka tiếp tục quay trở lại Tây phương để dạy thiền Nội Quán. Năm này qua năm khác, lời truyền tụng đã được người ta loan đi: “Hãy đến để xem, hãy đến và thử phương pháp thiền Nội Quán này.” Đây tức là phẩm chất của “Ehipassiko,” chữ Pa-li có nghĩa là đến để niếm thử Đạo Pháp. Các khóa sinh cũ mách bảo với bạn hữu của họ, và những người đó đến học. Rất nhanh, đại sư thấy rằng mình không đủ sức làm việc này một mình. Khi các môn sinh Ấn ĐộTây phương ngày càng tiến triển công phu tu thiền, ông liền chỉ định một số môn sinh đó làm Thầy Phụ Tá để thay ông giáo thụ tu thiền. Tôi là một trong những Thầy Phụ Tá đó. Các khóa trình của chúng tôi dạy theo một đường lối mà tất cả những huấn thị chính thức đều do đại sư Goenka thu thanh vào những cuộn băng rồi được phát thanh ra. Vào những buổi tối có những bài Thuyết Pháp của đại sư phát ra từ băng thu thanh hoặc băng video. Vai trò của Thầy Phụ Tá là hướng dẫn khóa sinh suốt thời gian tu tập 10 ngày, trả lời bất cứ các câu hỏi nào của khóa sinh liên quan phương pháp tu tập, và giải quyết bất cứ vấn đề gì có thể xảy ra trong khóa trình tu thiền. Hệ thống tổ chức theo lối này giúp đại sư có thể mở nhiều khóa trình khắp thế giới. Những khóa trình này đã trở thành rất nổi tiếng, cho nên các trung tâm thiền Nội Quán đã được thành lập thêm khắp nơi ở Ấn ĐộTây phương.

Năm 1976, đại sư Goenka thành lập trung tâm thứ nhất, đặt tên là “Đạo Pháp Chi Cương,” tọa lạc ở thị trấn Igatpuri, các thành phố Bombay khoảng bốn tiếng đồng hồ xe chạy. Ngày nay đây là trung tâm thiền Nội Quán lớn nhất thế giới. Trên toàn cầu bây giờ (năm 1995) có 40 trung tâm, và đã mua đất đai để thiết lập những trung tâm ở các nơi tôn nghiêm của Phật giáo, như Sarnath (nơi có Vườn Lộc Uyển), Bồ Đề Đạo Tràng, và Lâm-Tì-Ni (Lumbini).

Thiền Nội Quán Làm Cách Nào Để Giúp Nhân Thế Ở Thế Kỷ 21

Trong khi đang bước sang thế kỷ 21, chúng ta thấy sự đau khổ hiện diện khắp mọi nơi. Lối sống cạnh tranh hiện đại chuyển động rất nhanh, nhưng các khoa kỹ mới mẻ không đem lại hạnh phúc. Các hệ thống kinh tế của chúng ta giải quyết được bao nhiêu vấn đề thì đồng thời chúng cũng tạo ra thêm bấy nhiêu vấn nạn! Trong những quốc gia đã mở mang, chúng ta thấy rõ rằng bất kể những tiến bộ về y tế, giáo dục và kỹ thuật, những trường hợp bệnh tâm thần, thanh thiếu niên phạm pháp, nạn ghiền rượu, ma tuý, li dị, phạm tội, tự sát, v.v…, vẫn gia tăng nhiều. Mức độ điện toán hóa rộng rãi bắt đầu làm tăng thêm nạn thất nghiệp. Hố cách biệt giữa quốc gia nghèo và giàu ngày càng lớn hơn. Trong quá trình phát triển của những nước nghèo khổ, cũng gặp những vấn đề giống như trong các xã hội Tây phương nói trên. Ngoài ra, phần lớn dân số của họ vẫn ở trong cảnh nghèo khó, vì tài phú vẫn ở trong tay của một số ít người. Vì thế, chúng ta thấy rằng người giàu đau khổ, người nghèo cũng đau khổ.

Làm sao giải quyết khốn khổ này? Mỗi xã hội đều do các cá nhân hợp thành. Con người biến thành nô lệ cho khát vọng, tham vọng, mục tiêulý tưởng của họ. Những dục vọng này rất ít khi có thể được thỏa mãn hoàn toàn, gây ra lo lắng nóng nảy và bất thỏa mãn. Đây là vấn nạn chung của tất cả nhân loại. Vì nó là tật bệnh phổ biến, cho nên phương thuốc chữa trị cũng cần phải phổ biến. Cơ sở của bất cứ xã hội lành mạnh nào luôn luôn phải là sự lành mạnh của các thành viên sống trong xã hội đó. Chỉ khi nào mỗi cá nhân đều có cái tâm thanh tịnh, an lạc, thì chúng ta mới có thể kỳ vọng xã hộian tường và hài hoà. Lời giới thiệu về UNESCO (Tổ Chức Giáo Dục Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc) viết rằng: “Chiến tranh khởi nguyên ở trong lòng người, vì thế công trình bảo vệ hòa bình cần phải thiết lập trong lòng người.” Bất cứ pháp môn tu hành nào có thể tạo an tịnhthanh tịnh hóa lòng người, chẳng hạn như thiền Nội Quán, hiển nhiên đáng để chúng ta nghiên cứu thảo luận.

Nếu các phần tử ưu tú và các cấp công nhân trong xã hội – dù là thuộc các xí nghiệp hay thuộc cơ quan chính phủ – có thể tận dụng những lợi ích của thiền Nội Quán, thì bao nhiêu vấn đề ngăn trở những ý nguyện truy cầu hòa bình và hạnh phúc trên thế giới sẽ tức khắc giải quyết được ngay. Dù sao chăng nữa, cơn tức giận của tín đồ Ấn Độ giáo đâu có khác gì với cơn tức giận của một tín đồ Do Thái giáo, hoặc Cơ Đốc giáo, hoặc Hồi giáo. Tức giận là tức giận. Ngược lại, hạnh phúc và sự hài hòa trong lòng của tín đồ Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Phật giáo hoặc một người vô thần cũng đều như nhau. Hạnh phúchạnh phúc, hài hòa là hài hoà. Nếu thiền Nội Quán muốn được các dân tộc khắp nơi trên thế giới tiếp nhận thì nó phải được cống hiến cho họ như là một phương pháp phi giáo phái. Nếu coi nó là một pháp môn tu hành của một tôn giáo, thì giáo đồ tôn giáo khác sẽ cảm thấy e ngại và không muốn thực hành phương pháp đó, và họ không được hưởng lợi ích.

Tiến Triển của Thiền Nội Quán tại Ấn Độ

Nếu muốn cho việc thực hành Phật pháp đạt được hiệu quả đích thực, thì cần phải đi sâu vào mọi tầng lớp xã hội. Ở phương diện này, Ấn Độ đã khởi sự tốt đẹp. Năm 1985, Viện Nghiên Cứu Nội Quán (VRI) thành lập tại “Phật Pháp Chi Cương” để nghiên cứu những vấn đề tương quan với thiền Nội Quán. Trung tâm ấy có hai nhiệm vụ:

(1) Phiên dịch và xuất bản Tạng Kinh Pa-li Văn;
(2) Nghiên cứu để tìm cách áp dụng thiền Nội Quán trong đời sống hằng ngày.

Viện VRI đã gách vác trọng trách xuất bản toàn bộ Tạng Kinh Pa-li văn và những phần chú giải tương quan. Các học giả Pa-li văn đến từ Ấn Độ và các nước khác, trong số đó có nhiều vị tỳ-kheo thông tuệ đến từ Miến Điện, đều hiệp trợ công tác này. Giai đoạn thứ nhất là cung cấp một phiên bản chính xác về Tam Tạng Kinh và những lời chú giải viết bằng thể văn tự Thiên Thành (Devanagari) của Ấn Độ. Công tác này sẽ có thể bổ sung cho những nỗ lực của chùa Na Lan Đà (Nalanda Mahavihara), chùa này đầu tiên xuất bản Tam Tạng Kinh bằng thể văn tự Thiên Thành, nhưng nay đã tuyệt bản. Kết quả là bộ kinh “Trường Ni Kha Gia” (Digha Nikaya) gồm 11 quyển đã xuất bản. Bộ “Trung Ni Kha Gia” đã được ấn loát. Kỳ dư, phần lớn những kinh điển còn lại đã viết vào máy điện tử. Đồng thời, việc xuất bản kinh điển bằng văn tự La-tinh hóa cũng đã bắt đầu. Trước tiên, Viện Nghiên Cứu Nội Quán sẽ xuất bản những kinh điển mà Học Hội Pa-li Thánh Điển chưa xuất bản. Học giả Tây phươnghọc sinh Nội Quán hiện đã có thể tiếp cận được toàn bộ kinh điển. Vì thế, kế hoạch xuất bản bằng văn tự La-tinh hóa của Viện Nghiên Cứu Nội Quán là bổ túc cho công tác vĩ đại mà Học Hội Pa-li Thánh Điển đã hoàn thành.

