TUỆ GIÁC CỦA THA THỨ
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Chuyền ngữ: Tuệ Uyển
GIAO CẢM TRONG LÂU ĐÀI PRAGUE 3
2. HAI TU SĨ TRÊN BỨC TƯỜNG PHÒNG HỘ 20
6. KHÔNG CÓ NHỮNG CON VỊT NHỰA 53
7. NHỮNG VIÊN KIM CƯƠNG TRÊN LƯỚI ĐẾ THÍCH 62
8. SÚNG TRƯỜNG TRONG PHÒNG NGỦ 69
9. BIỂN CẢ CỦA NHỮNG CON RÙA VÀNG 79
10. MỘT HỌC GIẢ ĐẠI HÀN Ở ĐẠO TRÀNG GIÁC NGỘ 85
11. NHỮNG LÀN SÓNG TÍCH CỰC KHÔNG THẤY 92
13. ĐÀO TẠO HÀNH GIẢ DU GIÀ KHÔNG GIAN 102
14. NHỮNG CON DIỀU TRẮNG VỖ CÁNH 111
15. NHỮNG TẤM ẢNH KHÔNG ĐƯỢC KÝ TÊN 119
16. TẤT CẢ NHỮNG VỊ PHẬT VỊ KỶ 124
Tôi chú ý đến cô ta trong đám đông ngay lập tức. Cô vươn mình ra phía trước, chỉ phía sau làn dây nhung lớn ngăn cách trong phòng khánh tiết nhỏ của lâu đài Prague ( thủ đô Cộng Hòa Czech). Cô là một phụ nữ hấp dẫn, có lẻ trong độ tuổi ba mươi. Khuôn mặt sôi nổi với sự mong đợi.
Đó là vào tháng Mười năm 2000, khi Tổng Thống Václv Havel mời Đức Đạt Lai Lạt Ma và nhiều nhà tư tưởng thế giới đến Prague cho một hội nghị chuyên đề về giáo dục và giá trị tâm linh. Để làm hài lòng vô số yêu cầu cho những cuộc phỏng vấn, vị lãnh tụ Tây Tạng đã lập thời khóa biểu cho một họp báo. Ngài đã chỉ trả lời một câu hỏi từ một phóng viên Đài Loan. Có cả nửa tá người như vậy, và tất cả họ đều muốn biết Đức Đạt Lai Lạt Ma nghĩ gì về Trung Hoa và Đài Loan.
Khi ấy người phụ nữ tóc vàng tiếp lấy micrô chuyển tay. Cô nghiêng mình về phía trước hai máy quay hình lớn đang lơ lửng.
"Chúng ta đang sống trong thời đại của Internet, và ngài biết rất nhiều kỷ năng thiền tập. Tôi chắc chắn rằng ngài rất quen thuộc với việc thần giao cách cảm (telepatee)…"
"Tela?" Đức Đạt Lai Lạt Ma không hiểu chữ ấy, ngài trông thừ người ra.
"Telepatee." Cô ta lập lại.
"Telepathy, (thần giao cách cảm - tha tâm thông). Sau cùng ngài nhận ra.
"Vâng…chuyển tư tưởng của ngài đến một người khác?" Người đàn bà nhìn chăm chú vào Đức Đạt Lai Lạt Ma, khuôn mặt cô ta trang nghiêm. Từ giọng nói của cô, tôi đoán cô hoặc là người Czech hay người Đức.
"Tôi?" Đức Đạt Lai Lạt Ma nói lớn lên trong một giọng vang vang, tiếng dội lại trong một phòng lớn lộng lẩy. Khoảng chín mươi hay chừng ấy phóng viên và những nhà quay phim bùng cười to lên. "Không, số không." Ngài đã nhấn mạnh chắc nịch như vậy. "Tôi không có năng lực ấy. Nhưng tôi hy vọng tôi có năng lực như vậy. Nếu được như thế, ngay cả khi bạn hỏi, câu hỏi … nếu tôi biết câu hỏi, thế thì nó không làm rắc rối cho tôi." Ngài không thể tự kềm chế. Ngài nghiêng đầu ra phía sau và cười to, rất thoải mái và rất lâu, khuôn mặt của ngài nhăn nhó rất vui vẻ. Một phóng viên người Czech lau nước mắt vì cười trên khuôn mặt bà ta. Mọi người trong phòng bắt đầu thích thú với cuộc họp báo.
Người đàn bà nhìn xuống sàn nhà trong một lúc. Cô ta rõ ràng thất vọng với câu trả lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng cô quyết định không nản lòng với sự chấn động. Cô nhấn mạnh: "Câu hỏi của tôi là: Ngài có thỉnh thoảng dùng email không hay ngài vẫn sử dụng tha tâm thông? Cô ta rõ ràng tin chắc rằng thần giao cách cảm hay tha tâm thông là một phần trong kho tàng phương tiện thiện xảo bí mật của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Đức Đạt Lai Lạt Ma quay sang Tenzin Geyche Tethong, thư ký riêng của ngài, nhờ giúp đở. Họ nói ngắn với nhau bằng tiếng Tây Tạng. Khuôn mặt người phụ nữ đầy hân hoan khi chờ đợi.
"Mặc dù cá nhân Đức Thánh Thiện không dùng email, nhưng tất cả những nhân viên khác thì luôn luôn sẳn sàng với Internet", Tenzin Geyche giải thích trong một giọng bình thường.
Đức Đạt Lai Lạt Ma bổ sung thêm bằng tiếng Tây Tạng.
Tenzin Geyche tiếp tục: "Như liên quan đến máy điện toán đến bây giờ, Đức Thánh Thiện thấy khó khăn ngay cả việc không biết ấn vào nút nào". Mặc dù đối với chính mình - người thư ký thường giữ cảm xúc kín đáo trong những trường hợp ở những nơi công cộng như thế này - nhưng ông ta cho phép mình mĩm cười.
Đức Đạt Lai Lạt Ma chi tiết thêm: "Những ngón tay của tôi … " Ngài đưa bàn tay lên gần mặt ngài và bắt đầu chăm chú nhìn vào những ngón tay loe rộng ra. "Tốt lắm, tôi nghĩ, rất thích hợp cho việc sử dụng chiếc túc vít". Bây giờ ngài làm như dụng cụ của thợ mộc với bàn tay phải của ngài. Tiếng lách cách của những chiếc máy ghi hình đã chuyển sang tần số cao.
"Làm chút việc nào ở đây, ở kia … " Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục khi ngài chăm chú thích thú nhìn những ngón tay của ngài xoay tròn. "Tối thiểu tôi có thể làm thế đó. Nhưng đối với máy điện toán … " Ngài dùi dùi một cách vụng về vào bàn vài lần với ngón tay trỏ của ngài. "Vô vọng."
Khi cuộc họp bào kết thúc, các phóng viên tập trung đông đảo chung quanh để bắt tay với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Người phụ nữ Âu châu cũng ở trong số ấy. Ngài bước tới cô ta, đẩy mạnh khuôn mặt của ngài vài phân về phía cô, và dúi một ngón tay quả quyết vào trán cô ấy. Cô ta cười ngặt nghẽo. Hai người cười lớn lên, không cần kềm chế.
***
Ngày nay, trong nhãn quan của thế giới, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trở thành một biểu tượng quốc tế. Sự kiện ngài là lãnh tụ của người Tây Tạng thì ít quan trọng hơn là biểu tượng nổi tiếng nhất của Phật Giáo. Ở phương Tây ngài được biết một phần như siêu sao sa môn và một phần như gấu trúc dễ thương. Khi đến New York năm 2003, ngài đã có một khoá giảng dạy bốn ngày ở Nhà hát Beacon với số vé bán hết. Trên mái cửa vào nhà hát chạy hàng chữ lấp lánh tuyên bố: Trên khán đài. Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sắp tới: Twisted Sister và Hot Tuna (hai ban nhạc nổi tiếng của Mỹ).
Sau khóa giảng dạy, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thuyết pháp công cộng tại Central Park. Dưới bầu trời tươi sáng, Bãi Cỏ phía Đông đầy những người hâm mộ trung thành, những người tầm cầu tâm linh, và những người chỉ đơn giản là tò mò. Một sân khấu rộng lớn được đặt giữa hai màn ảnh truyền hình khổng lồ được dựng lên cho sự kiện này. Những người không thể tìm ra chỗ trong bãi cỏ phải hé nhìn qua màn lá cây dày đặc từ phía bên kia những hàng cây. Tất cả được nói là hơn 100,000 (một trăm nghìn) người đã đến tham dự sự kiện này. Đó là một mini-Woodstock[1] được dàn dựng bởi tài tử Richard Gere. Chỉ có Billy Graham[2] và Giáo Hoàng mới có thể lôi kéo hơn số người ấy vào Central Park.
Đức Đạt Lai Lạt Ma trông tươi tắn hôm nay. Đứng chỉ cách ngài vài bộ, tôi có thể thấy ngài được làm cho mạnh mẽ từ đám đông. Như thông thường, ngài khiêm tốn, tiếu lâm nhẹ nhàng và giọng cười thân mật nồng nhiệt. Nói chuyện không cần giấy, ngài nói với những người nghe, "Một số trong quý vị đến với những mong đợi nào đó về Đạt Lai Lạt Ma. Vị khôi nguyên Nobel Hòa Bình sẽ nói cho nghe những thông tin hấp dẫn nào đó hay điều gì đó đặc biệt. Không có gì cả! Tôi không có gì để cống hiến, chỉ là thứ gì đó blah, blah, blah."
Nhưng rồi thì ngài tiếp tục lập lại chủ đề ưa thích quen thuộc: "Chúng ta phải thực hiện mọi nổ lực để thúc đẩy tình cảm loài người. Trong khi chống lại bạo động hay chiến tranh, thì chúng ta phải cho thấy có một cách khác - cách bất bạo động. Bây giờ hãy nhìn vào loài người như một tổng thể. Thực tế ngày nay: toàn thể thế giới giống như là một thân thể. Một việc xảy ra từ một nơi xa xôi nào đó, hệ quả sẽ tác động chính nơi của bạn. Tàn phá láng giềng của bạn như kẻ thù cũng chính là tàn phá chính bạn. Tương lai của chúng ta tùy thuộc vào sự cát tường toàn cầu."
Chỉ trong một vài phút, ngài đã có sự chú ý không phân cách của đám đông.
Một nhiếp ảnh gia Tây Tạng, rõ ràng thán phục Đức Đạt Lai Lạt Ma, thì thầm trong tai tôi, "Ngài không cần đọc trên màn ảnh vô hình TelePrompTer. Ngài là kiểu mẫu sống về tuệ trí của ngài - tuệ trí hoàn toàn liên hệ với thế giới ngày nay."
***
Tôi thật tò mò rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma có bao giờ tự hỏi là tại sao ngài có sức lôi cuốn người ta như vậy. Trong một cuộc phỏng vấn với ngài, tôi đã nói, "Tôi muốn hỏi ngài một câu hỏi ngớ ngẫn." Vị lãnh tụ của Tây Tạng đang ngồi tréo chân, như thường lệ, trong góc chiếc ghế bành trong phòng tiếp khách bên trong khu cư trú của ngài ở Dharamsala, Ấn Độ. "Tại sao ngài quá được yêu mến? Điều gì làm cho ngài hấp dẫn không cưỡng lại được đối với quá nhiều người?"
Đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi rất tĩnh lặng, nghiền ngẫm câu hỏi. Ngài đã không lướt qua câu hỏi của tôi với một câu nói đùa, như tôi đã nghĩ ngài có thể làm như thế.
Ngài đã thận trọng khi trả lời. "Tôi không nghĩ tự tôi có những phẩm chất tốt đẹp đặc biệt. Ô, có thể có những thứ nho nhỏ nào đó. Tôi có một tư tưởng tích cực. Đôi khi, dĩ nhiên, tôi có hơi bực bội một chút. Nhưng trong tim tôi, tôi không bao giờ phiền hà, không bao giờ nghĩ điều gì xấu chống lại bất cứ người nào. Tôi cũng cố gắng để quan tâm đến những người khác hơn. Tôi tin người khác quan trọng hơn tôi. Có thể người khác thích tôi vì trái tim trong lành vui vẻ của tôi."
"Bây giờ tôi nghĩ người ta vào lúc đầu, họ có sự tò mò. Rồi thì có lẻ … thường thường khi tôi gặp ai đó lần đầu tiên, người ấy không xa lạ với tôi. Tôi luôn luôn có ấn tượng đấy là một con người khác. Không có gì đặc biệt. Tôi cũng vậy, giống nhau."
Ngài nhấn nhấn vào má với những ngón tay rồi tiếp tục. "Dưới làn da này, cùng bản chất, cùng những loại khao khát và cảm xúc. Tôi thường cố gắng gửi những cảm giác hạnh phúc đến người khác. Cuối cùng nhiều người đã nói đến những tích cực nào đó về tôi. Rồi thì nhiều người hơn đã đến, chỉ theo tiếng tăm - điều ấy cũng có thể."
Đức Đạt Lai Lạt Ma có cách riêng không thể bắt chước với Anh ngữ của ngài. Tôi đã gặp rắc rối để thông hiểu ngài khi lần đầu tiên tôi ngồi xuống để làm việc về quyển sách với ngài, ngài có thể thất vọng kín đáo vào những lúc ấy. Cuối cùng tôi đã quen với cung cách nói chuyện của ngài và bây giờ hoàn toàn thâm nhập với sự hấp dẫn và thẳng thắn ấy.
"Đôi khi người ta đến tiếp xúc với ngài," tôi nói, "ngay cả không nghe ngài nói, chỉ nhìn ngài thôi, họ cũng xúc động. Tại sao?"
"Tôi chú ý đôi khi, một ca sĩ hay một diễn viên," Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp lại. "Khi họ xuất hiện, một số người gần như muốn khóc, nhảy lên và khóc. Tương tự vậy." Ngài nện lên nện xuống trên chiếc ghế của ngài và vổ cánh tay ngài vài lần.
"Ngài giống như một ngôi sao nhạc rock," tôi nói.
"Vâng," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói một cách tự nhiên. "Nhưng có thể có những nhân tố khác. Chúng tôi tin nhiều kiếp sống khác trong quá khứ. Thế nên có thể có một số liên hệ nghiệp quả nào đó, điều gì đó huyền bí hơn." Ngài cau mày và nhìn vào khoảng không xa xôi nào đó. Tôi có cảm giác ngài đang cố gắng để tự tìm ra sự giải thích tế nhị hơn về sự cuốn hút quần chúng này của ngài.
Ngài mở tấm y đỏ và đắp lại chung quanh mình ngài.
Cuối cùng ngài nói: "Bây giờ, mức độ huyền bí này, thí dụ, người nào đó có một giấc mơ lạ lùng, sau đó giấc mơ ấy mở ra một tương lai mới hay một đời sống mới hay một sự liên kết mới với những người khác."
Ngài chỉ vào tôi khi tiếp tục với dòng tư tưởng của ngài. "Trường hợp của riêng bạn. Thế nào đó điều gì đấy không ngờ tới đã dẫn bạn đến đây. Sự bắt cóc ở A Phú Hản. Nếu nó không xảy ra, bạn có thể không có ở đây. Rồi thì bạn sẽ không phát triển tất cả những sự nối kết này với tôi và với người Tây Tạng. Cho nên tất cả những điều này, tôi chắc chắn chúng có những nhân duyên. Theo quan điểm của Phật Giáo: Có thể có những liên kết nghiệp quả trong nhiều kiếp quá khứ. Có lẻ, đó là tại sao nhiều người cảm thấy gần gũi với tôi ngày nay."
Vâng, "Vụ bắt cóc ở A Phú Hản." Vào năm 1977, sau khi xong đại học cộng đồng (college) tôi đã mang một chiếc xe van VW camper ở Utrech[3] và dự định thực hiện một chuyến du hành xuyên lục địa từ Hòa Lan đến Ấn Độ. Sau khi qua Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, tôi dừng lại và nghỉ ngơi nửa năm ở A Phú Hản - một nơi ẩn náo cho việc bỏ học và sẽ là những cuộc phiêu lưu.
Gần cuối những ngày nghỉ ngơi ấy khi tôi và hai phụ nữ trẻ - Cheryl từ New York và Rita từ Munich - bị bắt cóc ở Kabul bởi ba người đàn ông người A Phú Hản. Cầm một cây súng trường giữa họ, họ buộc chúng tôi lên một chiếc xe rỉ sét tệ hại và đưa chúng tôi đến một ngôi làng nhỏ tận trên dãy núi cao Hindu Kush. Sau vài ngày bị bắt, chúng tôi tính toán trốn chạy khi chiếc xe của họ trượt bánh trên một khúc quanh gắt và xe hư bên triền núi.
Ngay sau đó, Cheryl và tôi quyết định cùng du lịch đến Ấn Độ. Cô đã viết một bức thư giới thiệu đến Đức Đạt Lai Lạt Ma, đang sống lưu vong tại Dharamsala. Chúng tôi đã hướng thẳng đến khu tị nạn đẹp như tranh của người Tây Tạng. Vài ngày sau khi đến, chúng tôi được phép diện kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong một ngày mùa xuân đầy mây mát mẻ vào tháng Ba năm 1972, tôi đã gặp vị lãnh tụ tinh thần và thế tục của người Tây Tạng lần đầu tiên.
Số mạng. Nghiệp quả. Nó được gọi bất cứ là gì. Vâng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đúng. Nếu tôi không bị bắt cóc, chắc chắn tôi sẽ không gặp ngài sau đó.
Hãy để qua một bên việc cộng tác về quyển sách và hỏi ngài vài câu về sự hấp dẫn không thể ngăn được của ngài.
Vẫn cân nhắc câu hỏi của tôi về tính cách cá nhân thích thú hơn và sôi động hơn thường tình của ngài, Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục, "Cũng vậy, nhiều người thích giọng cười của tôi. Nhưng giọng cười vì, cười mĩm gì, tôi cũng không biết."
"Nhiều người đã bình luận về giọng cười này," tôi nói, "cảm giác biểu hiện này mà ngài có. Ngài đã gần bảy mươi, nhưng ngài vẫn yêu vui đùa rộn rã và ngài không tự đòi hỏi quá nghiêm khắc."
"Thứ nhất, người Tây Tạng thông thường vui tính hơn," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. "Mặc cho nhiều khó khăn, họ thường sẳn sàng để cười, những thứ như thế. Rồi thì gia đình tôi, tất cả anh em tôi, ngoại trừ Gyalo Thondup [anh thứ hai của ngài] như thế," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. "Người anh cả của tôi [Thubten Jigme] Norbu luôn luôn chọc cười, làm trò vui. Người anh quá cố kế tôi, Lobsang Samten, kể chuyện đùa tục mà thanh, vui lắm. Và tôi, rồi người em út, Tenzin Choegyal, em gái, Jetsun Pema, cũng như người chị cả quá cố đều không quá nghiêm khắc. Mẹ tôi cũng thế. Cha tôi cũng thế - dễ nổi giận nhưng rất vui tính.
"Trong trường hợp riêng của tôi, thể trạng tinh thần của tôi, so sánh thì tĩnh lặng hơn nhiều. Mặc cho hoàn cảnh khó khăn hay ngay cả đôi khi là những tin tức rất bi thảm, nhưng tâm trí tôi không bị quấy rầy nhiều. Trong một khoảnh ngắn, có những cảm giác buồn thảm nào đó, nhưng không tồn tại lâu. Trong một vài phút hay một vài giờ, và sau đó nó biến mất. Cho nên tôi thường diễn tả điều gì đó giống như đại dương. Trên bề mặt, những đợt sóng đến và đi, nhưng phía dưới luôn luôn duy trì tĩnh lặng."
Người ta đến tiếp xúc với Đức Đạt Lai Lạt Ma dường như cảm nhận rằng ngài là "chân thật", như Tổng giám mục Desmond Tutu một lần nọ đã nói với tôi. Và không biết chắc chắn tại sao, nhưng họ bị tác động bởi ngài, bị cuốn hút vào tính nhân bản hấp dẫn và sôi động của ngài, ngay cả từ khoảng cách xa.
Tôi có một chút nghi ngờ rằng sự hiện diện đầy khí lực của Đức Đạt Lai Lạt Ma có điều gì đó liên hệ đến nguồn tâm linh sâu xa của ngài. Sự sôi nổi huyền thoại của ngài đơn giản là biểu hiện của sự thành tựu tâm linh của ngài mà thôi.
Tôi đã biết Đức Đạt Lai Lạt Ma hơn ba thập niên. Ngài gọi tôi là người "bạn cũ" của ngài. Trong vài năm gần đây, tôi đã được cấp cho quyền chưa hề có để đến với ngài trong khi đồng tác giả quyển sách này. Tôi đã quán sát Đức Đạt Lai Lạt Ma từ những khu nhà ở gần, du hành với ngài như một phần sự khuyến khích của ngài, và dành thời gian với ngài ở tại nơi ngài cư trú. Nhưng tôi thấy thật khó để diễn tả, chỉ riêng sự tế nhị này, sức quyến rũ phi thường của ngài. Để thấu hiểu tinh hoa của ngài, chúng ta phải nhìn vào sự tu tập Phật Giáo cả nửa thế kỷ và cung cách vô song mà ngài đã liên hệ với thế giới chung quanh.
Rất nhiều trong sự liên hệ của ngài với đời sống được thúc đẩy bởi một số ít nền tảng nhưng khó khăn liên quan đến những hiểu biết thâm sâu. Trong một vài trường hợp, ngài đã nói với tôi điều gì đó về sự liên hệ hổ tương và tánh không, hai ý tưởng vô cùng quan trọng đối với ngài. Tôi đã lắng nghe cẩn thận và ghi chép. Tôi phải thừa nhận rằng thật vất vả để thấu hiểu những khái niệm này. Nhưng bằng việc là cái bóng của ngài, bằng việc cùng với ngài hàng giờ cho đến kết thúc, tôi đã đi đến xác định những phẩm chất nào đó để nhận ra ngài. Những nguyên tắc về từ bi và bất bạo động đã hình thành quan kiến toàn cầu của ngài. Và sự theo đuổi không ngừng của ngài về tha thứ như một giải pháp cho những điều kiện xung đột với cung cách ngài hành động.
Một điều tôi biết chắc chắn. Tôi cảm thấy thoải mái ở bên cạnh ngài. Tôi biết mọi người cảm thấy thoải mái ở bên cạnh ngài. Có lẻ chúng ta thấu cảm trực giác rằng ngài nói như hành động. Chúng ta cảm nhận một trung tâm tinh khiết bất thường bên trong ngài. Giống như tấm gương phản chiếu ánh sáng, nó cho phép chúng ta thấy và chạm được tính nhân bản của chính chúng ta.
Desmond Tutu[4], người bạn tốt của ngài trong nhiều năm, đã nói những lời này khi họ cùng ở trên khán đài ở Vancover, Canada, trước đám đông của mười bốn nghìn người.
Vài năm trước, tôi ở San Francisco, khi một phụ nữ vồn vả đến chào tôi rất nồng nhiệt. Bà ta nói với tôi, "Hello, Tổng giám mục Mandela[5]!" Giống như có được hai món với một giá tiền.
Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng không ai có thể phạm sai lầm như vậy về Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Không phải phi thường sao, trong một nền văn hóa mà sự tôn kính thành công, đó không phải là sự thành công gây hấn, thô thiển, nhưng chính bậc trượng phu là những người mà chúng ta ngưỡng mộ. Chúng ta có thể ganh tỵ với tài khoản trong nhà băng của họ, nhưng chúng ta không ngưỡng mộ họ.
Ai là những người mà chúng ta ngưỡng mộ? À, có nhiều thứ mà các bạn có thể nói về Mẹ Teresa, nhưng bậc trượng phu không phải là một người trong họ. Tất cả chúng ta tôn kính bà không phải bởi vì sự tiêu xài hoang phí nhân danh vô trách nhiệm như vậy. Chúng ta ngưỡng mộ bà bởi vì bà thánh thiện. Chúng ta ngưỡng mộ những người như Nelson Mandela vì đã hiện thân như một biểu tượng cao thượng, của tha thứ, của hòa giải.
Và chúng ta tôn kính Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài là người duy nhất, một trong rất, rất, rất, rất ít người có thể làm đầy kín Central Park ở New York với những người sùng mộ nhiệt tình.
Nhưng tại sao? Tại sao? Bởi vì ngài thánh thiện, ngài thánh thiện, ngài thánh thiện. Tôi đã gặp rất ít người khác thánh thiện như Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi đã gặp rất, rất ít người có sự tĩnh lặng, sự tĩnh lặng sâu thẩm của ngài.
Và cảm giác vui tươi của ngài. Ngài cười dễ dàng, ngài giống như cậu học trò với sự tinh nghịch của ngài. Vui đùa, cười tươi, hân hoan sung sướng.
Và điều đó là lạ kỳ. Điều đó là kỳ lạ cho người nào đó đã sống lưu vong trong bốn mươi lăm năm. Đúng ra ngài phải đầy phẩn uất, oán hận, cay đắng. Và điều cuối cùng ngài muốn là mở rộng lòng từ ái và bi mẫn đến những người muốn đối xử với ngài và dân tộc ngài quá kinh tởm. Nhưng ngài làm. Ngài làm.
Và tất cả chúng ta có tự hào là con người không? Đức Đạt Lai Lạt Ma làm cho chúng ta cảm thấy tốt đẹp về việc là con người. Về việc sống vào một thời kỳ khi người nào đó như ngài sống với chúng ta.
[1] Woodstock một thị trấn nhỏ ở Tây Nam bang New York cách thành phố New York 50 dặm.
[2] Mục sư Billy Graham, một trong những nhà lãnh đạo có nhiều ảnh hưởng nhất của Phong trào Tin Lành
[3] Utrech một thành phố của Hòa Lan.
[4] Desmond Tutu: Tổng giám mục Anh giáo ở Nam Phi.
[5] Nelson Mandela: Tổng thống Nam Phi.
Chuông báo thức đúng 4 giờ sáng. Tôi bấm nút tắt với sự thư thái. Tôi đã mua chiếc đồng hồ du lịch một ngày trước tại một cửa hàng, và tôi đã lo lắng rằng không biết nó có hoạt động chính xác hay không. Tôi đã kinh nghiệm nhiều lần thất vọng trong quá khứ với những chiếc đồng hồ do Ấn Độ sản xuất.
Tôi mặc quần áo vội vã, với lấy những dụng cụ chụp hình, và đi ra cửa sau một khách sạn. Tôi có thể thấy bóng đen của rặng Dhauladhar, vòng ngoài của dãy Hy Mã Lạp Sơn, vươn lên phía trên ngọn đồi nhỏ Dharamsala. Thật là yên tĩnh, có lẻ còn vài giờ nữa thì thị trấn mới thức dậy, không thấy ai cả. Tôi bước đi nhanh qua bến xe buýt nhỏ trống trãi, sau đó vụt chạy dọc theo con đường quanh co hướng đến nơi cư trú của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Tenzin Taklha, phó thư ký riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, đang đợi tôi tại cổng của biệt điện. Mặc áo sơ mi ngắn tay và quần dài màu xám, ông trông thư thả và thoãi mái vào lúc sáng sớm này. Tôi bối rối với cái áo sơ mi mắc dịch vương vướng khó chịu phía sau lưng mặc dù trời mát.
"Tôi rất tiếc ông phải dậy sớm thế này," tôi xin lỗi.
"Không có gì. Tôi hiếm khi bên cạnh Đức Đạt Lai Lạt Ma lúc ngài hành thiền vào sáng sớm. Đó là một đặc ân hiếm hoi cho tôi." Tenzin là một người đẹp trai vào độ tuổi ba mươi của ông, trả lời với một nụ cười mĩm nhẹ nhàng.
Tôi đã bắt đầu phỏng vấn vị lãnh tụ của người Tây Tạng cho chương trình của quyển sách của chúng tôi vào năm trước, 1999. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được phép bên cạnh ngài vào buổi sáng sớm thế này.
Ngay cả lúc này, vài người lính Ấn Độ và đôi ba người bảo vệ an ninh Tây Tạng đang đi quanh cửa ra vào. Tenzin đưa tôi thẳng qua những cánh cửa kim loại lớn. Tôi ngạc nhiên. Mặc dù bây giờ tôi đã là một nhân vật quá quen thuộc - trong năm qua, tôi đã phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma hàng năm sáu lần - nhưng tôi luôn luôn vẫn phải đi qua một loạt hệ thống kiểm soát kim loại và sau đó bị vỗ nhẹ khắp thân thể bởi một người bảo vệ an ninh Tây Tạng. Mỗi khách viếng thăm đều phải đi qua giai đoạn này, không có ngoại lệ.
Tôi dường như đã đi qua một đường dây vô hình sáng nay. Tối thiểu là đến bây giờ, tôi thuộc vào một nhóm người không phải Tây Tạng được tin tưởng như những người bạn tâm tình của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi được cho phép đi vào những khu vực riêng tư của Đức Đạt Lai Lạt Ma mà không bị kiểm soát vũ khí giấu diếm.
Tâm tư tôi quay ngược lại một trường hợp khác khi tôi đi qua cùng những chiếc cổng này vào tháng Ba năm 1972. Vào lúc ấy, chỉ có những người lính canh Ấn Độ giữ vị trí ở cổng ra vào. Tôi sẽ luôn luôn trân trọng ký ức ngày mùa xuân ấy khi tôi gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma lần đầu tiên. Lúc đó tôi hai mươi bảy tuổi.
Ăn mặc cẩn thận cho cuộc diện kiến ấy hơn ba mươi năm trước. Tôi mặc chiếc quần nhung đen hơi chật. Bàn tọa đáng ngờ, nó đã quá mòn bạn có thể thấy bên trong xuyên qua vải. Chiếc áo sơ mi, mua từ Kabul mềm và sáng, cổ tay áo được cắt tỉa với một dải hẹp thêu tay. Tuy nhiên, kiệt tác là một áo choàng đen trùm đầu tôi đã mua ở Marrakech. Tôi rất thích nó, và ngoại trừ trời rất nóng, không thì tôi luôn luôn quấn nó quanh mình tôi. Kiểu Zorro[1].
Tôi nghĩ chưng diện toàn đen như vậy tương hợp với bộ ria Mãn Châu của tôi, tôi đã kiên nhẫn nuôi dưỡng nó vài năm rồi khi tôi du lịch xuyên qua Âu châu và Á châu. Nhưng tôi bắt đầu thất vọng với nó. Nó thưa và ngắn, không mọc rậm rạp và kiêu hảnh như tôi tưởng. Và một điều khác nữa, nó có xu hướng mọc cong vào trái cổ của tôi. Mặc cho sự chăm sóc hàng ngày của tôi - ve vuốt nó thường xuyên để động viên nó để nó thích ứng với sự nghiêm trang - nhưng tất cả nó muốn làm là lẫn tránh.
Tóc tôi bóng và dài, gần phía lưng dưới tôi. Tôi chải chuốt nó và thắt bím nó lại thành cái đuôi ngựa. Với bộ đồ tuyệt vời nhất của tôi, chiếc áo choàng phất phới che đáy quần quá mòn của tôi, tôi đã sẳn sàng cho buổi yết kiến với người được gọi là Thánh Vương[2] của Tây Tạng.
Tôi biết rất ít về Đức Đạt Lai Lạt Ma và đất nước của ngài. Tôi đã sống hai mươi năm đầu của tôi tại Hồng Kông. Tây Tạng hầu như không được nhấn mạnh trong chương trình của trường Crown Colony. Sự chú ý của những bạn học người Hoa của tôi là tập trung dứt khoát vào phương Tây, với những trường học lớn về thương mại và y dược và sự phát triển rực rở của kỷ thuật. Vùng đất bị ngăn trở và cấm đoán được gọi là Nóc Nhà Thế Giới không là một nơi khêu gợi được sự tưởng tượng của họ.
Tôi thì cũng không khác gì hơn, ngoại trừ một điều. Ở trường trung học tôi đọc ngấu nghiến những sách của Kim Dung, nhà viết truyện bậc nhất, mà tôi đã từng biết trong thời thơ ấu của tôi. Tây Tạng trong sự tưởng tượng của tôi được hình thành bởi tâm hồn nóng bỏng của Kim Dung. Đó là trong những truyện công phu kiếm hiệp của ông mà lần đầu tiên tôi được biết về những lạt ma Tây Tạng bí ẩn, những người đã thành tựu những năng lực siêu nhiên sau khi hành thiền hàng năm trong những liêu cốc trên núi của họ. Sự tưởng tượng lãng mạn này về những tu sĩ Tây Tạng, thi triển những năng lực tâm linh và vật lý, đã ở trong tâm thức của tôi.
Cheryl Crosby, một Phật tử đến từ New York, là lý do tôi phải gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Một người bạn của cô, Dorje Yuthok, gia trưởng một gia đình quý tộc ở Lhasa, đã viết một lá thư giới thiệu cô với vị lãnh tụ Tây Tạng. Cheryl chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, nhưng có một khoảng cách lớn trưởng thành giữa chúng tôi. Cô là một người tự tin và dễ kết bạn. Ngay cả khi chúng tôi bị bắt cóc ở Kabul, cô đã có một khả năng điềm tĩnh và nhanh trí để giữ bề ngoài như hợp tác với những kẻ bắt cóc. Sau khi trốn thoát, chúng tôi đã cùng nhau đi đến Dharamsala.
Ở đấy tôi đã gặp những người Tây Tạng đầu tiên. Tôi thấy những người đàn ông và đàn bà đi quanh những con lộ nhỏ hẹp, quay những bánh xe cầu nguyện, nhiều người vẫn mặc những bộ đồ truyền thống và những đôi giày ống nỉ sặc sở cao đến đầu gối. Tôi say mê với những khuôn mặt trần vô tư của họ. Có sự ấm áp chân tình bên trong họ. Họ mĩm cười dễ dàng và thường xuyên. Họ có một ảnh hưởng tiềm ẩn của vui đùa, của hoan hỉ trong mỗi lần gặp gở. Không nghi ngờ gì về nó. Dharamsala cũng được biết như một Lhasa nhỏ, là một nơi dịu dàng nhất mà tôi đã từng đến.
Vào buổi trưa của lần yết kiến ấy, Cheryl và tôi đi theo một người thị giả trung niên qua những cánh cổng của biệt điện. Một người lính Ấn Độ bên khu vực đang đứng dựa vào khẩu súng trường hút bidi (một loại ciga Ấn Độ). Ông chẳng màng nhìn khi chúng tôi bước trên một lối đi ngắn đến tòa nhà tiếp khách. Đó là quy mô bảo vệ an ninh chung quanh Đức Đạt Lai Lạt Ma vào lúc ấy.
Phòng tiếp kiến, được phủ sơn bóng màu vàng, rộng lớn và sáng sủa. Những cuốn thư thangka Tây Tạng treo rũ trên tường. Chúng tôi ngồi trên chiếc ghế bành giản dị nhưng thoải mái của Ấn Độ và chờ đợi. Tôi bị kích thích bởi viễn tượng của việc gặp gở một người nào đó được nhiều người xem như cả vua và thánh nhân. Nhưng sự hào hứng ấy bị nhuốm màu với sự e ngại nào đó. Mặc dù có nhiều điều về Tây Tạng mà tôi không biết, nhưng tôi đã biết nhiều về điều này, Trung Quốc đã xâm lăng đất nước của Đức Đạt Lai Lạt Ma vào những năm năm mươi, đã giết nhiều người của ngài, và đã buộc ngài phải tị nạn ở Ấn Độ. Bằng mọi lý do, Trung Quốc đã đối xử với người Tây Tạng qua sự chiếm đóng là khủng khiếp. Và tôi, đúng là dòng dõi của Hoàng Đế Tàu[3], lại sắp đối diện với lãnh tụ tối cao của người Tây Tạng. Không chắc là Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng gặp nhiều người Trung Hoa sau khi ngài lưu vong năm 1959. Tôi đã lo lắng là ngài có thể không thân thiện.
