Phẩm 30:
ĐỊA NGỤC[1]
[570a] Phẩm ĐỊA NGỤC có 16 bài kệ: rằng việc nơi địa ngục, làm ác thọ tai ương, nghiệp dẫn không dừng bước.
509.
Vọng ngữ rơi địa ngục
Làm rồi lại chối phăng
Đời sau tội càng tăng
Nghiệp đã gieo tự gánh.
510.
Dẫu thân mặc pháp y
Việc ác không kiềm chế
Làm ác chẳng kiêng nể
Chết địa ngục phải đi.
511.
Phá giới, nhận vật thực
Lẽ nào chẳng hại thân?
Chết nuốt hòn sắt nóng
Lửa thiêu cháy thành than.
512.
Buông lung có bốn họa:
Dễ tơ tưởng vợ người (1)
Bất lợi ở mọi nơi (2)
Bị người đời phỉ nhổ (3)
Tính dục lại tăng thêm (4).
513.
Không phước lợi, đọa lạc
Hoảng sợ, hết niềm vui
Bị vương pháp dập vùi
Chết tan xương địa ngục.[2]
514.
Thí như nhổ cỏ may [3]
Nắm vào dễ đứt tay
Thọ giới không giữ giới
Địa ngục mình tự gây.
515.
Kẻ biếng lười, tự cao
Chẳng trừ được trần lao
Phạm hạnh không trọn vẹn
Chẳng được chút phước nào.
516.
Siêng làm việc chính đáng
Và làm hết khả năng
Bọn ngoại đạo chớ gần
Bụi trần đâu dính dáng.
517.
Làm những điều vô bổ
Ngày sau ắt ăn năn
Làm lành thường may mắn
Không hối hận, luôn an.
518.
Ở trong các hạnh ác
Muốn làm, hoặc đã làm
Thì khổ không thể thoát
Nghiệp đến khó được an.
519.
Nhận hối lộ, dối gian
Bẻ cong điều chân chính
Gièm pha người lương thiện
Bức hiếp hàng thư sinh
Kẻ tạo tội điêu linh
Tự mình rơi ngục tối.
520.
Như phòng bị biên cương
Trong ngoài đều vững chắc
Tự phòng hộ tâm mình
Đừng để phi pháp sinh
Cẩu thả ắt chuốc họa
Khiến rơi vào ngục hình.
521.
Không đáng thẹn, lại thẹn
Đáng thẹn, lại tỉnh bơ
Sống như kẻ ngu ngơ
Chết rơi vào địa ngục.
522.
Không đáng sợ, lại sợ
Đáng sợ, lại coi thường
Sống tin vào tà kiến
Chết đọa ngục thảm thương.
523.
Điều nên gần, không gần
Việc đáng kiêng, không kiêng
Do huân tập tà kiến
Chết rơi vào địa ngục.
524.
Điều đáng gần nên gần
Việc đáng xa nên xa
Chánh kiến chẳng rời ta
Chết đi vào nẻo thiện..[1] Tương đương Pāli, phẩm 22, Nirayavagga.
[2] Tham chiếu Pāli, kệ 310.
[3] Cỏ may (tức gian thảo 菅草): cỏ gian, cỏ may. Pāli: Kuso yathā duggahīto: như vụng nắm cỏ kusa. Cỏ Kusa có danh pháp khoa học là Desmostachya Bipinnata. Kusa là loài cỏ được mô tả trong kinh điển Phật giáo với hai cạnh bên sắc bén, có thể làm đứt tay (Dhp. 311), hoặc dễ bị giật đứt (S.iii,137), hoặc dùng làm áo mặc (D.i, 166; M.ii,162)… Cỏ may và cỏ kusa cùng bộ (Poales) và họ (Poaceae) nhưng khác chi và khác loài. Cỏ may không làm đứt tay, nên trường hợp này phải hiểu là cỏ kusa.