Sứ mạng thứ hai của Viện Nghiên Cứu Nội Quánnghiên cứu cách áp dụng phương pháp khoa học cho thiền Nội Quán ứng dụng trong các địa hạt như giáo dục, y tế, biến thiên xã hội, và chính phủ, như sau:

Giáo Dục

Đầu tiên, chúng ta hãy xét thiền Nội Quángiáo dục. Các nhà giáo dục hiện đại tựa hồ thờ ơ với việc thăm dò thế giới tình tựtinh thần của tâm thức. Học hỏi về thế giới bên ngoài giúp học sinh thu nhập những kỹ năng để mưu sinh. Nhưng, giáo dục về thế giới nội tâm của chúng ta dạy cho học sinh nghệ thuật sống – nhờ đó họ phát sanh sự an tường và hài hòa cho chính mình và cho tha nhân.

Năm 1993, ở Ấn Độ đã tổ chức hơn 30 khóa trình nội quán dành cho thiếu nhi, với khoảng 5,000 em thuộc những lứa tuổi khác nhau đã tham gia. Viện Nghiên Cứu Nội Quán đã khai triển những bài học về Giới, Định, Huệ thích hợp với trình độ thiếu nhi, để sử dụng song song với những thời kỳ thực hành tu thiền “Anapanastati” trong ba ngày. Các em tham gia những trò chơi, tập hội họa, và cùng với các Thầy Phụ Tá tham dự các nhóm thảo luận. Các em nói chuyện về những vấn đề trong đời sống của chúng và về sự cần thiết phải thực hành Giới, những khóa trình này tiếp tục được tổ chức khắp nước Ấn Độ.

Những cuộc nghiên cứu về lãnh vực này cho thấy rằng các thiếu nhi này sau đó đã làm bài giỏi hơn trong kỳ thi và ít gây rắc rối tại trường hơn các trẻ em khác. Các thầy giáo nào đã tham gia khóa trình thiền Nội Quán 10 ngày cũng được khích lệ hãy cho các học sinh của họ thực hành “Anapanasati.” Chúng tôi đề nghị trước khi lớp học bắt đầu, giữa giờ học và khi lớp học kết thúc, thầy giáo và học trò cần thực hành vài phút “Anapanasati.”

Dạy trẻ em nhận thức Phật pháp tức là bạn huấn luyện cho chúng sống đời an tườnghạnh phúc.

Y Tế

Tương tự như trên, những nghiên cứu về thiền Nội Quán trong lãnh vực y tế cũng đang tiến hành. Thiền Nội Quán không phải chỉ dùng để chữa trị tật bệnh cơ thể; nếu làm như vậy nó sẽ mất đi giá trị chân chính. Nhưng, các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng những người thực hành thiền Nội Quán thường thuyên giảm các chứng bệnh tâm thần. Điều này cho thấy một phản ứng phụ của sự thanh tịnh tâm trí là sức khoẻ cơ thể cũng được hưởng lợi ích.

Cai Ma Tuý

Một bản phúc trình trong thời kỳ hai năm của nhân viên thuộc cơ quan Kripa Foundation ở Bombay, một viện cai ma túy hàng đầu, đã kết luận rằng thiền Nội Quán rất có hiệu quả để cai ma túy. Tương tự như vậy, những viện cai ma túy khác ở Đức và Úc cũng thấy rằng nếu trong khóa trình cai độc của họ có thêm vào thiền Nội Quán thì phần đông những người được chữa trị sẽ không trở lại với ma túy nữa.

Biến Thiên Xã Hội

Nhiều công tác trong các nhà tù ở Ấn Độ đang được đẩy mạnh. Trong khám đường Tihar ở ngoại ô Tân Đề Li, là nhà tù lớn nhất Á Châu với số người thọ hình gồm hơn 9,000 người, những khóa thiền Nội Quán 10 ngày đang được tổ chức liên tục. Vị Tổng Thanh Tra Khám Đường ở Ấn Độ đã nói: “khi tôi đang tìm kiếm một phương pháp có thể giúp cải hóa người thọ hình trong ngục tù thì tôi đã tìm được thiền Nội Quán.”

Mấy năm trước đây hai nhà tù Amadbad và Baroda đã mở những lớp thiền Nội Quán, nghiên cứu kết quả cho thấy thái độ người tham gia thay đổi rất lớn, không khí nhà tù cũng biến thành an tường hòa khí. Tháng Tư năm 1994, đại sư Goenka đã chủ trì một khóa học thiền Nội Quán tại nhà tù Tihar, với trên 1,000 tù nhân và nhân viên nhà tù tham gia. Ông nói: “Những nhà tù này nhắm tới việc giúp cho người ta thoát ra khỏi đau khổ, ra khỏi những sai lầm. Thiền Nội Quán là công cụ rất tốt cho họ. Tôi rất vui mừng khi thấy điều đó đã bắt đầu có hiệu quả. Trong tương lai chắc chắn nó sẽ trở thành tấm gương sáng cho toàn thế giới. Nhà tù phải nên quản lý như thế nào? Người thọ hình phải được cải thiện như thế nào, để sau này khi ra tù họ sẽ biến thành hữu ích cho xã hội chứ không phải là gánh nặng. Thiền Nội Quán chắc chắn giúp được như vậy.” Những cuộc nghiên cứu để xác định ảnh hưởng của thiền Nội Quán đối với tù nhân cho thấy rằng phần đông đã có thể kềm chế cơn nóng giận của họ dễ hơn trước, một số người nói rằng tuy mức độ nóng giận của họ vẫn như trước, nhưng sự nóng giận ít khi xảy ra hơn. Người thọ hình cũng cảm thấy họ đạt được yên tịnh về tâm thần. Tất cả tù nhân đều nói rằng họ đã cải thiện lòng thương và từ bi đối với người khác, đối với cả các tù nhân khác lẫn nhân viên nhà tù. Nhiều người cảm thấy rằng họ muốn giúp đỡ các tù nhân khác. Nhiều người đã bỏ hút thuốc lá. Tại nhà tù Tihar họ đã thành lập một trung tâm tọa thiền thường trực và đặt tên là “Tihar Đạo Pháp.”

Thiền Nội Quán và Trẻ Em Vô Gia Cư

Trong các vùng khác ở Ấn Độ, những khóa trình thiền Nội Quán đã được tổ chức cho giới trẻ em vô gia cư. Theo tài liệu của Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc, Ấn Độ có con số nhi đồng lang thang đầu đường xó chợ nhiều nhất thế giới. Tháng 10 và tháng 12 năm 1994, hai khóa học Anapanasati đã được tổ chức cho giới trẻ em vô gia cư ở Bombay, với hơn 100 em tham gia. Khóa thứ nhất được tổ chức qua cơ quan từ thiện của Mẹ Theresa cho các trẻ em sống ngoài đường. Khóa thứ nhì thì được tổ chức bởi Ruman House, một cơ quan từ thiện chuyên giúp đỡ các thiếu nhi phạm pháp và những đứa trẻ bỏ nhà ra đi. Những khóa học này được hướng dẫn bởi các thầy phụ tá sơ cấp, và hàng tháng họ trở lại để tọa thiền cùng với các trẻ em và trả lời những câu hỏi của chúng. Các thầy phụ tá này thấy rằng các em sốt sắng tham gia, một cách đáng ngạc nhiên, trong những buổi tọa thiền tập thể, dù các em phải bỏ lỡ những giờ chơi đùa của chúng để tọa thiền với nhau! Người ta đang mở thêm những khóa học Anapanasati qua những cơ quan phi chánh phủ chuyên giúp trẻ em vô gia cư ở Bombay.