Khi tôi nghiền ngẫm những kịch bản khả dĩ, thì hai tu sĩ trẻ vận y màu đỏ thẩm đi vào. Tôi nhận ra Đức Đạt Lai Lạt Ma ngay lập tức. Ngài ba mươi bảy tuổi. Nhưng với đôi kính của ngài và khuôn mặt không nhăn, ngài trông trẻ trung phi thường. Không giống như những người dân bình dị Tây Tạng, ngài trông trắng trẻo và nét mặt thanh tú. Cử chỉ của ngài lịch thiệp, khiêm tốn là một sự rạng rở khác. Ngài mảnh khảnh, gần như gầy ốm. Cũng vậy tu sĩ bên cạnh ngài, thấp hơn không là bao. Sau này tôi biết tên vị ấy là Tenzin Geyche Tethong, dòng dõi một gia đình nổi tiếng ở Lhasa và là thông dịch viên cũng như thư ký của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Khi ngài sắp ngồi xuống, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhìn thoáng qua chúng tôi. Ngài mời tôi lần đầu tiên. Ngài chăm chú nhìn bộ ria của tôi và cười khúc khích. Không phải là giọng trầm khám phá ra mà tôi đi đến hiểu biết quá rõ. Đó là là tiếng cười rúc rích cao giọng bật lên thỉnh thoảng. Ngài gặp rắc rối trong việc tự kiềm chế, và ngài khom mình về phía trước với cố gắng. Trong khi đó Cheryl bắt đầu lễ phủ phục toàn thân. Cô bị giật mình bởi những tiếng cười khúc khích, nhưng cô quyết định lễ cho xong.
Tôi đứng đấy vào buổi trưa tháng Ba, cảm thấy kỳ dị. Tôi không biết mình đáng lẽ phải làm gì. Tôi không biết lạy phủ phục. Thế nào đi nữa, tôi không cảm thấy muốn khấu đầu lễ lạy người đàn ông trẻ trong nổi khổ sở của nóng lòng háo hức qua sự xuất hiện của tôi.
Đức Đạt Lai Lạt Ma cuối cùng an vị. Ngài mĩm cười khi Cheryl dâng lên một khata, một khăn choàng lễ màu trắng. Tôi xếp khăn của tôi và tiến đến ngài. Ngài hướng nhìn tôi một lần nữa, và những tiếng cười khúc khích lại bắt đầu một lần nữa. Ngay cả Tenzin Geyche trông long trọng bây giờ cũng cười toe tét một cách thoải mái.
Nửa giờ tiếp theo thì mờ nhạt. Tôi không nhớ lại là đã bắt đầu cuộc đối thoại ra sao. Tôi chỉ nhớ lại mơ hồ Cheryl kể lại về chuyện của cô, rằng cô thực hành Phật Giáo Tây Tạng, và cô là một người bạn của Bà Dorje Yuthok ở New York. Cheryl đã hỏi vài câu với Đức Đạt Lai Lạt Ma, hầu hết về việc thực hành Phật Giáo của cô. Tôi đã quên lâu rồi những gì cô muốn biết và những gì ngài trả lời cho cô. Tenzin Geyche đã thông dịch một cách cẩn thận. Trong những ngày ấy, trình độ Anh Văn của Đức Đạt Lai Lạt Ma thì rất ít ỏi thua những người Ấn Độ nói tiếng bồi. Ngài sẽ lạc lõng nếu không có người thông dịch. Tuy thế, thỉnh thoảng ngài lại đánh bạo chêm vào những thành ngữ tiếng Anh.
Sau đó Đức Đạt Lai Lạt Ma quay sang và nhìn tôi. Tôi đang cố vắt óc để tìm ra những câu hỏi rõ ràng. Nhưng tôi chỉ biết một ít về Tây Tạng và thậm chí còn ít hơn về Phật Giáo. Cho nên tôi đã hỏi ngài vài việc đã dày dò tôi từ khi tôi bước qua cửa phòng tiếp kiến lần đầu tiên.
Tôi đã hỏi ngài có thù ghét người Trung Hoa không.
Đức Đạt Lai Lạt Ma dường như làm dịu bớt đi việc trao đổi của ngài với Cheryl. Bây giờ ngài ngồi thẳng trên ghế của ngài. Ngài trả lời ngay lập tức và ngắn gọn. Và bằng tiếng Anh.
"Không", ngài nói.
Đôi mắt ngài nhìn thẳng vào tôi. Biểu lộ của ngài rất trang nghiêm. Không có dấu hiệu gì của vẻ vui tươi còn lại. Tôi nhìn chỗ khác và chăm chú xuống thảm nhà.
Sau một lúc im lặng như vô tận, ngài đã nói một cách kín đáo và chậm rãi với Tenzin Geyche bằng Tạng ngữ.
Vị thư ký riêng thông dịch: "Đức Thánh Thiện không có bất cứ ý nghĩ xấu nào đối với người Trung Hoa. Người Tây Tạng chúng tôi đã đau khổ vô cùng bởi sự xâm lược của Cộng Sản Trung Quốc. Và như chúng tôi nói, Trung Cộng đã phá hủy một cách có hệ thống từng viên đá một những tu viện vĩ đại của Tây Tạng. Gần như mỗi gia đình ở Dharamsala đều có một câu chuyện buồn để kể, hầu hết mỗi gia đình đều có mất một thành viên do sự tàn bạo của Trung Cộng. Nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng sự tranh cải của ngài là với Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Không phải với những người Trung Hoa bình thường. Ngài vẫn quan tâm đến những người anh chị em Trung Hoa. Đức Thánh Thiện không thù ghét người Trung Hoa. Như một vấn đề thực tế, ngài tha thứ họ và không để lòng gì cả."
Thật lạ lùng tôi đã nhớ lại những thứ linh tinh ấy một cách rõ ràng như thế nào trong ba thập niên sau đấy. Có lẻ bởi vì câu trả lời quá bất ngờ, không giống như bức ảnh mà Kim Dung đã vẽ ra với những câu chuyện kiếm hiệp của ông ta. Mỗi người trong những câu chuyện của ông ta đã trả thù như một chủ đề lại diễn ra. Danh dự của người đàn ông được định nghĩa bằng sự báo oán anh hùng và đơn giản: mắt trả bằng mắt - rất giống tiêu chí samurai của phong kiến Nhật Bản. Tôi kinh ngạc với ý tưởng rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tha thứ người Trung Cộng cho những gì họ đã làm với dân tộc ngài.
Cheryl đang lau nước mắt một cách lặng lẽ, xúc động không thể chống lại với buổi tiếp kiến. Khi chúng tôi chuẩn bị chia tay, Đức Đạt Lai Lạt Ma bước tới và an ủi cô, sau đó ngài bắt tay một cách trang trọng với tôi.
Tôi rời phòng tiếp kiến lòng như vô cảm. Tôi phỏng đoán một vị vua nhưng ngài chẳng giống một vị vua nào của loài người mà tôi đã từng gặp. Mặc dù thân thiện đúng mức, nhưng ngài quá thực tế, một cảm nhận khiêm cung vô cùng. Chỉ có chút nào đó thần thánh phưởng phất nơi ngài, và ngài cười khúc khích quá nhiều.
Sau này, khi tôi tiếp tục chuyến du hành về phương Đông qua Miến Điện, Hồng Công, và rồi Hoa Kỳ, tôi ngộ ra để thấy thời gian ngắn mà tôi có ở Dharamsala là tột đỉnh kinh nghiệm của cuộc hành trình vòng quanh thế giới của tôi. Những người Tây Tạng ở đấy đã tạo ra một ấn tượng không phai mờ trong tôi.
Hơn một thập niên sau cuộc diện kiến năm 1972 với Đức Đạt Lai Lạt Ma, những thứ của người Tây Tạng vẫn lù lù hiện ra trong tâm trí tôi. Họ cũng đã khơi lại bản năng du mục ngủ ngầm của tôi. Từ năm 1984 trở về sau, lấy Kathmandu như căn cứ địa, tôi đã đi lang thang qua những không gian hoang dã rộng lớn ở Tây Tạng trong bốn năm để nghiên cứu một quyển sách hướng dẫn về những khu vực hành hương cổ xưa của họ.
Phong cảnh của cao nguyên là thấm thía và kinh ngạc, không giống bất cứ gì trong cuộc lang thang nhiều năm trước đó mà tôi đã thấy. Những người Tây Tạng như tôi đã thấy ở Dharamsala là hiền lành, rộng lượng, và có xu hướng đột nhiên bùng cười vở bụng. Dù sự thật tôi thuộc chủng tộc Trung Hoa cũng không ngăn chặn họ giúp đở tôi.
Sắc mặt mĩm cười của Đức Đạt Lai Lạt Ma không bao giờ cách xa tôi. Tất cả những ngôi nhà và tu viện ở làng quê mà tôi thăm viếng đều có hình ngài trên bàn thờ. Mỗi người tôi gặp đều hỏi về ngài, thường với dòng lệ trên mắt họ. Bổng nhiên, Đức Đạt Lai Lạt Ma và lập trường của ngài càng nổi bật hơn trong tâm trí tôi. Nó cho tôi thức tỉnh rằng ngài và người dân của ngài đã thực tập một tôn giáo rất đơn giản - họ thực tập việc thể hiện ân cần tử tế đến người khác.
***
Khi những cánh cổng kim loại khu cư trú của Đức Đạt Lai Lạt Ma khép lại sau lưng chúng tôi, Tenzin Takltha và tôi bước lên những lối xi măng rộng đến khu phức hợp của tòa nhà tiếp khách, nơi mà cuộc phỏng vấn của tôi với lãnh tụ Tây Tạng luôn luôn xảy ra. Chúng tôi đi vòng qua khu phức hợp và điện tụng niệm nhỏ và rồi đi xuyên qua một vùng đầy cây cối. Phía trước là khu vườn và tòa nhà hai tầng xinh xắn nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma ngơi nghỉ và hành thiền. Đây là nơi xa nhất mà tôi đã từng đi đến trong khu vực khép kín này.
Một người lính Ấn Độ cầm súng tự động đứng gác bên ngoài cửa ra vào. Một người Ấn Độ khác, một người đàn ông mặc thường phục với áo sơ mi trắng bỏ ngoài quần, nhìn chúng tôi một cách bình thản. Ba hay bốn người canh gác Tây Tạng đi đi lại lại im lặng. Khi chúng tôi đứng trước cửa nhà, tôi cảm thấy lúng túng, một người xâm phạm vào trong một biệt điện sâu kín nhất của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Như thể có mặt đúng lúc, lãnh tụ người Tây Tạng bước ra khỏi tòa nhà, nhìn chăm chú tôi, mĩm cười và nói, "Nị hào?" (Xin chào?) trong giọng bùng vở của ngài. Ngài thích dùng tiếng Hoa để chào tôi. Xiết chặc tay tôi, ngài bắt đầu bước lên lối đi qua khu vườn. Ngài đi một cách nhanh nhẹn dọc theo con dốc thoai thoãi khoảng năm mươi thước và rồi quay lại. Ngài đang cưởi khúc khích khi ngài đến trước tôi, ngài đang phô trương. Chúng tôi đã nói về tầm quan trọng của việc tập thể dục một vài tháng trước đây. Cùng lúc ấy, ngài thú nhận với tôi rằng ngài không thích tập thể dục thân thể, rằng ngài vô cùng lười biếng với việc ấy. Tôi buộc ngài hứa rằng ngài phải gia tăng khối lượng tập luyện, từ năm mươi lễ phủ phục toàn thân một ngày lên một trăm. Bây giờ ngài đang hăng hái biểu lộ cho tôi thấy ngài đã tập thể dục sáng nghiêm túc như thế nào.
Ngài ra dấu cho tôi và Tenzin đi theo ngài. Chúng tôi đi lên một cầu thang xi măng đến tầng thứ hai bên ngoài sáng sủa - một không gian rộng mở với một vài ghế bành và ghế trường kỷ thoải mái rải rác. Những tấm thảm Á châu bao phủ sàn nhà bằng gỗ, và những cửa sổ từ sàn đến trần nhà khắp trên bức tường bên phải. Tôi có thể thấy thung lủng Kangra đột ngột rơi xuống một cách sắc nét, những đỉnh núi dịu dàng với ánh sáng đầu tiên.
Sau đó Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa chúng tôi vào phòng hành thiền của ngài.
***
[1] Zorro là một nhân vật lịch sử hư cấu thuộc tuyến chính diện trong tiểu thuyết Lời nguyền của Capistrano của nhà văn Johnston McCulley vào năm 1919.
[2] God King.
[3] Phục Hi, Hoàng Đế, Thần Nông: ba vị vua tối cổ của dã sử Trung Hoa.
Phòng hành thiền của Đức Đạt Lai Lạt Ma được tắm trong ánh nắng dịu dàng của buổi sáng. Những tủ đựng đồ bằng gỗ chạm trổ tinh vi đứng dọc bên tường, ở giữa chúng tôi có thể thấy nhiều bức tượng bằng đồng và vô số sản phẩm thủ công tôn giáo. Cả kho kinh điển Tây Tạng gói trong những tấm vải vàng và gấm thêu kim tuyến chồng chất đầy những kệ sách được làm theo truyền thống. Trung tâm của phòng được chiếm ưu thế bởi một bàn thờ trang trí công phu. Một bức tượng - cao không quá hai bộ được đặt trong một ngôi điện nho nhỏ bằng gỗ và thủy tinh - thật là một nơi đáng ngưỡng mộ. Không gian trầm lặng tuyệt đẹp, một sự thanh lịch bình dị.
Tenzin Taklth ra dấu cho tôi ngồi gần cửa ra vào trên một tấm thảm Tây Tạng vuông nhỏ. Tôi xếp đặt máy ghi hình trên một giá ba chân. Không nói tiếng nào, Đức Đạt Lai Lạt Ma đi ra phía sau chiếc bàn gỗ. Ngài thả chân ra khỏi đôi dép và ngồi trong tư thế hoa sen, tựa lưng vào bức tường ván ép. Ngài sửa y áo, nhắm đôi mắt lại, và bắt đầu hành thiền. Tôi khởi động máy quay phim và nghe tiếng động nhè nhẹ của máy khi nó ghi hình tu sĩ Tây Tạng trong đĩa kỷ thuật số digital.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng nói với tôi vài vấn đề về thời khóa buổi sáng của ngài: "Ngay khi thức dậy, hàng ngày đúng 3:30, tôi trì tụng vài mật ngôn hay những lời cầu nguyện. Những tư tưởng đầu tiên của tôi: Đức Phật và những lời dạy của Ngài về từ bi, giáo huấn duyên khởi. Đó là những gì tôi luôn luôn làm - suốt ngày còn lại được hướng dẫn phù hợp với hai điều này: lòng vị tha và duyên khởi. Sau đó là lễ phủ phục. Tôi nghĩ tất cả việc lễ phủ phục và tập thể dục, khoảng ba mươi phút. Tôi luôn luôn tắm sau đó. Sau đó khoảng 5 giờ hay đôi khi 4:40 là điểm tâm. Người em trai của tôi luôn luôn đùa với tôi rằng: mục tiêu thật sự của việc thức dậy sớm là để điểm tâm. Thông thường, như một tu sĩ Phật Giáo, không ăn chiều."
Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma an trú trong việc hành thiền, đôi mắt của tôi điều chỉnh cho thích hợp với ánh sáng dịu xuống. Ngay thẳng từ tôi qua căn phòng là một bức tranh tường được lồng trong một chiếc tủ gỗ và kính. Nó cho thấy một hình tượng Đức Phật vận y màu hoàng thổ giản dị; phía sau là những dãy núi xanh rì và những dòng suối uốn khúc. Đầu của Đức Phật y theo những tỉ lệ truyền thống, với đôi tai dài và nhục kế biểu thị sự Giác Ngộ. Ngài có một cái nhìn vô định - giữa mĩm cười và ung dung. Toàn bộ khuôn mặt Ngài - gò má mũm mĩm, cằm nhỏ, khóe mắt - hàm súc sự hoan hỉ chớm nở.
Việc hành thiền của Đức Đạt Lai Lạt Ma rõ ràng đi vào một thể trạng nội tại sâu xa nào đó rất nhanh. Không điều gì hiện hữu bên ngoài ngài - không chiếc phòng, không Tenzin và tôi chỉ ngồi cách vài bộ. Kiểu mẫu hành thiền của ngài thì khác với một thiền sư. Giống như nhiều lạt ma Tây Tạng, ngài không ngồi im như đá tảng và cứng nhắc. Luôn luôn có những chuyển động nhẹ. Ngài xoay bên này bên nọ; ngài dừng lại đứng yên hoàn toàn trong một lúc; sau đó là một mật ngôn ngắn thì thầm qua hơi thở ngài, một cánh tay đưa ra phía sau cổ để gãi một vết ngứa. Nếu tôi chưa từng xem ngài an trú trong thiền sâu lắng trước đây, thì tôi thề sẽ cho rằng ngài đang trạo cử bồn chồn.
Đột nhiên, đôi mắt của ngài quay trở lại trong hố mắt và mi mắt mở hé rung rinh một cách vô tình. Chuyển động riêng biệt đang quấy rầy.
Bàn làm việc của Đức Đạt Lai Lạt Ma thì lộn xộn. Những kinh điển của ngài - hàng đống sách vở chưa được đóng lại, một lục bình thủy tinh chưng hoa, một đèn bàn đưa lên đưa xuống, và một tượng Phật nhỏ bằng đồng. Cũng có một con dao quân đội Thụy Sĩ cao cấp, chen chúc nhau với nhiều công dụng, kế bên là một đồng hồ bàn với một bức tượng nhỏ trên đỉnh. Bên trái của ngài là một tủ gỗ cao đến đầu gối phủ một tấm giấy đỏ phía trên. Một tủ tương tợ khác, đặt phía bên phải trong phần lõm nhỏ của vách tường. Chồng chất trên ấy là sách, kinh điển Tây Tạng, ba bình đựng đầy bút mực và bút đánh dấu và một lọ thuốc bổ. Cao chót vót bên trên còn lại là một bó hoa lụa vàng đỏ sum suê - hầu hết là hoa huệ và hoa hồng - ngập tràn từ một chậu hoa bằng đá phiến xám. Chúng trông như thật một cách lạ kỳ, với những giọt sương trên cánh hoa. Một dụng cụ điều khiển TV để bên cạnh.
Phòng hành thiền là chỗ riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, một nơi để quán chiếu cũng như làm việc. Đó là một nơi mà ngài có thể thật sự một mình - ngài bàn bạc và chào đón khách viếng trong tòa nhà hội kiến gần cửa ra vào của khu cư trú. Chính nơi này, trong phòng này mà ngài huy động những nguồn lực nội tại - qua thiền tập, qua đọc tụng lại những lời của các bậc thầy Tây Tạng từ xưa - để đạt tới tuệ giác cần thiết để hướng dẫn chính ngài và dân tộc ngài qua những thời gian khó khăn.
Đức Đạt Lai Lạt Ma lấy kính ra khi ngài hành thiền, và đó là vấn đề khi tôi lần đầu tiên nhận thức tuổi tác của ngài một cách chính xác như thế nào. Tôi có thể thấy không gian sâu thẩm phía sau đôi mắt ngài, nếp nhăn chạy thẳng từ xương gò má đến cằm ngài. Vị lãnh tụ Tây Tạng lúc đó khoảng giữa tuổi sáu mươi.
Tôi cảm thấy an lạc khi nhìn vào khuôn mặt Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nó quá tương phản với tôi. Khuôn mặt ngài đầy những nếp nhăn, mỗi đường kể lên một câu chuyện gian khó, đau khổ, hay sung sướng. Mặc dù tôi chỉ trẻ hơn ngài mười tuổi, nhưng bộ mặt tôi tương đối nhẵn trơn, những nếp nhăn mới bắt đầu ló dạng. Khuôn mặt tôi thường là nguồn gốc làm tôi bực tức lắm. Không phải bởi vì nó xấu xí hay chướng mắt, nhưng bởi vì nó dường như luôn luôn ngủ. Nó không là một bộ mặt làm người ta có thể gọi là sống động.
Tôi lớn lên trong một gia đình Trung Hoa truyền thống. Biểu lộ công khai cảm xúc không được khuyến khích. Có những thời khắc bất thường khi tôi cho thấy một niềm vui thật sự - khi tôi nhận bao lì xì đỏ từ người chú thứ 9 của tôi nhân năm mới. Tôi đã cười nhăn cả khuôn mặt ra. Và tôi cũng có thể biểu lộ một cơn giận cực độ khi người em gái tôi liệng quyển truyện chưởng ưa thích của tôi ra cửa sổ. Nhưng thường thường tôi nuôi dưỡng một khuôn mặt trung tính. Tôi thường tự ý thức, và sự bảo vệ của tôi được liên tục. Có lẻ đó là tại sao tôi là một người chơi bài xì cừ khôi ở trường đại học cộng đồng (college).
Giữ bộ mặt trung tính phớt tỉnh thích hợp cho tôi đủ để sống hầu như cả đời tôi. Nhưng trong những năm gần đây, tôi khám phá ra rằng tôi đã phải trả giá cho việc đó. Qua năm tháng, năng lực trải nghiệm cảm xúc của tôi trở nên yếu kém. Điều này đáng chú ý hơn cả khi mẹ tôi mất. Tôi thấy rằng tôi phải tập trung một cách có ý thức những cảm giác đau buồn trong tang lễ của mẹ tôi. Tôi đã trở thành một người Á châu tinh túy khó hiểu thấu được.
Tuy nhiên, Đức Đạt Lai Lạt Ma biểu hiện cả tâm hồn ngài trên mặt. Nhiều người đã chú ý điều này về ngài, kể cả Paul Ekman, một giáo sư tâm lý học và chuyên gia thế giới về những biểu lộ trên mặt.
|
Paul Ekman |
Ekman là một người thành thạo về khuôn mặt con người. Ông đã nghiên cứu nó trong chi tiết tỉ mỉ trong bốn thập niên. Trong nghiên cứu của ông, Ekman đã chia thành những loại cơ mặt và nghiên cứu vấn đề chúng co rút và kéo giật như thế nào để sinh ra khoảng bảy nghìn (7,000) biểu lộ khác nhau. Ông đã liên hệ đầy đủ ý nghĩa nhất những thứ này đến những gì chúng biểu thị một cách cảm xúc. Trong tiến trình, ông đã trở thành một điều tra viên về nói dối xuất sắc. Tiếp theo sau vụ đánh bom 11 tháng Chín năm 2001, cơ quan CIA-FBI chống khủng bố đã mướn Ekman như một cố vấn cho vấn đề điều tra nói dối như thế nào khi hỏi cung những nghi can. Một trong những thứ mà ông đã dạy cho những nhân viên để tìm kiếm là những biểu lộ rất vi tế - một chuyển động nhẹ của một cơ chân mày bên trong gọi là "frontalis pas medialis" - cơ trán, thí dụ thế, là một biểu hiện của sự buồn bả.
Ekman đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma lần đầu tiên trong tháng Ba năm 2000 ở Dharamsala, tại một hội nghị Tâm Thức và Đời Sống lần thứ Tám giữa những Phật tử và các nhà khoa học phương Tây. Chủ đề của hội nghị là Những Cảm Xúc Tàn Phá. Trong quá trình diễn biến của năm ngày chuyên sâu, các nhà tâm lý học có vô số cơ hội để quán sát vị lãnh tụ Tây Tạng. Ekman lấy làm lạ rằng từ khi nghiên cứu về những khuôn mặt đến giờ, ông chưa từng thấy một người nào như Đức Đạt Lai Lạt Ma. Những cơ mặt của ngài đầy sức sống và nhu nhuyến, chúng giống như thuộc về một người nào đó khoảng độ tuổi đôi mươi.
Tại sao có sự trái ngược nhau phi thường này? Ekman nghĩ là ông biết câu trả lời này: Đức Đạt Lai Lạt Ma sử dụng những cơ mặt mạnh mẽ hơn bất cứ người nào khác mà ông từng biết. Và có sự chính xác trong cách Đức Đạt Lai Lạt Ma biểu lộ, hiếm khi có bất cứ dấu hiệu lẫn lộn nào. Khi ngài vui vẻ, ngài vui vẻ một trăm phần trăm. Không tình cảm nào khác chen lẫn vào để pha trộn cảm giác.
Ekman ấn tượng với khuôn mặt của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong một lý do khác. Với ngoại lệ có thể của những đứa trẻ nào đó, thì khuôn mặt của vị lãnh tụ Tây Tạng là ngây thơ chân thật nhất mà Ekman bắt gặp trong tất cả những thập niên nghiên cứu của ông. Và giống như những đứa trẻ này, Đức Đạt Lai Lạt Ma hoàn toàn thoải mái với sự biểu lộ cảm xúc của ngài. Ngài không hổ thẹn với những cảm giác của ngài, ngài thấy không có lý do gì để tự ý thức hay e thẹn về chúng. Trong thời gian hội nghị, một quan sát viên từ California đã nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng một trẻ em ở Dharamsala đã chết sau khi bị một con chó dại tấn công. Mọi người hiện diện thấy rõ ràng cảm giác đau buồn sâu sắc trên khuôn mặt của người Tây Tạng này. Điều này là một liên hệ với Ekman. Ông không nghi ngờ gì rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma cảm thấy mất mát thấm thiết giống như đứa con riêng của ngài đã bị liên hệ. Nhưng Ekman cũng ngạc nhiên vì sự biểu lộ buồn thảm này chỉ hiện diện trong một thời gian ngắn. Trong một vài thời khắc, tất cả dư âm của buồn thảm đã biến mất. Tương tự thế, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ cười mà không kềm chế vào điều gì đó buồn cười và rồi, trong một vài giây, biểu lộ sự tập trung nghiêm túc nhất. Ngài không quá dính mắc với mọi thứ - kể cả những cảm xúc của chính ngài.
***
Xem Đức Đạt Lai Lạt Ma hành thiền, tôi xoay sở để ngồi gần đúng một cách thô thiển trong tư thế hoa sen, nhưng chỉ năm phút trước khi cơn đau quá độ, tôi đã thay đổi để ngồi kiểu quỳ gối và bắt đầu nghịch vớ vẩn với máy quay hình, đầu tiên xoay dọc theo một bức tường, nhắm vào những cuốn thư thangka Tây Tạng cổ điển và những bức tượng xinh xắn, sau đó quay trở lại Đức Đạt Lai Lạt Ma. Không có cách nào để tôi có thể ngồi tĩnh lặng như ngài. Sự bình lặng thăm thẳm của căn phòng không giúp gì cho tôi. Mặc cho những làn sóng hành thiền an lạc đầy năng lực không nghi ngờ gì tỏa ra từ Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng tất cả tôi có thể nghĩ đến là sợi gân nóng bừng nối kết bắp vế phải đến mông phải của tôi.
Rồi điều gì đó chạm vào mắt tôi. Ở phía kia của gian phòng, phân nửa bị che giữa vài vật bằng đồng nhỏ và một chậu hoa tươi, là một bức hình trong một khuôn kính nhỏ màu xanh lục. Hình như đó là tấm ảnh duy nhất trong phòng, giữa những tranh thangka, những vật trang trí nghệ thuật, và những kinh điển cổ xưa.
Và không chỉ thế - đó là hình của tôi. Hay, đúng hơn, đó là tấm hình của tôi cho đến khi tôi tặng nó cho Đức Đạt Lai Lạt Ma trong lần phỏng vấn vài tháng trước đây. Tôi đã chụp tấm ảnh ấy khi tôi ở Tây Tạng năm 1985. Nó cho thấy hai vị tu sĩ trong y áo đỏ thẩm dựa nửa người vào một bức tường phòng hộ trên nóc một tu viện, chú ý mải mê vào một chuyện gì đó xảy ra bên dưới. Bức ảnh được chụp từ phía sau, cho nên chỉ thấy được phía sau lưng của họ. Họ đang chồm quá xa phía trước của bức tường phòng hộ cho nên dường như họ có thể ngả nhào xuống bất cứ lúc nào. Trước họ là một dãy đồi thấp.
|
Tu viên Reting |
Đó là một bức hình tuyệt đẹp: màu đỏ tráng lệ lộng lẩy của y phục là rất sống động đến như bạn có thể chạm và ngửi áo quần len dạ. Rồi là ánh trăng lốm đốm màu nâu của cao nguyên Tây Tạng, những ngọn đồi tròn được phủ nhẹ bởi một làn tuyết nhuộm xanh tươi, làm tất cả những góc khuất và đường nứt kẻ trên non xanh thành một sự thư giản sắc nét. Bên phía trái của bức ảnh là một lùm cây cao xanh đen, những cây cối thiêng liêng rất nổi tiếng của Tu Viện Reting[1].
Trong hàng nghìn bức ảnh âm bản mà tôi đã chụp những năm tám mươi, khi tôi tìm ra và ghi lại những địa điểm thiêng liêng của Tây Tạng, thì bức ảnh ấy là tôi thích nhất. Tôi không biết chắc tại sao như vậy. Có nhiều tấm hình có thể có sự điều hợp màu sắc sinh động hơn trong một sự quán sát ngẫu nhiên nào đó. Và có ít tấm có thể là những ứng cử viên tốt hơn cho tạp chí National Geographic phổ biến về Tây Tạng. Nhưng trong gần hai thập niên, tấm hình ấy là một tấm mà tôi đã giữ bên cạnh tôi. Có lẻ đó là cách mà hai tu sĩ quấn y thật quá vô tình đối với bức tường phòng hộ. Tính tự động vô tư như trẻ con của người Tây Tạng thì quá khác biệt so với cung cách mà tôi liên hệ với con người và sự vật.
Khi tôi tặng khung hình này cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, ngài không quá ấn tượng. Ngài nhìn lướt qua tấm hình, sau đó đưa cho Tenzin Takltha. Ngài nhận rất nhiều tặng phẩm, và ngài hầu như luôn luôn đưa chúng cho thị giả của ngài cất giữ cẩn thận. Ngài biết ơn cử chỉ ấy, nhưng đơn giản là ngài không quá tập trung vào các tặng phẩm ấy, dù đẹp hay không.
Rồi thì, sau một suy nghĩ, Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi tôi, "Nơi này là gì?"
"Đó là Tu Viện Reting, thưa Đức Thánh Thiện," tôi trả lời.
"Reting!" ngài nói. "Tôi đã đến đó năm 1956."
Ngài lấy lại tấm hình làm Tenzin giật mình và nhìn chăm chú sát vào nó.
"Reting. Tôi nhớ nó rõ ràng lắm. Tôi cảm thấy có một sự gần gũi với tu viện này."
"Trong nhiều tấm hình mà tôi đã chụp ở Tây Tạng, thì đây là tấm hình mà tôi luôn giữ bên cạnh tôi," tôi nói.
"À, cả hai chúng ta đều có một cảm giác đặc biệt với Reting," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. "Tôi rất xúc động khi tôi ở đấy. Vì vài lý do không rõ, tôi cảm thấy rất liên hệ nơi này. Từ lúc ấy, tôi thường nghĩ đến việc làm một liêu cốc ở Reting và dành trọn thời gian còn lại của tôi ở đấy."
Tôi nghĩ vào lúc ấy rằng tấm ảnh sẽ được giữ trong một kho lớn trong nơi cư trú, tranh giành một không gian với tất cả những tặng phẩm tuyệt vời và trọng yếu mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận trong nhiều năm. Cho nên tôi đã sửng sốt khi thấy bức ảnh của tôi ở đây.
Tenzin chú ý tôi đang chăm chú vào tấm ảnh. Ông cho tôi một nụ cười toe toét. Đôi bàn tay ông trên vạt áo, nhưng tôi thấy một ngón tay cái đưa lên.
Vâng, tôi xúc động và hơi tự hào vì tấm hình của tôi đã ở trong thiền phòng, rất gần với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi muốn tin rằng ngài giữ nó ở đấy bởi vì ngài có một sự ưu ái đối với tôi. Nhưng tôi biết, khả năng không phải như vậy, nó ở đó bởi vì Tu Viện Reting đã có một vị trí đặc biệt trong trái tim ngài.
Bên ngoài bây giờ sáng hơn, chim bắt đầu hót. Tôi có thể thấy một làn sương mỏng phía dưới Thung Lũng Kangra.
"Đủ chưa?" Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi tôi, buổi hành thiền sáng sớm của ngài rõ ràng chấm dứt bây giờ.
"Vâng, cảm ơn, thưa Đức Thánh Thiện," tôi trả lời. Tôi có thể nói gì khác hơn chứ? Tôi muốn dành trọn ngày với ngài?
Ngài đứng dậy từ phía sau bàn của ngài. Tenzin và tôi trườn mình để đứng dậy.
Đức Đạt Lai Lạt Ma bước tới bức tường và bắt đầu lục lọi trong những vật bằng đồng nhỏ và những đèn bơ bày trên cánh bàn cao lên. Rồi thì ngài nhìn qua vai ngài và nói với tôi, "Đến đây."
Ngài đưa tôi một mô hình tu viện nhỏ kiểu Ấn Độ. Được làm bằng đá xám, nó cao khoảng một tấc. Nó được chạm tỉ mỉ là năm tháp kể cả tháp trung tâm trên đỉnh một cấu trúc hai tầng, bốn tháp nhỏ hơn bố trí ở bốn góc. Người thợ chạm đã khắc rất cẩn thận những cửa sổ, cửa ra vào nhỏ xíu và những chi tiết khác trong mỗi tầng. Đối với một vật nhỏ như vậy, nhưng nặng một cách đáng ngạc nhiên.
"Ngôi chùa ở Bồ Đề Đạo Tràng. Tặng Ông." ngài nói. Bồ Đề Đạo Tràng nơi Đức Phật Giác Ngộ - là Phật tích, nơi hành hương tuyệt diệu nhất của Phật tử.
Sau đó Đức Đạt Lai Lạt Ma trao cho tôi một vật thứ hai - một viên đá có hình bán cầu, cở một viên cẩm thạch lớn cẩn đồng. Viên đá có vài cấp độ của màu nâu, và những chỉ trắng chạy qua trung tâm của nó. Tôi không biết nó là đá gì. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã không giải thích.
Tôi ngạc nhiên với những tặng phẩm. Ngoại trừ tấm khăn khata bắt buộc - tấm khăn choàng truyền thống dâng cúng - tôi chưa nhận một tặng phẩm nào từ ngài. Vì hai thứ này từ thiền phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi cho rằng chúng phải giữ một ý nghĩa quan trọng đối với ngài.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nắm tay tôi một cách nhẹ nhàng trong tay ngài và đưa tôi ra cửa. Sau đó ngài đột ngột quay sang một tủ gỗ chứa nhiều đồ vật bằng đồng và những thứ tuyệt đẹp khác. Ngài moi móc chung quanh bên trong, tìm một thứ gì đấy.
"Aha!" Gương mặt ngài trông rạng rở, ngài cầm ra một bức tượng nhỏ, một hình tượng màu bằng gỗ quỷnh của một cụ già với bộ râu rìa dài đến thắt lưng. Nó có một khuôn mặt rộng - rõ ràng là những hình tượng Á châu với một lỗ mũi to và chân mày rậm. Trong tay phải là một cây gậy. Một tác phẩm về một hiền nhân Trung Hoa.
"Tặng ông. Gặp lại ông sớm nhé," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói.
***
Trở về khách sạn, tôi ngâm nga vài đoạn của đĩa nhạc "A Whiter Shade of Pale[2]" khi tôi trở lại công việc thường ngày của tôi. Cửa phòng tôi mở, và tôi có thể thấy một phụ nữ Tây Tạng phơi áo quần trên nóc nhà phía dưới khách sạn. Bà ta cũng ngâm nga một giai điệu, mặc dù bà ta ở khá xa để tôi nhận ra. Tôi lấy dụng cụ video của tôi ra để xem chiều dài của phim sáng nay. Tôi khởi động máy quay và trả cuộn băng về lúc đầu. Những hình ảnh đầu tiên trên màn hình LCD là hình Đức Đạt Lai Lạt Ma đang ngồi sau bàn làm việc trong thiền phòng của ngài. Ngài đang chuẩn bị để ngồi thiền. Ánh sáng thích hợp và âm thanh tốt. Đột nhiên, những làn ngang nhảy lên màn hình. Thay vì bức tranh tường, thì không có gì mà chỉ là những vạch ngang trong suốt trong những sắc thái khác nhau của màu xám. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã biến mất hoàn toàn khỏi màn hình.
