Bác sĩ Trịnh Đình Hỷ có bài luận trên Thư Viện Hoa Sen mang tựa đề “VỀ CÁC BÀI PHÊ BÌNH BẢN DỊCH MỚI TÂM KINH CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH”. Tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung bài viết này. Đối với tôi đó là những ý kiến đúng đắn và xác đáng về mặt chuyên môn Phật học. Nhưng cũng có một sai lầm về thực tế lòng người mà chính tác giả cũng đã nhận ra: chạm vào cái Ngã và Mạn của người khác là làm người ta “mích lòng”, bàn luận có xu hướng trở thành luận chiến, không còn mùi vị “ trao đổi ý kiến để học hỏi”.
Bổn sư tôi dậy rằng “ là thiền sinh, con phải tránh rối trí, độ rối trí tỷ lệ thuận với độ dài lý luận”. Tôi đã hơi e ngại bác sĩ Trịnh Đình Hỷ sẽ có bài lý luận phản hồi khi đọc được những bài của những tác giả bị “ mích lòng”. Tôi nghĩ phản hồi là không cần thiết, bởi quan điểm nhận thức của các quý vị mọi người đã rõ khi đọc được các bài của quý vị đã đăng, hãy để mọi người suy nghĩ và tự đánh giá. Sự e ngại này được tháo gỡ và thay vào đó bằng sự thú vị và cảm mến khi tôi đọc được “TIẾP THEO VỀ CÁC BÀI PHÊ BÌNH BẢN DỊCH MỚI TÂM KINH CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH”. Xin lỗi là đúng rồi, xin lỗi là thượng sách, xin lỗi trong tình huống này là sự khẳng định lẽ phải thuộc về mình mà bảo toàn tính từ bi lại chấm dứt được tranh luận.
Qua bài mới này, được biết tác giả là người thực tâm cầu thị học hỏi, nên tôi mạnh dạn có ý kiến trao đổi thêm cách hiểu khác về những khái niệm Cái không, Tánh ( tính) Không và Tướng Không. Thật ra đó là bàn về danh từ và tính từ, bàn về bản thể và hiện tượng.
Một danh từ là tên gọi để xác định một tồn tại, một hiện hữu, một vấn đề. Người ta thường lầm tưởng hiện hữu nào cũng có một bản thể cốt lõi, và như thế , danh từ diễn đạt phần nào – diễn đạt ít nhất cũng được một cách tương đối cái bản thể của sự vật . Nhưng thực ra, các sự vật không có bản thể - vô ngã. Tất cả các sự vật thể hiện sự tồn tại riêng biệt của mình qua những tánh chất. Con người cảm nhận sự vật qua các tính chất – hiện tượng của nó. Danh từ thực chất là từ tổng kết các tính từ, nhiều tánh chất của sự vật. Trong Việt ngữ, danh từ thường được cấu tạo kết hợp với những từ “ Con”, “Cái”, “Sự”, ví dụ Con dao, cái bàn , cái không, sự tiếc nuối…..
Tính từ hay tánh từ là từ để diễn đạt tính chất, hiện tượng, biểu hiện của sự vật. Con người thường chúng ta cảm nhận bằng năm giác quan, do đó có nhiều loại tính từ do ngũ quan xác định: Hình dạng, kích thước, màu sắc ( mắt), Mùi hương ( mũi), Vị ( lưỡi), âm thanh ( tai), và những cảm giác về nhiệt, mượt mà xù xì ..( xúc giác). Nói đến Tướng là nói đến tính từ cảm nhận bằng mắt ( hình dạng, kích thước , màu sắc). Tướng thực chất là một tánh từ. Chỉ khác ở chỗ Tánh hay tính là nói chung về tính chất- khái niệm tính chất bao hàm, tướng là nói tính chất khu trú hơn.