Thiền Nội QuánChánh Phủ

Thiền Nội Quán có thể trợ giúp mọi giai tầng của xã hội, kể cả chánh phủ. Các cơ cấu chánh phủ, như Bộ Gia Cư và Phát Triển của tiểu bang Maharashtra, Hội Đồng Dầu Hỏa và Khí Đốt Thiên Nhiên v.v…, đã bắt đầu chính thức phái các viên chức cao cấp và sơ cấp tham gia các khóa học thiền Nội Quán tại Phật Pháp Chi Cương. Gần đây, Hội Đồng Lao Động của tiểu bang Maharashtra đã gửi một văn thư cho chánh phủ và các xí nghiệp tư nhân, yêu cầu phái nhân viên tham gia các khóa học thiền Nội Quán. Công việc nghiên cứutính cách khoa học đang được tiến hành để thăm dò ảnh hưởng của thiền Nội Quán trong địa hạt này.

Cơ Kim Hội Phục Hưng Phật PhápẤn Độ

Gần đây, Viện Nghiên Cứu Nội Quán (VRI) đã thành lập một Cơ kim hội (foundation) để phục hưng Phật PhápẤn Độ. Một trong những kế hoạch của Cơ kim hội này là kiến tạo một ngôi chùa tại Tân Đề Li. Ngôi chùa này sẽ kính cẩn tàng trữ di tích của Đức Phật, thay vì cất chúng ở các viện bảo tàng khác nhau. Kiến trúc của ngôi chùa này sẽ phỏng theo ngôi chùa Shwedagon nổi tiếng ở Ngưỡng Quang, Miến Điện.

Hội Cơ Kim Phục Hưng Phật Pháp Ấn Độ cũng sẽ thi hành những công tác để đính chánh những sai lầmngộ nhận đã ăn sâu trong tâm trí dân chúng Ấn Độ về cuộc đờigiáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Một phần

trong công trình này sẽ là công việc phân phát miễn phí những kinh điển Pa-li văn viết bằng thể văn tự hiện đại của ngôn ngữ Hindi. Viện nghiên Cứu Nội Quán vững tin rằng công cuộc quảng bá này sẽ giúp các học giả, các khoa học gia và các nhà cải cách xã hội có thể dễ dàng học hỏinghiên cứu các loại công tác phúc lợi khác nhau ở Ấn Độ.

Phát Triển Thiền Nội Quán Trên Thế Giới

Hiện nay thế giới Tây Phương có 12 Trung Tâm Nội Quán, Mỹ và Úc Châu đều có 4 trung tâm, Đức, Pháp, Anh, và Tân Tây Lan mỗi nước có 1 trung tâm. Ở các nước Nhật Bổn, Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, Cam Bốt và Nepal cũng có những trung tâm Nội Quán. Ngoài ra, ở các nước Bỉ, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ, Do Thái và Nam Mỹ đều thường xuyên tổ chức những khóa trình thiền Nội Quán 10 ngày. Những tư liệu về thiền Nội Quán đã được phiên dịch sang các ngôn ngữ Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Do Thái, Nam Tư. Công tác phiên dịch Nga văn đang tiến hành. Trung tâm chính yếuTây phương là ở Shelburne Falls, Massachsetts, Hoa Kỳ. Tại đây đang kiến tạo một ngôi chùa có những thiền phòng cá nhân, thiền phòng đang sử dụng thì đã vượt quá 100 gian. Các trung tâm này cũng thành lập “Nhà Mở Ngỏ” để tiếp những người địa phương chưa theo học những khóa trình thiền Nội Quán 10 ngày. Người ta đến đây để nghe những bài thuyết giảng nhập môn về thiền Nội QuánPhật pháp.

Những trung tâm này cũng tổ chức những buổi tối thuyết giảng nhập môn tại các thư viện, trường đại học và trường học trong các thị xã lân cận. Những công tác trong các nhà tù đã được xúc tiến, đồng thời mở các khóa dạy Anapanasati cho các em học sinh. Ngày nay mỗi thị trấn đều có những trường học, hội quán thể dục, sân vận động, để phát triển trí thứcthân thể, hy vọng có ngày mỗi thị trấn cũng sẽ có một Trung Tâm Nội Quán, để phát triển cuộc sống an tường hài hòa. Vì thế, chúng tôi đang nghiên cứu để tìm cách đem thiền Nội Quán vào các xã hội khác nhau, để dẫn tới sự thay đổi tốt đẹp cho tất cả mọi người.

Kết Luận

Sau cùng, tôi xin kết luận bằng cách trích dẫn từ bài diễn văn khai mạc của đại sư Goenka đọc tại một cuộc hội thảo quốc tế có chủ đề là “Thiền Nội Quán và Sự Thiết Yếu của Nó Đối Với Thế Giới Ngày Nay.” Cuộc hội thảo đó triệu tập ở Tân Đề Li vào tháng 4 năm 1994. “Các bạn thân mến, mỗi buổi sáng ánh mặt trời xua đuổi bóng tối của ban đêm. Ánh sáng chiếu rọi tới bất cứ một góc nào của thế giới, hoặc bất cứ mùa nào trong năm, cũng đều giống như thế. Dù là quá khứ, hiện tại hoặc vị lai, mỗi khi mặt trời mọc lên thì bóng tối tự nhiên biến mất. Tương tự như vậy, ánh sáng của Nội Quán xua đuổi bóng tối của vô minhđau khổ, bất kể thời gian hay không gian. Trên khắp thế giới ngày nay bóng tối của đau khổ đang lan tràn. Dân chúng khắp nơi mong mỏi tìm được một giải pháp cho những đau khổ trong đời họ. Vì thế, chẳng đáng ngạc nhiên rằng ánh sáng của Nội Quán, tức là ánh sáng của trí huệ, đã chứng tỏ rằng nó rất thiết yếu trong thế giới hiện đại.” Xin cám ơn các bạn đã lắng nghe.

[trích Phật giáo hướng dẫn thế kỷ XXI]

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

A.T. Ariyaratne | Thích Viên Lý dịch Việt: Phật giáo ở thế kỷ 21

37 Mins Read
SHARE

Đức Phật sống trong thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch. Cho tới ngày nay, cuối thế kỷ 20, giáo lý của ngài vẫn tiếp tục ảnh hưởng từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong những địa khu và dân tộc khác nhau, và những hoàn cảnh xã hội khác nhau. Đối với các dân tộc khác nhau này, Phật giáo không hoàn toàn giống nhau trong chi tiết và trên mọi phương diện.

Vì vậy, khi chúng ta thảo luận về Phật giáo trong thế kỷ 21, đầu tiên, chúng ta phải đi tới sự đồng thuận về một số sự kiện, về tu trì, và những nguyên tắc cơ bản của Phật giáo mà tất cả các Phật tử có thể chấp nhận một cách đại cương.

Thứ nhì, chúng ta cần nhận diện những vấn đềvấn nạn mà các xã hội nhân loại đang phải đối phó trong thế kỷ 21 sắp tới, và thảo luận những phương án và phương tiện có thể áp dụng để tìm ra những giải pháp.

Thứ ba, ngoài Phật giáoPhật tử, còn có những hệ thống trí thức, tu trì và cấu trúc thuộc tôn giáo, phi tôn giáo, và vô thần, mà chúng ta cần phải chung sống và tương tác với nhau. Trong những tình cảnh này, đâu là những mô thức Phật giáo có thể tiếp nhận?

Thứ tư, là người nhiệt thành tin tưởng vào cả giới luật lẫn sự tu trì của Phật giáo, tôi tin rằng chúng ta cần phải có một Đại Hiến Chương Phổ Quát cho sự Thực Hành Phật Giáo ở Thế Kỷ 21. Các đoàn thể Phật giáo khác nhau ở những vùng khác nhau, có thể căn cứ vào đại hiến chương này để thiết kế những phương án hành động, để có thể cùng nhau thực hiện những đóng góp đáng kể cho xã hội nhân loại trong thế kỷ 21. Bài văn này sẽ nhắm vào bốn điểm trên đây để đề ra thiển kiến cá nhân của tôi.

Tất cả Phật tử, bất kể họ thuộc tông phái nào, dù là Thượng Toạ Bộ, Đại Thừa, Kim Cang Thừa, điều tiếp nhận Đức Phật là bậc đạo sư tối cao của họ, hoặc coi ngài là hiện thân của giác ngộ tối cao mà chính họ có thể đạt tới bằng cách đi theo những con đường khác nhau như đã được chỉ dẫn trong đạo pháp. Các Phật tử thuộc phái Thượng Tọa Bộ (Theravada), ngay từ thời thơ ấu đã xướng tụng những câu kinh Pa-li ngữ như sau:

“Con sẽ trọn đời quy y Đức Phật, con lễ bái tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại, và vị lai. Ngoại trừ quy y Đức Phật, con không quy y ai khác. Con cầu xin Đức Phật tha thứ những ô trược của con.”