Tôi đấm mạnh vào nút chạy tới nhanh. Những đường sọc nhảy múa lên xuống. Tôi dừng cuộn băng lại và rồi nhấn chạy. Những đường sọc. Không có gì cả chỉ những đường sọc nhảy múa. Tôi trả băng lại từ đầu và chạy lại những hình ảnh đầu tiên. Màu sắc tối âm u bởi vì ánh sáng thấp, nhưng hình ảnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma sắp ngồi trong tư thế hoa sen thì sắc nét. Hình ảnh ngồi thiền tiếp theo thì bị xóa sạch. Tôi trả cuộn băng lại và chạy cuộn băng tới lui cho đến khi pin bắt đầu yếu dần.
Ẩn Tâm Lộ, Wednesday, November 04, 2015
[1] Được thành lập bởi đại đệ tử của Atisha là Dromtönpa năm 1057 trong Reting Tsampo Valley, phía bắc của thủ đô Lhasa.
[2] "A Whiter Shade of Pale" là dĩa đơn đầu tiên của ban nhạc Rock người Anh Procol Harum, được phát hành 12 tháng 5 1967. Nhạc do Gary Brooker và Matthew Fisher viết, lời là của Keith Reid.
Tôi đã đến sớm cho cuộc phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma ở tòa nhà tiếp kiến của ngài ở Dharamsala. Căn phòng cở vừa và đẹp, bừa bộn một cách thú vị với những chiếc ghế bành và trường kỷ kiểu Ấn Độ, có một sự cân bằng dễ thương giữa ánh sáng tự nhiên và nhân tạo. Ánh sáng ban ngày, một bộ phận xuyên qua những giàn bông giấy tím và dây leo trên cổng ra vào phía ngoài, bao phủ cả căn phòng qua những cánh cửa sổ rộng. Tám cuốn thư thangka màu sắc của Tây Tạng, mỗi tấm trình bày một khía cạnh của Bồ tát Tara, treo gần trần nhà.
Nhưng mắt tôi bị lôi cuốn với một điều đó không hợp lý trong căn phòng. Trên ngưỡng cửa sổ gần lối vào, giống như được đặt ở đó sau này, là một khối lập thể pha lê của điện Capitol ở thủ đô Hoa Sinh Tân, Hoa Kỳ. Hơn một bộ và cao khoảng nửa bộ, là một vật trông cứng chắc và mạnh. Tôi bước qua để xem gần hơn. Có một lạc khoản ở dưới. Đó là First AnnualRaoul Wallenberg Congressional Human Rights Award (giải thưởng Nhân Quyền Raoul Wallenberg của Quốc Hội), tặng cho Đức Đạt Lai Lạt Ma bởi Dân Biểu Hoa Kỳ Tom Lantos.
Giải thưởng, được đặt tên cho một nhà ngoại giao Thụy Điển, người đã cứu hàng nghìn người Do Thái trong những trại chết Quốc Xã, được tặng vào ngày 21 tháng Bảy năm 1989. Không đầy ba tháng sau, vào ngày 5 tháng Mười, hội đồng Nobel Na Uy đã tuyên bố ở Oslo rằng người Tây Tạng cũng đã giành giải Nobel Hòa Bình. Giải thưởng tuyên dương sự đối kháng kiên định đối với bạo động và sự ủng hộ tích cực của Đức Đạt Lai Lạt Ma cho "một giải pháp hòa bình căn cứ trên sự bao dung và tôn trọng hổ tương nhằm để bảo tồn di sản lịch sử và văn hóa của dân tộc ngài."
Đức Đạt Lai Lạt Ma lúc đó năm mươi bốn tuổi, là người Á châu đầu tiên thắng giải hòa bình mà không có ai cùng chia sẻ. Trong tuyên bố, Chủ tịch Hội Đồng Nobel Egil Aarik thú nhận với các phóng viên rằng bất bạo động đã không thành công cho việc giành độc lập của Tây Tạng trong hơn ba thập niên qua. Nhưng ngài tin tưởng rằng không có những giải pháp danh dự khác. "Dĩ nhiên các bạn có thể nói rằng nó quá không thực tế," ngài nói về bất bạo động. "Nhưng nếu các bạn nhìn vào thế giới ngày nay, giải pháp nào cho xung đột? Bạo động và sức mạnh quân sự là giải pháp chứ? Không… con đường hòa bình là thực tế. Đó là tại sao Đức Đạt Lai Lạt Ma được chọn - bởi vì ngài là một phát ngôn viên rất rõ ràng và phi thường cho triết lý hòa bình này."
Trong trái tim triết lý hòa bình của Đức Đạt Lai Lạt Ma là năng lực nuôi dưỡng sự tha thứ. Khi tôi gặp gở Đức Đạt Lai Lạt Ma lần đầu tiên khoảng ba mươi năm trước, ngài đã nói với tôi rằng ngài tha thứ cho người Trung Cộng cho những gì mà họ đã làm đối với người Tây Tạng. Vào lúc ấy, tôi đã ngạc nhiên. Bây giờ tôi muốn học hỏi thêm trong lần phỏng vấn tới. Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma vào phòng tiếp kiến và ngồi đối diện tôi, tôi hỏi ngài mà không có bất cứ sự rào đón nào, "Thưa Đức Thánh Thiện, tôi nghĩ rằng tự nhiên ngài phải phẩn uất đối với người Trung Cộng chứ. Tuy thế, ngài đã nói với tôi rằng điều này không phải như vậy. Nhưng thưa ngài, tối thiểu đôi khi ngài cũng có trải nghiệm những cảm giác sâu lắng của oán hận chứ?
"Điều đó hầu như không bao giờ," Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời. "Tôi phân tích thế này: nếu tôi phát triển những cảm giác xấu đối với những ai đã làm tôi đau khổ, điều này sẽ chỉ tàn phá tâm tư hòa bình của tôi mà thôi. Nhưng nếu tôi tha thứ, tâm hồn tôi sẽ trở thành tĩnh lặng. Bây giờ, liên hệ đến sự tranh đấu của chúng tôi cho tự do, nếu chúng tôi hành động mà không sân hận, không thù oán, mà với sự tha thứ chân thành, thì chúng tôi có thể đưa sự đấu tranh của chúng tôi hiệu quả hơn. Đấu tranh với tâm hồn tĩnh lặng, với bi mẫn. Qua thiền phân tích, bây giờ tôi có niềm tin vững chắc hoàn toàn rằng những cảm xúc tàn phá như thù hận là vô ích. Ngày nay, sân hận, thù oán, chúng không xảy ra. Nhưng chút chút tức tức đôi khi hiện hữu."
Bất khi nào Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về tha thứ, ngài thích sử dụng thí dụ về câu chuyện của Lopon-la, một tu sĩ ở Lhasa mà ngài biết trước khi Trung Cộng xâm lăng.
"Sau khi tôi trốn thoát khỏi Tây Tạng, Lopon-la bị nhốt trong nhà tù bởi người Trung Cộng." Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với tôi. "Ông ở đấy mười tám năm. Khi được thả ra, ông đã đến Ấn Độ. Trong hai mươi năm tôi không thấy ông. Nhưng ông dường như vẫn vậy. Dĩ nhiên trông già hơn. Nhưng thể chất OK. Tâm thức ông vẫn sắc bén sau nhiều năm ở trong tù. Ông vẫn là một tu sĩ hiền lành như ngày nào.
"Ông nói với tôi rằng người Trung Cộng bắt ông phải từ bỏ tôn giáo của ông. Họ tra tấn ông nhiều lần trong tù. Tôi hỏi ông là ông có bao giờ sợ hãi không. Lopon-la trả lời: "Vâng, có một điều mà tôi sợ. Tôi sợ là tôi sẽ đánh mất lòng từ bi đối với người Trung Hoa."
"Tôi rất xúc động với điều này, và cũng rất hứng thú."
Đức Đạt Lai Lạt Ma dừng lại. Ngài kéo mạnh chiếc y đỏ thẩm của ngài và quấn chặc lại chung quanh ngài.
"Bây giờ nè. Lopon-la . Tha thứ đã giúp ông ta trong nhà tù. Do bởi tha thứ cho nên những trải nghiệm xấu với người Trung Cộng không trở nên tệ hại. Tinh thần và cảm xúc, ông cũng không đau khổ quá nhiều. Ông biết là ông không thể trốn thoát. Cho nên tốt hơn là chấp nhận thực tế hơn là bị thương tổn tinh thần bởi nó."
Đức Đạt Lai Lạt Ma tin chắc rằng năng lực tha thứ của Lopon-la đã giúp ông sống còn qua tất cả những năm trong nhà tù ấy với mà không bị tổn hại không thể cứu vãn được đối với tâm lý ông ấy. Trong một cuộc du hành sang Âu châu với Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi đã gặp một người đàn ông mà cuộc đời của ông, giống như Lopon-la, được làm nổi bật qua sự tha thứ.
***
Europa của Belfast là khách sạn bị bom nổ nhiều nhất ở Âu châu, theo cẩm nang hướng dẫn Lonely Planet ở Anh quốc. Nó bị bom nổ ba mươi hai lần trong cao trào của Xung Đột Vũ Trang, sau ba thập niên dài huynh đệ tương tàn giữa những người Thiên Chúa Giáo và Tin Lành ở Bắc Ái Nhĩ Lan. Từ khi khách sạn được lắp đặt những cửa sổ không vở năm 1993, những vụ đặt bom đã không còn.
Sau khi dùng điểm tâm tại một khách sạn thanh lịch ngoài hành lang cẩm thạch của Europa tôi đi qua một vài khuôn (block) nhà đến tòa nhà Waterfront Hall lấp lánh. Hình vòng tròn, kiến trúc mới toanh bằng kính và đá hoa cương làm ấn tượng với phi thuyền Enterprise (trong phim khoa học giả tưởng). Tòa nhà hòa nhạc 52 triệu đô la là một biểu tượng của hy vọng và hồi sinh cho một Belfast xung đột. Và, giống như Viện Bảo Tàng Guggenheim ở Bilbao (Tây Ban Nha), nó đã đặt thành phố vào bản đồ văn hóa của Âu châu một cách vững chắc.
Tôi đã ở Waterfront Hall để gặp gở Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đây là lần đầu tiên lãnh tụ Tây Tạng viếng Belfast. Ngài ở đấy để tham dự hội nghị hòa bình liên tôn được Linh mục Laurence Freeman tổ chức, một tu sĩ dòng Biển Đức, và thăm vài điểm xung đột ở Bắc Ái Nhĩ Lan.
Tôi bắt gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại phòng tiếp tân kế bên giảng đường. Ngài đang đứng bên cạnh Linh mục Laurence và Seamus Mallon, lãnh tụ của phái Thiên Chúa Giáo Bắc Ái Nhĩ Lan. Mallon có một khăn choàng dài trắng quấn quanh cổ, một cử chỉ thân thiện với người Tây Tạng. Seamua Mallon, một người đàn ông Ái Nhĩ Lan đeo kính và tóc trắng khoảng giữa tuổi sáu mươi, trông già hơn tuổi của ông. Nhân vật trung tâm của tiến trình hòa bình Ái Nhĩ Lan, ông chưa từng nghĩ ngày nào trong nhiều năm. Ông muốn biết những người Tây Tạng viếng thăm thích xứ sở của ông như thế nào.
"Rất xinh đẹp. Và con người là …" Đức Đạt Lai Lạt Ma lần mò để tìm một từ thích hợp. Tenzin Geyche Tethong bắn một phát: "nồng hậu". Tenzin Geyche là một người thấp nhưng ưu tú, đã phục vụ như một cố vấn cho lãnh tụ tối cao của Tây Tạng hầu hết cuộc đời ông. Ông đã từng là một tu sĩ nhưng đã hoàn tục thời gian nào đó trước đây.
"Vâng, mọi người rất niềm nở."
Sau đó Đức Đạt Lai Lạt Ma nghiêng về phía Mallon, nhìn chăm chú vào ông.
"Nhưng bức tường giữa con người, Thiên Chúa và Tin Lành …điều đó thì xấu. Nó giống như một bức tường Bá Linh nhỏ."
"Bức Tường Bá Linh Nhỏ" là một công trình cao năm mét bằng bê tông và kim loại với hai lằn kẻm gai trên đỉnh, được xây dựng để giữ người Thiên Chúa và Tin Lành khỏi va chạm nhau. Những máy hình kiểm soát được đặt trên những khoảng cách chiến lược. Cảnh hoang tàn chung quanh đấy là rõ ràng: cả hai bên là những lô đất trống vung vải những dây thun, kẻm gai mục nát. Người ta gọi bức tường này, không xa trung tâm Belfast, là Giới Tuyến Hòa Bình.
Cách xa một khuôn nhà là Pony Club. Bức tường của nó còn đó nhưng mái nhà đã sụp, sườn nhà bị đốt thành tro bởi bom lửa. Quang cảnh trông như đã nhiều năm. Khu vực là một niềm vui của các phóng viên săn ảnh. Toàn bộ tiền diện của căn nhà được sơn vẽ nổi bật những hình ảnh đầy màu sắc được chọn lựa từ cuộc Xung Đột Vũ Trang. Hầu hết chúng tôn vinh lời kêu gọi chiến đấu đối kháng. Những người đàn ông che mặt trong áo quần đen nâng súng. Một ảnh chân dung bốn tầng của Bobby Sands - ca tụng người chiến binh IRA[1] nhịn đói đến chết năm 1981 phản đối sự đối xử tàn nhẫn những tù nhân IRA của Anh quốc - đọc là: sự trả thù của chúng tôi sẽ là tiếng cười của con em chúng tôi.
Vào ngày đầu tiên của cuộc viếng thăm, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến bức tường để trồng một cây trên đường Lanak Way. Ngài ra khỏi xe về phía Tin Lành, lề đường và trụ đường được phết lên với màu xanh, đỏ và trắng, màu của lá cờ Liên Hiệp Anh (bom sơn ba màu đã được ném vào những nhà Thiên Chúa Giáo một tháng trước đây). Một đám đông người chào đón ngài, nhiều người trong đó là những trẻ em trong đồng phục trường học, ve vẩy lá cờ nhiều màu của Tây Tạng. Ngài chen vào trong chúng, trò chuyện và bắt tay chúng.
Sau đó Đức Đạt Lai Lạt Ma bước đến những cánh cổng thép nặng trịch. Khi cảnh sát, Lực Lượng Cảnh Sát Hoàng Gia áo choàng, mở vung chúng ra, tiếng cổ vũ vang lớn lên cả hai phía của bức tường. Ngài chậm rãi bước qua Giới Tuyến Hòa Bình đến đường Springfield Thiên Chúa Giáo, nơi nhiều trẻ em hơn cầm một tấm biểu ngữ chào mừng. Những cánh cổng thường chỉ mở một năm một lần - vào tháng Bảy khi Tổ Chức Tin Lành (Protestant Orange Order) diễn hành qua chúng và lên phía Thiên Chúa Giáo của bức tường, một "tiết mục trong gương mặt trơ trẻn" (an in your face show of chutzph) làm nâng cao tình trạng căng thẳng của Belfast.
Tại Giới Tuyến Hòa Bình, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với hai cộng đồng đấu tranh rằng cách tốt nhất để ngăn ngừa xung đột là bằng việc làm dịu những cảm xúc.
"Khi cảm xúc con người vượt ngoài sự kiểm soát," ngài nói với họ, "thế thì bộ phận tốt nhất của não bộ mà trong ấy chúng ta phán xét không thể làm việc một cách thích đáng. Dĩ nhiên, một số xung đột, những khác biệt nào đó, sẽ luôn luôn ở đấy. Nhưng chúng ta nên sử dụng những sự khác biệt trong một cách tích cực cố gắng tiếp nhận năng lực tiềm tàng từ những quan điểm khác biệt. Hãy cố gắng để giảm thiểu tối đa bạo động, không phải bằng sức mạnh, mà bằng sự tỉnh thức và tôn trọng. Qua đối thoại, quan tâm đến quan điểm của phía kia và rồi chia sẻ với cái của chúng ta, thì sẽ có một cách để giải quyết những vấn nạn."
Tây Tạng đã khổ đau cùng cực dưới sự thống trị của Trung Cộng, cho nên khi Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với đám đông về sự vô ích của bạo động, ngài đã nói từ kinh nghiệm sâu thẳm và đau thương.
"Không phải là không thể tin được khi những người cùng niềm tin Ki Tô phải chiến đấu với nhau sao?" ngài nói khi ngài nhìn chăm chú vào khuôn mặt những người Thiên Chúa và Tin Lành trước mặt ngài. "Dường như là khờ dại. Tôi cảm thấy dường như đầu tôi quay cuồng vì sự xung đột của quý vị. Nếu người nào đó so sánh Phật Giáo và Ki Tô Giáo, thế thì chúng ta phải nghĩ, vâng, có những sự khác biệt lớn lao. Nhưng giữa những người Tin Lành và Thiên Chúa? Không có gì cả! Quý vị và tôi có nhiều khác biệt hơn là giữa chính quý vị. Nhưng tôi mong ước cho các bạn rằng các bạn đừng bao đánh mất hy vọng. Tôi không thể làm gì cả. Kết quả cuối cùng nằm trong tay của những người Bắc Ái Nhĩ Lan."
Vào lúc cuối bài phát biểu của ngài, Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi đám đông, "Như vậy có ích chứ?" Một tiếng cổ vũ lớn cho ngài vang lên. Sau đó ngài nói, "Như vậy có ích chứ, xin hãy nhớ lấy điều ấy. Nếu không, thế thì" - ngài cười - "thế thì các bạn hãy quên nó đi."
Một mục sư Tin Lành và một tu sĩ Thiên Chúa đứng hai bên ngài. Ngài kéo hai người lại gần nhau và ôm họ. Sau đó, với một thoáng nhìn tinh nghịch trong đôi mắt, ngài bước tới gần và kéo bộ râu quai nón của họ. Đám đông vô cùng hoan hỉ. Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn luôn làm như thế với những bộ râu quai nón, ngài không thể cưỡng lại việc đùa như thế.
Tờ Belfast Telegraph xuất bản một hí họa trong trang biên tập về cuộc viếng thăm, hình: ba tên côn đồ quắc mắt nhìn vào Đức Đạt Lai Lạt Ma mĩm cười khi ngài đang trồng một cây nhỏ cạnh Giới Tuyến Hòa Bình, tên đầu đảng gầm gừ: "Ừm, nhưng ông là Phật tử ủng hộ con chiên Thiên Chúa hay Tin Lành?"
***
Buổi trưa kế tiếp, cảnh sát trưởng của Belfast hộ tống Đức Đạt Lai Lạt Ma đến một văn phòng trang trọng ở tòa thị sảnh thành phố, một thành trì của người Tin Lành ai cũng biết là Ulster Hall. Đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi sụp xuống chiếc ghế, đôi chân ngài duỗi thẳng ra. Ngài mệt mõi vì cuộc viếng thăm Derry. Ngài đã đến đấy bằng máy bay riêng, sau buổi sáng nói chuyện tại Waterfront Hall, để nói chuyện về tha thứ đến ba mươi tư người Thiên Chúa và Tin Lành, tất cả những nạn nhân của những cuộc tấn công khủng bố đã lấy đi sinh mạng của 3,600 người trong ba mươi năm qua.
Trong mười lăm phút giải lao ngắn ngủi trước một sự kiện tới, Đức Đạt Lai Lạt Ma có có hội để phản ánh cuộc đi thăm Derry với Linh mục Laurence, người mà ngài không rời trong mấy ngày qua đối với việc chia sẻ những ý tưởng và sự tôn trọng hổ tương của họ.
Linh mục Laurence, trong bộ đồ truyền thống màu trắng, đầy sinh khí. Nếu ông mệt mõi, ông không cho phép nó biểu hiện.
"Ngài nhớ người trai trẻ này ở Derry chứ, Richard Moore. Cậu bị mù lúc lên mười tuổi," Linh mục Laurence nhắc Đức Đạt Lai Lạt Ma.
"Bị bắn." Đức Đạt Lai Lạt Ma bừng dậy, ngài sửa ghế, và ngồi thẳng hơn. "Nhưng cậu đầy những ý tưởng, đầy nhiệt tình."
Linh mục Laurence nhìn qua tôi.
"Hãy tưởng tượng, Đức Thánh Thiện là một người rất vui vẻ, và cậu này rất vui vẻ, cho nên cậu ta đã tham dự cuộc gặp gở này một cách bình đẳng với các nạn nhân."
"Một điều buồn cười. Ông đã hỏi về …" Đức Đạt Lai Lạt Ma dừng lại và bắt đầu cười khúc khích. Sau đó ngài xoa bóp khắp khuôn mặt ngài.
Biết chắc chắn Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ đến chỗ nào, Linh mục Laurence tiếp theo mạch chuyện. "Richard không thấy bóng tối, cho nên tôi hỏi cậu, Cậu thấy gì? Cậu nói, "À, tôi thấy người, như, tôi tưởng tượng họ.' Cho nên tôi nói, 'Đức Đạt Lai Lạt Ma giống thế nào?'"
Đức Đạt Lai Lạt Ma nhảy vào: "Sau đó tôi để cậu ta sờ khuôn mặt tôi." Ngài vuốt khuôn mặt ngài trong một vòng tròn một lần nữa. Rồi thì ngài rờ lỗ mũi ngài. "Và mũi tôi. Và ngài nói, 'Ô, mũi lớn!'" Đức Đạt Lai Lạt Ma vổ hai bàn tay ngài lại với nhau và vụt cười to, cả thân hình ngài rung rinh theo tiếng cười.
Linh mục Laurence tiếp tục, "Vâng. Sau đó tôi hỏi cậu ta phải mất bao lâu để điều hòa chấn thương tâm lý vì bị mù."
"Và cậu ta trả lời, 'Qua đêm.'"
Tôi khó khăn liên hệ với một chút thông tin này. Nếu tôi hiểu tâm lý của Richard Moore, sự phản ứng của tôi sẽ rất khác. Tôi không thể tưởng tượng việc trở lại bình thường một cách nhanh chóng khi bị mất mát như vậy.
Tôi nói chuyện với Richard Moore ở Derry bằng điện thoại một vài tháng sau chuyến viếng thăm Bắc Ái Nhĩ Lan của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi tò mò về việc chấp nhận thực tế bị mất ánh sáng của đôi mắt một cách phi thường của cậu ta.
"Có vài lý do tại sao tôi chấp nhận mù lòa một cách nhanh chóng," cậu nói với tôi. "Tôi có nhiều sự hổ trợ từ gia đình và bè bạn ngay lập tức. Có nhiều sự chú ý từ truyền thông địa phương và quốc gia. Những lãnh tụ chính trị đến nhà và an ủi tôi. Qua đêm tôi đã là một người nổi tiếng và tôi được làm cho cảm thấy quan trọng. Một vấn đề khác, tôi may mắn: tôi được sinh ra là một đứa trẻ hạnh phúc, tôi được cho một vị trí hạnh phúc, hài lòng.
"Cậu có bao giờ thất vọng không?" tôi hỏi.
"Hai tuần sau khi ra khỏi bệnh viện," Moore trả lời, "anh tôi dẫn tôi đi bộ trong vườn sau nhà. Anh ấy hỏi tôi rằng tôi có biết chuyện gì xảy ra không. Tôi nói vâng, tôi bị bắn. Anh hỏi tôi có biết tổn hại gì không. Tôi nói tôi không biết. Sau đó anh ấy nói rằng tôi mất một mắt và mắt kia thì không thể thấy. Tôi khóc thảm thiết đêm đó. Tôi khóc bởi vì tôi biết tôi sẽ không thể thấy khuôn mặt của cha tôi hay mẹ tôi nữa. Nhưng đó là vậy. Ngày kế tiếp tôi chấp nhận số phận của tôi.
"Dĩ nhiên, có những thời khắc đau đớn sâu thẩm. Tôi ở đấy với sự sinh đẻ của con cái tôi, nhưng tôi không thể thấy chúng. Chúng có sự cảm thông của chúng lần đầu tiên. Tôi muốn làm bất cứ thứ gì trên trái đất này để thấy chúng. Tất cả là những buổi sáng Giáng Sinh … hồi đó. Có một cái giá phải trả và sẽ luôn luôn là như thế. Nhưng tôi không cho phép chúng chế ngự cả đời sống còn lại của tôi.
"Cha tôi luôn luôn nói với tôi rằng: 'Đừng bao giờ để một đám mây làm hư cả một ngày nắng đẹp.'"
Tôi thấy khó khăn để đặt ngang hàng việc bị bắn vào mắt với một đám mây bay qua.
"Cậu bị bắn như thế nào?" tôi hỏi cậu ta.
"Vào ngày 4 tháng Năm, 1972 - lúc tôi mười tuổi - có một vụ xung đột nào đó trên các đường phố. Tôi tham gia và ném đá vào một số binh sĩ Anh Quốc."
Moore im lặng một hồi lâu.
Cậu tiếp tục. "Và sau đó, à, tôi không nhớ chuyện gì đã xảy ra tiếp theo. Một binh sĩ bắn một viên đạn cao su gần đấy, và tôi bị trúng mắt phải. Một giáo viên của tôi ở đấy nhưng ông không thể nhận ra tôi bởi vì mặt tôi quá biến dạng. Cha tôi vào xe cứu thương với tôi. Nhưng ông không để mẹ tôi cùng lên, ông không muốn mẹ tôi thấy tôi. Bà có một người anh em bị bắn chết trong tháng Giêng năm 1972, vào một ngày Chủ Nhật đẩm máu."
"Cậu cảm nhận thế nào về người binh sĩ đã bắn cậu?'' tôi hỏi cậu ta.
"Tôi biết là kỳ lạ," Moore nói, "nhưng tôi không cảm thấy cay đắng với ông ta - như một sự thật, tôi hoàn toàn tò mò để gặp ông ta. Tôi muốn nói điều này. Tôi nghĩ điều lớn nhất đã giúp đở tôi nhất trong đời là tôi không hận thù ông ta. Tôi tha thứ cho ông hoàn toàn và vô điều kiện."
Năng lực tha thứ của Richard Moore đã đưa cậu ta vào những phương hướng không ngờ trong đời sống. Vài năm trước, Moore khởi đầu một tổ chức gọi là Trẻ Em Giữa Lằn Đạn (Children in Crossfire), cung cấp sự hổ trợ đến những trẻ em gặp khó khăn ở Á châu, Phi châu, và Mỹ châu La tinh. Gần đây nhất cậu ta đã ở Bangladesh để triển khai chương trình ở đấy.
Tôi nói với Moore rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma rất ấn tượng với sự hồi phục của cậu ta, với những gì cậu đã làm với cuộc sống của cậu. Tôi đã hỏi cậu ta nghĩ gì về Đức Đạt Lai Lạt Ma.
"Sau khi ngài nói chuyện ở Derry sáng hôm ấy. Tôi được mời ngồi bên cạnh ngài vào buổi cơm trưa," Moore nói. "Ngài đã tự phục vụ cho tôi. Ngài đã để đầy thịt bò và cơm trong dĩa của tôi và sau đó hỏi tôi đủ chưa. Ngài đưa nĩa và dao cho tôi. Ngài chỉ cho tôi biết nước cam của tôi chỗ nào. Tôi có thể cảm thấy sự ấm áp từ ngài, một cảm giác mạnh, mạnh mẽ của yêu thương. Không gì ông có thể gợi lại được. Tôi chỉ cảm thấy thư thái như ở nhà."
Sau buổi cơm trưa, trong khi Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với những phóng viên truyền thanh, Moore đã bắt đầu bước tới xe của Đức Đạt Lai Lạt Ma chờ ngài để nói lời giả biệt.
"Khi tôi bước tới đường xe," Moore nói với tôi, "Tôi đã nghe tiếng chạy sau lưng tôi. Đó là Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài chạy để bắt kịp tôi, ngài thở dốc. Và ngài la lên, "Chờ bạn của cậu! Chờ bạn của cậu với!" Sau đó chúng tôi cùng nhau bước tới xe. Ngài ôm tôi thật nồng nhiệt và buông ra."
***
Sau cuộc gặp gở với những nạn nhân Ái Nhĩ Lan ở Derry, Đức Đạt Lai Lạt Ma bay trở lại Belfast, nơi ngài sẽ nói chuyện ngắn về việc thấm nhuần tính hòa hiệp trong cộng đồng Thiên Chúa - Tin Lành xung đột rách nát. Ngài được tặng một bó hoa bởi Colin McCrory, một cậu bé mười hai tuổi với tóc hớt ngắn. Ngài nắm chặc tay cậu bé và lắc mạnh. Vào lúc cuối của buổi lễ, vẫn còn âm vang vừa qua, Colin quyết định đi bộ về trường, Hazelton Intergrated, một trường Tin Lành. Một sai lầm lớn. Cậu ta thay vì phải đi xe buýt với các bạn học. Trên đường, cậu nhập vào một nhóm khoảng mười đứa trẻ tuổi thanh thiếu niên (teenages), chúng muốn biết cậu học trường nào. Sau khi biết được sự thật từ cậu bé, chúng vật cậu xuống đất là liên tục đấm đá cậu vào đầu. McCrory chỉ trốn thoát lúc đã bị thương trầm trọng chỉ khi một phụ nữ chạy đến và bẻ gảy sự hành hạ phân biệt đối xử (lynch).
Khi Tenzin Geyche Tethong nghe chuyện McCrory bị đánh, ông kể lại cho Đức Đạt Lai Lạt Ma nghe lập tức. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã biết sự xung đột Ái Nhĩ Lan rõ ràng hơn. Ngài nghe tóm tắt lại từ Linh mục Laurence, và một trong những nghi lễ ở Dharamsala là nghe đài BBC.
Tuy nhiên, ngài vẫn không ngờ phải trải nghiệm sự thù oán phe phái trong một thái độ trực tiếp quá như vậy. Cậu bé mười hai tuổi chỉ tặng hoa cho ngài. Họ mới bắt tay nhau chỉ mới vài giờ qua. Đức Đạt Lai Lạt Ma khắc khoải đối với tính chất độc ác của vụ tấn công, và lo lắng về những thương tổn trên đầu của cậu bé. Ngài đã thăm Budapest, Bratislava, và Prague chỉ trước khi đến Belfast. Sự hành hung McCrory là việc bất ngờ bối rối nhất mà ngài đã gặp phải trong toàn bộ chuyến du hành. Nó làm nổi bật tính khó chửa của sự xung đột Ái Nhĩ Lan như không điều gì khác có thể làm.
*
[1] IRA: Irish Republican Army: Đội Quân Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan
Đức Đạt Lai Lạt Ma đang hội ý với tổng giám mục. Vị tu sĩ Tây Tạng trong bộ y áo màu đỏ thẩm và vị tu sĩ Anh Giáo trong bộ đồ màu đen ngồi kế bên đầu họ gần đụng vào nhau, bàn tay họ xiết chặc với nhau. Họ nhìn sâu vào đôi mắt của nhau, biểu lộ cho toàn thế giới giống như hai thanh thiếu niên thương lắm với nhau. Truyền thông thế giới cách vài mét phía sau những hàng dây nhung bảo vệ. Những phóng viên truyền hình và báo chí từ mọi châu lục đã miêu tả. Rất hiếm hoi khi 33 nhà Khôi Nguyên Nobel hiện diện trong một phòng - đại sảnh lấp lánh của Khách Sạn Oslo's Holmenkllen. Kỷ niệm một trăm năm giải Nobel Hòa Bình, Na Uy đã quy tụ sự tập họp lớn nhất những nhà lãnh giải Nobel Hòa Bình chưa từng có năm 2001.
Đức Đạt Lai Lạt Ma và Tổng Giám Mục Desmond Tutu có một lúc yên tĩnh trước buổi sáng đầu tiên của Hội Nghị Chuyên Đề Một Trăm Năm. Tôi đã đứng phía sau hai vị, khom thấp xuống, cố gắng để nắm bắt những ý chính những đối thoại của các ngài trên những tiếng lách cách của những máy quay phim.
"Tôi vừa đến từ Na Uy phía bắc, nơi tôi nhận một bằng danh dự từ trường Đại Học Tromso," Đức Đạt Lai Lạt Ma đang nói với Tổng Giám Mục Tutu. "Một kinh nghiệm đặc biệt. Một lần tôi nhận một bằng cấp khác từ Đại Học Bologna ở Ý Đại Lợi, trường đại học lâu đời nhất ở Âu châu. Ở đấy, có một truyền thống. Trong khi tôi nhận bằng cấp, bên cạnh việc mặc quần áo đẹp đẻ, còn phải đeo nhẫn. Vào lúc ấy, trước mặt công chúng, tôi nói rằng, 'Như một tu sĩ Phật Giáo tôi bị cấm đeo nhẫn, nhưng hôm nay, do bởi một phần của buổi lễ, cho nên tôi sẽ mang.' Tôi đeo chiếc nhẫn ấy trong một thời gian ngắn."
"Vâng, rất tốt," Tổng Giám Mục Tutu nói. "Và tôi chắc rằng ngài có thể bán chiếc nhẫn ấy và được rất nhiều tiền."
Hai người bắt đầu khúc khích - dịu dàng, rúc rích hi hi lúc bắt đầu. Và bổng nhiên, tiếng khúc khích của họ biến thành tiếng cười rộ lớn lên và rúc rích. Tiếng cười của Tây Tạng thì ầm ầm, người kia thì chít chít cao hất lên. Tiếng cười tự do và lan truyền xoáy thành cao trào làm rung ring những tấm cửa rộng của chiếc phòng lớn. Mọi người dừng lại việc đang làm của họ và nhìn chăm chú.
Tôi chụp một bức ảnh với đèn chiếu bất ngờ. Mặc dù khác biệt nhau và màu da và tuổi tác (Tutu lớn hơn bốn tuổi), nhưng được xem như sinh đôi với tính nết. Mỗi người có một năng lực kỳ bí để hoàn toàn đưa mình vào một hoàn cảnh và có một niềm vui hồn nhiên không kềm chế. Mỗi người có thể nhìn vào những thứ phàm tục chung quanh họ và xoay sở tìm điều gì đó để phá lên cười.
Một phóng viên bước qua làn dây nhung và bước đến hai người, người quay phim kéo làn dây.
Bà ta nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma: "Tôi có thể hỏi ngài một câu được không?"
"Bà từ đâu đến?" ngài ngước mắt hỏi bà ta.
"TV Na Uy. Thưa Đức Thánh Thiện, điều gì đặc biệt nhất đối với ngài năm 2001?"
"Tôi nghĩ là những tin tức rất sốc, trải nghiệm rất sốc," Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời. "Khi tôi nghe sự kiện 11 tháng Chín, chính yếu khi tôi xem hình ảnh trên TV, máy bay dân sự với những hành khách vô tội - đầy nhiên liệu và được sử dụng như vũ khí gây nổ. Không thể tưởng tượng được. Cũng vậy họ dự tính, không phải là hàng năm, thì tối thiểu là nhiều tháng. Tôi cảm thấy sự thông minh của con người được lèo lái hay kiểm soát bởi sự thù hận con người, là thảm họa."
Tổng Giám Mục Tutu gật đầu một cách mạnh mẽ.
"Cho nên, chúng ta có một trách nhiệm đặc biệt để giúp thúc đẩy những cảm xúc con người, có phải không? Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với Tổng Giám Mục.
"Rất tốt, rất hay. Vâng, tôi nhất trí với ngài." Tutu vỗ bàn tay nói.