Kế đó, chúng tôi xướng niệm danh hiệu của 28 vị Phật trong quá khứ gần nhất, và cũng lễ bái các vị Phật tương lai, như Phật Di Lặc. Theo thiển ý, việc tôn sùng Tất Đạt Đa Cồ Đàm, ra đời năm 624 trước Tây lịch, chứng ngộ vô thượng chánh giác năm 35 tuổi để thành Phật, trên bản chất chính là lễ kính tất cả chư Phật của quá khứ, hiện tại, và vị lai. Mục tiêu tối cao của Phật tử chúng ta là chứng được giác ngộ ở mức thượng đẳng này. Vì thế, Đức Phật Cồ Đàm – vị Phật trong lịch sử, đấng giác ngộ gần với thời đại chúng ta nhất, tượng trưng của sự thể hiện mục tiêu tối cao của chư Phật – nên được mọi Phật tử nhất trí tôn ngưỡng, không cho phép có sự dị nghị hoặc tranh chấp hình thái ý thức hệ.

Tất cả Phật tử đều nên tiếp nhận Đức Phật là bậc đạo sư tối cao của chúng ta. Phật đường của Phật giáo thông tục có thể trưng bày bao nhiêu tượng Phật, nhưng điều này không làm tổn hại đối với việc thực hành đạo pháp của chúng ta.

Khi một người tự nguyện quy y Phật Pháp Tăng, là biến thành Phật tử. Đây là mô thức tiếp nhận chung của Phật tử Thượng Tọa bộ. Nếu Phật tử các tông phái khác cũng tiếp nhận mô thức Tam Quy Y Phật, Pháp, Tăng thì tôi cho rằng đó là một bước tiến lớn trong việc đoàn kết Phật tử toàn cầu. Sự đoàn kết như vậy giữa các Phật tử là điều tất yếu không thể thiếu, đối với cả việc bảo vệ lẫn việc hoằng dương Phật Pháp, và giúp cho sự đóng góp của Phật tử vào xã hội toàn cầu được dễ dàng hơn nhằm giải quyết vô số tệ trạng trên thế giới.

Chúng ta biết rằng có những khác biệt về giáo lý gây trở ngại cho sự chấp nhận Tam Quy Y như là một điều kiện chung cho một Phật tử. Nhưng không nên xem vấn đề này là một chướng ngại không thể khắc phục, bởi vì gần đây tất cả tông phái Phật giáo trên toàn thế giới đã thiết lập mối liên hệ mật thiết mà trước đây không có. Sự phát triển cao độ của các hệ thống giao thông và thông tin đã giúp thu ngắn khoảng cách biệt này. Chúng ta cần tiến thêm bước nữa.

Đối với vấn đề Đạo Pháp (Dhamma), hay giáo lý, đương nhiên đã có những sự giải thích khác nhau từ xưa tới nay, ngay cả trong cùng một tông phái. Đối với giới định về chữ Tăng (Sangha) cũng thế, nhất là các đoàn thể Phật giáo ở ngoài Á Châu, các tông phái đều có thuyết riêng. Vấn đề này cũng có thể nhờ đối thoại để giải quyết.

Tới đây, tôi xin đưa ra một nhận xét riêng mà tôi cho rằng hết sức quan trọng. Những sai biệt về giáo lý không khiến cho các học giả Phật giáo bối rối. Họ sẽ tiếp tục duy trì những ý kiến căn cứ vào sự hiểu biết của họ và sẽ thay đổi những ý kiến đó nếu họ nhận ra rằng cần thay đổi ý kiến của mình căn cứ vào những phát kiến mới. Ngoài ra, các học giả Phật giáo thuộc loại không tu trì, hoặc không phải là Phật tử, chẳng quan tâm về những phong tục tập quán, về cách tu trì, tính ngưỡng đơn giản mà các Phật tử bình thường coi là quan trọng để giúp cho đời sống gia đìnhsinh hoạt cộng đồng của họ được thuận hòa, để được sống trong an tường và hài hoà. Nếu những sai biệt về giáo lý đi quá xa đến nỗi làm xáo trộn đến tín ngưỡng của các Phật tử bình thường thì sẽ phương hại đến cộng đồng Phật tửxã hội nói chung.

Trong thời đại dân trí đã phát triển như ngày nay, ít nhất vì lợi ích cho giới Phật tử tại gia thông thường, chúng ta cần phải đạt tới sự đồng thuận về một số giáo nghĩagiới luật cơ bản nào đó. Sau khi quy y Tam Bảo, chúng ta nên phát nguyện tuân thủ Ngũ Giới. Chúng ta biết rằng ngay cả sự tuân thủ hoàn toàn một giới luật mà thôi cũng rất khó, khi chúng ta xét rằng mình phải tuân thủ thân nghiệp, khẩu nghiệpý nghiệp. Nếu chúng ta muốn tự xưng là Phật tử, thì quy y Tam Bảotuân thủ Ngũ Giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu) giúp chúng ta có những tiêu chuẩn và mô thức để xử sự một cách chính đáng, Đạo Đức – Giới (Sila) là kiến trúc để xây dựng một đời sống tinh thần dẫn tới Đại Định (Samadhi) và Trí Huệ Bát Nhã. Vì thế, trước khi thảo luận về những ý kiến khác nhau trên giáo nghĩa, chúng ta cần phải đạt tới sự thỏa thuận về những phương diện này của Phật giáo.

Đối với Phật Tử Thượng Tọa Bộ, chữ “Tăng Đoàn’ (Sangha) này hàm ý rất đặc thù. Nó không phải chỉ có ý nghĩa là một đoàn thể tu sĩ, cũng không phải chỉ là những người xuất gia mặc áo cà sa màu cam mà thôi. Nó chính là đoàn thể tinh thần, bắt đầu từ thời đại Đức Phật và 5 môn đồ đầu tiên của ngài, kéo dài cho tới ngày nay, và sẽ tiếp tục mãi trong tương lai. Nó là Thánh Bảo thứ ba trong Tam Bảo. Vì thế, chữ “Tăng Đoàn” này không nên sử dụng một cách hàm hồ. Theo ý tôi, chữ này phải được áp dụng cho tất cả giới tu sĩ Phật giáo thuộc tất cả các tông phái, nếu họ tuân thủ một số nguyên tắc chung nào đó đã công nhận. Phật tử tại gia không thể sử dụng danh xưng “Tăng” này, họ chỉ có thể được gọi bằng những chữ như “Ưu Bà Di” (Upasaka)

Tăng là gì? Tiến Sĩ W.G. Weeraratne, trong cuốn sách Phật Giáo Cho Mọi Người, có trả lời rõ ràng cho câu hỏi này như sau:

Đoàn thể được gọi là Tăng Đoàn gồm những môn đồ đã từ bỏ sinh hoạt tại gia để gia nhập đoàn thể tu sĩ xuất gia, sống theo giáo pháp của Đức Phật, với cuộc sống tôn giáo nghiêm khắc. Khi một người quyết định lối sống hoàn toàn tôn giáo, họ cần phải cáo biệt tất cả thân bằng quyết thuộc, từ bỏ tất cả những vật sở hữu thế tục mà họ đã có, cạo hết tóc râu tóc, mặc áo cà sa, thỉnh cầu tăng đoàn cho phép họ được trở thành một thành viên. Lúc ban đầu, chính Đức Phật xuống tóc cho các tăng sĩ, nhưng về sau số tăng dần dần tăng gia, các vị trưởng lão, cùng một số tăng sĩ đã chỉ định, được phép chấp hành những nghi thức cần thiết cho việc thu nhận các môn đồ mới gia nhập tăng đoàn. Một thành viên mới gia nhập tăng đoàn được dẫn dắt bởi một tôn sưgiới sư để học tập những giới luật tu hành, tự mình áp dụng dúng giới luật và học tập giáo pháp của Đức Phật. Tăng sĩ có rất nhiều trách nhiệm, bao gồm học tập Phật Pháp, thuyết pháp cho người tại gia, luôn luôn tự khắc kỷ. Họ không được phép dính dáng vào việc thu thập tài sản. Sinh hoạt cần thiết của họ như ăn mặc, thuốc men thì do tín đồ tại gia cúng dường. Tăng sĩ cần sống lối sống trong sạch vô nhiễm và giảng dạy Phật pháp cho các tín đồ tại gia để đáp ơn sự cúng dường của họ. Tăng sĩ không thể có tài vật tư hữu, chỉ có thể có những phẩm vật cần thiết cho sinh hoạt cơ bản nhất: Ba y cà sa, một bình bát, một dao cạo, một cây kim, một sợi dây lưng, một túi lọc nước”

“Tăng sĩ không có một nơi cư trú thường trực, họ có thể ở chung cùng với các tăng sĩ khác trong đạo tràng, nhưng không người nào trong số đó được phép nhận rằng đạo tràng đó thuộc quyền sở hữu của mình. Trong khi tăng sĩ sống trong đạo tràng thì họ có quyền sử dụng những vật dụng và thiết bị ở đó cùng với những người khác. Khi chúng nhân hiến tặng phẩm vật là họ cúng dường toàn thể tăng đoàn, và các vị tăng này tiếp nhận cúng dường trên danh nghĩa của toàn thể tăng đoàn trong quá khứ, hiện tại và vị lai”

Ngày nay, ở đa số các nơi, giới tăng sĩ không còn giữ nền nếp này nữa. Nhưng cónhững nơi mà các tăng sĩ vẫn sống theo giới luật này và duy trì những điều kiện truyền thống mà một tăng sĩ phải tuân thủ. Vì thế, tôi cho rằng lý tưởng này cần phải bảo trì cho hậu thế, bởi vì có bao nhiêu người bất mãn với sinh hoạt thường ngày của họ, và họ muốn tìm kiếm một lối sống khác.

Cả những giải thích theo khoa học lẫn những giải thích theo truyền thống Do TháiCơ Đốc về sự vật đều không làm thoả mãn những gì mà những người này muốn tìm hiểu. Họ tầm cầu thứ gì uyên thâm hơn, có tính cách sáng tạothực tiễn mà họ có thể thực nghiệm. Trong đám người này, có một số chắc hẳn muốn sống theo lối tăng đoàn trong đạo tràng để thăm dò sâu thêm mãi vào các lãnh vực tinh thần.

Một thí dụ rất tốt có thể rút tỉa từ Tích Lan, đó là sự đóng góp độc đáo vào Phật Pháp trong thế kỷ này của những tăng sĩ Tây phương nổi tiếng, qua những hành vi sùng kính cao độ, qua đời sống tu trì gương mẫu, và hoằng dương đạo pháp; họ sống trong các đạo tràng trong rừng ở Dodanduwa và Kandy. Sự dẫn đạoHòa Thượng Gnanatiloka, Hòa Thượng Gnanasatta, và Hòa Thượng Gnanaponika đã thi hành từ đầu thế kỷ này, ngày nay vẫn còn tiếp tục sang tới thế kỷ 21 bởi Hòa Thượng Bodhi.

Tương tự như vậy, tại một số đạo tràng trong rừng như Kanduboda và Meethirigala ở Tích Lan, các tăng sĩ địa phương vẫn tiếp tục duy trì những truyền thống đạo tràng, đem ích lợi cho nhiều Phật tử địa phương và ngoại quốc. Ngoài ra, các vị cao tăng ở vào bậc tầm cỡ như Hòa Thượng Mahasi Siyadaw của Miến Điện và Hòa Thượng Phật Sứ (Buddhadasa) của Thái Lan, và những đóng góp của họ vào sự chấn hưng Phật giáo hiện đại, đã được quốc tế biết đến.

Tôi tin rằng trong Phật giáo Đại Thừa cũng có nhiều tăng sĩ và đạo tràng đã đóng góp rất nhiều vào việc hoằng dương chánh pháp của Đức Thế Tôn. Chúng ta cần phải tận lực bảo vệ phẩm chất của những đạo tràng này, và giúp cho tăng sĩ giữ vững truyền thống của họ, tinh tiến tu hành để chứng ngộ, giải thoát.

Điều này không có nghĩa là chúng ta không khuyến khích cổ võ những sáng kiến và thay đổi để thích ứng với thời đại và môi trường. Mặt khác, đối với những cá nhân phát tâm tu hành chân chính, chúng ta cũng nên dành cho họ tất cả mọi cổ võ và khích lệ. Một sáng kiến như vậy đã thành công là việc thành lập Giòng Phật Giáo Tây Phương (Western Buddhist Order) và Thân Hữu Giòng Phật Giáo Tây Phương (Friends of the Western Buddhist Order) do Hòa Thượng Sangharakkita Maha Thero của Anh Quốc Thành Lập. Đây là Phong Trào Phật Giáo mới do ngài thành lập năm 1967 để đáp ứng với sự cần thiết cấp bách của Tây phương, khích lệ và giúp người ta tu trì và sống theo giáo lý của Đức Phật. Ngày nay nó đã biến thành một phong trào quốc tế để nghiên cứu Phật giáo, tọa thiềntu trì, hỗ trợ các cá nhân đã quy y Phật Pháp Tăng.

Hòa Thượng Sangharakkhita, trong sách Nhân Loại Giác Ngộ của ngài, đã giải thích về công tác của một Tăng Đoàn như sau:

“… Nói một cách đại cương, thành viên của Tăng Đoàn cần làm hai việc để phụng sự thế giới. Trước hết, họ duy trì sự tồn tại của Tăng Đoàn. Chúng ta có thể nói rằng việc duy trì cho Tăng Đoàn tồn tại là điều hữu ích đối với thế giới; khi còn có người hiến thân cho sinh hoạt tinh thần, dốc sức tu tâm, là có lợi ích. Bởi vì nó giúp cho thế giới phát triển khung cảnh kiện toàn, cho nên là tốt vậy.

“Thứ hai, các thành viên của Tăng Đoàn giúp cho thế giới bằng cách thiết lập cây cầu giữa thế giớiTăng Đoàn – hoặc ít nhất là đặt những tảng đá để bước qua. Họ tập hợp bốn, năm đạo hữu, hoặc nhiều hơn, cùng nhau tu dưỡng tâm tánh, phát huy tinh thần. Những hoạt động tu hành này có thể giúp cho người ta từ bình diện thế tục, tiến đến bình diện hoà hợp hoặc thậm chí từ bình diện hòa hợp tiến đến bình diện tinh thần…”

“Thành viên của Tăng Đoàn, hoặc những cá nhân phát nguyện đi theo lý tưởng giúp nhân loại giác ngộ – đạt tới những đẳng cấp ý thứctrí huệ cao hơn – và họ giúp người đời phát triển tư tưởng kiện toàn viên mãn, an nhiên tự tại, tình yêu thương, và sự hiểu biết, trên thực tế làm lợi cho người là làm lợi cho chính mình. Đây tức là ý nghĩa của Tăng Đoàn.”

Nơi đây, tôi cũng cần đề cập và nhìn nhận sự cống hiến vĩ đại của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và các vị đại sư Phật giáo khác đã hoằng dương tinh thần Phật giáo trên thế giới, đặc biệt là trong vùng Tây Bán Cầu.

Thế giới này tuy chia thành nhiều quốc gia và dân tộc khác nhau, có những tín ngưỡng khác nhau, nhưng nhờ các hệ thống giao thông và thông tin hiện đại nhanh chóng, nên đã trở thành ngày càng thu nhỏ. Phật giáo ở thế kỷ 21 cần tự điều chỉnh đối với sự phát triển tân tiến này để loan truyền thông điệp của Đức Phật đến với mọi người bằng một ngôn ngữ đơn giản mà họ đều hiểu.

Chúng ta cần nên thi hành điều đó với sự lãnh đạo của các nước như Đài Loan, Hàn quốc, Thái Lan và Nhật Bổn. Những quốc gia này chiếm ưu thế đặc biệt, vì vừa là nước theo Phật giáo vừa tiên tiến về kinh tế và khoa kỹ. Những quốc gia này đều phú cường, đồng thời họ cũng bảo tồn thông điệp của Đức Phật. Phần lớn thế giới Phật giáo bao gồm những nước nghèo nàn về kinh tế. Vì thiếu sức mạnh kinh tế và chánh trị, cho nên Phật giáo và phương thức sinh hoạt Phật giáo tại những nước nghèo này không thể phát huy. Nhưng trong bốn quốc gia Phật giáo nói trên lại có nền khoa kỹ phát triển nhất, đây là nguồn tài nguyên lớn nhất để phát triển Phật giáo ở thế kỷ 21.