***
Buổi trưa cho những nhà khôi nguyên và những vị khách tham dự hội nghị tại Holmenkollen là một công việc kín đáo trong nhà hàng chính. Sau lần hội họp buổi sáng, Tổng Giám Mục Tutu và tôi đi vào căn phòng thanh lịch với nhau. Ngài biết tôi đi với Đức Đạt Lai Lạt Ma và đề nghị lịch sự tôi cùng với ngài dùng trưa. Chúng tôi đã ngồi tại một bàn ăn sát cửa ra vào. Gần như ngay lập tức, chúng tôi được Colm O'Cuanachain, chủ tịch của Hội Ân Xá Quốc Tế (Amnesty), tổ chức đã được giải Nobel Hòa Bình năm 1977. Theo sát O'Cuanachain là Cora Weiss, hiện đứng đầu Văn Phòng Hòa Bình Quốc Tế, đoạt giải năm 1910. Một bồi bàn đến gần và hỏi chúng tôi đặt thức uống.
"Cảm ơn, cảm ơn rất nhiều," Tổng Giám Mục Tutu nói với anh ta. "Bây giờ, tôi rất đói bụng. Sẽ khác chứ nhĩ, chúng ta được cho ăn lẹ thế nào nhĩ?"
"Tôi có thể cố gắng để đi tắt cho mau," người bồi bàn Na Uy trả lời."
"Cảm ơn, cảm ơn." Tổng Giám Mục Tutu bùng nổ một tràng cười nắc nẻ đặc sản của ngài.
Tôi bồn chồn trong một nhóm khách khứa nổi tiếng như vậy. Nhưng tôi quyết định nói chuyện với Tổng Giám Mục về mối quan hệ của ông với lãnh tụ Tây Tạng.
"Ngài ấn tượng gì về Đức Đạt Lai Lạt Ma?" tôi hỏi ông, giọng của tôi lớn không tự nhiên. O'Cuanachain và Weiss quay lại nhìn tôi.
"Ngài là một người tuyệt vời. Tôi yêu mến ngài," Tutu nói ngay. "Cả hai chúng tôi có một cảm giác vui tươi dễ sợ - trong chúng tôi là một đứa trẻ nhỏ cố gắng ra ngoài. Giê Su đã nói: 'Ngoại trừ bạn trở thành một đứa con nít, bằng không bạn không thể vào nước thiên đàng.' Đứa bé có một cảm nhận kỳ diệu, và Đức Đạt Lai Lạt Ma như vậy. Ngài cũng có sự thánh thiện trong sáng này. Ngài có danh hiệu Đức Thánh Thiện, nhưng trong thực tế, ngài là một bậc thánh thiện. Lớp trẻ thấy ngài là hấp dẫn không cưỡng lại được. Lớp trẻ rất nhanh chóng trong việc chọn lựa ra khi bạn không xác thật, khi bạn là giả mạo. Họ nhận ra rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là thật.
"Ngài có sự hấp dẫn tương hổ rất đặc biệt này với Đức Đạt Lai Lạt Ma," tôi tiếp tục. "Khi hai vị ở gần bên nhau, giống như hai đứa trẻ đang nô đùa. Ngài có được mối quan hệ đặc biệt này như thế nào?"
"Tôi không biết, tôi không biết," Tutu nói. "Ông yêu như thế nào? Nó là điều gì đấy xảy ra như vậy thôi. Có những người làm nó xảy ra, ông không thể hiểu khoa luyện kim. Tại sao tôi có thể làm ra những thứ như vậy với Đức Đạt Lai Lạt Ma và ngài với tôi chỉ là một trong những điều kỳ bí hết sức thú vị của … Hãy nói là ân phước." Ông lẫm nhẫm một câu cầu nguyện nhanh như một rỗ bánh mì đến bàn.
"Với kinh nghiệm của ngài về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (apartheid), ngài có thể nói gì về người Tây Tạng và Trung Hoa?" tôi hỏi vị tổng giám mục khi chúng tôi nhóp nhép nhai những ổ bánh mì nhỏ của Na Uy.
"Một trong những điều quan trọng nhất, chúng tôi là người da đen Nam Phi tin tưởng nhiệt thành rằng chúng tôi sẽ thắng," Tutu trả lời. Tôi có cảm nhận rằng những nhà khôi nguyên khác ở bàn ăn đang lắng nghe từng lời của Tutu. "Tin tưởng, ông biết không.. đôi khi ông nắm chặc nó một cách hiếm hoi không ngờ. Một cách đặc biệt trong những ngay đen tối khi chúng tôi đang dẫn tới những đám tang giống như nó sắp hết thời. Chúng tôi may mắn: người dân chúng tôi cực kỳ phi thường trong năng lực cười vui của họ. Họ có thể cười vào chính họ. Bây giờ này, những người Trung Cộng. Ông biết không, họ cuối cùng sẽ thua. Họ cũng sẽ đánh mất bất cứ điều gì mà thế giới đã dành cho họ. Chính quyền Bắc Kinh phải tháo cái vòng lo lắng ở cổ họ ra và để cho người Tây Tạng có một sự tự trị thật sự."
Người bồi bàn đến với một dĩa lớn với cá và rau cải cho Tutu. Nhưng không có gì cho tất cả những người còn lại.
Vị tổng giám mục ngước mặt lên. "Tốt quá, tốt quá. Chúa phù hộ anh. Thật là dễ thương." Với cả bàn: "Người đàn ông này thật rõ ràng, thật rõ ràng." Khi ông bùng nổ với tiếng cười, lỗ mũi của ông phồng lớn dễ sợ và đôi mắt nhỏ của ông biến mất.
"Rất nhanh, vì bạn của anh. Rất nhanh." Người bồi bàn bối rối vì cao trào vui nhộn không ngờ.
"Tôi sử dụng sự ảnh hưởng ngoài luồng một chút - là thứ mà chúng ta có trong đường giây nóng. Tôi nói với anh ta rằng những người bạn của tôi cũng cần lợi lạc từ sự ấm cúng mà chúng ta có ở đây," Tutu giải thích với tất cả chúng tôi và vẫn đang cười.
"Chúng ta chưa có lợi lộc gì cả," O'Cuanachain nói. Tôi có thể nghe bao tử của ông ta càu nhàu.
"Nó sẽ đến, nó sẽ đến," Tutu cam đoan với ông, chỉ trước khi người bồi bàn đến với một mâm thức ăn.
***
Từ năm 1995 đến 1997, Tổng Giám Mục Tutu là chủ tịch của Ủy Ban Chân Lý và Hòa Giải của Nam Phi. Công việc của ông? Lắng nghe 21,000 nhân chứng miêu tả sự ngược đãi quyền con người và sự tàn nhẫn đã xảy ra trong thời kỳ phân biệt chủng tộc. Vào những lúc ấy, ông thường lau nước mắt sau khi nghe những câu chuyện tra tấn, chân tay con người bị làm tàn phế bởi đèn hàn. Yêu cầu của ông? Ông phải tha thứ những thủ phạm nhằm để nuôi dưỡng sự hàn gắn vết thương.
"Người ta nói," Tutu nói, "có lẻ chúng ta phải mở những vết thương ra, lau sạch chúng để chúng không nung mủ. Đổ dầu vào chúng. Và sau đó có lẻ, có lẻ, chúng sẽ được lành. Chuyện tha thứ không rẻ rúng. Và sự hòa giải không dễ dàng. Nhưng với sự tha thứ, chúng ta mở cửa cho những người nào đó. Những người có lẻ đã xiềng xích quá khứ lại, để tháo mở gông cùm, bước ngược qua cửa và đi vào một tương lai mới.
Trong năm 2004, trong một diễn đàn với Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Đại Học British Columbia, nói về kinh nghiệm với Ủy Ban Chân Lý và Hòa Giải của Nam Phi.
Nhiều lần con người bị xúc động bởi những tấm gương, một cách đặc biệt với những thí dụ của những con người vốn đã bị khổ đau quá nhiều, thay vì đòi hỏi một kí thịt để trừng phạt, đã cư xử một cách phi thường.
Một phụ nữ da đen trẻ đến với chúng tôi và kể câu chuyện này: "Cảnh sát đến và bắt tôi đến trụ sở cảnh sát. Họ đưa tôi vào một căn phòng, cởi áo quần tôi. Họ lấy bộ ngực tôi nhét vào ngăn kéo. Và rồi họ đóng mạnh ngăn kéo vài lần trên đầu vú tôi cho đến chảy rịn chất trắng ra." Bây giờ, các bạn tưởng tượng người nào đó đã có kinh nghiệm về sự tàn nhẫn này sẽ là cay đắng, sẽ là khao khát trả thù. Nhưng thường thường, những người như cô ta sẽ nói rằng họ đã sẳn sàng tha thứ. Chúng tôi ngồi ở đó nhúng nhường sâu sắc, khiêm hạ sâu lắng. Khiêm hạ bởi đặc quyền được nghe những con người mà đúng ra họ có quyền để giận dữ, bực tức, biểu lộ tinh thần phục thù. Và thay vì thế, họ đầy tràn với một khao khát tha thứ.
Có một điều gì đó được gọi là sự tàn sát Bisho[1], ba mươi hay bốn mười người bị giết và 200 người bị thương. Chúng tôi tổ chức một cuộc họp để nghe các nhân chứng trong một hội trường khổng lồ, căn phòng đầy những người đong đầy giận dữ, nhiều người trong họ hoặc là thương tật tại sự kiện đó hay đã mất những người thương. Bốn người cảnh sát đã bắn và làm chết người đi vào. Bạn có thể cảm nhận sự căng thẳng của căn phòng, của sự giận dữ. Họ đến và ngồi ở đó trên sân khấu và chúng tôi ở chính giữa. Một trong những người cảnh sát, cảnh sát da trắng, ba người kia da đen, đứng dậy và nói, "Vâng, chúng tôi ra lện cho binh sĩ bắn."
Nhiệt độ trong phòng tăng lên, sự căng thẳng mà bạn có thể cắt bằng một con dao. Và rồi, ông ta nói, "Xin hãy tha thứ chúng tôi. Xin hãy tha thứ ba người đồng nghiệp này của tôi và nhận họ lại vào cộng đồng." Bây giờ, quý vị nghĩ căn phòng này có thể nổ tung với sự giận dữ. Các bạn biết thính chúng đã làm gì không? Họ vỗ tay. Không thể ngờ được. Họ vỗ tay. Và khi sự vỗ tay hạ xuống, tôi nói, "Chúng ta hãy dành một phút im lặng. Bởi vì chúng ta đang ở trong điều gì đó thánh thiện. Chúng ta đang đứng trên mãnh đất thánh thiện. Chúng ta phải cởi giày ra, như Moses đã làm."
Tổng Giám Mục Tutu với sự tin chắc sâu đậm về tha thứ qua sự trình bày của ông tới một mãng tuệ trí cổ xưa. Khi Tutu đặt nó vào sự thảo luận của ông với Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Vancouver: "Trong xứ sở của tôi, chúng tôi nói về điều gì đó gọi là ubuuntu (ubuntu). Khi tôi muốn - ca ngợi bạn, sự ca ngợi cao nhất mà tôi có thể cho bạn là nói bạn có ubuuntu. Người này có điều mang theo là một con người. Đây là một con người nhận ra rằng người ấy tồn tại chỉ bởi vì những người kia tồn tại ; một người là một người qua những người khác. Khi chúng tôi nói bạn có ubuuntu, là chúng tôi muốn nói rằng bạn tế nhị, bạn yêu thương, bạn mến khách, bạn muốn chia sẻ, và bạn muốn quan tâm đến lợi ích của những người khác. Đây là bởi vì nhân tính của tôi đồng nhịp trong nhân tính của bạn. Cho nên khi tôi vô nhân đạo với người khác, cho dù tôi thích nó hay không, một cách không mũi lòng, thì tôi vô nhân đạo với chính tôi. Vì chúng ta chỉ có thể là con người, thì chúng ta chỉ có thể tự do, cùng với nhau. Tha thứ thật sự là hình thức tốt nhất của tự trọng."
***
Một tháng sau khi những khôi nguyên Hòa Bình tập hợp ở Oslo, tôi cùng với Đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi ở Dharamsala cho một cuộc phỏng vấn mở rộng. Trong một cuộc thảo luận về khái niệm tha thứ, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã kể cho tôi nghe câu chuyện của Lobsang Tenzin, một Phật tử Tây Tạng. Bằng việc tha thứ thật sự, cho nên sự phát triển tâm linh của Tenzin đã tiến bộ một cách đáng kể.
"Tenzin là một chiến binh tự do ở Tây Tạng, vùng Pempo, một trong những lãnh đạo của làng ông," Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu. "Ông bị Trung Cộng bắt năm 1959 và giam vào tù. Sau đó ông trốn sang Ấn Độ. Ban đầu ông không biết gì về Phật Giáo. Nhưng ông thế nào đó tự nuôi dưỡng sự thực tập về nội hỏa - tumo. Ông đến với những sự thực tập rất trể trong cuộc đời ông."
Tenzin đang hành thiền trong một hang động cao ở Dharamsala khi ông đã thấy ánh sáng mãnh liệt. Đó là dấu hiệu đầu tiên là ông đã tiến đến một nơi nào đó trong sự thực hành mật tông của ông. Ông nhắm mắt lại để thấy ánh sáng biến mất có biến mất không. Nhưng không, ánh sáng thật sự trở thành dữ dội hơn. Sau đó ông cảm thấy một sự bỏng rát, giống như ngọn lửa với những tia lửa bắn ra, trong vùng rốn của ông. Bằng việc tập trung tâm thức vào đó, ông thấy rằng ông có thể mở rộng hay co rút quả cầu lửa và làm nó chuyển động. Ông chuyển nó đến vùng trái tim ông, giữ nó ở đó, và hành thiền thêm. Có một cảm giác mới: ông thấy rằng bây giờ ông miễn nhiễm với cái cực kỳ lạnh. Ông ở trong sự trải nghiệm kinh ngạc, của năng lực ông mới tìm ra để phát sinh nội hỏa - tumo - sức nóng bên trong.
Sau khi tiếp tục hành thiền khoảng một năm, Tenzin thấy rằng sự hành thiền của ông đã đạt đến một tầm cao mới: sức nóng tâm linh đã trở nên mạnh mẽ hơn, và sự phát sinh của nó dễ dàng hơn. Bây giờ ông thấy rằng ông có thể hướng dẫn năng lượng của sức nóng vào trong một kinh mạch tâm linh trung tâm trong thân thể của ông. Một khi điều này xảy ra, ông đạt đến một thể trạng an lạc thậm thâm và bền lâu.
Vào đầu những năm 1980, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với Tenzin, lúc ấy ông ở trong độ tuổi bốn mươi, rằng ông nên tập trung vào nội hỏa như một thành phần then chốt trong sự thực tập tâm linh của ông. Với sự khuyến nghị của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Tenzin tìm đến Khyentse một vị lạt ma nổi tiếng về nội hỏa ở Manali, một thị trấn nhỏ trên vùng núi cao của Himachal Pradesh, Ấn Độ.
"Các đệ tử của Khyentse Lạt Ma thực hành nội hỏa suốt năm, sử dụng kỷ thuật tấm vải ướt. Ngay cả ngày lạnh nhất - gần như trần truồng," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với tôi, "Để tấm vải vào trong nước đá, xong vắt nước, và rồi quấn chung quanh mình và hành thiền. Trong vài phút, hơi nóng lên. Khô hoàn toàn trong không đầy một tiếng đồng hồ. Lại nhúng tấm vải vào trong nước, rồi quấn chung quanh mình. Trong một đêm, mười đến mười ba tấm, như thế đấy. Sau đó Tiến sĩ Herbert Benson ở Harvard đã trở nên thích thú với nội hỏa. Họ đến Dharamsala và thực hiện một số thử nghiệm với những vị chuyên môn về nội hỏa sống trên núi. Họ rất ấn tượng với năng lực của Tenzin phát sinh sức nóng của thân thể. Thế nên, với sự cho phép của tôi, họ mời Tenzin làm một vài thử nghiệm ở Harvard."
Karma Gelek, một tu sĩ trẻ nói Anh văn rất thạo, đi cùng với Tenzin đến Hoa Kỳ. Sư nói với tôi rằng chuyến du hành 1985 của họ rất khó khăn. Tenzin đến Boston và bị choáng váng vì chuyến bay trầm trọng. Ông rất mệt mõi và muốn tạm dừng việc thử nghiệm nội hỏa cho đến khi ông quen với thời tiết. Nhưng phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Benson dày đặc chương trình, không thể dời chậm lại được. Những cuộc thử nghiệm đã bắt đầu ngày kế tiếp.
Tenzin bị bắt phải chịu những thử nghiệm toàn diện trong phòng thí nghiệm mà nhiệt độ được giữ ở mức độ lạnh ướp thịt sống. Các nhân viên phòng thí nghiệm mặc áo gi lê dưới bộ đồ trắng phòng thí nghiệm của họ. Tenzin phải cởi y áo trên ra, và chỉ mặc một áo khoác cô tông mõng không tay. Các thử nghiệm đã xảy ra dài đăng đẳng. Theo Gelek, Tenzin được để đông lạnh tới mức trong buổi thử nghiệm.
Khi Tenzin sau cùng thâm nhập vào thể trạng sâu lắng của thiền tập, việc tiếp nhận dưỡng khí của ông hạ xuống đến mức ngoạn mục, với sự giảm thiểu tương ứng trong việc trao đổi chất, ông cần chỉ thực hiện năm hay sáu hơi thở trong một phút, so với mười ba hay mười bốn lúc bình thường. Vào lúc nội hỏa phát sinh, nhiệt độ thân thể của ông đã tăng lên một mức mười độ tốt đẹp. Tiến sĩ Benson đã viết trong nghiên cứu của ông về những hành giả nội hỏa (Khoa học Tâm thức, Đối thoại Đông Tây, the Dalai Lama et al., Wisdom Publications, 1991): "Những gì chúng ta đang tìm thấy qua những thử nghiệm này là những tiến trình hành thiền đưa tới những sự thay đổi sinh lý ấn tượng nổi bật hơn. Những sự thay đổi này quan hệ mật thiết trực tiếp đến sức khỏe … bất cứ sự rối loạn nào do hay làm tệ hại hơn bởi căng thẳng."
Tôi bị hấp dẫn bởi câu chuyện của Lobsang Tenzin. Tôi tự hỏi làm thế nào một chiến sĩ đấu tranh cho tự do, một người thường đi giết người, có thể phát triển một năng lực tâm linh khác thường tương đối trể trong cuộc đời như vậy. Hầu hết những tu sĩ Tây Tạng, thí dụ thế, bắt đầu sự tu tập của họ trong tu viện khi họ ở độ tuổi sáu hay bảy.
Karma Gelek nói với tôi rằng Tenzin tin tưởng sự thực tập tâm linh của ông ấy đã bắt đầu và sau đó cải thiện một cách ấn tượng sâu sắc trong thời gian ông ở trong nhà tù Trung Cộng. Đó là trong thời gian khó khăn này mà ông đến với hai sự hiểu biết sâu sắc. Một, ông nhận ra rằng sự khổ đau của ông trong nhà tù bị nối kết với nghiệp quả, một kết quả trực tiếp của sự tàn bạo chính ông chống lại người Trung Cộng. Thứ hai, ông trực nhận rằng nếu ông tự cho phép mình mòn mõi với việc thù hận người Trung Cộng, nếu sự tập trung của ông chính yếu vào sự trả thù, ông sẽ tự đưa mình đến chỗ mất trí.
Mặc dù ông không thể kiểm soát đối với những gì người Trung Cộng có thể làm đối với thân thể ông, nhưng Tenzin cuối cùng hiểu rằng người Trung không thể làm tổn hại sức khỏe tinh thần ông một cách đơn phương. Cách duy nhất mà sự cát tường của tâm lý ông có thể đau khổ là qua thái độ của chính ông, sự phản ứng của chính ông đối với tình cảnh hoạn nạn khốc liệt của ông. Ông biết rằng nếu ông có thể phát triển một cảm nhận trung tính - hay, nhưng vẫn tốt hơn, là cảm nhận tích cực đối với những kẻ bắt bớ ông, thì ông có thể ngủ ban đêm. Và bất chấp người Trung Cộng tra tấn tệ hại thế nào đi nữa, tâm thức ông sẽ luôn luôn là nơi trú ẩn an toàn cho ông trải qua sự thay đổi trong tư duy.
Theo Gelek, Tenzin làm trong sạch sự thù hận của ông đối với người Trung Cộng. Đơn giản là ông tha thứ họ. Dần dần, ông ngay cả phát triển một lòng từ bi chân thành cho họ. Điều đó đã chứng minh là chìa khóa. Đó là vấn đề ông đã sống sót với sự giam cầm khắc nghiệt như thế nào với chút ít tổn hại trong thể trạng tinh thần của ông. Trong khi ở trong tù, ông đi đến tin tưởng một cách chầm chậm trong năng lực chửa trị của tha thứ. Gelek nghĩ rằng điều này là những gì cho phép Tenzin thực hiện bước nhảy vọt lượng tử trong sự thực tập tâm linh của ông. Năng lực khác thường trong nội hỏa cũng gia tăng một cách ấn tượng.
***
Thế nên có thể tha thứ kẻ thù của bạn thì có thể làm nên một sự khác biệt cho tiến trình tâm linh của hành giả chứ gì?" Tôi hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma.
"Vâng, vâng, không nghi ngờ gì nữa," ngài trả lời. "Nó là thiết yếu. Nó là một trong những điều quan trọng nhất. Nó có thể thay đổi đời sống của một người. Để giảm thiểu thù hận và những cảm xúc tàn phá khác, thì bạn phải phát triển những đối kháng của nó - bi mẫn và từ ái. Nếu ông có một lòng bi mẫn mãnh liệt, một sự tôn trọng nhiệt tình người khác, thế thì tha thứ sẽ dễ dàng hơn. Một cách chính yếu cho lý do này: tôi không muốn làm tổn hại người khác. Tha thứ cho phép ông xúc chạm với những cảm xúc tích cực này. Điều này sẽ giúp sự phát triển tâm linh.
"Có một kỷ năng hành thiền đặc biệt nào mà ngài đã sử dụng không?" tôi hỏi.
"Tôi sử dụng kỷ năng thiền tập gọi là cho và nhận,'' Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích. "Tôi thực hiện sự quán tưởng: gửi cảm xúc tích cực như hạnh phúc, tình cảm đến người khác. Rồi thì một sự quán tưởng khác. Tôi quán tưởng nhận những khổ đau của họ, những cảm xúc tiêu cực của họ. Tôi làm điều này mỗi ngày. Tôi chú ý một cách đặc biệt đến người Trung Hoa - một cách đặc biệt những người đã làm những thứ kinh khủng cho người Tây Tạng. Cho nên, khi thiền tập, tôi thở vào tất cả những độc hại của họ - thù hận, sợ hãi, tàn bạo. Sau đó tôi thở ra từ ái, bi mẫn, tha thứ. Tôi đem vào thân thể tôi tất cả những thứ xấu xa của họ. Rồi thì thay thế những độc hại với không khí trong lành. Cho và Nhận. Tôi chăm sóc không để đổ lỗi - tôi không đổ lỗi người Trung Hoa, và tôi không đổ lỗi cho chính tôi. Sự thiền tập này rất hiệu quả, hữu ích trong việc giảm thiểu thù hận, hữu ích cho việc trau dồi sự tha thứ.
Ần Tâm Lộ, Wednesday, November 11, 2015
[1] Bisho Massacre: xảy ra ngày 7 tháng Chín năm 1992.
Những ngày hội mừng Một Trăm Năm Giải Nobel Hòa Bình là trọn vẹn. Tôi đang ngồi tại phòng khách gác lững của Khách Sạn sang trọng Holmenkollen, chờ để có thức uống với Lodi Gyari Rinpoche, đại diện đặc biệt của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Phòng chờ đợi đông đảo. Tôi có thể thấy tác giả quyển Holocaust (Vụ Diệt Chủng Do Thái) và khôi nguyên hòa bình Elie Wiesel đang mãi mê đàm luận với một người đồng hành, hoàn toàn không chú ý tới sự huyên náo chung quanh ông. Một người khôi nguyên khác, José Ramos-Hortas của Đông Timor, ở tại một chiếc bàn ngay bên cạnh, ông đang trả lời phỏng vấn với một vài phóng viên.
Từ bàn của tôi, tôi có một cái nhìn tốt với gác lững phía dưới. Những máy dò kim loại an ninh được đặt tại cửa ra vào. Nửa tá cảnh sát Na Uy, gọn gàng hoàn hảo trong những đồng phục của họ, kiểm soát mọi người đi vào. Trong những lễ lạc này, Oslo khai triển những phương tiện an ninh như thời chiến. Sớm hơn, trên đường vào Holmenkollen, tôi đã phát hiện một vài cảnh sát thiện xạ, rõ ràng trong sự mệt mõi chiến trường của họ, ngấm ngầm trong những địa điểm chiến lược trên nóc nhà. Một cặp chiến đấu cơ F-16 đang trực chiến báo động cao. Trong vài ngày tới, họ sẽ ban hành một vùng cấm bay tạm thời trên bầu trời Oslo.
Lodi Gyari đến trể mười lăm phút và hơi phiền hà. Ông vừa mới đến từ một cuộc gặp gở giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và Richard Holbrooke trong khu khách sạn tu sĩ Tây Tạng. Holbrooke, một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã làm trung gian cho bản hiệp ước hòa bình trên bán đảo Balkan năm 1995. Như thông thường, Lodi ăn mặc bộ đồ lớn cắt may thanh lịch, có lẻ là Savile Row (hiệu may Anh quốc). Khuôn mặt tròn trịa và thân hình đồ sộ, ông có một dáng lịch sự tao nhã chắc chắn của một thương gia Á châu thành công cừ khôi.
Lodi Gyari đi với Tenzin Geyche Tethong, là một trong những người cố vấn thân cận nhất của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sau chủ nhân của ông, Lodi Gyari được cho là người biện hộ có hiệu quả nhất cho Tây Tạng ở phương Tây. Tôi muốn góp nhặt một số hiểu biết về lãnh tụ Tây Tạng qua một người từng là bạn tâm giao của ngài trong bốn thập niên.
"Làm việc cho Đức Đạt Lai Lạt Ma giống như thế nào?" tôi hỏi ông.
"Mọi người biết rằng Đức Thánh Thiện rất từ bi," Gyari trả lời. "Nhưng ngài cũng là một người ý chí rất mạnh, đây là điều gì đó mà những người làm việc thân cận với ngài biết. Đây là điều khiến cho những người như tôi đến với ngài."
"Sự mạnh mẽ của ngài," tôi nói.
"Vâng, không nghi ngờ gì lòng từ bi của ngài là hoàn thiện tròn vẹn. Nhưng thẳng thắn mà nói, ngài không là một chủ nhân dễ dãi. Và tiêu chuẩn so sánh mà ngài đánh giá ông là kỳ lạ. Tôi rất ý thức rằng tôi làm việc với người nào đó có những ý tưởng cao thượng. Điều này rất hữu ích bởi vì nó giữ gìn tôi. Tôi không vượt qua những giới hạn nào đó trong hạnh kiểm cá nhân của tôi.
"Để tôi nói với ông điều xảy ra trong sự kiện tại Công Trường Thiên An Môn," Lodi Gyari. "Tôi là bộ trưởng ngoại giao của ngài khi thảm kịch xảy ra. Vào lúc ấy, mặc dù thăng trầm, nhưng chúng tôi sắp bắt đầu một cuộc đối thoại với Trung Cộng. Diêm Minh Phục (Yang Minfu) lãnh đạo Trung Hoa Trung Ương Thống Nhất Chiến Tuyến Bộ (UFWD), và thế nào đấy chúng tôi xoay sở để tái tục tiếp xúc. Có sự đồng thuận về nguyên tắc cho một cuộc gặp gở sơ bộ ở Hồng Công, sau đó sẽ quyết định nơi chốn và ngày tháng thật sự cho cuộc đàm phán."
Tôi biết rằng không có gì thiết yếu hơn cho Đức Đạt Lai Lạt Ma và những người Tây Tạng tị nạn khác hơn là dùng hảo ngữ khuyến khích người Trung Cộng đến bàn đàm phán. Mọi thứ họ đã làm trong bốn thập niên qua là phục vụ cho mục tiêu này. Sự đồng lòng trong nhiều người Tây Tạng quan tâm là một sự nối lại mối quan hệ hữu nghị chân thành với người Trung Cộng là cách duy nhất để cứu vãn lối sống của người Tây Tạng và chấm dứt bị tràn ngập bởi một cao trào của di dân người Hoa. Nhưng mặc cho uy tín đạo đức phi thường của Đức Đạt Lai Lạt Ma, thì người Trung Cộng hiếm hoi cho thấy những dấu hiệu là họ sẳn sàng muốn nói chuyện.
Gyari tiếp tục. "Tôi rất bận rộn để chuẩn bị cho việc ấy, và rồi sự kiện Thiên An Môn xảy ra. Tôi nhớ rõ ràng lắm. Tôi đang ở nhà tại Dharamsala. Một trong những người tài xế của Đức Đạt Lai Lạt Ma đến với chiếc xe để chở tôi về, tôi được lệnh phải đến biệt điện lập tức. Tôi nhanh chóng mặc áo quần Tây Tạng của tôi vào; người tài xế có những hướng dẫn phải đưa tôi đến nơi ở của Đức Đạt Lai Lạt Ma thay vì văn phòng. Khi tôi đến, Tenzin Geyche đã ở đấy đợi tôi. Hai chúng tôi đi thẳng vào phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
"Lần đầu tiên chưa từng có trước đây, tôi thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma bị khích động. Ngài giống như Napoleon. Ngài không quay lại nhìn chúng tôi khi chúng tôi đi vào, ngài chấp hai tay sau lưng. Ngài đang ở trong sự trầm tư sâu lắng. Ngài miễn sự chào đón thông thường và lập tức hỏi chúng tôi: 'Các ông thấy không? Các ông thấy không?'
"Dĩ nhiên chúng tôi đã thấy. Không có gì khác trên TV, chúng tôi biết những gì ngài muốn liên hệ đến. Cho nên chúng tôi nói vâng. Ngài nói, 'Hai ông hãy soạn một bản tuyên bố tôi muốn đưa ra, sự lên án mạnh mẽ nhất đối với chính quyền Trung Cộng và chính sách đàn áp tàn bạo chính người dân của họ, tôi ủng hộ vô điều kiện đối với những người trẻ ở Công Trường.'[1]
"Tâm thức Tây Tạng vị kỷ của tôi liền nói: 'Ôi, trời ơi, việc này sẽ làm tan nát những cơ hội cho việc đàm phán, những việc chúng ta đã làm cực nhọc hàng thập niên.' Đức Thánh Thiện quay lại, quan sát ngôn ngữ thân thể của tôi ngay lập tức, và nói sẳng: 'Chuyện gì đó?' Tôi nói, 'Thưa Đức Thánh Thiện, dĩ nhiên ngài nhận ra việc này sẽ làm mất cơ hội cho những nổ lực đàm phán của chúng ta, có lẻ trong một thời gian dài.' Tôi cảm thấy rằng ngài đã ghi nhận quan điểm của tôi, và trong một giây phút ngắn, tôi nghĩ ngài sẽ điều chỉnh vị thế của ngài. Nhưng sau đó ngài quay lại. Tôi cảm nhận một năng lượng căng thẳng, giống như một con cọp. Ngài nói, 'Vâng, đúng là như thế, ông có hiểu ra một việc. Nhưng nếu tôi không phát biểu bây giờ, thì tôi không có quyền đạo đức để có thể nói cho sự tự do và dân chủ nữa. Những người trẻ ấy đang đòi hỏi không gì hơn những gì mà tôi đã và đang đòi hỏi. Và nếu tôi không nói vì họ'" - Lodi ngập ngừng , tìm kiếm trong ký ức của ông cho những từ ngữ thích hợp -" 'Tôi sẽ xấu hổ mãi luôn để nói về tự do và dân chủ.' "
Lodi giữ im lặng. Do thói quen, tôi cố gắng để giữ khuôn mặt của tôi trơ trơ. Nhưng thật khó khăn. Tôi xúc động sâu sắc bởi đáp ứng của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài dứt khoát đặt quyền lợi của sinh viên Trung Hoa lên trước các nguồn hy vọng của những người dân ngài. Tôi nhìn đi chỗ khác. Những tiếng rì rầm trao đổi trong phòng chờ đợi đông đảo tiếp tục, không giảm sút.
"Tôi cảm thấy một sự tôn kính kinh khủng đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma," Gyari tiếp tục. "Tôi cũng cảm thấy rất nhỏ bé, rất ích kỷ. Dĩ nhiên, trong sự hồi tưởng về quá khứ, tôi đã đúng trong sự ước định của tôi rằng thái độ của Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ giết chết cuộc đàm phán. Đặng Tiểu Bình không bao giờ tha thứ ngài. Ông xem việc đó rất cá nhân, như chúng tôi học được sau này. Nhưng đó là những thứ thế đã làm cho tôi cảm thấy danh dự để phục vụ Đức Thánh Thiện, bởi vì ngài chân thành. Ngài tin tưởng trong những gì ngài thuyết giảng, và ngài hành động phù hợp với nhiều ấy."
***
Lodi Gyari và tôi đã bàn tán trong gác lững của Khách Sạn Holmenkollen hơn một tiếng đồng hồ. Gyari là một người kể chuyện tuyệt vời, và tôi theo dõi từng lời nói của ông. Có một sự náo động nào đó ở phòng chờ phía dưới. Chúng tôi nhìn qua lan can thì thấy Tổng Giám Mục Desmond Tutu vừa mới đi vào khách sạn. Rực rở trong bộ đồ đỏ nghi thức, người Nam Phi ấy đang nhe răng ra cười đến từng người và tỏa ra làn điện từ thiện chí.
Khi chúng tôi ngồi lại ghế, Gyari trở lại câu chuyện. "Đức Thánh Thiện thăm Âu châu lần đầu tiên năm 1973," ông nói, "Tôi rất trẻ, rất cấp tiến lúc ấy. Nửa đường trong chuyến du hành sáu tuần, chúng tôi đã ở Thụy Sĩ. Đức Thánh Thiện ở tại một nhà riêng gần Zurich. Tôi bắt đầu cảm thấy thất vọng vì cho đến lúc ấy ngài chỉ mới nói chút ít về Tây Tạng ở những nơi công cộng."
"Thay vì thế ngài nói về tôn giáo?" tôi hỏi.
"Ngài nói về những thứ ngài luôn luôn nói đến - trách nhiệm toàn cầu, từ bi, trái tim thánh thiện. Nhưng nhiều người cũng muốn biết về Tây Tạng. Tôi cảm thấy ngài đã không làm đủ cho người Tây Tạng. Tôi nhớ rõ căn nhà nơi ngài ở, một biệt thự nhỏ, đầy những cửa sổ màu xinh đẹp. Vào một buổi sáng sớm, tôi đi vào phòng ngài. Ngài biết ngay lập tức là tôi bối rối, đó là điều gì đó mà tôi có trong tâm ý tôi."
"Ngài có thể biết ông rất rõ," tôi nói.
"Vâng. Ngài nói với tôi: 'Chuyện gì thế?' tôi nói, 'Thưa Đức Thánh Thiện, tôi nghĩ ngài nên nói nhiều hơn về Tây Tạng. Đây là cơ hội tuyệt diệu, chúng ta cần nói với thế giới biết nhiều hơn về nổi khổ đau của dân tộc chúng ta.' Ngài nói: 'Đúng thế, vâng, tôi hiểu. Trong thực tế, tôi cũng nghĩ tôi nên nói nhiều hơn về Tây Tạng. Nhưng ông biết đấy, nhiều người trong họ có rất nhiều rắc rối trong tâm thức. Họ đến với tôi với một hy vọng sai lầm rằng tôi có thể cất bớt gánh nặng cho họ, là điều tôi không thể. Tôi cảm thấy rằng tôi không có quyền để đưa cho họ một gánh nặng nữa, gánh nặng của chính tôi.' Nước mắt đã tuôn trào trong mắt tôi khi tôi nghe như vậy."