Trong tương lai, khái niệm và sự tu trì của Phật giáo thế giới cần được truyền bá từ những quốc gia đó. Với sự lãnh đạo của họ, họ nên thành lập “Hội Đồng Tối Cao” để truyền bá thông điệp Phật giáo đến toàn thế giới. Những Phật tử bần cùng trong các quốc gia nghèo khó cần được hội đồng này trợ giúp để khỏi thành con mồi đối với những tín đồ cuồng nhiệt của các tôn giáo khác đi truyền đạo, những người này dùng những số tiền lớn mà họ có để dẫn dụ người nghèo cải đạo. Trong nước tôi (Tích Lan) đã có số lớn Phật tử nghèo khó cải đạo như vậy, vì bị những người đó khai thác cảnh nghèo và sự dốt nát của họ bằng cách ban tiền bạc, tài vật, nhà cửa và công việc làm. Đây hoàn toàn là những nguỵ trang dưới hình thức phục vụ xã hội và giúp người nghèo phát triển.

Phật giáo dành cho thế giới ngày mai không cần phải bao gồm quá nhiều tiểu tiết thuộc về triết lý và tu trì, mà những người thông thường không thể hiểu. Hãy nên dành những điều đó cho những cuộc bàn cãi và đối thoại ở trình độ học giả, giữa các Phật tử với nhau hoặc với những người thuộc các tôn giáo khác. Không nên “tiếp thị” Phật giáo với những “nhãn hiệu” như Thượng Tọa Bộ, Đại Thừa, hoặc Kim Cang Thừa, v.v… Chỉ cần niềm tin đơn giản vào Phật, Pháp Tăng, Ngũ Giới, Tứ Diệu ĐếBát Chánh Đạo cũng đủ để tạo thành một mô thức Phật giáo đơn giản mà tất cả mọi người đều có thể chấp nhận. Phần thiết yếu của loại Phật giáo đại chúng đơn giản này là nội dung của những giáo lý mà tất cả mọi Phật tử nên biết để tụng niệm thuộc lòng và hiểu rõ ý nghĩa. Một mặt, mọi người có thể sử dụng ngôn ngữ nguyên thủy của Đức Phật, là Pa-Li ngữ, để tụng niệm; mặt khác, cũng có thể sử dụng ngôn ngữ của người bản xứ để tụng niệm. Một câu chuyện đơn giản về cuộc đời Đức Phật, cộng thêm một số kinh văn đơn giảntrọng yếu, rút ra từ tất cả những tông phái Phật giáo, là có thể thỏa mãn cho sự cần thiết cơ bản. Tương tự như vậy, trong địa hạt tọa thiền cũng cần phải đạt tới sự đồng thuận để cùng nhau chấp nhận khoảng hai hay ba hình thức tọa thiền căn bản. Ở địa hạt này, tôi đề nghị chúng ta hãy coi giới Phật tử đối tượng để truyền giảng có trình độ giáo dục ở bậc trung học đệ nhất cấp.

Sau khi đã đặt nền móng vững vàng bằng cách đó, mỗi đoàn thể Phật giáo sẽ tự phát triển những trình độ học tập và tu trì cao hơn.

Sau khi thực hiện bước này, các học giả Phật giáo có thể tiến tới bước kế tiếp khó hơn để đi tới sự đồng thuận về việc truyền giảng những giáo lý cao hơn và có triết học tánh hơn, như thuyết Duyên Khởi, v.v… Đồng thời, chúng ta cũng cần khích lệ và hỗ trợ những trung tâm nghiên cứu Phật giáo cao cấp và những trung tâm tu thiền cao hơn, như Nội Quán (Vipassana) hoặc Thiền (Zen), như tôi đã nói. Lời kêu gọi của tôi là từ những đoàn thể Phật giáo đơn giản nhất cho tới giới học giả, hoặc các nhà lãnh đạo Phật giáo ở cấp bậc cao nhất trên thế giới, cần phải có một dây liên lạc và sự thừa nhận chung. Đây là một sợi dây kim tuyến xuyên qua họ và kết hợp họ với nhau. Chỉ bằng cách đó, ảnh hưởng Phật giáo mới có thể thi triển hữu hiệu đối với văn minh nhân loại khi bước sang thế kỷ mới.

Khi bàn đến một hình thức Phật giáo đơn giản, chúng ta không nên quên những vấn đề khẩn khiết về kinh tế, chánh trị, xã hội và môi sinh hiện nay, đồng thời đưa ra phương thức Phật giáo để giải quyết những vấn đề này. Đại Hiến Chương Phổ Quát cho sự Thực Hành Phật Giáo mà trên đây đã đề cập rất thích ứng với việc này. Trong hiến chương chúng ta hãy thuyết minh rõ ràng ý nghĩa của chữ “phát triển” mà Phật tử muốn nói, phương thức sinh hoạt Phật giáochúng ta muốn phát triển là gì, chúng ta đang làm gì, chúng ta làm cách nào để sử dụng tài nguyên thiên nhiênnhân lực, chỉ tiêu phát triển của Phật giáo v.v…

Chúng ta đừng bỏ qua bất cứ phương diện phát triển nào. Thí dụ như tại mỗi cuộc hội họp ở cấp độ thế giới đều sẽ bàn đến vấn đề nhân quyền. Đức Phật không những coi trọng nhân quyền và trách nhiệm của con người, ngài còn

tiến xa hơn và bàn đến quyền của tất cả chúng sanh, bao gồm tất cả các loài động vật. Quan niệm từ bi của ngài vượt ra khỏi nhân loại, trải rộng khắp các loài động vật cho đến cả các loài thực vật và gồm cả các loài phi nhân. Có lẽ ở thế kỷ 21 chúng ta có thể phát hiện trong thái dương hệ có thế giới khác mà các loài phi nhân, không giống loài người, cư trú. Ở đây chúng ta không cần phải đi sâu vào vấn đề này trong tư duy Phật giáo.

Ngày nay, người ta thờ ơ đối với môi sinh của họ, cả trên phương diện vật lý lẫn phương diện xã hội.

Các tổ chức bảo vệ môi sinh trong mỗi xã hội đều đang cố gắng đẩy mạnh sự đề cao cảnh giác này, thậm chí họ còn mở những chiến dịch để tích cực tranh đấu, yêu cầu các chánh phủ nhiều thế lực và các xí nghiệp kỹ nghệ hãy bảo vệ môi sinh. Đức Phật từng nói “sống trong môi trường hài hòa là một trong những phước báu trên đời.” Theo tôi, toàn thể “Tam Bảo Kinh” (Ratana Sutra) chính là sự khai thị của Đức Phật đối với việc bảo vệ sinh thái. Ngài đã đi xa hơn môi sinh vật lýxã hội, khi ngài còn nói tới cả phương diện tâm lý hoặc tinh thần của môi sinh.

Ngũ Pháp trong giáo pháp của Đức Phật, tức là Chủng Nhân Pháp, Thời Tiết Pháp, Nhân Duyên Pháp, Sắc PhápTâm Pháp, bao gồm mọi phương diện của môi sinh.

Về sự xem trọng phương diện này, hạnh từ biPhật tử tuân thủtriệt để nhất. Phật giáo nhấn mạnh chúng ta phải sống như người mẹ thương yêu đứa con một của bà, chúng ta phải tập thương yêu tất cả chúng sanh, bất kể chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, giai cấp của họ là gì. Đây là quá trình bắt đầu từ chính mình, chúng ta thương yêu những người hàng xóm láng giềng, trong cộng đồng, trong quốc gia, thế giới, trên những hành tinh khác, cho tới vũ trụ vô biên. Bạn dâng hiến lòng từ bi hoặc tình thương yêu vào môi sinh tức là bạn khiến cho nó phong phú hơn, vượt qua tầng diện vật lýxã hội. Ảnh hưởng xấu của “vô từ bi” hoặc sự thù hận, thậm chí còn tai hại hơn cả ảnh hưởng do bụi phóng xạ của vũ khí hạch tâm có sức hủy diệt rất lớn gây ra.