Lodi Gyari dừng lại và nhìn chỗ khác. Tôi có thể nói rằng ông bị xúc động vì ký ức ấy. Cuối cùng đã đến lúc ông ấy phải đi. Khi chúng tôi đứng dậy, đôi mắt ông nhìn tôi, "Victor, tôi chắc chắn một điều. Đức Thánh Thiện là người vị tha nhất mà tôi biết."
Gyari ôm tôi một cách thân thiết, rồi bước ra khỏi khách sạn đến một chiếc xe đang chờ. Ông sẽ bỏ lỡ hầu hết những buổi lễ lịch sử Kỷ Niệm Một Trăm Năm Giải Nobel Hòa Bình ở Oslo, ông có một chuyến bay đang chờ.
*
[1] Đức Giáo Hoàng không gặp Đạt Lai Lạt Ma để tránh phật lòng Trung Quốc khi Đức Đạt Lai Lạt Ma có mặt tại Rome trong 3 ngày 12,13,14/12/2014 để dự “Hội nghị lần thứ 14 của những nhân vật đã được trao giải Nobel về hòa bình”.
Có một cảm giác hấp dẫn mạnh mẽ bất ngờ tại thiền phòng riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Dharamsala, biến chuyển trong năm ngày thành một phòng họp cho Hội Nghị Tâm Thức và Đời Sống lần thứ 10. Mọi con mắt đang đổ dồn về Steven Chu, khôi nguyên vật lý của Hoa Kỳ. Ông ngồi trên ghế được xếp bên phải của Đức Đạt Lai Lạt Ma, một bình hoa bằng đồng đầy những hoa tươi ở phía sau ông. Chu đang chuẩn bị để giải thích mối quan hệ tiềm tàng giữa toán học và cơ học lượng tử đến Đức Đạt Lai Lạt Ma và hội nghị.
"Toán học là gì?" ông bắt đầu bằng việc hỏi lãnh tụ Tây Tạng. Tôi đã không chuẩn bị cho câu hỏi; tôi có thể thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng hơi ngạc nhiên. Khi ngài không trả lời, Chu tiếp tục, "À, toán khiến hầu hết mọi người sợ hãi."
Cả phòng bùng cười lên. Với hai câu ngắn, Chu đã làm mọi người thoải mái. Eric Lander, nhà di truyền học Boston ngồi bên phải của Chu, khoanh đôi tay rắn chắc chung quanh ngực ông. Đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi trong tư thế hoa sen truyền thống của ngài trên một ghế bành thoải mái, mĩm cười khi ngài quay qua quay lại.
Chu ấn một nút trên máy điện toán cầm tay trên một bàn thấp phía trước ông. Màn hình chiếu lên ba hàng vịt nhựa vàng phía cuối căn phòng: một con vịt trong hàng thứ nhất, hai ở hàng giữa, và ba ở hàng cuối. "Đây là một thứ kỷ thuật. Nó gọi là vịt nhựa. Chúng ta đặt nó trong bồn tắm," Chu nói, chỉ bằng đèn pin laser đỏ vào con vịt cô đơn ở trước. "Vậy thì đây là một con vịt, hai con vịt, ba con vịt. Chúng ta có thể thêm những con vịt … "
Có một sự lộn xộn trong phòng họp nhỏ. Lander vỗ tay lên đùi ông và la hét. Chu nghẹn giữa chừng, trái cổ của ông chạy lên chạy xuống. Trong một hay hai phút, ông mất kiểm soát như một làn sóng thủy triều đã lấy mất trạng thái sẳn sàng của ông.
Đức Đạt Lai Lạt Ma lắc lư vẫn đang mĩm cười trên mặt. Nhưng có một tính chất khó hiểu với nó. Ngài dường như có một điều gì đó khác biệt hoàn toàn không giống như tự thân ngài thường lệ. Thế nào đấy tôi nghĩ ngài sẽ cười ầm ĩ nhất.
Thupten Jinpa, thông dịch viên của Đức Đạt Lai Lạt Ma, dựa đến gần và nói với ngài bằng Tạng ngữ.
Một thoáng suy tư qua tâm ý tôi: có lẻ Đức Đạt Lai Lạt Ma bị thử thách văn hóa. Ngài chắc chắn không bao giờ chơi đùa với những con vịt nhựa trong bồn tắm. Những con vịt nhựa dường như không được nghe nói ở Tây Tạng. Ngài đơn giản là không hiểu sự ồn ào nói gì.
"Chúng ta có thể kiểm tra điều này một cách chuyên môn," nhà di truyền học la lên, vẫn đang thu hút sự chú ý bởi tiếng cười lên cực điểm.
"Thật sự, nó đã được kiểm tra một cách chuyên môn nhiều, nhiều lần," Steve Chu nói, tự cố gắng cùng với khó khăn. "Trong một ý nghĩa nhất định, đó là thực tế. Cho nên chúng ta biết thêm những con vịt như thế nào. Bây giờ, nếu bạn có hai con vịt và lấy đi một con, bạn có một con vịt chứ?" Ông nhìn Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhún vai và ngửa hai tay ông ra. "Điều gì đang xảy ra ở đây?" Chu hỏi. "À, đột nhiên, điều gì đó mới đang xảy ra. Tiến trình của tính trừ làm các nhà toán học phát minh ra những số phủ định. Sau đó chúng ta làm ra những quy luật - quy luật cộng hay trừ, thí dụ thế. Điều này đưa đến những con số hoàn hảo … những con số bao gồm căn bậc hai của trừ một trong cấu tạo của nó. Và nó là những con số hoàn hảo cho phép chúng ta diễn tả cơ học lượng tử."
Văn Phòng Riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cho tôi một giấy phép để tham dự hội nghị Dharamsala. Khoảng năm mươi người chúng tôi, những nhà khoa học, những khách mời, và một nhóm nhỏ những tu sĩ Tây Tạng, đã tập họp vào một phòng họp nhỏ bên trong khu cư trú của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Chủ đề là "Bản Chất Của Vấn Đề, Bản Chất Của Cuộc Sống," và những người hiện diện bao gồm những người đặc biệt nổi tiếng trên thế giới trong nghiên cứu di truyền, sinh học tiến hóa phức tạp, triết học Phật Giáo, và dĩ nhiên, những nhà vật lý. Có những cuộc gặp gở thông thường giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và nhiều nhóm thần kinh học, tâm lý học, và những triết gia phương Tây từ 1987. Những đối thoại quá khứ đã tạo ra một vài chương trình nghiên cứu khoa học và một số công bố khoa học.
Tôi yêu thích tình bạn thanh thoát của những nhà khoa học, và tôi biết ơn tình cảm tiếu lâm của Steve Chu. Nhà vật lý đeo kính đã cùng lãnh giải Nobel năm 1997. Ông đã tìm ra cách sử dụng tia laser để làm mát khí đốt, làm chậm những nguyên tử lại từ tốc độ 4,000 kilomet một giờ tại phòng có nhiệt độ hai độ C trong cùng thời điểm. Sau đó ông giữ chúng lơ lững trong một loại thiết bị nguyên tử (A magneto-optical trap), với ánh sáng laser biểu hiện chức năng như những gì ông mệnh danh là "optical molasses" (kỷ thuật làm mát bằng tia laser).
Chu rõ ràng rất hào hứng khi ở Dharamsala. Ông đã thêm gia vị vào ý kiến giải thích vấn đề và cuộc sống với Đức Đạt Lai Lạt Ma từ quan điểm của vật lý học. Trước lúc trình bày lý thuyết của ông về những con vịt nhựa, ông đã nhắc lãnh tụ Tây Tạng về cuộc gặp gở lần đầu của họ.
"Thưa Đức Thánh Thiện," Chu nói, "có lẻ ngài nhớ … chúng ta đã gặp nhau sáu năm trước ở Stanford. Chúng ta đã có một cuộc thảo luận với vài người, từ sáng đến buổi cơm trưa. Đó là một sự kiện rất quan trọng trong đời tôi." Câu cuối cùng được nói một cách êm ã và Chu đã chớp mắt vài lần. Sau đó, lấy lại sự điềm tĩnh, ông tiếp tục trong tư thế dựa lưng thường lệ của ông: "Từ lúc đến đây, tôi đã học được những điều tuyệt vời. Có lẻ một ít từ các đồng nghiệp phương Tây của tôi, nhưng hầu hết từ ngài, và từ những tu sĩ Tây Tạng. Tôi hy vọng, trong những ngày tới đây, tôi có thể tiếp tục học thêm nữa."
Sự nghiên cứu và trao đổi như vậy là mục tiêu của những hội nghị Tâm Thức và Đời Sống, như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng vạch ra cho họ. Ngài hy vọng những nhà khoa học có thể mở ra những phương hướng mới của việc khám phá bằng việc nghiên cứu để nhìn vào thực tại từ quan điểm của Đạo Phật. Và ngài nghĩ rằng những Phật tử có thể đem về những thấu hiểu sâu sắc hữu dụng về khoa học hiện đại.
"Sự quan tâm và tiếp xúc gần gũi của tôi với các nhà khoa học - bây giờ đã hơn mười lăm năm," Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng nói với tôi. "Dường như đối với tôi ngày càng có nhiều hơn những nhà khoa học bắt đầu biểu lộ sự quan tâm chân thành trong sự đối thoại với các Phật tử. Tôi cảm thấy điều gì đó hữu dụng, không chỉ thỏa mãn sự quan tâm riêng của tôi. Sự đối thoại giữa những nhà khoa học và các Phật tử có thể hổ trợ để mở rộng tri thức con người. Chúng tôi đã giới thiệu môn khoa học đến một số tu sĩ chọn lọc trong hai, ba năm qua. Tôi cảm thấy cá nhân rằng chúng tôi đã bắt đầu một điều gì đó đúng đắn, điều gì đó lợi ích đối với cộng đồng rộng rãi hơn."
Nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma có một động thái khác cho việc chuyển đổi những cuộc gặp gở giữa các Phật tử và những nhà khoa học, một thứ mà ngài đã thấy như tột bực quan trọng.
"Mọi người muốn một đời sống hạnh phúc - êm đềm hơn, hòa bình hơn, hài lòng hơn," ngài tiếp tục, giải thích sự liên hệ của ngài với những nhà khoa học cho tôi nghe. "Đối với điều này, sự phát triển thế giới nội tại - những cảm xúc, những thứ này - là quan trọng. Tôi không đang nói đến niềm tin tôn giáo. Tôi không đang nói về thiên đàng, giải thoát hay kiếp sống tới. Sự quan tâm của chúng tôi là những con người hạnh phúc hơn, những cộng đồng hạnh phúc hơn. Chúng tôi muốn thúc đẩy những giá trị nhân bản: một cảm nhận quan tâm, một cảm nhận chia sẻ. Kết quả: chúng ta sẽ trở thành cởi mở hơn và quan điểm của chúng ta trở nên rộng rãi hơn. Khi chúng ta gặp phải những vấn nạn, thì những quấy rầy của chúng trong sự hòa bình nội tại sẽ ít nghiêm trọng hơn.
"Tư tưởng cổ đại Ấn Độ đóng góp kiến thức và kỷ năng để chăm sóc đời sống nội tại. Khoa học dĩ nhiên cũng có những trách nhiệm to lớn. Nhưng tôi cảm thấy rằng việc phát triển những giá trị nội tại là quan trọng hơn. Hãy nhìn vào sự kiện 11 tháng Chín ở New York. Nó rõ ràng cho thấy kỷ thuật hiện đại cộng với sự thông minh và được hướng dẫn bởi những cảm xúc tiêu cực chẳng hạn như thù hận, có thể tạo nên thảm họa như thế nào - điều gì đó rất rộng lớn. Thật sự đem đến khổ đau cho nhiều người. Để sử dụng kỷ thuật một cách tích cực hơn, thì hòa bình nội tại là nhân tố quan trọng nhất. Đó là lý do chính để có mối quan hệ gần gũi hơn giữa khoa học hiện đại và tư tưởng nhân bản cổ truyền. Bên cạnh nhau, cách nào đó để thực hiện cống hiến cho một thế giới tốt đẹp hơn."
Tôi đã bị kích thích tò mò khi Steven Chu kể lại cuộc gặp gở Đức Đạt Lai Lạt Ma lần đầu tiên của ông. Rõ ràng đó là một sự kiện nổi bật đối với ông. Khi sự trình bày của nhà vật lý học xong rồi, tôi đã hỏi Chu rằng ông có muốn gặp gở riêng với Đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi không. Ông nói với tôi rằng tư tưởng về một cuộc hội kiến đã không xảy ra trong đầu ông. Ông đã đến Dharamsala chỉ vì một lý do: ông muốn biết Phật Giáo đã nói gì về những phát minh mới nhất của những nhà vật lý. Nhưng bây giờ tôi đề cập ý tưởng, Chu rất thích thú. Vâng, ông ta rất vinh dự để gặp nhà lãnh tụ Tây Tạng.
***
Vào ngày cuối cùng của hội nghị, Steve Chu, vợ ông, Jean, và tôi chen chút nhau trên một chiếc trường kỷ trong phòng tiếp kiến đối diện với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Người Mỹ gốc Hoa ăn mặc giản dị trong chiếc ao sơ mi xanh nhạt và quần màu xám tro. Ông mang một đôi giày tennis sờn - ông được biết như một tay mê chơi quần vợt ở Stanford. Tenzin Geyche, trông uyên thâm và đặc biệt trong áo dài Tây Tạng màu xám, ngồi riêng một bên với chúng tôi.
"Hôm qua, khi ông nói tại hội nghị, ông biểu lộ truyền thống Á châu," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với Chu ngay lập tức. "Khiêm cung. Ông trình bày sự giới hạn của kiến thức ông. Nhưng khi giải thích thì hoàn toàn chuyên môn lão luyện."
"Khi những nhà khoa học chúng tôi giải thích, chúng tôi luôn luôn tự nhắc nhở rằng: đây là điều chúng tôi biết, đây là điều chúng tôi không biết," Chu trả lời.
"Đúng đấy, tôi chú ý những nhà khoa học chân thành … họ là những người quán chiếu không thành kiến," Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ngón tay chỉ vào tôi, "cũng là gốc người Hoa. Gần như là phân nửa Hoa bây giờ." Nụ cười ầm ầm nổi tiếng của ngài vang động cả phòng tiếp kiến. Ngài đùa với cung cách phương Tây của tôi vào mọi lúc có thể.
"Thường thường, khi tôi đến đây để gặp Đức Thánh Thiện, tôi là người Hoa duy nhất trong tất cả những người Tây Tạng. Lần này tôi có sự giúp đở nào đó," tôi nói, vỗ tay trên đầu gối người Mỹ gốc Hoa. "Nhưng có một sự khác biệt: đây là một người Hoa thông minh và người kia đúng là ngớ ngẩn. Tôi hiểu chính xác phần những con vịt nhựa. Nhưng phần còn lại toàn là vật lý với tôi."
Chu mĩm cười lắc đầu.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nhướng về phía trên ghế của ngài, tập trung sự chú ý vào nhà khoa học.
"Ngày hôm kia, một nhà di truyền học nói với chúng ta về trung tâm nghiên cứu của ông ta ở Boston," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. "Sau đó ông đã kể với chúng ta là có ba chi nhánh ở Âu châu, kể cả một ở Bắc Kinh. Cho nên tôi cảm thấy rằng những nhà khoa học thật sự đại diện cho nhân loại. Không ngăn trở gì với chủng tộc, quốc gia, hay tư tưởng. Họ chỉ tiến hành nghiên cứu, bất chấp những thứ khác."
"Đúng đấy, đối với hầu hết những nhà khoa học, bất cứ cách nào," Chu nói.
"Chúng ta cần tinh thần này trong những nhà chính trị, trong những lãnh tụ của thế giới," Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục. "Đôi khi họ tập trung quá nhiều trên những tư tưởng của riêng họ, của quốc gia họ. Thế rồi những vấn nạn không cần thiết xảy đến. Điều đó là kém may mắn. Lấy trường hợp của mối quan hệ Hoa - Tạng. Trong hai nghìn năm, chúng ta đã có những mối quan hệ gần gũi. Đôi khi chiến đấu, giết nhau. Đôi khi là thân hữu. Ngày nay, mọi thứ là khó khăn."
Đức Đạt Lai Lạt Ma thở dài nghe rõ và tiếp tục: "Quan tâm chính của tôi không phải vì chủng tộc và quốc gia Tây Tạng mà thôi. Sự quan tâm chính của tôi là truyền thống Tây Tạng: một sự kết hợp của Phật Giáo, luận lý, và triết lý. Không chỉ là một nền văn hóa cổ điển, nó cũng hoàn toàn tinh vi và liên hệ với thế giới ngày nay - làm thế nào để biết hơn về những cảm xúc, làm thế nào để chuyển hóa những cảm xúc của chúng ta. Tôi cảm thấy rằng việc bảo tồn tinh thần Tây Tạng không chỉ liên quan đến sáu triệu người Tây Tạng, nó là cho một cộng đồng rộng lớn hơn. Một cách đặc biệt cho những người anh chị em Trung Hoa của chúng ta. Họ đã đánh mất quá nhiều di sản phong phú của họ. Truyền thống Phật Giáo Tây Tạng có thể đóng góp; sự bảo tồn của nó là một lợi ích hổ tương."
"Chu giáo sư," tôi chen vào, "ông có những sự liên kết mạnh mẽ với cộng đồng học thuật ở Trung Hoa. Ông cảm thấy người Trung Hoa nghĩ gì về Tây Tạng?"
"Hầu hết mọi người có tin tức về Tây Tạng từ những nguồn kiểm soát của nhà nước," Chu trả lời. "Họ nói, à, chúng ta phải cẩn thận: Đạt Lai Lạt Ma rất xảo quyệt. Không phải những giáo sư, nhưng chắc chắn là những người trẻ. Nhưng mọi thứ đang thay đổi. Nhà nước đang trở nên khó kiểm soát hơn về truyền thông, đặc biệt là mạng internet. Họ đã cố gắng, thật sự đã cố gắng để loại bỏ Google. Trong một vài tuần nhà cầm quyền quản lý trực tiếp tất cả những sự tìm kiếm qua máy điều tra của nhà nước. Nhưng cuối cùng nó thất bại. Rất nhiều người biết làm thế nào để qua mặt nó."
"Cũng thế, ngày càng nhiều người Hoa du lịch qua Tây Tạng," Đức Đạt Lai Lạt Ma thêm vào. "Trước đây thuần là du lịch. Ngày nay, nhiều người trong họ đến Tây Tạng như những người hành hương. Mới đây, tôi đã nghe rằng những tu sĩ Tây Tạng ở Lhasa kiếm được sáu nghìn đồng yuan một năm. Tương đương…"
"Khoảng tám trăm đô la Mỹ," tôi nói vào.
"Không, không, không, …, tôi muốn nói …" Đức Đạt Lai Lạt Ma rõ ràng thất vọng khi ngài không thể nói rõ vấn đề. Ngài quay sang Tenzin Geyche và nói với ông ta bằng Tạng ngữ.
"Đức Thánh Thiện nói rằng sự cúng dường cho tu sĩ gần bằng …" Geyche bắt đầu.
"Không, không, không," Đức Đạt Lai Lạt Ma cắt ngang. Ngài cuối cùng tìm thấy những chữ để diễn tả ý của ngài một cách thích đáng. "Số tiền mà tu sĩ nhận được mỗi năm từ khách du lịch Trung Hoa gần bằng tiền lương cán bộ đảng làm việc cho chính quyền. Tiền thu nhập của họ không đến từ người Tây Tạng, do thế, nhưng một cách chính yếu đến từ khách hành hương Trung Hoa. Thế nên, mặc dù hoàn cảnh của Tây Tạng là khó khăn, rất nhiều sự đàn áp, nhưng họ đang kiếm được tiền từ những người Trung Hoa." Ngài bùng cười một cách vang động.
Jean Chu dường như bị mê hoặc bởi sự biểu lộ vui vẻ không kềm chế của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tenzin Geyche, thường thường là một kiểu mẫu của sự đè nén, nhưng cũng có một nụ cười thoải mái đầy cả khuôn mặt.
"Đây là những dấu hiệu tích cực," Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục. "Một số lạt ma Tây Tạng bây giờ giảng dạy cho nhiều người Hoa. Một lạt ma ở đông Tây Tạng đã truyền giới cho hàng trăm người Hoa. Đây là những biểu hiện rõ ràng rằng nhiều người Hoa đã cho thấy một sự thích thú chân thành với văn hóa Tây Tạng. Tuy thế, chúng tôi cần kết bạn với nhiều người Hoa hơn. Tốt nhất là những người Mỹ, Canada gốc Hoa.
Chu trông có vẻ trầm ngâm. "Tôi đi Trung Hoa có lẻ mỗi năm một lần hiện nay, và tôi thấy ngày càng nhiều người muốn thảo luận những vấn đề thật sự," ông nói. "Trong một nhóm riêng tư như thế này, họ chắc chắn sẽ nói về những gì chính quyền đang làm. Tôi chắc chắn có thể tham dự một cuộc thảo luận về Tây Tạng…" Ông ngập ngừng, sau đó nhấn mạnh. "Và tôi nói tại sao chúng ta đã không có sự thảo luận này. Nhưng không chỉ về văn hóa Tây Tạng. Nó là Pháp Luân Công, bất cứ vấn đề tâm linh nào."
"Đúng đấy, đúng đấy," Đức Đạt Lai Lạt Ma đồng ý.
Không ai nói trong một lúc. Có một sự im lặng tình bạn trong phòng. Sau đó tôi nhớ rằng có một điều gì đó tôi muốn hỏi Chu.
"Ngày hôm qua trong sự trình bày của ông, ông đã nói rằng trong lần đầu ông gặp Đức Thánh Thiện ở Stanford, là một thời khắc rất quan trọng trong đời ông. Tại sao?"
Chu hướng trực tiếp câu trả lời của ông đến Đức Đạt Lai Lạt Ma. "Đó là lần tiếp xúc đầu tiên của tôi đối với ngài. Trước cuộc gặp gở, tôi đã đọc tiểu sử của ngài. Tôi thật sự không biết tiên liệu gì. Như một nhà khoa học, tôi hơi nghi ngờ. À, chúng ta sẽ thấy, tôi nghĩ. Và rồi … Cung cách ngài xử sự. Ngài đã mĩm cười lập tức. Nó gây ấn tượng cho tôi rằng đúng thật, một điều gì đó tôi đã nghe về ngài. Tôi đã thấy ngài như một người rất ấm áp, một người rất tế nhị, một người nào đó thật sự thích người khác, ngay cả những người ngài không biết. Tôi ngay lập tức thấy điều đó tại cuộc gặp gở. Sự kiện là ngài có thể tỏa ra những điều như thế trong một thời gian thật ngắn ngủi đã có tác động sâu sắc đến tôi."
Chu dừng lại. "Tôi có một sinh viên chưa tốt nghiệp làm việc trong phòng thí nghiệm của tôi," ông tiếp. "Rất thông minh, lớn lên ở Hồng Công. Tôi nói với anh ta, 'tôi sẽ đi thăm Đức Đạt Lai Lạt Ma.' Anh ta hơi hào hứng, và nói Đức Đạt Lai Lạt Ma chắc chắn là một nhà chính trị tiềm tàng."
"Tôi đã nói với anh ta, 'tôi đã gặp những nhà chính trị, họ hành động rất khác biệt,' " Chu tiếp tục. "Sinh viên nói, 'Nhưng ngài là nguyên thủ của một nước.' 'Vâng' tôi trả lời, 'ngài là nguyên thủ của một nước, nhưng tôi không nghĩ ngài là một chính trị gia.' "
Đức Đạt Lai Lạt Ma thay đổi vị trí cho đến khi ngài ngồi trên cạnh của chiếc ghế ngài. Khom người về phía trước, với hai cánh tay ngài để thoải mái trên đầu gối ngài, ngài nhìn vào khoảng không khi ngài bắt đầu vào một giai thoại.
"Nhiều năm trước," ngài nói, "Tôi đã gặp người Trung Hoa này. Ông nghiên cứu Phật Giáo Trung Hoa, Khổng Giáo. Ông làm việc ở Mỹ. Bạn ông, thương gia người Hoa ở New York, nói với ông, Đức Đạt Lai Lạt Ma không phải là một người tôn giáo; ngài chủ yếu là một chính trị gia. Những lạt ma Tây Tạng khác, có những đạo sư tâm linh chân thật ở đấy. Nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma không phải là một trong những vị ấy.' Cho nên ông miễn cưỡng đến tham dự khóa giảng dạy của tôi. Nhưng vì sự tò mò mà ông ấy đến. Sau đó ông ấy đề cập: Đức Đạt Lai Lạt Ma hoàn toàn trung thực, hoàn toàn từ bi. Ông ấy tìm thấy thêm những điều về tôi, và ông thẩm tra thái độ của tôi một cách sâu sát. Cuối cùng, ông ta đã trở thành một người bạn tâm linh gần gũi của tôi. Ông ta gọi tôi là thầy; trong thực tế, ông ta được tôi truyền giới. Do thế không phải chỉ những người Cộng Sản mà công cộng phổ thông cũng có những ý tưởng sai lầm. Vì tôi có trách nhiệm đối với Tây Tạng, truyền thông đã tạo ra ấn tượng rằng Đạt Lai Lạt Ma không phải là một tu sĩ giản dị, mà ông ta chủ yếu là một chính trị gia."
Ngài tạm dừng cho hiệu quả. Sau đó ngài nói, "Hy vọng, là một chính trị gia gạo cội.''
Sau khi cơn cười dịu xuống, Đức Đạt Lai Lạt Ma hướng về Jean Chu, đang ngồi một cách lặng lẽ. "Bà có điều gì để nói chứ?"
"Chúng tôi đã thăm làng trẻ em Tây Tạng tối qua," bà nói, "và việc ấn tượng tôi là ngài xoay sở thế nào để giữ gìn văn hóa Tây Tạng ở Dharamsala này. Ngài đã phải rời quê hương nhưng vẫn tìm cách duy trì được bản sắc của ngài. Tôi nghĩ đó là một kiểu mẫu phi thường cho những người khác."
Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu trả lời, nhưng đổi ý, và nói với Tenzin Geyche bằng Tạng ngữ.
"Sự bình luận của bà là một động viên rất lớn," Geyche thông dịch.
"Vâng," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. ''Ngay từ buổi đầu bốn mươi năm trước, quan tâm chính của chúng tôi là bảo tồn văn hóa Tây Tạng - thiết lập trường học, làng trẻ em, những thứ này. Chúng tôi đã tạo những khu vực Tây Tạng riêng rẻ ở Nam Ấn. Cũng cùng nguyên tắc là bảo tồn văn hóa Tây Tạng. Bây giờ, tôi tự hào để nói, truyền thống Tây Tạng thuần khiết, tri thức Phật Giáo thuần khiết, đã sẳn sàng ở bên ngoài Tây Tạng."
"Điều kỳ diệu mà chúng tôi đã học về Phật Giáo ở đây là nó rất cởi mở,'' Jean thêm vào. "Nó có năng lực để chấp nhận một loại tư tưởng khác, để kết hợp vào xã hội của ngài, vì thế nó thể được làm giàu thêm."
"Cảm ơn," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. "Đó là tại sao mỗi người trẻ Tây Tạng bây giờ ở Ấn Độ, xu hướng duy nhất của chúng là: đi Mỹ."
Ngài có một tràng cười vở bụng khác. Rồi thì đã đến lúc chúng tôi phải đi lên đồi trở lại hội nghị Tâm Thức và Đời Sống.
*
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với tôi rằng Sarnath là một nơi ở Ấn Độ đã làm ngài phải rất xúc động. Ngài đã ở đây để hành hương rất sớm sau khi đào thoát khỏi Tây Tạng năm 1959. Một đám đông khoảng 2,000 người Tây Tạng thiếu thốn, đã vượt Hy Mã Lạp Sơn để lưu vong vài tuần trước, đã chờ đợi ngài phía trước đại tháp. Họ ở tình cảnh tệ hại: hầu hết đã mất người thân trên đường, một số tê cóng vì băng giá. Với chỉ áo quần trên lưng họ và vài món đồ gia truyền góp nhặt vội vã, họ đã đến trên những cánh đồng ướt át của Sarnath và dựng nên những lều trạm tạm thời để sinh sống.
Đức Đạt Lai Lạt Ma bước ra khỏi chiếc xe đại sứ bọc thép trắng và cất bước hướng đến một khán đài tạm cạnh tháp Sarnath (tháp Chuyển Pháp Luân ở Lộc Uyển). Có khoảng vài trăm khách hành hương và tu sĩ đã tập họp, đang chờ đợi ngài thuyết giảng. Đấy là tháng Giêng, và lãnh tụ Tây Tạng tiến hành một cuộc hành hương hiếm hoi đến những Phật tích thiêng liêng nhất ở Ấn Độ. Sarnath là nơi dừng chân đầu tiên, hơn hai mươi lạt ma cao cấp trong bộ y áo màu đỏ quen thuộc, cầm một bó nhang trong tay, xếp hàng trên lối đi chào đón ngài.
Tôi chú ý vì tư thế kỳ lạ của Đức Đạt Lai Lạt Ma - ngài cúi gặp cả nửa người xuống và bước đến họ. Giống như nhiều tu sĩ Tây Tạng khác, ngài khoanh tròn đôi vai nghiêng mình ra phía trước để bày tỏ lòng biết ơn, một sự khom mình xuống - một ngôn ngữ thân thể tiềm tàng khiêm hạ thân mật, là điều, nhiều lần, quen thuộc thành một tình trạng thường trực. Đức Đạt Lai Lạt Ma chào đón các vị lạt ma, những bậc nổi tiếng nhất trong ngôi nhà Phật Giáo Tây Tạng, với tình thân thiết nồng ấm và ung dung. Những vị trưởng lão đạo sư tâm linh này thi đua một cách không nao núng để xem ai có thể cúi chào thấp nhất.
Khi ngài đến bên chiếc ngai chạm cúc vạn thọ vàng trên khán đài, lãnh tụ Tây Tạng dừng lại là nhìn chăm chú vào tượng đài mười tầng, một kiến trúc trông bất thường tựa hồ như một tên lửa Sô Viết hai tầng khổng lồ - ngoại trừ đỉnh của nó thì bằng phẳng thay vì thon nhọn. Được xây dựng hai thế kỷ trước, và phải vật lộn bởi những cơn mưa mỗi mùa hè, nhưng hơi kỳ diệu là cấu trúc ấy vẫn đứng vững. Nó được bao phủ hoàn toàn trong giàn giáo bằng tre, chuẩn bị cho một sự tu bổ lớn. Trong những thanh ngang dưới thấp buộc nhiều khăn choàng cúng dường trắng.
Ngôi tháp đánh dấu nơi Đức Phật đã thuyết pháp lần đầu tiên, ngay lập tức sau khi Ngài thành tựu Giác Ngộ dưới cây bồ đề ở Đạo tràng Giác Ngộ. Đối với nhiều Phật tích, Sarnath đồng nghĩa với sự khai sinh của Phật Giáo. Trong 1,500 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, Phật Giáo đã rộ nở ở Ấn Độ cho đến khi người Hồi Giáo xâm lược. Tuy nhiên, trong ba mươi năm qua, Sarnath một lần nữa trở thành một trung tâm của tư tưởng Phật Giáo. Hàng chục đền chùa và tu viện, đại diện cho mỗi chi phái của Phật Giáo đã được xây dựng, và các Phật tử đã quy tụ đến đây trong mùa hành hương.
Khi vị Đạt Lai Lạt Ma hai mươi bốn tuổi thấy đám đông, ngài nhủn người ra và quẹt nước mắt liên tục. Mọi thứ ngài đã trải nghiệm trong vài tháng huyên náo đó - sự gia tăng áp lực của Trung Cộng ở Lhasa, sự đào thoát khốn khổ qua rặng Hy Mã Lạp Sơn, việc cuối cùng nhận ra rằng ngài đã trở thành một người tị nạn - tất cả đã kết tụ lại trong giây phút ấy. Những cảm xúc mâu thuẩn ấy ngài đã từng kềm chế vở òa. Và ngài đã lau nước mắt như ngài chưa từng lau bao giờ trước đây.
***
Cuộc gặp chưa từng có lần đầu tiên của tôi với Đức Đạt Lai Lạt Ma xảy ra vào tháng Ba năm 1972. Tôi vẫn nhớ mình đã nhận thức thế nào trong sự kiện ấy. Tôi đã không biết nhiều về mối quan hệ Hoa - Tạng, nhưng tôi biết một việc: người Trung Cộng đã giết rất nhiều người Tây Tạng trong sự xâm chiếm đất nước của họ. Tôi đã băn khoăn về phản ứng của lãnh tụ Tây Tạng đối với tôi. Xét cho cùng, tôi đã là người Trung Hoa đầu tiên ngồi đối diện với ngài kể từ khi ngài lưu vong một thập niên trước đây.
"Như ngài có thể nhớ," tôi nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma trong một cuộc phỏng vấn mới đây ở Dharamsala, "trong lần yết kiến ngài lần đầu năm 1972, câu hỏi nẩy ra trong đầu tôi trước tiên nhất là ngài có thù ghét người Trung Hoa không. Ngài đã nói với tôi rằng ngài không thù ghét người Trung Hoa, ngài nói với tôi rằng ngài thật sự tha thứ họ. Đức Thánh Thiện, điều này chỉ mười ba năm sau khi ngài mất quê hương của ngài, tôi đã rất ngạc nhiên với sự cao thượng của ngài."
"Đó là sự rèn luyện của Phật Giáo," Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời. "Không là điều gì đặc biệt trong trường hợp của tôi. Một số lớn hành giả Tây Tạng cũng có một loại thái độ tương tự. Tha thứ và từ bi là những bộ phận quan trọng trong sự tu tập."
"Ngài nghĩ gì về người Hoa hiện nay?"
"Tôi nghĩ rằng ông đã chú ý những cảm giác của tôi đối với người Hoa trong việc thuyết giảng ở đây cũng như ở Đài Loan," Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời. "Cho dù là những nhà tôn giáo, người bình thường, viên chức Đài Loan, ngay cả cảnh vệ Đài Loan, tôi rất thân hữu. Sự đáp ứng thân hữu này, có lẻ bởi vì tôi đã nói tiếng Hoa vở lòng từ lúc ấu thơ ở vùng đông bắc Tây Tạng. Vì vậy đó là thực tế. Nếu người Hoa biểu lộ tình bạn chân thành, thế thì sự đáp ứng của tôi sẽ rất tự động - do bởi nhân tố này. Nhưng thế nào đi nữa, bất cứ nơi đâu tôi đến, bất cứ khi nào tôi gặp, cho dù người Mỹ Phi châu hay Ấn Độ hay Trung Hoa hay Âu châu, không khác biệt nhiều, tôi nghĩ thế."
Tôi không nói thế, nhưng tôi không nghĩ nó hoàn toàn đúng. Tôi nghĩ Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn luôn biểu lộ cung cách ngài để liên kết với người Trung Hoa, đặc biệt với những người từ Hoa Lục. Trong những cuộc gặp gở như vậy ngài rất thành công và rất thường người ta ngập tràn cảm xúc với ngài. Tôi nhớ lại cuộc gặp gở với Wang Lixiong một tác giả nổi tiếng Trung Hoa, ở thủ đô Hoa Sinh Tân, Hoa kỳ. Wang là người Hoa đầu tiên viết về hiện trạng của Tây Tạng một cách am hiểu tường tận và không thiên vị.
Đức Đạt Lai Lạt Ma và Wang bên nhau là bất thường. Thay vì gặp gở Wang ở phòng khách khách sạn của ngài như ngài thường làm, thì Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chờ đợi tác giả người Hoa ở thang máy, bên cạnh những bảo vệ và phụ tá lớn tuổi của ngài. Đây là một biểu lộ tôn trọng mà ngài không thường làm đến nhiều người lắm - tối thiểu là tôi đã thấy như vậy. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chào mừng Wang một cách nồng nhiệt bằng tiếng Hoa: "Nị hào." Sau đó ngài đã nắm tay và đưa Wang đến phòng khách. Họ ngồi trên một ghế dài bên cạnh một piano Steinway màu đen, đối diện với nhau trong im lặng: tu sĩ y áo màu đỏ sậm và văn sĩ trong áo khoác Trung Hoa màu xanh đậm. Đột nhiên Đức Đạt Lai Lạt Ma chồm tới và kéo Wang đến gần ngài. Ngài chạm trán của ngài với Wang một cách đậm đà trong mười, hai mươi giây. Khi họ rời ra, Wang có thể thấy đôi mắt đẩm lệ của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sau này Wang đã viết trong một quyển sách thuật lại những đối thoại của hai người: "Có lẻ ngài đã xem tôi như đại diện cho người Hoa đã sống trên vùng đất cận kề người Tây Tạng. Mặc dù ngài đã gặp vài người Hoa trước đây, nhưng hầu hết những người ấy đã di cư lâu đời và không còn thân nhân hay gốc gác ở Trung Hoa."
"Bây giờ, về câu hỏi tại sao cảm giác của tôi là ấm cúng đối với người Trung Hoa," Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục với luồng tư tưởng của ngài. "Toàn bộ cảm nhận, suy nghĩ của tôi, là từ quan niệm liên hệ hổ tương. Thí dụ, trong khi ở Đài Loan, tôi đã gặp những lãnh tụ của Dân Tiến Đảng, đảng đang cầm quyền ở Đài Loan. Tôi đã nói với họ, quan tâm đến Tây Tạng, tôi không tìm sự độc lập. Và tôi nói với họ là Đài Loan cũng phải suy nghĩ một cách cẩn thận về mối quan hệ với Hoa Lục. Đài Loan cần một mối quan hệ đặc biệt, hiếm có gần gũi với Đại lục, vì những lý do kinh tế, cũng như quốc phòng, những thứ như thế. Vì toàn bộ thế giới liên hệ hổ tương một cách sâu đậm. Kinh tế, môi trường của Tây Tạng lệ thuộc một cách nặng nề với Trung Hoa. Người Hoa sẽ làm cho Tây Tạng phồn vinh và lợi lạc hơn - nếu chúng tôi là một bộ phận của Trung Hoa. Nếu chúng tôi tách rời ra, về lâu dài, người Tây Tạng có thể đối diện với khó khăn hơn.
"Sự tiếp cận trung đạo của tôi: không tách rời khỏi Trung Hoa ràng buộc một cách kinh tế với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Trong khi, toàn bộ chính quyền là tự trị của một khu tự trị đầy đủ ý nghĩa. Văn hóa, giáo dục, môi trường, tâm linh: những thứ này những người Tây Tạng chúng tôi có thể quản lý tốt đẹp hơn. Tôi chắc chắn hoàn toàn rằng những truyền thống của Tây Tạng, tâm linh của người Tây Tạng, có thể hổ trợ cho hàng triệu người Trung Hoa. Đã có một cố nghệ nhân, và tư tưởng gia Trung Hoa đang biểu lộ sự quan tâm thích thú với Tây Tạng, trong Phật Giáo Tây Tạng. Cho nên Trung Hoa và Tây Tạng. Không rời nhau. Hổ trợ nhau, liên hệ hổ tương."
Giống như rất nhiều trong những vấn đề mà ngài quan tâm một cách sâu sắc đến, chính sách Hoa - Tạng của ngài được hướng dẫn bởi quan điểm Phật Giáo của ngài về mối quan hệ nhân duyên hổ tương của mọi thứ - tuệ giác mà ngài đã tiếp thu giống như tấm vải thấm đẫm dầu, vào độ cuối những năm hai mươi tuổi của ngài.
Đối với ngài, thực tại của cuộc sống giống như tấm lưới Đế Thích của huyền thoại cổ xưa. Vũ trụ nhìn lên như một mạng lưới khổng lồ được dệt bằng vô số những thành phần của các sợi chỉ. Một viên kim cương được gắn vào ở mỗi mối chỉ. Bất cứ viên kim cương nào, với vô số mặt của nó, phản chiếu toàn vẹn tất cả những viên kim cương khác - giống như một sự sắp xếp của những tòa nhà với vô số chiếc gương - mỗi tấm gương có mối quan hệ không thể nói được với tất cả những tấm gương khác. Quấy rầy trong một khu vực của mạng lưới là kích động một hệ quả sóng lan tỏa mà nó tác động, một cách vi tế, trên những bộ phận khác. Nó giống như Hiệu Ứng Bươm Bướm[1]. Một con bướm vỗ cánh ở Bắc Kinh có thể làm thay đổi áp suất rất nhỏ, mà theo thời gian có thể tác động đến những mô thức khí hậu ở Vancouver.
Ở trình độ con người, các con gái của tôi sẽ không ngủ an toàn trên giường nếu những đứa trẻ ở Kabul hay Baghdad không an toàn trên giường của chúng. Đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma, thực tại của đời sống là một tổng thể hợp nhất: mọi thứ liên hệ với nhau, và không thứ gì tồn tại một cách độc lập. Có một châm ngôn nổi tiếng của Tây Tạng: tất cả chúng sanh từng là mẹ của chúng ta trong một thời điểm nào đó, cũng giống như chúng ta cũng từng là mẹ của họ trong một thời điểm nào đó. Nó động viên chúng ta hành động cật lực trong sự tự kiểm soát và để trau dồi việc quan tâm vì lợi ích của người khác. Tôi hiểu thấu ý tưởng này một cách trực giác, nhưng vẫn tự thấy chật vật với một sự thông hiểu sâu xa hơn.
Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục: "Trong trường hợp của riêng tôi, ở Tây Tạng, tất cả sự tàn phá, chết chóc này, đều xảy ra. Những kinh nghiệm đau thương. Nhưng trả thù … điều này tạo thêm những sự bất hạnh. Cho nên, hãy suy nghĩ rộng rãi hơn nhận thức: trả thù không tốt, cho nên tha thứ. Tha thứ không có nghĩa là chỉ quên quá khứ đi. Không, ông nhớ quá khứ. Nên cảnh giác rằng những khổ đau quá khứ xảy ra do bởi tư tưởng hẹp hòi của cả đôi bên. Vì thế bây giờ, thời gian đã qua rồi. Chúng ta cảm thấy thông tuệ hơn, phát triển hơn. Tôi nghĩ đó là cách duy nhất."
"Ngài nuôi dưỡng sự tha thứ như thế nào?" tôi hỏi.
"Thứ nhất, theo kinh nghiệm của riêng tôi, tôi nghĩ về người khác, kể cả những người được gọi là kẻ thù của tôi. Những người này cũng là những con người. Họ cũng có quyền để đạt hạnh phúc và tránh khổ đau. Tươi mát, mĩm cười, mọi người đều thích. Tội ác, chém giết, không ai thích. Rồi thứ hai. Tương lai của tôi liên hệ với họ, sự quan tâm của tôi liên hệ với sự quan tâm của họ. Thí dụ, đất nước tôi, dân tộc tôi liên hệ rất nhiều với người Trung Hoa. Tương lai của chúng tôi lệ thuộc vào họ rất nhiều. Săn sóc họ rốt cùng là săn sóc cho chính chúng tôi."
"Nhưng người Trung Hoa ảnh hưởng đến ngài một cách cá nhân như thế nào?" tôi hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma. "Có lẻ có những thảm họa cá nhân liên quan đến ngài một cách trực tiếp do bởi sự xâm lược của Trung Cộng?"
"Cá nhân không nhiều. Nhưng khi tôi nghe, thí dụ, từ một người Tây Tạng bị giam trong nhà tù Trung Cộng. Ông ấy vẫn còn sống, bây giờ đang ở Nepal. Ông ta kể trong tù của ông ta, có một cậu bé Tây Tạng." Đức Đạt Lai Lạt Ma thay đổi chỗ của ngài trong chiếc ghế bành thoải mái của ngài và bây giờ ngồi sát một bên, hai tay ngài nắm chặc tay vịn.
"Cậu bé mười sáu tuổi lúc ấy; theo hiến pháp Trung Cộng, chưa đến tuổi bị trừng phạt. Nhưng cậu ấy ở trong tù và sắp bị xử tử bởi vì cha cậu ta chiến đấu chống lại người Trung Cộng. Một ngày nọ các binh sĩ Trung Cộng mang súng đến. Một sĩ quan thấy một thanh sắt, cầm nó lên, và đánh cậu bé mà ba cậu đã giết mấy sĩ quan. Để trả thù, để tự thỏa mãn, viên sĩ quan đánh cậu bé, mà nó sẽ chết trong bất cứ trường hợp nào, với thanh sắt ấy. Khi tôi nghe chuyện ấy …" Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa tay lên mắt ngài. "Nước mắt tôi đã tuôn ra."
Tôi bị tác động bởi câu chuyện bi thảm ấy, những việc kinh khủng mà những người đàn ông có thể làm đối với một người trẻ và vô tội. Nhưng cảm xúc tràn ngập tôi lúc ấy là xấu hổ. Tôi cảm thấy ghê tởm, và tôi cảm thấy tội lỗi - bởi sự liên hệ. Giống như một số người Hoa khác mà tôi biết, tôi có thói quen đồng nhất hóa với thái độ của dân tộc Trung Hoa, bất chấp họ sống ở đâu. Khi ở Vancouver tôi đọc thấy rằng một nhà hàng Trung Hoa ở Thượng Hải phục vụ thịt chó cho khách hàng của họ, tôi đã khép mình xuống một cách vô tình.
"Câu chuyện cậu bé Tây Tạng đã tác động đến cái nhìn của ngài đối với người Trung Hoa thế nào? Khái niệm liên hệ hổ tương đối với điều này thế nào?" tôi hỏi sau khi dừng lại một chút.
"Đầu tiên, tôi giận dữ, sau đó tôi cảm thấy đáng tiếc cho người sĩ quan," Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời. "Hành động của viên sĩ quan do bởi động cơ của ông ta, động cơ của ông ta do bởi tuyên truyền. Do bởi tuyên truyền, người cha phản cách mạng được xem như xấu ác. Loại trừ xấu ác là điều gì đó tích cực. Loại đức tin ấy - đức tin sai lạc. Ông không thể đổ tội cho người ấy. Dưới những hoàn cảnh như thế đó, ngay cả chính tôi cũng có thể hành động như vậy. Cho nên, suy nghĩ thế ấy, thay vì sân hận, thì tha thứ và bi mẫn hiện hữu. Sự liên hệ hổ tương cho ông một bức tranh tổng thể: điều này xảy ra vì điều nọ, và điều nọ xảy ra vì điều này. Rõ ràng chứ?"
Đức Đạt Lai Lạt Ma có năng lực kỳ lạ này để tự đặt mình trong hoàn cảnh của kẻ khác. Một cách đặc biệt nếu người đó là kẻ thù của ngài. Như ngài đã nói với tôi trước đây, là ngài xem những kẻ thù của ngài là những vị thầy đáng giá nhất của ngài. Ngài thương và mến bạn bè của ngài. Nhưng ngài tin rằng chính kẻ thù của chúng ta là những kẻ có thể thật sự cung ứng cho chúng ta sự thử thách mà chúng ta cần để trau dồi những phẩm chất như tha thứ và từ bi. Tha thứ và từ bi, hóa ra, là những thành phần thiết yếu cho sự hòa bình của tâm hồn.
"Tinh hoa của Phật Giáo: một phía là từ bi, một phía là quan điểm liên hệ hổ tương hay nhân duyên," Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục. "Và tôi luôn luôn nói với mọi người, thật rất quan trọng để phân biệt: người hành động và hành động. Chúng ta phải chống lại với hành động xấu ác. Nhưng không có nghĩa là chúng ta chống lại người đó, kẻ hành động. Một khi hành động dừng lại, hành động khác đến, thế thì người đó có thể là bạn. Đó là tại sao hôm nay người Trung Cộng là kẻ thù, ngày kế, luôn luôn có khả năng trở thành bạn. Và đó là tại sao tôi tha thứ người Trung Cộng không hề gì cho những gì họ đã làm đối với đất nước và dân tộc tôi."
Đức Đạt Lai Lạt Ma thư giản, ngả lưng vào chiếc ghế của ngài. Sau đó ngài tự nói: "Nhưng nếu tôi ở tại hiện trường và gặp người lính Trung Cộng, viên sĩ quan đánh cậu bé … Nếu tôi ở đó, và tôi có súng, thì tôi không biết." Ngài đưa cánh tay phải từ tư thế thư giản vào bụng ngài, những ngón tay cầm một cây súng tưởng tượng. Một nụ cười mĩm tinh nghịch lóe lên trên đôi môi ngài.
"Một thời khắc như vậy, tôi có thể bắn người Trung Cộng," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, nhún đôi vai ngài. Ngài đưa hai tay lên và giang rộng chúng ra. Sau đó ngài bắt đầu chắc lưỡi.
Tôi không chia sẻ với nụ cười. Tôi phải tưởng tượng kịch bản một hơi không kịp nghĩ. Tôi hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma: "Ngay cả với sự tu tập Phật Giáo của ngài?"
"Có thể. Dưới những hoàn cảnh căng thẳng như vậy, có thể lắm chứ. Đôi khi, suy nghĩ xảy ra sau. Hành động đến trước."
Ẩn Tâm Lộ, Saturday, November 21, 2015
[1] Hiệu ứng cánh bướm (tiếng Anh: Butterfly effect) là một cụm từ dùng để mô tả khái niệm trong lý thuyết hỗn loạn về độ nhạy cảm của hệ đối với điều kiện gốc (sensitivity on initial conditions). Vốn được sử dụng ban đầu như một khái niệm khoa học đơn thuần, hiệu ứng cánh bướm sau đó đã được nhắc đến nhiều lần trong văn hóa đương đại, đặc biệt là trong các tác phẩm có đề cập tới quan hệ nhân quả hoặc nghịch lý thời gian.
Ánh sáng buổi trưa chiếu ấm áp và dễ chịu trên những tàn tích của Đại Học Na Lan Đà cổ xưa. Đức Đạt Lai Lạt Ma và một đoàn tùy tùng khoảng một trăm tu sĩ ngồi và trì tụng kinh chú trên bãi cỏ đối diện trực tiếp với phần còn lại của ngôi tháp cao chín mươi bộ. Tất cả đã đến đây sau khi dừng chân ở Sarnath, trong một cuộc hành hiếm hoi để tỏ lòng tôn kính đến những Phật tử ưu việt Ấn Độ, những người đã học và dạy tại Na Lan Đà. Lãnh tụ Tây Tạng đã không đến đây trong hơn hai thập niên.
Một con chó trắng xuất hiện không biết từ đâu và đi thong thả đến gần hội chúng tu sĩ. Nó chọn một nơi cạnh với họ và ngồi xuống, đầu nó vễnh lên hướng một cách chế giễu về Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sau khi ngồi đó một lúc, nó dường như điều chỉnh đi vào trong những điệu tán tụng trầm bổng sâu lắng rồi nằm xuống và ngủ.
Tôi bước đến ngôi tháp gạch đỏ, phế tích nghìn năm tuổi ấn tượng giống như một cầu thang khổng lồ đứng trơ trọi. Trèo lên trên những bức tường nửa vời, tôi nhanh chóng đến một điện thờ nhỏ không mái. Trong khoảng lõm của một bức tường là phù điêu của một bổn tôn. Một hình tượng điêu khắc tinh xảo, xinh xắn và thanh lịch, ở trong tình trạng nguyên sơ. Mông và vai của bổn tôn khớp với nhau trong những phương hướng tương phản với cử động gợi ý. Khuôn mặt hình trái tim, một nụ cười mĩm trên đôi môi. Có một cảm giác xúc chạm được với niềm an bình nội tại. Tôi đứng ở đấy, sửng sờ, như đang nghe những lời kinh kệ Tây Tạng nhẹ nhàng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma rất tỉnh giác với món nợ lớn của Phật Giáo Tây Tạng đối với những đạo sư Ấn Độ, những vị đã sống và dạy ở Na Lan Đà từ thế kỷ thứ hai đến thứ chín Tây lịch - một Kỷ Nguyên Vàng Son của tư tưởng Ấn Độ. Na Lan Đà đã là một đại học lớn nhất và nổi tiếng nhất của Ấn Độ cổ xưa. Những vị vua Phật tử Gupta và Pala là những người bảo trợ tận tâm. Trong một nghìn năm Na Lan Đà, huy hoàng như Harvard, đã hấp dẫn những người ưu tú nhất và rực sáng nhất khắp Á châu. Vào đỉnh điểm, nó có hơn 10,000 sinh viên và một đội ngũ giảng viên đến 1,500 vị. Vào cuối thế kỷ mười hai, những đội quân Hồi Giáo đã quét sạch Na Lan Đà. Những tu sĩ bị giết hại, và những thư viện của nó, với những văn bản viết tay phong phú choáng ngợp bị đốt cháy.
Theo Đức Đạt Lai Lạt Ma, không có những học giả và những hành giả của Na Lan Đà, thì sẽ không có Phật Giáo Tây Tạng như chúng ta biết ngày hôm nay. "Mỗi văn bản quan trọng mà chúng tôi học bằng trái tim, những văn bản này được sáng tác bởi các đạo sư Na Lan Đà," Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng giải thích cho tôi nghe. "Cho nên tên tuổi của các đạo sư này, đặc biệt là Long Thọ, vị đạo sư thế kỷ thứ hai, rất gần gũi trong tâm thức chúng tôi. Họ là điều gì đó rất thật. Chúng tôi thực tập theo những luận điển của họ."
Soạn thảo công phu trong tuệ giác của Đức Phật, Long Thọ mở rộng một lý thuyết về thực tại đặt nền tảng trong ý tưởng của mối liên hệ nhân duyên hổ tương của tất cả mọi thứ. Đức Đạt Lai Lạt Ma, qua nhiều thập niên, hấp thu những tinh hoa của khái niệm này một cách hoàn hảo. Những điều kiện liên hệ nhân duyên hổ tương cả trong cách ngài hành động và cung cách ngài nhìn vào cuộc đời.
***
Liên hệ nhân duyên hổ tương không là một trong những ý tưởng dễ dàng để thông hiểu. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã sử dụng cái nhìn của ngài về sự cùng tồn tại hòa bình với Trung Hoa để giải thích nó cho tôi. Bây giờ tôi cùng đồng hành với ngài đến Na Lan Đà để bày tỏ lòng tôn kính đến Long Thọ, cho nên tôi muốn ngài chi tiết hóa khái niệm ấy. Như thường lệ, Lhakdor, vị tu sĩ thông dịch, đã cùng với chúng tôi.
Trước khi bắt đầu, Đức Đạt Lai Lạt Ma tháo dây giày của ngài ra, cẩn thận để đôi giày oxford màu nâu của ngài một bên, và xếp bằng đôi chân trong tư thế hoa sen trên ghế của ngài. Ngài sẽ ngồi như thế trong cả buổi giảng hai tiếng đồng hồ. Liên hệ nhân duyên hổ tương là một trong những chủ đề ưa thích của ngài, và ngài thích thú với viễn cảnh thảo luận dai dẳng về nó.
"Giáo thuyết liên hệ nhân duyên hổ tương cho phép chúng ta phát triển một nhận thức rộng rãi hơn," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. "Với tâm thức rộng rãi hơn, thì ít dính mắc với những cảm xúc tàn phá hơn như sân hận, do thế tha thứ hơn. Trong thế giới ngày nay, mọi quốc gia liên hệ hổ tương, liên kết hổ tương. Dưới những hoàn cảnh như vậy, tiêu diệt kẻ thù của bạn - láng giềng của bạn - có nghĩa là tiêu diệt chính bạn về lâu về dài. Bạn cần láng giềng của bạn. Làng giềng bạn phồn thịnh hơn, thì bạn sẽ được lợi ích.
"Bây giờ này, chúng ta không nói về việc loại trừ hoàn toàn những cảm xúc như sân hận, dính mắc, hay kiêu mạn. Chỉ giảm thiểu. Liên hệ hổ tương là quan trọng bởi vì nó không chỉ đơn thuần là khái niệm, nó có thể thật sự giúp giảm thiểu khổ đau được tạo ra bởi những cảm xúc tàn phá này.
"Chúng ta có thể nói rằng giáo thuyết liên hệ nhân duyên hổ tương, hay phụ thuộc lẫn nhau là một sự thấu hiểu thực tại," Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp. "Chúng ta thấu hiểu rằng tương lai chúng ta phụ thuộc vào sự cát tường của toàn cầu. Có quan điểm này sẽ làm giảm thiểu đầu óc hẹp hòi. Với đầu óc hẹp hòi, chắc chắn là sẽ phát triển dính mắc, thù hận. Tôi nghĩ đây là điều tốt đẹp nhất về giáo thuyết liên hệ nhân duyên hổ tương - nó là một sự giải thích về quy luật của tự nhiên. Nó ảnh hưởng một cách sâu sắc, thí dụ, môi trường."
Liên hệ nhân duyên hổ tương là nguyên tắc nền tảng trong cả Phật Giáo và sinh thái học. Niềm tin cốt lõi là tất cả mọi thứ là liên kết với nhau trong một cách không thể biết nhưng hiển nhiên. Một cách cơ bản, tất cả mọi thứ lệ thuộc vào nhau. Tất cả chúng ta ở trong chiếc lưới của Đế Thích.
Tôi chợt nhớ lại điều gì đó mà một lần tôi đã đọc về Charles Darwin. Trong một vở kịch kỳ quái, ông tạo ra lý luận rằng những bà cô yêu mèo đã làm Luân Đôn thành một trong những nơi dễ chịu nhất để sống trên thế giới. Đây là vấn đề lý luận của ông diễn tiến như thế nào. Một số lớn mèo được các bà cô nuôi dưỡng có một ảnh hưởng bất lợi cho sự sinh nở của chuột. Đây là một tin tức tốt cho những con ong nghệ - những hang ổ dưới đất cả chúng sẽ không bị tàn phá bởi sự cướp bóc của các con chuột. Càng nhiều con ong nghệ hóa ra sẽ làm cho nhiều bông hoa hơn được thụ phấn. Do thế, Darwin đi đến kết luận rằng càng nhiều bà cô yêu mèo hơn tương đương với việc càng có nhiều bông hoa hơn ở Luân Đôn.
Phát biểu một tuệ giác tương tự, một vị thầy Việt Nam Thích Nhất Hạnh một lần đã viết: "Nếu bạn là một nhà thơ, bạn sẽ thấy rằng có một đám mây trong trang giấy này. Không có đám mây, thì sẽ không có mưa; không có mưa, cây cối không thể sinh trưởng; và không có cây cối, chúng ta không thể làm ra giấy."
Trải qua hàng năm, tôi chú ý rằng Văn Phòng Riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma rất hà tiện giấy tờ. Bất khi nào tôi nhận một văn bản gì từ họ, chúng luôn luôn được in từ một mặt trắng của giấy đã sử dụng. Những thư ký riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma là những người cuồng nhiệt về giấy tờ tái sử dụng, chu đáo không vi phạm những nhạy cảm môi trường của chủ nhân họ.
Tôi có thể tưởng tượng Đức Đạt Lai Lạt Ma đang sử dụng nổ lực khiêm tốn này để bảo vệ cây cối trong phạm trù liên hệ nhân duyên hổ tương. Văn Phòng Riêng của ngài, trong nhiều thập niên, đã tìm cách để bảo vệ một ít cây cối qua những nổ lực tái sử dụng của họ. Càng nhiều cây cối làm cho môi trường sống tốt hơn cho những cây cỏ và bông hoa khác. Càng nhiều cây cỏ, bông hoa tạo ra những điều kiện hiện hữu khám phá cho thi sĩ, và thi sĩ sống trong môi trường hiện hữu khám phá như vậy có khuynh hướng sản sinh ra nhiều thi phẩm phong phú hơn. Việc này bảo đảm cho việc sáng tác mà những hiệu sách chuyên về thơ sẽ đầy ấp những thi phẩm. Vì Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn tiết kiệm giấy, thế nên những người yêu thơ khắp nơi sẽ được lợi lạc.
Tôi gián đoạn ảo tưởng của tôi về Darwin, thơ, và bông hoa để hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma: "Ngài đã phát triển sự thông hiểu của ngài về mối liên hệ nhân duyên hổ tương như thế nào?"
"Với tôi, với tôi," ngài trả lời. Tiến trình tâm linh cần thời gian. Không như việc bật công tắc của đèn. Giống như việc nhóm lửa, bắt đầu từ một đóm lửa nhỏ, sau đó lần lần lớn lên và lớn hơn, càng nhiều ánh sáng, nhiều ánh sáng hơn, thế ấy. Tất cả những sự chuyển hóa tinh thần là như thế. Không phải: lên một tầng nào đó, tới một kỳ hạn nào đó, tối đen … rồi đưa ánh sáng tới. Không như thế. Dần dần, dần dần. Vào lúc đầu, không có gì đáng chú ý. Tôi thường nói với mọi người: sự phát triển tâm linh - chúng ta không thể thấy kết quả trong những tuần hay tháng. Ngay cả hàng năm. Nhưng nếu chúng ta so sánh, kinh nghiệm ngày hôm nay so sánh với mười năm trước, hay hai mươi năm trước, thế thì ông thấy một sự thay đổi nào đó. Tôi luôn luôn nói với mọi người như thế đó. Trường hợp của riêng tôi cũng thế."
"Trường hợp của ngài hiện tại là thế nào?" tôi hỏi.
"Vì tôi hành thiền hay phân tích đề tài liên hệ nhân duyên hổ tương trong nhiều năm, bây giờ nó đã quen thuộc," Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời. "Cho nên vì thế, khi tôi nhìn vào mọi thứ, ngay khi mà tôi nhớ lẽ thật về sự liên hệ hổ tương, cảnh tượng trở thành khác biệt một cách rõ ràng. Và cảm nhận đến không cần phải cố gắng nhiều - gần như tự động. Thí dụ, ở Mongolia, sự quy tụ lớn…" Ngài chuyển sang Tạng ngữ.
"Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ở Ulan Bator," Lhakdor thông dịch. "Trong thời gian giảng dạy, khi ngài phản chiếu về sự liên hệ hổ tương, ngài thấy sự trống vắng của tính xác thật trong tất cả những người ở trước ngài và ngay trong chính ngài - không có gì cụ thể, mọi thứ như quấn vào nhau. Ngài có cảm giác mạnh rằng ngài được nối kết một cách trực tiếp với thính chúng trong một cách nào đó. Giống như những ranh giới cá nhân của ngài đã được hòa tan."
Kinh nghiệm của Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc tôi nhớ đến công trình của Andrew Newberg[1] và Eugene d'Aquili[2], hai khoa học gia Hoa Kỳ đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa kinh nghiệm tôn giáo và chức năng não bộ trong nhiều năm. Trong một thí nghiệm nổi tiếng, họ tranh thủ được sự hổ trợ của một thiền giả cấp tiến, một Phật tử Hoa Kỳ trẻ tên là Robert. Trong một phòng thí nghiệm tối, Robert bắt đầu một thời hành thiền với ngón tay nhỏ của ông nối kết với một cuộn dây dài. Những nhà khoa học, chờ đợi trong một phòng khác, giữ một đầu dây.
superior parietal lobule. |
Một giờ sau, Robert kéo mạnh sợi dây cho Newberg và d'Aquili biết rằng ông đã thâm nhập vào một thể trạng sâu của thiền tập. Một hợp chất phóng xạ sau đó được được tiêm vào tĩnh mạch của ông qua một thiết bị nhỏ giọt. Hợp chất phóng xạ màu đi vào đường máu, ngấm vào những tế bào máu, và một máy quay phim kỷ thuật cao cho các nhà khoa học một ảnh chụp nhanh những hoạt động của não bộ Robert. Các nhà khoa học thấy điều gì đó bất thường: hậu thùy đỉnh cao (superior parietal lobule), gọi là vùng phối hợp định hướng hay OAA (orientation associaton area), cho thấy giảm thiểu rõ rệt hoạt động vào đỉnh cao sự hành thiền của ông.
Trong não bộ chúng ta, OAA hoạt động như một máy định vị (GPS), máy con quay và radar tất cả trong một. Khi chúng ta chuyển động trong sinh hoạt hàng ngày, OAA thể hiện chức năng như một máy siêu điện toán, liên tục tính toán tọa độ thay đổi của thân thể chúng ta trong mối quan hệ với mọi thứ chung quanh chúng ta. Nó cho phép chúng ta điều chỉnh cung cách qua một nhà hàng đông đúc và để cởi xe đạp trong giao thông.
Trong nghiên cứu trước đây, Newberg và d'Aquili biết rằng OAA không bao giờ bỏ cuộc. Thế thì tại sao nó lại giảm thiểu hoạt động trong OAA của Robert? Chỉ có một giải thích hợp lý: cảm giác nội tại trong OAA của Robert bị chặn lại khi ông đạt tới một thể trạng siêu việt trong lúc ông hành thiền. Không có dữ liệu nào cung ứng, máy siêu điện toán gặp phải khó khăn trong việc phác họa những giới hạn vật lý của Robert. Nó không có sự lựa chọn nào khác mà phải kết luận rằng Robert không có những giới hạn, rằng ông là một với mọi thứ chung quanh ông: mọi người, mọi thứ, toàn bộ những công việc.
Khi Robert được hỏi sau này là ông cảm thấy gì trong thời khắc tột đỉnh của thiền tập, ông trả lời, "Cảm thấy như tôi là bộ phận của mọi người và mọi thứ trong sự hiện hữu. Tôi liên kết với mọi thứ." Thật chính xác như những gì mà những bậc thầy tâm linh và yoga đã nói hàng thế kỷ. Và nó thật ấn tượng giống như những gì Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa nói với tôi: khi ngài tập trung vào mối liên hệ hổ tương, ngài thấy thế giới một cách khác biệt - mọi thứ và mọi người xuất hiện thiếu cụ thể; những góc cạnh mềm mại và những ranh giới thân thể giữa ngài và mọi thứ trở thành mờ nhạt trong những thời gian tâm linh trong sáng này. Do bởi điều này, Đức Đạt Lai Lạt Ma trải nghiệm một mối liên kết sâu xa hơn giữa ngài và người khác.
"Ngài vừa nói với tôi là ngài có thể thâm nhập vào một kinh nghiệm của mối liên hệ hổ tương chỉ đơn thuần qua việc suy tư về nó," tôi nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma. "Vậy thì, thí dụ, lấy tôi và ngài. Khi ngài nghĩ về mối liên hệ hổ tương, tôi có thay đổi trong một cách vi tế trước mắt ngài không?"
"Vấn là con người, nhưng sau đó … không như nó xuất hiện, không là điều gì đó rắn chắc. Vì vậy là điều gì đó mềm. Sự nối kết giữa chúng ta mạnh mẽ hơn, từ bi được củng cố," Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp lời. Ngài suy nghĩ trong một khắc, sau đó nói với Lhakdor bằng Tạng ngữ.
"Qua sự thấu hiểu này về thực tại liên hệ hổ tương," Lhakdor thông dịch, "ông sẽ đi đến nhận ra rằng nếu những điều tốt lành xảy ra cho người khác, ông cũng sẽ lợi lạc, nếu không ngay lập tức, thế thì cuối cùng sẽ như thế. Nếu họ đau khổ, ông cuối cùng cũng sẽ đau khổ. Do vậy, ông có thể thấu cảm tốt hơn, ngay cả với những người từ những căn bản quá khứ khác nhau. Từ bi cho họ sẽ đến dễ dàng hơn."
"Thí dụ, Saddam Hussein," Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục. "Tôi có cảm giác trong con mắt của Tổng thống [George W.] Bush, Saddam một trăm phần trăm là tiêu cực, tiêu cực một cách chắc chắn. Chỉ có cách là loại trừ ông ta. Nhưng thực tại không phải thế."
"Thực tại là gì?" tôi hỏi.
"Tôi nghĩ trong hai trình độ. Ở trình độ quy ước, Saddam Hussein không phải là nguy hại một trăm phần trăm từ lúc mới sinh ra - không phải là điều gì đó xấu ác không thay đổi." Đôi bàn tay Đức Đạt Lai Lạt Ma nắm lại nhau, cấu thành một quả cầu vô hình. "Sự nguy hại ấy đến từ nhiều nhân tố khác nhau không chỉ từ ông ta. Do thế không độc lập. Nó lệ thuộc vào nhiều nhân tố khác, kể cả chính những người Mỹ. Trong cuộc Chiến Tranh Vùng Vịnh, mọi người quy trách nhiệm cho Saddam Hussein. Như vậy tôi nghĩ là không công bằng, và trái tim tôi cảm thông cho ông ta."
Trái tim của Đức Đạt Lai Lạt Ma cảm thông cho Saddam Hussein? Đến một người nào đó đã gây thảm họa cho hàng triệu người? Điều này làm nổi bật một lẽ thật hiếm có của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Quan điểm thế giới của ngài, cung cách tâm tư ngài làm việc - tuy có lý và gợi hứng thế nào đi nữa - thì cũng rất khác với tôi.
"Sự độc tài của Saddam Hussein không phải tự đến từ trên trời," Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích. "Sadda Hussein: độc tài, xâm lược, xấu." Ngài điểm trên đầu ngón tay của ngài, sự biểu lộ của ngài trang trọng." Nhưng những thứ xấu xảy ra do bởi quân đội của ông ta. Không có quân đội, không có vũ khí, ông ta không thể là loại người gây hấn như thế. Những thứ vũ khí này không phải do từ người Iraq tự làm ra, nhưng đến từ phương Tây. Những công ty phương Tây giúp sản sinh ra con người gây hấn này. Họ làm thế, nhưng sau đó họ đổ thừa con người đó. Không công bằng." Đức Đạt Lai Lạt Ma dựa sâu ra phía sau chiếc ghế của ngài, giọng của ngài vươn ngắt lên. Ngài đã làm việc về điều này.
"Cho nên ở đây, ở trình độ quy ước. Saddam Hussein không phải xấu một trăm phần trăm," ngài nói. "Rồi thì ở một trình độ vi tế hơn, khi một người nào đó như ông Bush có những cảm nhận tiêu cực với Saddam Hussein, thế thì trong con mắt của ông, Hussein là điều gì đó cụ thể, độc lập, tuyệt đối - hoàn toàn xấu." Ngài giơ chặc nắm đấm trước mặt ngài và nhìn trừng trừng vào nó.
"Tương tự thế, trong con mắt của Saddam … " Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu cười khúc khích, ngài gặp rắc rối trong việc chấm dứt những gì ngài muốn nói. "Bush là điều gì đó rất tiêu cực. Sự biểu hiện tuyệt đối, không tùy thuộc… của điều ác." Lời nói của ngài bây giờ ngắt quảng ồn ào như chế giễu, đôi vai của ngài rung lên rung xuống không thể kềm chế. Đức Đạt Lai Lạt Ma đang chen vào việc nói đùa với một người quyền lực nhất thế giới.
Khi cơn cười của ngài dịu xuống, ngài kết luận: "Cho nên, trong cả hai trường hợp, đều là sự thấu hiểu sai lầm mạnh mẽ về thực tại. Thực tại này chỉ đơn thuần là vọng tưởng hay phóng chiếu tinh thần."
"Ngài đang nói rằng Saddam Hussein không phải một trăm phần trăm nguy hại một cách chắc chắn, thí dụ, ông ta có thể vẫn dễ thương với vợ ông ta chứ gì?" Tôi hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma.