Trong “Đại Hiến Chương” cần phải dùng phương thức quan sát và nhìn thẳng vào những vấn đề toàn cầu hiện thời, để nói lên quan hệ của Phật giáo đối với thế giới hiện đại. Sự sản xuất vũ khí không ngừng để bán bừa bãi là lòng tham kim tiền vô tận. Các quốc gia Phật giáo có thể đoàn kết lại, ít nhất là để cứu vãn được quốc gia của họ, khỏi bị bọn con buôn vũ khí quốc tế nhẫn tâm tìm cách gây ra những bất hòa đưa tới chiến tranh để chúng trục lợi. Một hội đồng Phật giáo thế giới do Đài Loan, Nhận Bổn, Hàn quốc lãnh đạo, với sự hỗ trợ của sức mạnh kinh tế và khoa kỹ thông tin, có thể giúp giải quyết nan đề này một cách thực tiễn bằng cách cổ võ bất bạo động và hòa bình.

Chúng ta cần phải làm mọi cách để ngăn chặn mô thức phát triển sai lầm áp đặt lên các cộng đồng Phật giáo vẫn còn sống trong loại xã hội tiền kỹ-nghệ. Khi chúng taxã hội nghèo khổ ngày nay thiết lập những kế hoạch phát triển mới, cần phải tránh những sai lầmxã hội công nghiệp ngày nay phạm phải để chận đứng những tội ác cá nhân, sự đổ vỡ của nếp sống gia đìnhý thức cộng đồng, tham nhũng hủ hóa, phí phạm những loại tài nguyên không thể thu hồi. Chúng ta nên quan tâm toàn diện tới những quốc gia như Việt Nam, Cao Miên, Lào, Miến Điện, Nepal, Bhutan, Tích Lan, v.v… là những nơi mà chúng ta có thể thực thi phương án phát triển mới, đặt cơ sở trên những giá trị xứng đáng. “Đại hiến chương” mà chúng tôi để nghị có thể là một phương thức chỉ đạogiá trị cho những quốc gia này, giúp họ tránh khỏi sa vào những cạm bẫy.

Vấn đề sản xuất và tiêu thụ dược chất ma túy toàn cầu là một vấn đề khác mà Phật tử phải tư khảo. Kẻ sản xuất ma túy là những người nghèo bị những người nhiều tiền nhiều thế lực khai thác. Phần lớn họ là bá tánh của các quốc gia Phật giáo, sự viện trợ kinh tế cho những người đó ít ra có thể tương đối làm giảm tệ nạn này. Phương thức Phật giáo đối với những nan đề trầm trọng, như bệnh liệt kháng AIDS, v.v…, là một đề mục khác nên liệt vào nghị trình của chúng ta.

Đề xướng một “Triết Học Kinh Tế” và sự hợp tác theo mô thức Phật giáo giữa các quốc gia Phật giáo đặt căn bản trên Đại Hiến Chương Phổ Quát cho sự Thực Hành Phật Giáo sẽ là điều thiết yếu cho thế kỷ 21. Việc phát triển trong tương lai của thế giới Phật giáo còn có thể bao gồm sự thống nhất kinh tế theo hình thức nào đó, với tiền tệ chung, tự do mậu dịch, tự do du lịch, hệ thống xuất nhập cảng mật thiết hơn, và một hệ thống phòng thủ chung, v.v… Tuy rằng đối với chúng ta hiện nay, điều này có vẻ như là chuyện thiếu thực tế, nhưng với tư cáchPhật tử trong thế kỷ tới, chúng ta phải nghĩ đến những phương án và phương tiện để đáp ứng với những tiến triển như vậy. Nhưng chúng ta đừng chờ đợi tới lúc đó, mà, hãy bắt đầu ngay bây giờ!

Thông điệp của Đức Phật cần phải truyền bá đến mọi người trong mọi quốc gia trên thế giới. Như trên đây đã nói, chúng ta cần phải hoạch định một thông điệp đơn giản mà người ta có thể hiểu được, rút ra những tinh nghĩa Phật giáo, không phân biệt tông phái. Nó phải là giáo lý của Đức Thế Tôn trong bất cứ ngôn ngữ nào, do một nhóm học giả Phật giáo trên thế giới dịch sang các loại văn tự. Chúng ta hãy đến với các anh chị em không phải là Phật tử, chúng ta cần phải sống chung trong sự cảm thông, hài hòa và tôn trọng lẫn nhau.

Phật giáo luôn luôn tôn trọng những quan điểm của người khác. Vì thế, chung sống với các đoàn thể tôn giáo khác sẽ không thành vấn đề đối với Phật tử. Chúng ta nên làm sáng tỏ lập trường này của Phật pháp cho người khác thấy, để tránh sanh ra hiểu lầm. Đối với những người sống hòa bình, không những sự khác biệt tôn giáo mà kể cả những khác biệt xã hội, văn hóa, chánh trị, và ý thức hệ chẳng phải là những chướng ngại vật.

Ở điểm này, tôi xin nói sơ qua về ngót bốn thập niên mà tôi đã cùng các đạo hữu nỗ lực khiến cho Phật pháp trở thành một một mô thức hữu hiệu để phát triển sự tu trìTích Lan. Tôi muốn nói tới phong trào “Sarvodaya Shramadana” của Tích Lan. Chữ Sarvodaya có nghĩa là “đánh thức chúng sanh qua sự chia sẻ.” Ở Tích Lan, Sarvodaya xuất phát từ hứng khởi của Phật giáo và khai triển cho phù hợp với hoàn cảnh. Tuy chúng tôi chịu ơn rất lớn từ Thánh Gandhi và môn đồ của ông là Acharya Vinoba Bhave, vì tấm gương mà họ đã nêu ra khi cố gắng xây dựng một xã hội bất bạo động và tự túc ở Ấn Độ, với sự hưởng ứng của dân chúng. “Sarvodaya” ở Tích Lan theo kinh nghiệm của chúng tôi. Tinh túy của Phật giáo mà Sarvodaya thi hành đã được những người không phải tín đồ Phật giáoTích Lan chấp nhận, và ngay cả Phật tử lẫn phi Phật tửTích Lan và ở nước ngoài vẫn cố gắng thực hành theo triết lý này. Với tư cách cá nhân, tôi xin mời tất cả những ai quan tâm và muốn làm những việc để tạo một trật tự mới trên thế giới, đặt cơ sở trên triết lý và những giá trị Phật giáo mà những người phi Phật tử cũng có thể chấp nhận, hãy tới Tích Lan để quan sát trực tiếp những gì mà Phong Trào Sarvodaya Shramadana đã cố gắng thực hiện trong gần 40 năm qua.

Tích Lan là một quốc gia vùng Nam Á Châu, nơi mà hàng ngàn năm qua hai truyền thống tôn giáo đã phát triển và đã đan kết những người thuộc sắc dân đa số Sinhala theo Phật giáo với những người thuộc sắc dân thiểu số Tamil theo Ấn Độ giáo. Những mô thức phát triển khởi sự tận gốc rễ của xã hội, để giải quyết sự mất niềm tinlo âu của nhân loại, cần có những cái nhìn sáng suốt để khai triển và động viên tới gia đình và các cộng đồng, làng mạc. Nói cách khác, cần đạt tới tận gốc rễ của nền văn hóa địa phương, cũng như trí huệnếp sống tinh thần của bất cứ tôn giáotín ngưỡng nào trong nền văn hoá Phật giáo và Ấn Độ của chúng tôi.

Đây là con đường chúng tôi đã đi, một con đườngchúng tôi đi vì lý do cần thiếttín ngưỡng thân thiết. Con đường này chứng tỏ nó rất thành công, dưới sự cố gắng suốt 40 năm nay, xã khu, hương thôn đã từ cảnh nghèo sơ xác tiến bộ đến cá nhân giác tỉnh, có tôn nghiêm, tự tin và sức sống dồi dào. Trong thời gian này, chúng tôi đã cố gắng hết sức để vượt qua thiên nan vạn nan, để đạt thành công trong việc giúp đỡ và truyền bá thông điệp đến gần 10,000 cộng đồng xã thôn trong tổng số 24,000 thôn làng ở Tích Lan, để họ có thể thăng tiến trên một con đường tự phát triển đặt căn bản trên sự tự túc và tham gia cộng đồng.