"Ô, vâng vâng," Đức Đạt Lai Lạt Ma đồng ý một cách nhiệt tình. Ngài mừng vì tôi nhận ra ý tưởng của ngài. "Nếu những hoàn cảnh thay đổi đi, con người ấy có thể trở thành một người thật dễ thương. Rất có thể. Một thí dụ khác. Trong con mắt của Osama bin Laden, nước Mỹ một trăm phần trăm là xấu ác. Sự mê muội này đem đến thảm họa. Đối với bin Laden, toàn bộ thế giới phương Tây là chống Hồi Giáo. Đặc biệt Mỹ, kẻ gây hấn của thế giới. Cho nên ông ta quyết định có một kẻ thù cụ thể không tùy thuộc này. Đây là quan niệm sai lầm về thực tại."
"Quan niệm của ông ta nên như thế nào?" tôi hỏi.
"Mỹ là một bộ phận của Ả Rập, Mỹ là một bộ phận của ông ta," Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời không do dự.
"Liên hệ nhân duyên hổ tương," tôi nói.
"Vâng, liên hệ nhân duyên hổ tương. Và không chỉ Mỹ. Ở Tây Âu, có những sự phê phán về Hồi Giáo ở đấy. Nhưng Mỹ và Âu châu không phải chống Hồi Giáo một trăm phần trăm. Dĩ nhiên không phải thế. Cho nên xét cho cùng là vọng tưởng, phóng chiếu tinh thần. Đây là một sự chú ý hẹp hòi. Sai lầm. Cho nên quan niệm liên hệ nhân duyên hổ tương: rộng rãi hơn bây giờ, dịu dàng. Không là thứ cụ thể cứng nhắc đó để mà ôm lấy. Quan điểm này làm giảm thiểu sự chấp trước mạnh mẽ, sự dính mắc mạnh mẽ - bởi vì không có đối tượng bị bám víu một cách mạnh mẽ. Sự tham muốn của chúng ta, sự dục vọng của chúng ta về mọi thứ và mọi người được giảm thiểu."
Qua hàng thập niên thực tập kéo dài, lẽ thật vô cùng của liên hệ nhân duyên hổ tương đã ấn dấu trong tâm thức của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nó đã định hình tư tưởng, niềm tin, và thái độ của ngài. Ngài bắt đầu những chương trình của ngài, phản ứng với những sự kiện của thế giới qua qua quy trình của mối liên hệ nhân duyên hổ tương. Ngài không sợ công luận. Những quyết định của ngài không phải đến từ sự đồng lòng của những người cố vấn hay của số phiếu của công luận. Sự thấu cảm của ngài, hay, vô cùng tối thiểu, sự vắng bóng ác ý của ngài, đối với Saddam Hussein là kết quả của cung cách thấy biết đặc biệt của ngài, được khúc xạ qua lăng kính của mối liên hệ hổ tương.
Cũng có điều gì đó ở đây nữa. Đức Đạt Lai Lạt Ma có ấn tượng rằng Hoa Kỳ và các đồng minh đã họp lại để chống nhà độc tài Iraq và những người dân lạc hậu của ông ta còn sống trong sa mạc. Lãnh tụ Tây Tạng có sự thông cảm bẩm sinh đối với người bị thua cuộc, có lẻ vì ảnh hưởng của từ bi từ mối liên hệ nhân duyên hổ tương. Tôi có một ý niệm mơ hồ về điều này trong một buổi trước với ngài khi tôi được cho phép để dành một thời gian nào đó với ngài vào buổi thiền tập sáng sớm trong khu cư trú của ngài ở Dharamsala.
Sau buổi hành thiền, Đức Đạt Lai Lạt Ma đứng lên từ bồ đoàn của ngài và đề nghị giới thiệu cho tôi nơi ngài cư trú. Chúng tôi bước ra khỏi thiền phòng tĩnh lặng của ngài để đi ra tiền sảnh đưa đến một phòng thoáng khí rộng lớn. Cầm tay tôi, ngài đưa tôi đến một phòng nhỏ đồ đạc lưa thưa mở cửa ra tiền sảnh. Một chiếc giường đơn chiếm gần hết không gian ốp gổ, một cây đèn bàn với chụp đèn hình bông sen và một máy phát thanh để trên chiếc bàn bên cạnh.
"Đây là phòng ngủ cũ của tôi," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với tôi." Vì có một vài cảnh báo về động đất năm ngoái, cho nên tôi đã chuyển đến một phòng khác dưới hầm."
Ngài chỉ khoảng nửa tá tấm hình phai màu trên tường. Gần như đấy chỉ là những tấm hình của các tu sĩ, giáo thọ Tây Tạng mà ngài đã từng học hỏi. Trong một tấm hình hiếm hoi mà ngài yêu thích của vị trưởng lão giáo thọ đã viên tịch, Ling Rinpoche, người phân cắt công việc nghiêm khắc có một nụ cười mĩm nhẹ nhàng trên gương mặt ngài. Trong một góc của phòng là những tấm hình toàn bộ gia đình ngài: các anh chị em và ngài cùng với cha mẹ của họ.
Rồi thì, ở cuối bức tường, tôi đã thấy điều gì đó ngoại lệ, ngay cả không hợp. Ngay bên trên chiếc giường của Đức Đạt Lai Lạt Ma là một cây súng trường. Nó được treo thẳng đứng với dây da của nó. Tôi có mang theo máy chụp hình, và tôi chuẩn bị ghi hình một vật không hợp lý ở đây.
"Không, không, đừng chụp hình," Đức Đạt Lai Lạt Ma vội vả bảo tôi dừng lại. "Người ta có thể nghĩ sai rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là một người bạo động, thích súng." Tôi dẹp máy chụp hình một cách ngoan ngoản. Nhưng tôi có một ý tưởng khó chịu dai dẳng: Đức Đạt Lai Lạt Ma lại quan tâm đến suy nghĩ của người khác từ khi nào vậy? Thái độ này thật đáng ngạc nhiên, thật mâu thuẩn với những gì tôi đã biết về Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đức Đạt Lai Lạt Ma là một người với những mâu thuẩn?
Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục nói với tôi rằng ngài có súng trường không khí (air rifle) nhiều thập niên qua. "Tôi thường cho những con chim nhỏ ăn, nhưng khi chúng đến, thì những con diều hâu cũng đến. Thứ này tôi không thích. Những con diều hâu lớn ăn những con chim nhỏ. Cho nên, để bảo vệ những tạo vật bé nhỏ này, tôi giữ chiếc súng trường. Không phải để làm tổn thương, nhưng để làm chúng sợ bỏ chạy thôi."
*
[1] Andrew Newberg, MD: nhà thần kinh học người Mỹ, sinh năm 1966.
[2] Eugene d'Aquili (1940-1998): giáo sư nghiên cứu tâm lý trị liệu.
Đã là ngày thứ mười lăm của lịch Tây Tạng, một cách truyền thống đây là thời gian để làm mới. Đức Đạt Lai Lạt Ma đang ở thị trấn của Đạo Tràng Giác Ngộ, Bodhgaya, để tỏ lòng tôn kính đến Phật tích thiêng liêng nhất của Phật Giáo. Sau một vài ngày cần thiết để nghỉ ngơi ở đây, ngài sẽ tiếp tục cuộc hành hương đến đỉnh Linh Thứu trước khi trở lại để truyền lễ quán đảnh Thời Luân. Đức Đạt Lai Lạt Ma bước lên ngai của ngài bên trong Đại Tháp Giác Ngộ, dưới tàng cây bồ đề cổ kính, hậu duệ trực tiếp của cây bồ đề xưa kia nơi Đức Phật đã đạt đến Giác Ngộ hai nghìn năm trăm trước. đông đảo những tu sĩ Tây Tạng ngồi đối diện với ngài trong khoảng sân rộng. Họ đã đến đây để tham dự nghi thức sojong hai lần một tháng - sám hối.
Khi các tu sĩ bắt đầu tán tụng, Đức Đạt Lai Lạt Ma uốn mình gần như hình chữ Z. Từ tư thế quỳ gối, ngài quỳ bẹp xuống trên hai gót chân. Sau đó ngài cúi thân mình xuống cho đến khi trán ngài đụng sàn ngay phía trước hai gối ngài, như biểu lộ một tư thế khiêm hạ thuần khiết. Bởi vì thân thể ngài vô cùng mềm dẽo từ hàng thập niên ngồi thiền trong tư thế hoa sen, cho nên ngài có thể xử trí để uốn mình thành một hình thể chắc nịt nhất. Với tấm y vàng nhiều mãnh buông ngang lưng, ngài giống như một hoàng kim quy to lớn giữa một biển người khác.
Đó là lần đầu tiên tôi được đặc ân chứng kiến những nghi lễ mật nhiệm như thế này, và tôi phải kính sợ trong lòng. Điều đáng chú ý nhất là vì sự kiện được diễn ra ngay chính nơi Đức Phật Giác Ngộ thành đạo với sự tham dự của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Hơn thế nữa còn có đại diện của các tu sĩ thuộc bốn trường phái của Phật Giáo Tây Tạng. Đó là một thời khắc thiêng liêng cát tường. Sau một lúc, một tu sĩ vươn cao đầu lên ướm thử - một cái đầu hói trong cánh đồng hoàng kim. Ông nhìn trộm vội vả chung quanh, sau đó thụp xuống trở lại.
Sau này khi có cơ hội, tôi đã hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma, điều gì diễn ra trong tâm tư ngài trong lễ sám hối Sojong. Ngài nói với tôi: "Tôi nhớ Đức Phật và tất cả những vị đại sư ấy - như Long Thọ - người đã viếng Đạo Tràng Giác Ngộ."
"Ngài cũng sám hối chứ?" tôi hỏi.
"Dĩ nhiên. Sojong có nghĩa là sám hối."
"Ngài sám hối điều gì?"
"Ăn bánh bích quy vào buổi tối," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. "Như một tu sĩ, tôi đáng lẽ không ăn gì sau buổi ăn ngọ giữa trưa."
***
Sau phần kết thúc của lễ sám hối, Đức Đạt Lai Lạt Ma đứng dậy và bước tới cây bồ đề, một khoảnh đất thiêng liêng được bao quanh bởi những hàng rào đá dày. Năm hay sáu nhánh cây nặng nề nhô ra theo chiều ngang của cây bồ đề tráng lệ. Những cây chống đở bằng sắt, sơn màu xanh lục đậm được củng cố từ nền đất, để giữ những cành cây không quằn xuống sâu hơn có thể làm hư hại những hàng rào vô giá bằng đá chạm trổ phức tạp. Những khăn lụa cúng dường đã được quăng lên những cành cây, cùng với những chuỗi lá cờ cầu nguyện Tây Tạng nhiều màu sắc. Hai cây dù điểm vàng và đen, làm thế nào được được đặt giữa điểm gặp nhau của thân và cành cây, một biểu tượng cúng dường khác.
Đẩy một đám cờ cầu nguyện dày đặc qua một bên, Đức Đạt Lai Lạt Ma cúi đầu qua một lối hẹp giữa hàng rào đá và thân cây khổng lồ. Phần dưới thấp của thân cây được vấn quanh hoàn toàn trong những vải lụa màu đỏ sậm và vàng nghệ. Những lá vàng kim được gắn chặc bởi những người dâng cúng lung linh phía trên. Một mái che bằng đồng cao hơn đầu người, được treo những dây đèn màu chớp tắt, bảo vệ một chiếc bàn đá rộng được gọi là Kim Cương Tòa. Đức Đạt Lai Lạt Ma quỳ xuống và chạm đầu ngài vào phiến cổ xưa trong sự tôn kính.
Kim Cương Tòa là nơi Đức Phật ngồi và hành thiền về tánh không 2,500 năm trước. Ngài đã đạt đến Giác Ngộ khi thực chứng lẽ thật thậm thâm - rằng mọi hiện tượng vốn trống rỗng, chúng không hiện hữu một cách độc lập với các nhân và duyên của chúng.
Trong nhiều bài diễn thuyết và phỏng vấn, Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn luôn nêu lên chủ đề về tánh không. Ngài đã nói biết bao lần rằng mọi thứ mà Đức Phật dạy có thể tóm tắt vào ý tưởng tinh hoa của việc hợp nhất tánh không và từ bi. Đây là công thức cho hạnh phúc: Tánh Không + Từ Bi = Hạnh Phúc.
Theo Đức Đạt Lai Lạt Ma, chúng ta cần trước nhất đạt đến tuệ giác bằng việc thấy thế giới như nó là. Tuệ giác hàm ý một cái thấy trong sáng rõ ràng. Với tuệ giác, chúng ta có thể thấy mọi thứ chung quanh chúng ta một cách rõ ràng, mà không bị định kiến. Cái nhìn của chúng ta xuyên qua làn sương mù ngoài đó như một tia laser. Để làm điều này, chúng ta phải trau dồi một sự hiểu biết thẩm thấu thật sự đối với tánh không. Và tánh không là gì? Tánh không chỉ là một cách nói khác của vấn đề mọi thứ là trống rỗng sự tồn tại cố hữu riêng biệt, vô tự tánh. Nó nói rằng, trong sự phân tích sau cùng, không có gì [- con người, tư tưởng, xe cộ -] có thể tồn tại một cách độc lập trong chính nó. Đó là cung cách Giác Ngộ của việc nhìn vào thế giới chung quanh chúng ta. Nó làm hiển lộ một lẽ thật vi tế nhưng cứu kính: liên hệ nhân duyên hổ tương thay vì độc lập, xác định rõ tính chất đời sống của chúng ta và mọi thứ chung quanh chúng ta. Không ai trong chúng ta là một hải đảo. Thế giới là một mạng lưới rộng lớn của những sự kiện quấn bện vào nhau, con người, và sự vật. Những sự liên hợp này có thể khó khăn để thấy, nhưng chúng là thật, luôn luôn ở đó, tiềm ẩn ngay dưới bề mặt. Đồng thời với việc phát triển tuệ giác, chúng ta cần phương pháp. Và phương pháp này là gì? Chỉ trau dồi từ bi.
Từ bi, tôi có thể đối diện với nó. Mặc dù tôi không giỏi lắm với việc áp dụng ý tưởng ấy trong đời sống thật sự, nhựng tôi có thể thấu hiểu nó hoàn hảo. Nhưng tánh không là một vấn đề khó. Mặc dù tôi biết nó là nền tảng quan trọng, và tôi có một sự thấu hiểu như cư sĩ về khái niệm căn bản, nhưng tôi vẫn có những khó khăn với những sự diễn giải nó vi tế hơn. Xét cho cùng, qua các thời đại, toàn bộ sách vở đã được viết về ý tưởng cổ xưa khó năm bắt này - một ý tưởng có liên hệ thật sự cho đời sống hiện tại của chúng ta. Có lẻ tôi quá khoắc khoải về ngữ học, với ý nghĩa giản dị hàng ngày của chữ nghĩa. "Trống không", theo từ điển trong đầu tôi, bằng không có gì. Nhưng đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma, mọi thứ trên thế giới [- mọi thứ, loài người, tư tưởng, cảm xúc, sự vật, bạn đặt tên cho nó -] là trống rỗng. Bởi vì mọi thứ là quấn bện vào nhau, không có sự độc lập. Bởi vì không có sự độc lập, không có gì tồn tại trong và tự chính nó. Tôi đã thấy rằng đó là một khái niệm thật khó để nắm bắt.
***
Trong một lần phỏng vấn, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với tôi: "Theo niềm tin của Phật Giáo, ngoại trừ ông thiền quán và trải nghiệm tánh không một cách toàn diện và trực tiếp, bằng không thì khó mà loại trừ những cảm xúc phiền não của ông." Người em út của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngari Rinpoche, đã hiện diện trong buổi ấy. Hầu hết thời gian, ông đơn giản là lắng nghe. Nhưng vào lúc bình luận, ông nhảy vào: "Victor không thích tánh không, ông từ chối nghe tôi nói về vấn đề ấy." Đức Đạt Lai Lạt Ma thấy đó là một tin tức vui vui.
"Rinpoche thường đùa với tôi," tôi nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma. "Tôi rất thích thú về tánh không. Tôi hy vọng được ngài giải thích để cho ngay cả một cư sĩ như tôi cũng có thể thấu hiểu."
"Ông đã tham dự nhiều buổi diễn giảng của tôi," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói ngay lập tức. "Ông đến Dharamsala rất nhiều lần. Và ông đã thu băng từng lời của tôi. Sao bây giờ ông lại mong chờ thêm nữa? Một học nhân đáng thất vọng."
Nhưng tôi không phải là người duy nhất. Tôi biết là Oprah Winfrey cũng gặp rắc rối với tánh không.
Tháng Năm 2001, tôi đã cùng với Đức Đạt Lai Lạt Ma trong một chuyến du hành vũ bão đến Hoa Kỳ, thăm viếng chín thành phố trong hai mươi mốt ngày. Điểm nhấn của chuyến ấy là cuộc gặp gở của Đức Đạt Lai Lạt Ma và Tổng thống George W. Bush. Sự kiện ấy vương vấn trong đầu tôi không phải bởi vì những gì hai người thảo luận (đó là một lời mời lịch sự hơn là thực chất) nhưng bởi vì vật Đức Đạt Lai Lạt Ma mang trong chân: ngài đã mang đôi dép nhựa của Ấn Độ làm vào tòa Bạch Ốc.
Sau cuộc gặp gở với tổng thống, Đức Đạt Lai Lạt Ma trở lại khách sạn. Oprah đang chờ đợi ngài. Cùng đi với cô là một đội quân nhỏ các nhà chụp hình, trang điểm, và chủ bút kỳ cựu của tạp chí O. The Oprah Magazine, một tạp chí hết sức thành công của cô. Họ được dẫn đến dãy phòng thanh lịch cho một cuộc phỏng vấn sâu sắc.
Buổi phỏng vấn một giờ đồng hồ bắt đầu khá tốt. Oprah bắt đầu bằng việc hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma: "Ngài có bao giờ tha thứ cho chính mình bất cứ việc gì không?"
"Những biến cố nhỏ, như vô tình giết một con côn trùng," Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời.
"Giết một con côn trùng," Oprah nói. "Một con côn trùng … hmm. Okay."
Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp, "Thái độ của tôi đối với những con muỗi là không thích lắm, không hòa bình lắm. Những con rệp giường cũng thế."
"Và đó là như thế?" Oprah không thể hoàn toàn tin tưởng những gì cô vừa nghe. "Trong đời của ngài, đó điều ngài đã tha thứ cho chính ngài ư?"
"Có thể những lỗi lầm nho nhỏ hàng ngày," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói một cách thản nhiên. "Nhưng những sai sót lớn, dường như là không."
"Không có những sai sót lớn,"Oprah lập lại, nghiền ngẫm ý kiến ấy. Cô bổng im lặng và nhìn ra ngoài cửa sổ.
Có một nổi kinh sợ trong giọng của cô khi cuối cùng cô tiếp tục: "Ngài không có điều gì trong đời để hối hận. Đó là một đời sống tốt đẹp … đó là một đời sống vĩ đại, không có những hối hận."
"Liên quan đến việc phụng sự cho Tây Tạng," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, "phụng sự cho Phật Giáo, phụng sự cho con người … tôi đã hoàn thành tối đa những điều tôi có thể. Liên hệ đến sự thực tập tâm linh của tôi, khi tôi chia sẻ kinh nghiệm với những thiền giả tiến bộ hơn - ngay cả những người đã tu tập hàng năm trên núi, thực hành nhất tâm bất loạn - tôi không tụt hậu quá xa họ."
"Ngài sẽ khuyến khích toàn thế giới hành thiền chứ?" Oprah hỏi.
"Một câu hỏi ngu ngốc." Câu trả lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma phát ra ngay lập tức một cách không ngờ tới.
Khuôn mặt của Oprah đóng băng lại. Cả phòng khách sạn im lặng sửng sốt. Một ý tưởng nẩy ra trong đầu mọi người: đây chắc chắn là lần đầu tiên có một người nói thẳng vào mặt Oprah như vậy.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói một cách thận trọng. "Mọi người nên hành thiền chứ? Tôi cũng nghĩ như vậy," ngài nói sau khi dừng lại một chút. Có thể đó là một câu hỏi ngu ngốc, nhưng ngài vẫn muốn trả lời một cách cẩn thận. "Thật đáng để cả thế giới nhìn vào bên trong nhiều hơn. Chúng ta không thực hiện đầy đủ ở đây. Tôi không đang nói rằng mọi người nên có đầu óc tôn giáo. Tôi không đang nói như thế. Nhưng những gì tôi đang nói là: chúng ta nên tập trung hơn vào năng lực nội tại của chúng ta."
"Ô, tôi tin tưởng điều đó!" Oprah nói, sự thư giản hiện ra. "Đó là tại sao tôi hỏi một câu ngu ngốc." Mọi người trong phòng như nhẹ ra. "Tôi muốn ngài nói việc ấy, nhưng tôi chắc chắn tin như điều đó."
"Dĩ nhiên, đó không phải là điều gì đó mà chúng ta có thể áp đặt lên người khác. Người ta phải đón nhận nó một cách tự nguyện," Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục.
Nhưng bây giờ sự căng thẳng đã tan biến, Oprah muốn thay đổi đề tài.
''Trong tạp chí của tôi, tôi làm một mục gọi 'Điều tôi muốn biết chắc,' " Oprah nói. "Điều gì ngài biết chắc. Một điều mà ngài không nghi ngờ cả."
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói không do dự. "Từ bi là cội nguồn của hạnh phúc - cho đời sống hạnh phúc và thế giới hạnh phúc. Không nghi ngờ gì cả."
"Đó là những gì chúng ta ban tặng cho người khác sẽ trở lại. Tôi đồng ý với điều đó."
"Tốt quá … đồng ý quá đi chứ." Đức Đạt Lai Lạt Ma cười vang. "Mặc dù văn hóa khác nhau, ý tưởng khác nhau, cung cách sống khác nhau. Nhưng chúng ta cùng là những con người như nhau."
"Khi ngài nói 'con người', ngài muốn nói là chúng ta cùng một tư tưởng chứ?"
"Thế đó thì phức tạp hơn," Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời. "Không có sự thẩm tra, mọi người nói về con người, con người. Nhưng nếu chúng ta phân tích cái gì là con người, chúng ta không thể tìm thấy."
"Chúng ta không thể tìm thấy?"
"Đó là một nhận thức Phật Giáo - tánh không. Tánh không không có nghĩa là không có gì tồn tại. Mọi thứ tồn tại, nhưng cách chúng tồn tại, chúng ta không thể tìm thấy. Do thế là trống rỗng."
"Ahhh … " Oprah suy nghĩ về chút trí tuệ đó.
Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục: "Cho nên tánh không có nghĩa cái chậu này," chạm tay tới một chậu hoa trên bàn cà phê, "nó tồn tại, nhưng cách nó tồn tại chúng ta không thể tìm ra. Cho nên trống rỗng. Bản chất trống rỗng."
Tôi có cảm giác rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn biến cuộc phỏng vấn ngài thành một sự giải thích đầy đủ hơn về tánh không. Nhưng Oprah do dự. "Điều đó thật khó để giải thích cho những độc giả của tôi," cô nói với ngài. Thay vì thế cô bắt đầu hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma về thời thơ ấu của ngài ở Tây Tạng.
Tháng Tám 2001 tạp chí O. the Oprah Magazine, độc giả của Oprah được xem một câu chuyện sâu sắc giải khuây về Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng không có chữ nào về tánh không. Tuy thế, vài tháng sau cuộc phỏng vấn của Oprah, tôi được dịp học hỏi thêm về khái niệm khó nắm bắt này trong thị trấn hành hương, Đạo Tràng Giác Ngộ của Ấn Độ.
*
Một học giả nổi tiếng của Đại Hàn, mặc áo dài đen của Khổng Giáo với cổ cao, và tay dài rộng, ngồi xếp bằng trước Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Đó là đầu tháng Giêng 2002. Chúng tôi được ngồi trên những tấm tọa cụ bọc vải Tây Tạng trong khu vực của Đức Đạt Lai Lạt Ma trên tầng thượng của một tu viện Tây Tạng, nơi tạm trú trong thời gian ngài ở Đạo Tràng Giác Ngộ. Tôi đang cảm thấy hơi cáu kỉnh. Đáng lẻ tôi phải có ít nhất hai buổi phỏng vấn với Đức Đạt Lai Lạt Ma ở đây, trước khi tôi cùng với ngài đến Linh Thứu. Nhưng học giả, Kim Yong-Oak, tốt nghiệp Harvard và điều khiển một tiết mục phổ biến trên TV Đại Hàn về Khổng Tử, đã xoay sở để có thêm một buổi yết kiến ngày hôm trước. Ông cho thấy rất cảm kích Đức Đạt Lai Lạt Ma là ông đã được có thêm một buổi phỏng vấn vào ngày đó. Tôi đã có một buổi phỏng vấn hai ngày trước đây, và xem ra đó là tất cả những gì tôi có mà thôi.
"Đây có thể là một câu hỏi rất ngờ nghệch .. " vị học giả nói một cách do dự khi ông bắt đầu buổi phỏng vấn với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông lấy chiếc mũ không vành ra, giống như một nón kết của thủy thủ Mỹ, cho thấy một cái đầu cạo nhẵn bóng. Tôi đoán ông khoảng vào độ mới năm mươi tuổi. "Trong suốt cuộc đời ngài," vị học giả tiếp tục, những lời của ông như dính liền nhau, "ngài đã học hỏi rất nhiều và đã rèn luyện thân thể ngài rất nhiều. Và ngài có đủ loại kinh nghiệm. Ngài là một nhà tư tưởng lớn. Ngài có thể nói cho tôi nghe điều gì đó riêng tư về ngài, một kinh nghiệm Giác Ngộ nào đó?"
Tôi thật ngạc nhiên với câu hỏi. Điều đó là cá nhân và không thích đáng, đặc biệt chỉ mới lần gặp gở thứ hai. Tuy nhiên, tôi vẫn thích thú trong câu trả lời. Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ bày tỏ điều riêng tư sâu lắng gì đó không với một người xa lạ thực sự này, để thảo luận về điều gì đó mà những đại sư tôn giáo hiếm khi nói đến? Ngài sẽ thuật lại kinh nghiệm của ngài về sự tỉnh giác tâm linh chứ?
Đức Đạt Lai Lạt Ma ngả về phía sau, phát biểu trang nghiêm từ tốn.
"Thân thể này, bây giờ sáu mươi năm rồi. Nhưng trình độ tâm linh của tôi, tôi rất trẻ," vị tu sĩ Tây Tạng nói. Ngài dừng lại để cười vang động vào lời nói đùa của chính ngài, toàn thân ngài rung lên. "Nhưng dĩ nhiên, khái niệm về vô thường, và tánh không, rất năng động. Rất hữu ích," ngài nói, thâm trầm sâu lắng. "Đặc biệt khái niệm về tánh không." Kim lấy vở ra và bắt đầu ghi chép cẩn thận.
"Theo Long Thọ, tánh không nghĩa là nhân duyên hay liên hệ hổ tương, liên kết hổ tương," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói khi ngài nghiêng mình về phía nhà học giả Đại Hàn. Long Thọ là một đạo sư vào thế kỷ thứ hai của Ấn Độ mà những giảng dạy của ngài cung cấp nền tảng cho Phật Giáo Tây Tạng.
"Tánh không không phải là không có gì,'' Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục. ''Tánh không là trọn vẹn, không phải trỗng rỗng. Việc nhận ra tánh không, hiểu biết tánh không … Tôi nghĩ tôi có một sự thấu hiểu thông tuệ nào đó. Tánh không - bạn cũng có thể nghĩ về nó như sự liên hệ hổ tương - giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn của chúng ta. Tầm nhìn của chúng ta về thế giới, tầm nhìn của chúng ta về chính cuộc đời của chúng ta. Nó thật sự mở rộng. Thật rất hữu ích để phát triển khái niệm thiêng liêng này."
Đức Đạt Lai Lạt Ma nhìn qua bên Lhakdor, thông dịch viên của ngài và nói bằng tiếng Tây Tạng.
"Cà phê hay trà?" Lhakdor, ngồi trên sàn bên cạnh ngài, và hỏi vị học giả.
"Thứ nào cũng được. À … trà."
"Có lẻ là cà phê," Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc nhở một cách hữu ích.
"Vâng, cà phê …"
"Một người Đại Hàn, được Mỹ hóa bằng Harvard," Đức Đạt Lai Lạt Ma đùa.
"Okay, trà," vị học giả đáp lại. "Vâng, có lẻ tôi Mỹ quá. Nhưng mặc dù tôi tiếp nhận sự học vấn ở một nước ngoài, nhưng tôi được xem như một người truyền thống nhất ở Đại Hàn."
"Như vậy là rất tốt. Rất tốt." Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu.
"Đây chính là áo quần do tôi tự thiết kế," Kim nói, vỗ vào chiếc áo dài đen đẹp của ông. "Nhưng thường thì tôi mặc áo quần truyền thống. Không bao giờ là đồ Tây."
Kim mang theo cùng hai người chụp hình và một thư ký cho cuộc phỏng vấn. Một, người đàn ông trẻ đang chụp hình nhanh một cách lặng lẽ bên cạnh. Kim bây giờ quay sang và nói ngắn gọn với người chụp hình, người ấy bây giờ tiến ra phía sau Đức Đạt Lai Lạt Ma để có thể tập trung tốt hơn vào vị học giả.
Đức Đạt Lai Lạt Ma hào hứng tiếp tục với cuộc phỏng vấn. "Bây giờ, tánh không và từ bi," ngài nói với người Đại Hàn, không chú ý gì đến ánh đèn chớp của máy chụp hình. "Dĩ nhiên, trước tiên nhất, chúng ta thông hiểu những ý tưởng này ở một trình độ hiểu biết. Cũng như những khía cạnh tích cực của từ bi và những tàn phá của vị kỷ. Sau đó, cuối cùng, có tác động trên cảm xúc của chúng ta. Cảm xúc của chúng ta thay đổi một cách chầm chậm. Đó là cung cách của Phật Giáo. Hãy sử dụng lý trí, hãy làm cho sự hiểu biết hữu dụng. Cho nên, liên hệ đến từ bi và thông hiểu tánh không, tôi có một ít kinh nghiệm. Kinh nghiệm đó chắc chắn mang đến lợi ích. Lợi ích lớn. Tôi hoàn toàn tin tưởng, bây giờ tôi có kinh nghiệm nho nhỏ này, nếu thực tập xa hơn, thì thậm chí những lợi ích lớn hơn sẽ đến với tôi. Điều đó là bảo đảm. Ông phát triển những phẩm chất này, thì ông sẽ có được hòa bình và hạnh phúc."
"Thưa Đức Thánh Thiện, ngài có thể nói điều gì đó về tánh không chứ?" vị học giả hỏi. Tôi mừng rằng ông ta, cũng như Oprah và tôi gặp khó khăn với khái niệm tánh không.
''Có hai trình độ về thực tại," Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích với người khách Đại Hàn. "Một trình độ của thực tại: ông thấy đây là một cái bàn." Ngài đưa tay trái nhẹ nhàng qua phần dưới của cái bàn giữa hai người. Sau đó ngài chỉ cái ca sành nước nóng của ngài, ngài thích uống cả ngày như vậy. "Đây là nước."
"Thực tại quy ước (thế đế)," người Đại Hàn nói.
"Bây giờ, làm thế nào để chứng minh sự hiện hữu của thực tại quy ước này?" Đức Đạt Lai Lạt Ma nói khi ngài di chuyển chiếc ca ngay trước mặt ngài. "Nước này hiện hữu. Tôi thấy, tôi cảm nhận … đây là nước." Ngài chồm mình tới gần cái bàn hơn, đổ nước vào ca, nhúng mạnh một ngón tay vào đó vài lần để nhấn mạnh. Ngài lấy kính ra và khom mình tới cho đến khi khuôn mặt ngài chỉ cách chiếc ca vài phân. "Trong cái nhìn lần thứ hai, vẫn là nước."
Đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi thẳng dậy, mang kính vào lại, và chỉ vào Lhakdor, ngồi trên thảm phía bên phải ngài. ''Hãy hỏi người nào khác, vâng, vẫn là nước. Sau đó chúng ta chấp nhận nó: điều này là thật."
Kim Yong-Oak |
"Ngài nói về sự thật quy ước," Kim Yong-Oak nói.
"Vâng, sự thật quy ước. Nhưng hãy nói là, đột nhiên, tôi thấy nước trái cây. Thay vì nước, tôi thấy chiếc ca này đầy nước trái cây - màu vàng." Đức Đạt Lai Lạt Ma lại lấy kính ra lần nữa. Ngài dụi mắt với lưng bàn tay và khom mình tới chiếc ca một lần nữa. "Rồi thì tôi nhìn một cách cẩn thận: tất cả tôi thấy là nước. Cho nên, điều này chứng tỏ rằng nhận thức thứ nhất là sai - việc thấy màu vàng là một lỗi lầm. Khi tôi nhìn gần hơn, nước trái cây không có ở đó."
Đức Đạt Lai Lạt Ma mang mắt kính vào và chăm chú nhìn vị học giả trong một lúc để thấy có bất cứ điều gì đã thẩm thấu vào không. Ngài đang nói rằng nhận thức hàng ngày của chúng ta có thể là đáng nghi ngờ. Những sai sót vật lý, như điều kiện ánh sáng phức tạp, có thể làm chúng ta thấy mọi thứ không một cách không đúng đắn.
"Một thí dụ khác. Vì sự mù màu của tôi, cho nên tôi luôn luôn thấy mọi thứ màu đen." Ngài chỉ chiếc ca và nói với nhà học giả, "Hôm nay, tôi thấy chiếc ca đen, và trưa nay cũng thấy chiếc ca đen. Nhưng rồi thì tôi không thể chắc. Tôi hỏi người nào đó: 'Hãy nhìn kìa, cái này màu gì?' Nếu người đó xác nhận cái này màu đen, thế thì nó được chứng thực một cách quy ước: cái này màu đen."
Ngài chỉ Lhakdor và hai người chụp hình đi cùng với nhà học giả tới buổi yết kiến. "Nhưng nếu người thứ hai, người thứ ba, thứ tư nói, 'Cái này màu vàng,' thế thì mặc dù tôi luôn luôn thấy cái này như màu đen, thì có điều gì đó sai sót với đôi mắt tôi. Thật sự nó không màu đen. Chính là trong cách này mà tôi luôn luôn cố gắng để tìm kiếm sự thật, sự thật quy ước - qua sự thẩm tra dựa trên lý trí."
Đức Đạt Lai Lạt Ma đang giải thích điều gì đó thân yêu với trái tim ngài: một quan điểm khoa học, đơn giản, hợp lý về thế giới. Ngài không sử dụng những ý tưởng vô vị, nửa vời. Xét cho cùng, đây là một nhân vật đã học hỏi luận lý học trong hơn một thập niên vào lúc tuổi trẻ. Những gì ngài đang cố để giải thích là điều này: hầu hết chúng ta dính mắc ý tưởng và nghĩa lý với mọi thứ như một cách để thấu hiểu và diễn giải thế giới chúng ta. Nhưng kinh nghiệm của chúng ta ảnh hưởng vấn đề chúng ta thấy thế giới như thế nào. Để thấu hiểu mọi thứ mà không bị biến thể [bởi vọng tưởng], thì chúng ta cần thẩm tra chúng với sự nghiêm khắc của khoa học.
"Bây giờ hãy nhìn vào thực tại cứu kính (chân đế)," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, chỉ vào ngón tay út vào chiếc ca của ngài. "Nó chính xác là gì?" Đức Đạt Lai Lạt Ma dựa rất gần với vị học giả Đại Hàn và nhìn chăm chú vào ông ta. "Chúng ta đang thấy màu sắc, hình thế. Nhưng nếu chúng ta lấy màu sắc, hình thể, vật chất đi thì chiếc ca là gì? Chiếc ca đâu? Chiếc ca này là sự kết hợp của những phần tử: nguyên tử, điện tử, vi lượng tử (quark). Nhưng mỗi phần tử không là 'chiếc ca'. Cũng có thể nói giống như thế với bốn đại (đất, nước, gió, lửa), thế giới, mọi thứ. Đức Phật. Chúng ta không thể tìm ra Đức Phật. Cho nên đó là thực tại cứu kính [ chân lý tối hậu]. Nếu chúng ta không thỏa mãn với thực tại quy ước, nếu chúng ta thâm nhập sâu vào và cố gắng để tìm thứ thật sự, rốt cùng chúng ta sẽ không tìm ra nó."