Trong một khu vực mà những cách biệt về xã hội, kinh tế và khoa kỹ cách nhau rất lớn, những cộng đồng đó cần có trợ giúp từ bên ngoài để bổ sung cho sự tự trợ của họ. Trước tiên, loại viện trợ này tuy không nhiều, chủ yếu là đến từ các cơ quan từ thiện Tây phương. Lúc đầu, họ không có ý mang giá trị hoặc phương pháp phát triển áp đặt lên chúng tôi, và chúng tôi có thể đề ra các chương trình cho mọi phương diện phát triển, cho phúc lợi cũng như tuyên truyền, và chứng tỏ những hệ thống văn hóagiá trị tinh thần trong xã hội truyền thông của chúng tôi có thể bảo tồn trong khi chúng tôi cải thiện kinh tế. Nói cách khác, chúng tôi thấy rằng triết lý Phật giáo có thể hội nhập vào hành động phát triển hiện đại. Chúng tôi thấy có những đường lối bất bạo độngxây dựng, theo như Phật Pháp, để chuyển hóa xã hội.

Tuy nhiên, chúng tôi đã gặp khó khăn khi những cơ quan viện trợ quan trọng nhất cắt bỏ những khoản viện trợ, vì họ nêu những lý do như cắt giảm ngân sách và sự viện trợ của họ chuyển hướng sang Phi Châu và Đông Âu. Nhưng chúng tôi tin rằng lý do đích thực sâu xa hơn thế. Có lẽ chúng tôi đã có những xung khắc với những người viện trợ về các hệ thống giá trị.

Một điều bất hạnh đối với chúng ta – những người sống trong những vùng nghèo khó ở Á Châu – là các cơ quan viện trợ Tây phương không ý thức được rằng những chiều hướng văn hóatinh thần sâu đậm là cần thiết để thực sự phát triển, và chúng có ý nghĩa đối với chúng ta như thế nào. Trên cơ bản, những người Tây phương ban viện trợ không cho phép đối tượng nhận viện trợ xa lìa hẳn cái gọi là mô thức phát triển theo chủ nghĩa vật chất; họ cho rằng như vậy là không xứng đáng để họ viện trợ. Vả lại, có nhiều ngân khoản viện trợ đi kèm với những động cơ tiềm ẩn, mà tôi đã đề cập ở phần trên, ban cho những cộng đồng nghèo khó với ẩn ý làm lũng đoạn văn hóagiá trị truyền thống của họ. Đó là sự kiện đáng buồn mà chúng tôi đã gặp.

Vì vậy, chúng tôi cần phải quay về Đông phương, chuyển hướng về mô thức văn hóachúng tôi hiểu biết và được người ta hiểu biết. Thật vậy, chúng tôi muốn quay về Đông phương, hướng về những nước Đông phương đã phát triển và giàu hơn, mời họ đến xem Mô Hình Sarvodaya xây dựng trên truyền thốnggiáo lý Phật giáo, và trên văn hóa bản thổ. Có lẽ những bài học từ Sarvodaya sẽ rất hữu ích cho việc chấn hưng vùng Á Châu Phật giáo.

Trong Phật giáo, chúng ta coi trọng sự rộng lượng, coi hạnh bố thí (Dana) như là pháp môn tu trì chủ yếu và tích cực. Bố Thí có nghĩa là ban cho tha nhân sự trợ giúp về vật chất, tinh thần, tâm lý, văn hóa, xã hội. Chúng ta có thể diễn dịch đúng nghĩa chữ bố thí là “chia sẽ những tài nguyên,” từ tài nguyên kinh tế đến xã hội, giáo dục, văn hoá, tinh thần và bất cứ tài nguyên nào khác của nhân loại. Khi bạn giáo dục người khác, đây là một loại bố thí phẩm chất cao nhất. Khi bạn cố vấn cho người nào đó, tức là bố thí. Phật tử ở thế kỷ 21 cần phải tái giải thích những giá trị tích cực của Phật giáo trong khung cảnh hiện đại, hữu dụng ngay lúc này, và dễ dàng thích ứng với đời sống nhân loại trong thời đại này.

Ngày nay, chúng ta nhận thấy thế giới đang đi tìm lý thuyết và sự thực hành để phát triển một cách có ý nghĩa. Sự phát triển hoàn toàn dựa theo những đường hướng kinh tế, đã không thể thanh toán được những vùng nghèo khó thê thảm nhất ở khắp nơi trên thế giới.

Những cơ cấu quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới, Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế, Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc, đã thất bại thảm thương. Sau khi Liên Xô sụp đổ, bộ mặt chủ nghĩa xã hội đã hầu như tan rã cùng với nó. Thế giới tư bản do các cường quốc Tây phương lãnh đạo đang dần dần tiến tới bản chất mâu thuẫn của chính lý thuyết phát triển của họ. Thiểu số người Tây phương biết suy tư đang hoài nghi và đặt câu hỏi rằng lý thuyết phát triển của chính họ có đúng hay không.

phương diện này, Phật tử chúng ta cần phải đưa ra luận thuyết phát triển thế giới của Phật giáo. Vì Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bổn là những quốc gia đã mở mang, Phật tử của những quốc gia này nên quay nhìn lại và phê phán kinh nghiệm quá khứ của họ, rút tỉa những điều tốt đẹp, và cố gắng tạo lợi ích cho các quốc gia Phật giáo khác qua kinh nghiệm của họ. Sự lãnh đạo của các bạn trong lãnh vực này, với tư cách như học giả, xí nghiệp gia, kỹ thuật gia, v.v…, đều sẽ nhận được sự tri ân của thế giới Phật giáo. Ở buổi bình minh của thế kỷ 21, các bạn là những ngọn đèn dẫn đạo đối với các nước kinh tế lạc hậu ở Á Châu chúng tôi. Quyết định của các bạn không những sẽ ảnh hưởng đến các Phật tử, mà ảnh hưởng tới tất cả mọi người khác trên hành tinh nhỏ bé này của chúng ta, và không chừng còn ảnh hưởng đến cả chúng sanh trên các hành tinh khác.

Để kết luận và tóm lược, tôi xin đề nghị rằng nghị trình của Phật giáo cho thế kỷ 21 cần bao gồm những điểm sau đây:

1- Vì tất cả Phật tử trên thế giới, hãy kiến tập một sự thừa nhận Phật giáo phổ quát, với sự Bản Tuyên Ngôn chung về luận thuyếttu trì cơ bản của Phật giáo mà tất cả Phật tử đều có thể tiếp nhận.

2- Khích lệ những cơ quan nghiên cứu Phật giáo hiện hữu của các học giả, của các trường đại học, các trung tâm tu thiền, và thúc đẩy việc thành lập những cơ cấu mới.

3- Thảo hoạch và tiếp nhận một Đại Hiến Chương Phổ Quát cho Phật tử, bao gồm tất cả mọi phương diện và hãy phổ biến nó một cách sâu rộng nhất.

4- Khởi thảo một Luận Thuyết của Phật Giáo về Phát Triển và Kế Hoạch Hành Động, và tích cực vận động để cho nó được thực thi tại các nước Phật giáo, để đương đầu với nạn nghèo khó, mất quyền lực, bệnh tật, bạo hành cá nhânxã hội, chủ nghĩa khủng bố, ma túy, nội chiến, những xung đột đẫm máu trên thế giới, sự bại hoại của những tiêu chuẩn tinh thầnđạo đức trong xã hội nói chung.

5- Kêu gọi các quốc gia Phật giáo mới trở thành thịnh vượng của Đông phương hãy dẫn đạo để thực thi những chính sách này, có thể là tiến tới sự thiết lập một Hội Đồng Phật Giáo Tối Cao, để nhắm tới Sự Chấn Hưng Phật Giáo Thế Giới.

Chúng ta đang đứng trên ngưỡng cửa của những phát kiến vĩ đại. Trong số những phát kiến này, sự “tái phát kiến” tín ngưỡng của chúng ta (tức là giáo lý nhà Phật) để áp ứng với những cao vọng và những thực tế của một thế giới mới, sẽ là thử thách cam go nhất. Chúng ta hãy chấp nhận sự thử thách này! Chúng ta có thể tạo một khối sức mạnh tâm thức cần thiết để xây dựng một trật tự thế giới mới trong thế kỷ 21, bằng cách vận động, tổ chức, và làm thức tỉnh các cộng đồng Phật giáo trên thế giới. Vậy chúng ta hãy lên đường thi hành sứ mạng với sự quyết tâmhy sinh.

[trích Phật giáo hướng dẫn thế kỷ XXI]