Vì vậy, Đức Đạt Lai Lạt Ma đang nói là, chiếc ca trống rỗng. Thuật ngữ 'chiếc ca' chỉ đơn thuần là một nhãn hiệu, điều gì đó chúng ta sử dụng để diễn tả thực tại hàng ngày. Nhưng mỗi chiếc ca hình thành sự hiện hữu do bởi một mạng lưới phức tạp của những nguyên nhân và điều kiện (nhân duyên). Nó không tồn tại một cách độc lập. Nó không thể hình thành bởi tự nó, của chính ý muốn của nó.
Thí dụ, giả sử tôi quyết định làm một chiếc ca đen. Để làm việc này, tôi trộn đất sét đen và nước, nắn nó như tôi thích và để hổn hợp kết quả trong một máy nung. Đất sét cộng với nước biến thành một chiếc ca do bởi những hành động của tôi. Nhưng nó hiện hữu vô số cách khác nhau mà những nguyên tử và phân tử tương tác. Và về tôi thì sao, đấng tạo hóa của chiếc ca đen, tôi là gì? Nếu cha mẹ tôi chưa bao giờ gặp nhau, chiếc ca đen có thể không bao giờ hiện hữu.
Do thế, chiếc ca không hiện hữu một cách độc lập. Nó hình thành chỉ qua một mạng lưới phức tạp của những mối quan hệ. Trong ngôn ngữ của chính Đức Đạt Lai Lạt Ma, và đây là khái niệm then chốt trong thế giới quan của ngài, chiếc ca được "hình thành một cách lệ thuộc." Sự hình thành chiếc ca do bởi một số nhiều những nhân tố khác nhau, không phải dưới sự hoạt động của chính nó. Nó là trống rỗng. "Trống rỗng" là tóm tắt cho "sự trống rỗng bản chất, hay không có sự tồn tại cố hữu, hay vô tự tánh". Hay nói cách khác, trống rỗng là một từ ngữ khác của sự liên hệ nhân duyên hổ tương.
Đôi mắt của Đức Đạt Lai Lạt Ma không rời khuôn mặt của vị học giả Đại Hàn. Tôi phải chú ý với cái nhìn chằm chằm mãnh liệt của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sự chuyển dịch lóng ngóng của người chụp hình chung quanh ngài và tiếng lách cách ồn ào của máy chụp hình không ảnh hưởng gì đến ngài.
Tại sao chúng ta quan tâm đến tánh không? Nó làm gì với đời sống thật sự của chúng ta? Đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma, quan điểm là tất cả. Rất nhiều nổi bất hạnh, khổ đau của chúng ta được tạo ra bởi sự khác biệt đối kháng giữa những quan điểm của chúng ta và những gì thật sự. Thí dụ, tôi thấy chính tôi là một thực thể riêng biệt. Tôi khác biệt với em gái tôi, vợ tôi, kẻ thù tôi. Cho dù tôi thương những người này hay ghét họ, tôi tin rằng tôi tồn tại một cách độc lập với họ. Cả đời sống của tôi, không nghi ngờ gì trong tâm tư tôi có một sự phân biệt rõ ràng giữa chính tôi và những người khác. Ý tưởng vị kỷ, của mỗi người vì chính họ, có ý nghĩa với quan điểm này.
Tuy nhiên, nếu tôi chấp nhận quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma, thì tôi thấy rằng sự tồn tại của tôi lệ thuộc vào những chuỗi liên kết phức tạp vô hạn của những sự kiện, những con người, những nguyên nhân, và những điều kiện (vô số nhân duyên). Nếu bất cứ thứ nào trong đây khác biệt, thì tôi sẽ hiện hữu trong những cách khác nhau. Nếu cha mẹ tôi đã sinh ra ở Lhasa, tôi chắc chắn sẽ là một người Tạng hơn là một người Tàu. Nếu tôi không bị bắt cóc ở A Phú Hản năm 1972, thì tôi có thể đã không gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Từ nhận thức này, "tự thân" và "người khác" chỉ có nghĩa trong hình thức của những mối quan hệ. Đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma, tinh túy, then chốt của thực tại, là mối quan hệ hổ tương nền tảng giữa người với người, và giữa con người với sự vật. Đây là việc ngài đã nhìn thế giới chung quanh ngài như thế nào. Trong hơn nửa thế kỷ, ngài đã tin tưởng, trong cối lõi sự hiện hữu của ngài, sự quan tâm "của ngài" và sự quan tâm "của ta" là liên kết không thể tách rời. Trong một cách rất hiển nhiên, chúng giao nhau. Và đó là tại sao ngài đã tận hiến trọn đời ngài cho sự cát tường của người khác. Ngài kêu gọi nó soi sáng cho sự vị kỷ. Ngài tin tưởng rằng nếu ngài có thể hổ trợ người khác, thì chính ngài sẽ lợi lạc trước nhất - ngài sẽ là một người hạnh phúc hơn như một kết quả. Ngài không có sự kêu gọi nào cao hơn điều này.
Cuộc phỏng vấn kết thúc. Trong khoảng một tiếng đồng hồ, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã kiên nhẫn giải thích cho Kim Yong-Oak vấn đề chính ngài được chuyển hóa trong những bước vở lòng, trải qua năm tháng, bằng việc sử dụng sự tiếp cận hợp lý đúng đắn với sự thực tập tâm linh của ngài. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của lý trí. Ngài dứt khoát rằng bất cứ người nào cũng có thể đạt được hạnh phúc chân thật bằng việc tập trung vào hai nền tảng căn bản của Phật Giáo: từ bi và tánh không. Nhưng vào lúc chấm dứt, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã không nói về những kinh nghiệm Giác Ngộ của chính ngài với vị học giả Đại Hàn.
*
Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khu vực giản dị của ngài ở tầng thượng một tu viện Tây Tạng tại Đạo Tràng Giác Ngộ và đi xuống cầu thang bên ngoài khoảnh sân hẹp của tu viện. Chiếc xe Đại sứ trắng đậu ở đấy. Nó trông cũng giống như những chiếc xe taxi khác thấy trong những thành phố Ấn Độ. Nhưng chiếc này được bọc sắt, cửa sổ dày, kính màu đủ mạnh để chống lại đạn. Một nhóm nhỏ Maoists cực đoan đã kích động gần Đạo Tràng Giác Ngộ mấy tháng gần đây. Và vùng này của Bihar, tiểu bang nghèo nhất của Ấn Độ, được biết như thỉnh thoảng có cướp vũ trang. Văn phòng ngoại giao ở Delhi đã gửi chiếc xe từ thành phố Lucknow kế cạnh cho Đức Đạt Lai Lạt Ma sử dụng trong chuyến hành hương đến Đạo Tràng Giác Ngộ và những nơi gần các Phật tích.
Đức Đạt Lai Lạt Ma bước qua chiếc xe và khỏi tu viện, cùng theo có đoàn tùy tùng khoảng năm mươi người: những người phụ tá và thị giả, một số lạt ma cao cấp, một đội bảo vệ Ấn Độ và Tây Tạng. Khu vực bên ngoài tu viện, trung tâm Đạo Tràng Giác Ngộ đã được dọn dẹp. Một đám đông những người hành hương và cầu mong tốt lành đang xếp hàng đợi chờ bên lề đường một cách nhẫn nại để được dịp chiêm ngưỡng vị lãnh tụ tôn kính Tây Tạng. Cảnh sát không cho xe hơi, xe đạp, xe kéo di chuyển trên đường.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thú vị với đoạn đường đi bộ ngắn này đến Đại Tháp Giác Ngộ thiêng liêng, nơi Đức Phật đã thành tựu Giác Ngộ. Đây sẽ là cơ hội để ngài gặp gở với những người bình thường. Hết lần này đến lần khác, ngài đã tách ra khỏi những người bảo vệ để chào mừng một người nào đó trong đám đông.
Một đội quân ăn xin nhỏ, hầu hết là đàn bà không rõ tuổi tác trong những bộ sari đủ màu sắc, ngồi chồm hổm bên ngoài cổng tháp. Họ là những người thuộc đẳng cấp cùng đinh của Ấn Độ, và đã trải qua một đoạn đường dài để đến Đạo Tràng Giác Ngộ, đúng thời gian của lễ khai đạo Thời Luân 2002 - trong mười một ngày nghi lễ Phật Giáo được tiến hành bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma trước hai trăm nghìn người (200,000). "Ở đây nơi Đạo Tràng Giác Ngộ," Đức Đạt Lai Lạt Ma từng giải thích cho tôi, "một số đông người như vậy sẽ đến với nhau trong vài ngày để tập trung vào lòng vị tha. Do bởi điều này, tôi nghĩ là những làn sóng tích cực , có lẻ ở mức độ không thấy được, có thể xảy ra. Nhưng tôi có thể bảo đảm với ông, bất kể là tích cực hay không, tối thiểu là vô hại. Và tôi nghĩ những người tham dự, trong một thời khắc ngắn ngủi nào đó, có thể trải nghiệm một sự tĩnh lặng nào đó, một sự hòa bình và toại nguyện nào đó. Điều đó thường xảy ra trong lễ Khai đạo Thời Luân."
Một điều chắc chắn là, những người ăn xin biết là họ sẽ không đói. Và họ biết là, kết thúc hai tuần phóng túng, mỗi người trong họ chắc là sẽ về nhà với một xấp tiền giấy rupee (tiền tệ Ấn Độ).
Những người ăn xin chỉ hơi chú ý sự tiếp cận Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thay vì thế, sự chú ý chính của họ tập trung mạnh vào năm sáu người Tây Tạng đang kéo một thùng nhôm lớn chứa cơm màu vàng nghệ đến trước họ. Với những động tác nhanh, nhuần nhuyển, hai người trai trẻ múc những phần bố thí vào chiếc ca thiếc chìa ra. Nghi thức này được tiến hành hai lần một ngày. Đi vội vàng trên đôi tay và đầu gối của chúng theo những người Tây Tạng di chuyển nhanh là năm hay sáu đứa bé bị tê liệt, những đôi chân như que diêm của chúng rung động nhịp nhàng phía sau thân thể gầy còm của chúng như những cái đuôi. Những đứa trẻ cũng sẽ không đói - không đói khi Đức Đạt Lai Lạt Ma ở trong thị trấn này.
Ở cửa ra vào phía trước chánh điện của Đại Tháp, Đức Đạt Lai Lạt Ma bỏ đôi dép nhựa ra và lễ phủ phục ba lần trên một tấm tọa cụ lụa đỏ thắm trải trên nền bởi những thị giả của ngài. Sau đó ngài bước qua một lối hẹp vào chánh điện nổi bật tận cùng là một tượng Phật lớn.
Đức Đạt Lai Lạt Ma tiến đến bảo tọa, bức tượng cao ngất phía trên ngài. Ngài lễ phủ phục ba lần nữa. Một nhóm tu sĩ Tích Lan, chói lọi trong những bộ y vàng nghệ của họ đi lượn đến gần. Họ là những bảo vệ chính thức của đại tháp. Chỉ một tá lạt ma cao cấp Tây Tạng trong y áo đỏ sậm và một ít bảo vệ Tây Tạng là những người khác trong điện Phật. Không khí gần như cay nồng với mùi nhang dày đặc phảng phất và mùi hơi người ẩm lâu ngày của vô số khách hành hương.
Tôi đứng chen bên cạnh Senge Rabten, trưởng nhóm bảo vệ của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhà chuyên môn karate với thân hình ngắn gọn đang vói lên cố gắng sửa một chiếc quạt trần. Sau một dò dẫm nào đó, ông ta đã thành công trong việc hướng dòng không khí thẳng đến Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi có thể nghe những tiếng động của một đám đông khổng lồ bên ngoài, được giữ trong sự hạn chế bởi những chiến binh trang bị vũ khí tự động.
Một tu sĩ Tích Lan đưa chiếc bật lửa cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Hai cây nến màu tím, hình xoắn và để trên chân đèn bằng đồng, đặt trên bệ trước tượng Phật. Đức Đạt Lai Lạt Ma thắp đèn một cách cẩn thận, từng chiếc một. Sau đó ngài nhìn lên Phật tượng và chấp tay trong tư thế quy kính.
Tôi nheo mắt nhìn bức tượng cổ bằng đá, nghe nói là được tạc khoảng 1,700 năm trước. Khi được khai quật bởi những nhà khảo cổ Anh thế kỷ 19, đầu của bức tượng bị rời khỏi thân. Họ đã hàn gắn lại trước khi cung nghinh Phật tượng vào nội điện của đại tháp. Tôi đã biết rằng khi Đức Đạt Lai Lạt Ma lần đầu tiên chiêm ngưỡng bức tượng quan trọng nhất này, ngài đã bị khích động vì thấy chính mối ráp lại. Ngài đã cúng dường một số tiền lớn, thỉnh cầu được sơn bức tượng bằng vàng. Cơ quan khảo cổ Ấn Độ đã chống đối, nhưng cuối cùng, tình cảm tôn giáo đã thắng. Bức tường phía sau tượng Phật được sơn màu xanh dương và chiếu ánh sáng nhẹ, để tạo ảnh hưởng của khung cửa sổ lớn giống như bầu trời xanh. Tôi cố gắng để thấy nếp nhăn của mối ráp chung quanh cổ tượng nhưng không thành công.
Đức Đạt Lai Lạt Ma bước trở ra Phật điện. Ngài xoay sang bên phải và đi nhiễu chung quanh đại tháp.
Ngay trước khi ngài đến cổng tháp, ngài đột nhiên thay đổi hướng đi và rẻ sang bên phải, đến gần một đám đông người Tây Tạng đang căng thẳng chống lại những nhân viên bảo vệ. Với người bảo vệ bên cạnh, ngài hướng đến một người trai trẻ ngồi trên mặt đất bên cạnh lão bà nét mặt rộng của người Mông Cổ, tóc bà kết thành hai bím dài. Người trai trẻ, khoảng mới hai mươi tuổi, có một cây gậy trong tay. Thế nào đấy, mặc dù mắt anh ta mở rộng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đoán là anh ta mù. Người tu sĩ Tây Tạng khom mình xuống, cầm tay người thanh niên, và nói với ngài trong một giọng sâu lắng. Ngài muốn biết anh ta từ đâu đến, anh ta có được chửa trị gì chưa. Tôi kinh ngạc với năng lực kỳ lạ của Đức Đạt Lai Lạt Ma khi chọn ra người mất khả năng, tàn tật trong một đám đông khổng lồ.
Sau này tôi mới được biết người trai trẻ, Lobsang Thinley, đã đến với mẹ anh ta từ vùng Machen của Amdo, một bộ phận của tỉnh Thanh Hải, Trung Hoa, phía Đông Bắc Tây Tạng. Anh ta đã bị mù vào lúc mưởi lăm tuổi, khi đau đớn từ một chấn động nghiêm trọng sau khi bị té. Việc giải phẩu đã hồi phục khả năng nhìn của anh ta một phần nào, nhưng trước đó lâu rồi sự mù lòa của anh ta đã trở lại. Trải qua nhiều năm, mẹ anh ta đã cố gắng một cách tuyệt vọng để tìm cách cứu chửa cho con trai bà, đưa anh ta đến những bệnh viện quan trọng ở Chengdu và Bắc Kinh, nơi anh ta được giải phẩu một lần nữa, và cũng được chửa trị bằng châm cứu. Không gì có kết quả. Thần kinh thị giác của anh ta đã bị hư hại nghiêm trọng, và anh được nói là anh không thể thấy lại lần nữa.
Khi anh ta nghe rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma, lần đầu tiên trong mười lăm năm, sẽ tiến hành lễ Khai đạo Thời Luân ở Đạo Tràng Giác Ngộ đầu năm 2002, người con trai quyết định đi. Anh ta muốn được gần Đức Đạt Lai Lạt Ma, để nghe ngài giảng đạo. Gia đình và bè bạn cố gắng để khuyên ngăn: hành trình từ Đông Bắc Tây Tạng đến Nepal và Ấn Độ qua Hy Mã Lạp Sơn sẽ gian khó và nguy hiểm. Nhưng anh ta không nghe. Mẹ anh ta đã bán hết nữ trang và trâu bò và mượn người thân để dành dụm đủ tiền cho hành trình. Bà vẫn hy vọng rằng con trai bà ta sẽ thấy lại một ngày nào đó. Có lẻ họ gặp may mắn ở Ấn Độ, nơi khai sinh Phật Giáo.
Sau một vài trao đổi ngắn với bà mẹ và đứa con, Đức Đạt Lai Lạt Ma quay đi. Người trai trẻ cầm tay ngài thêm một lúc nữa, không muốn buông ra. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với một người phụ giúp của ngài. Ngài muốn Bác sĩ Tseten Dorji Sadutshang, một trong những bác sĩ riêng của ngài và giám đốc của bệnh viện Delek ở Dharamsala, khám nghiệm cho người trai trẻ xem có thể làm được gì không. Sau đó ngài rời Đại Tháp Giác Ngộ và đi bộ về tu viện Tây Tạng.
*
Một vài ngày sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma gặp chàng trai mù ở Đạo Tràng Giác Ngộ, tôi có một buổi ăn tối như thường lệ ở một phòng ăn nhỏ ở tầng hai của tu viện, từ nhân viên Văn Phòng Riêng đến bảo vệ đều ăn buổi tối của họ ở đấy. Hầu hết mọi buổi tối, thức ăn là món truyền thống của Tây Tạng bột nhồi trơn luộc và mì nước với rau cải.
Khi tôi bắt đầu với món súp, Bác sĩ Tseten Dorji Sadutshang nhích đến bên cạnh tôi. Chúng tôi gặp nhau hai năm trước đây ở Spiti, một vương quốc cổ của Tây Tạng phía Bắc Dharamsala. Bác sĩ Tseten, như ông được biết, thì mãnh liệt và ốm như đường rầy xe lửa. Một không khí của uyên bác và nội quán gắn liền với ông, và ông nói chuyện trong giọng điệu chu đáo và tiết độ. Ông thường sống một mình, nhưng đôi khi ông có thể gia nhập vào đám đông một cách đáng ngạc nhiên.
Tôi hỏi ông về chàng trai mù, Lobsang Thinley, từ Tây Tạng.
"Tôi được thông điệp từ Đức Thánh Thiện,"Bác sĩ Tseten nói với tôi. "Nhưng trước khi tôi có thể gặp và khám cho chàng trai mù, người nào đó đã đến cho tôi hay một tin tức. Một người trẻ Tây Tạng, một tu sĩ đến từ tu viện Drepung ở Nam Ấn, muốn tặng đôi mắt của ông ta cho chàng trai trẻ ấy."
Tôi dừng ăn mì. Tôi nhìn chung quanh phòng xem có ai nghe tin này không. Nhưng không có ai chú ý.
"Vâng, thật là hết sức ngạc nhiên," vị bác sĩ tốt nghiệp Harvard nói. "Tôi chưa bao giờ nghe chuyện như vậy trước đây. Hiến tặng mắt, vâng, từ những người chết. Nhưng chưa bao giờ từ một người sống."
"Ông đã gặp chàng trai mù rồi chứ?" tôi hỏi.
"Vâng, tôi đã đến trại, nơi những người hành hương đến từ Tây Tạng ở. Có khoảng hai hay ba trăm người ở trong những lều vải chỉ ngay phía sau Đại Tháp. Tất cả họ đều xoay sở để đi xuyên Hy Mã Lạp Sơn đến Nepal và rồi hối lộ cho lính biên phòng để đến Ấn Độ. Chàng trai mù ở trong một lều với khoảng tám hay mười người. Mẹ chàng khóc miết lúc tôi ở đấy."
''Ông đã khám mắt cho chàng trai ấy rồi chứ?"
"Không. Không thể. Ánh sáng kém quá, và tôi không đem theo vật dụng y tế."
"Ông có nói cho chàng trai nghe về việc tu sĩ hiến tặng mắt?''
"Chàng ta đã biết chuyện ấy rồi. Tôi nói với anh ta rằng trước tiên anh ta phải khám nghiệm toàn bộ để chúng tôi xem điều gì xảy ra với mắt anh ta. Và cả hai người đàn ông cần phải được kiểm soát để thấy hai người có tương hợp với nhau không, việc ghép có được hay không?"
Tôi tiếp tục ăn tô mì của tôi. Bác sĩ Tseten nhìn chằm chằm vào tô mì của ông ta. Ông chỉ mới ăn chút ít mà thôi.
"Chàng trai mù nói với tôi rằng anh ta đã nghĩ nhiều về việc hiến tặng," ông tiếp tục. "Dĩ nhiên anh ta cực kỳ xúc động. Nhưng anh ta nói cuối cùng phải từ chối. Anh ta đã đau khổ cùng cực qua bao năm tháng, và đơn giản là anh không thể chịu đựng với suy nghĩ về một người khác sẽ phải chịu cùng sự đau đớn như vậy."
Bác sĩ Tseten nói với tôi rằng ngày kế đó ông đã đi đến trại của những tu sĩ thuộc tu viện Drepung ở. Ông muốn gặp Tsering Dhondup, người muốn hiến tặng đôi mắt. Vị tu sĩ đã không có ở đó.
"Hôm qua, tôi đã gặp Đức Thánh Thiện và nói với ngài về việc hiến tặng của tu sĩ," Bác sĩ Tseten nói.
"Ngài phản ứng thế nào?"
"Thật là một thời điểm quý báu nhất trong đời tôi," Bác sĩ Tseten nói một cách lặng lẽ. "Ngay cả trước khi tôi nói xong về việc của tu sĩ ấy, tôi có thể thấy sự dâng trào cuồn cuộn của thấu cảm, của từ bi, tuôn ra từ bên trong sâu thẳm của ngài. Điều đó là thật, như là một vấn đề tự nhiên. Nhưng ngài không nói một lời nào. Đôi mắt tôi bắt đầu đẩm lệ. Tôi chưa bao giờ cảm thấy điều gì đó như thế này trước đây. Từ bi thật mãnh lực, bao phủ tôi, và thấm nhuần tôi."
***
Từ bi là một chủ đề mà Đức Đạt Lai Lạt Ma lập đi lập lại mãi. Tôi không tin là tôi có bao giờ ngồi suốt buổi diển thuyết hay giảng dạy của ngài mà không nghe ngài tiếp tục nói tràng giang về điều này. Tôi cũng biết là ngài đã thiền quán về từ bi mỗi buổi sáng mà không bao giờ thiếu trong nửa thế kỷ qua.
Trong một cuộc phỏng vấn, tôi đã thỉnh cầu Đức Đạt Lai Lạt Ma trao cho tôi sự thọ trì về từ bi của ngài, như thường lệ, Lhakdor, luôn ở bên cạnh ngài.
"Từ bi là điều gì đó như một cảm nhận săn sóc, một cảm nhận quan tâm cho những khó khăn và đau khổ của người khác," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. "Không chỉ gia đình và bè bạn, nhưng tất cả những người khác. Những kẻ thù cũng thế. Bây giờ nè, nếu chúng ta thật sự phân tích những cảm giác của chúng ta, một điều sẽ trở thành rõ ràng. Nếu chúng ta chỉ nghĩ về chính chúng ta, quên lãng những người khác, thế thì tư tưởng của chúng ta chỉ chiếm dụng một vùng rất nhỏ. Bên trong vùng nhỏ nhoi đó, ngay cả một rắc rối bé tí cũng xuất hiện rất lớn. Nhưng thời khắc ông phát triển một cảm nhận quan tâm đến người khác, ông sẽ nhận ra rằng, đúng là giống như chúng ta, họ cũng muốn hạnh phúc, họ cũng muốn toại nguyện. Khi ông có cảm nhận quan tâm này, tâm tư ông tự động mở rộng. Vào lúc ấy, những rắc rối của chính ông, ngay cả những rắc rối lớn, sẽ không là quan trọng lắm. Kết quả? Sự gia tăng trong hòa bình của tâm thức. Cho nên, nếu ông chỉ nghĩ về chính ông, chỉ sự hạnh phúc của ông, kết quả thật sự là kém hạnh phúc hơn. Ông cảm thấy băn khoăn hơn, sợ hãi hơn.
Cho nên đây là những gì tôi nghĩ như tác động của từ bi: nếu ông thật sự muốn hạnh phúc chân thật, thế thì bất cứ phương pháp gì ông sử dụng để có nó là đáng để bỏ công. Và thứ tự tốt nhất là: khi ông nghĩ về người khác, ông sẽ là người đầu tiên hưởng lợi ích tối đa."
Tôi hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma làm sao ngài có được sự thấu hiểu từ bi này.
"Lúc tôi ba mươi hai tuổi, tôi đã phát triển một kinh nghiệm mạnh mẽ về từ bi," ngài với tôi. "Trong năm 1967, tôi tiếp nhận giáo huấn 'Hướng Dẫn Lối Sống Bồ tát[1]' của Tịch Thiên từ một lạt ma cao cấp. Từ lúc ấy tôi đọc và tư duy về từ bi. Tâm tư tôi trở thành gần gũi với nó, cảm giác của tôi về nó rất mạnh mẽ. Thường thường, khi tôi quán chiếu về ý nghĩa và lợi lạc của lòng vị tha, lệ đã rơi trên má tôi."
Ngài hướng qua nói Tạng ngữ với Lhakdor. Lhakdor thông dịch lại: "Căn cứ trên sự thông hiểu của ngài, thì việc phát triển từ bi tiếp diễn từ lúc ấy. Khi ngài thiền quán về từ bi, đôi khi ngài tràn đầy hân hoan và cảm kích. Và có một cảm nhận mạnh mẽ của việc quan tâm cho người khác đồng thời với một cảm giác buồn thảm."
"Có một lối rẻ nào khác trong sự phát triển từ bi của ngài sau năm 1967 không?"
"Liên tục," ngài trả lời bằng Anh ngữ, trước khi nói với Lhakdor bằng Tạng ngữ.
"Vào cuối những năm 1980, kinh nghiệm của Đức Đạt Lai Lạt Ma về từ bi trở nên mạnh hơn và mạnh hơn," Lhakdor thông dịch. Tôi chú ý rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma không muốn nói trực tiếp với tôi về thành tựu tâm linh của ngài. Có lẻ ngài lo ngại rằng ngài sẽ gây ấn tượng khoe khoang. Ngài rõ ràng thoải mái hơn khi nói chuyện qua Lhakdor.
"Từ lúc ấy, cảm nhận từ bi đến với ngài một cách dễ dàng hơn có phải không?" tôi hỏi.
"Vâng," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, thêm điều gì đó bằng Tạng ngữ. Lhakdor bắt đầu thông dịch: "Một điều là: sau khi phát triển kinh nghiệm thật sự này với từ bi, có những phần này …"
"Sự tin chắc, từ ngữ thích hợp hơn," Đức Đạt Lai Lạt Ma chen vào. "Tôi không thể nói 'kinh nghiệm thật sự.' Sự tin chắc mạnh mẽ."
"Một biểu lộ của sự tin chắc ấy," Lhakdor tiếp tục. "Bất cứ khi nào ngài hành thiền hay quán chiếu về từ bi, thì nó sẽ đưa đến những cảm xúc đầy năng lực, dẫn đến những dòng nước mắt trong một số lần giảng dạy công cộng hay học tập riêng tư. Và khi Đức Thánh Thiện quán chiếu về những giải thích thậm thâm nào đó về tánh không, điều này cũng thúc đẩy một cảm xúc mạnh."
"Tôi nghĩ rằng sự tin chắc hay những cảm xúc mạnh ấy thật sự sinh ra thêm sức mạnh nội tại," Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích. "Cho nên khi tôi đối diện một rắc rối hay chỉ trích nào đó, thí dụ, đôi khi sự chỉ trích vô căn cứ từ Trung Cộng, dĩ nhiên, đôi khi cũng bị kích động."
"Nhưng rồi thì ngài có cảm nhận từ bi này cho họ," Lhakdor thông dịch. "Ngài ân hận rằng họ đã không thực hiện sự liên hệ tích cực với ngài. Nhưng tình cảm của ngài cũng nguyện cho họ có kết quả tích cực mặc dù có sự tiêu cực này. Một vấn đề khác: Đức Thánh Thiện muốn nhấn mạnh rằng sự phát triển của ngài về từ bi là một kết quả của sự thực tập dài lâu."
"Hành động gian khó cần mẫn," tôi thêm vào.
"Không quá gian khó," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. "Tôi nghĩ buổi sáng sớm, tôi quán chiếu về từ bi, khoảng vài phút. Một sự tĩnh lự nào đó, một sự thiền quán phân tích nào đó. Dĩ nhiên, mỗi buổi sáng, tôi thọ trì thệ nguyện vị tha. Vào lúc ấy, tôi quán chiếu về từ bi, trì tụng một số câu kệ, cho đến khi tôi có một loại cảm giác mạnh mẽ nào đó.
"Bây giờ nè, sự thấu hiểu về tánh không giúp rất nhiều cho việc phát triển từ bi. Không nghi ngờ gì nó củng cố lòng từ bi," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, điểm vào không khí vài lần với ngón tay trỏ phải của ngài.
Lhakdor giải thích: "Tánh không cho phép chúng ta có một sự thông hiểu về thực tại cứu kính (chân đế). Nó giúp chúng ta đánh giá đúng tuệ giác liên hệ hổ tương - một quy luật nền tảng của tự nhiên. Chúng ta đạt được sự đánh giá đúng rằng tất cả chúng ta liên hệ với nhau một cách căn bản. Chính là do bởi sự liên hệ hổ tương này mà chúng ta có thể thấu cảm với nổi khổ của người khác. Với sự thấu cảm, từ bi tuôn chảy một cách tự nhiên. Chúng ta phát triển một sự thấu cảm chân thành cho sự khổ đau của người khác và chí nguyện cứu độ làm tan biến nổi đau đớn của họ. Tánh không vì thế làm mạnh thêm những cảm xúc tích cực như từ bi."
Tánh không và từ bi. Tuệ giác và phương tiện. Đây là hai cột trụ sinh đôi trong sự thực tập của Đức Đạt Lai Lạt Ma - mọi thứ chúng ta cần để biết về sự thực tập tâm linh. Ngài thường sử dụng một ẩn dụ để làm sáng tỏ tầm quan trọng trung tâm của chúng. Giống như một con chim cần hai cánh để bay, một người với tuệ giác và không có từ bi giống như một ẩn sĩ sống đời vô vị đơn độc trong núi rừng; một người từ bi mà không có tuệ giác không gì hơn như một người dễ thương ngờ nghệch. Cả hai phẩm chất là cần thiết, chúng làm mạnh mẽ lẫn nhau. Một khi chúng ta nhận ra tất cả chúng ta là liên hệ hổ tương, thì thật khó để không có một cảm nhận từ bi nào đó cho những vấn nạn của những con người đồng loại chúng ta.
Đức Đạt Lai Lạt Ma trông trầm ngâm. Sau một lúc, ngài hướng về tôi, đôi mắt ngài tìm kiếm. "Tôi nghĩ một điều mà tôi hoàn toàn chắc chắn,'' ngài nói. "Tôi có thể nói với ông, sự thực tập song song tánh không và từ bi là …" Sau đó ngài chuyển sang Tạng ngữ một lần nữa.
Lhakdor thông dịch. "Đức Thánh Thiện có thể nói với sự tin chắc rằng: nếu ông hành thiền về tánh không và từ bi, miễn là ông thực hiện năng nổ, thế thì Đức Thánh Thiện bảo đảm rằng, ngày lại ngày qua, ông sẽ có những lợi lạc rõ ràng. Toàn bộ thái độ của ông sẽ thay đổi."
"Tôi nghĩ, hai sự thực tập này thật khéo léo … " Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại, không hoàn toàn thỏa mãn rằng chữ "khéo léo'' là thích đáng. Ngài nhìn chăm chăm vào không gian, hai tay nắm lại trước mặt ngài. "Tôi nghĩ … hiệu quả. Tôi nghĩ việc thấu hiểu tánh không làm mọi thứ uyển chuyển, rồi thì từ bi làm nên một hình thái mới." Vào lúc chấm dứt câu cuối cùng của ngài, ngài đụng hai nắm tay ngài với nhau như chập chỏa.
"Như nặn đất sét," Lhakdor tự động.
"Những thứ này về từ bi là điều gì đó sống động - theo kinh nghiệm của riêng tôi," Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục. "Tôi nói một vài kinh nghiệm của tôi cho những người khác, chia sẻ những cảm giác nào đó của tôi, sau đó những người khác thấu hiểu: có điều gì đó thực tế, điều gì đó sống động. Bằng khác đi nhiều người sẽ có ấn tượng rằng: những thứ này là điều gì đó như 'thiên đàng" của Phật Giáo - chỉ là ý tưởng, chỉ là khái niệm, không phải là điều gì đó sống động …"
"Giống như kể một chuyện thần tiên," Lhakdor thông dịch, khi Đức Đạt Lai Lạt Ma lúc lắc tới lui trên chiếc ghế của ngài, thân thể ngài rung chuyển với giọng cười như sấm của ngài.
*
Năm người lính biệt kích hình thành một cái bia che chắn chung quanh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi ngài cất bước lên con đường dốc đến đỉnh Linh Thứu, một trong những địa điểm hành hương quan trọng của những người Phật tử. Những người lính này là thành viên của một đơn vị ưu tú trong quân đội Ấn Độ, ăn mặc toàn đen: sơ mi cô tông tay dài, khăn quấn đầu tua buông xuống, và quần bó sát chân. Mỗi người có một khăn choàng thứ hai quấn ngang mặt chỉ thấy đôi mắt. Tất cả mang súng tự động. Hai trong số ấy, đặc biệt được huấn luyện bắn tỉa, có một súng trường đeo lủng lẳng trên vai. Ngay cả không có vũ khí, những người đàn ông vai rộng thật ấn tượng khi nhìn; mỗi người cao hơn sáu bộ và rõ ràng vô cùng thích hợp.
Thêm những binh sĩ nữa, mặc đồ kaki và mũ bê rê xanh, đi theo sau. Tôi chưa bao giờ thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma được bảo vệ vô cùng cẩn thận như vậy ở Ấn Độ. Đây quả là một sự kiện hiếm hoi khi lãnh tụ Tây Tạng hành hương ở một vùng hẻo lánh như vậy ở Bihar, một tiểu bang nghèo nhất và bất ổn của đất nước; nhà chức trách không có lựa chọn nào khác đối với cơ hội này.
Đức Đạt Lai Lạt Ma leo lên một cách chậm chạp nhưng vững vàng, dựa cẩn thận vào cây gậy đi bộ được làm từ một cành cây gầy còm. Thỉnh thoảng ngài nói chuyện với những người hộ tống Ấn Độ, nhưng phần nhiều ngài im lặng. Được một phần tư đường, ngài cởi tấm y đỏ bên ngoài và đưa cho Buchung, thị giả của ngài xếp lại cẩn thận và để vào ba lô. Đến một chỗ, Đức Đạt Lai Lạt Ma bước ra khỏi đường và nhìn vào một động thiền nhỏ đục vào bên trong đồi. Một đệ tử của Đức Phật đã hành thiền trong ấy hai nghìn năm trăm năm trước. (Trên đường lên đỉnh Linh Thứu có hai động nhỏ tương truyền là của ngài Xá Lợi Phất và A Nan).
Đỉnh núi Linh Thứu là một khoảnh nhỏ bằng phẳng vây quanh bởi những tảng đá trồi lên ba phía. Phía thứ tư, là sườn dốc lưỡi đao cheo leo thấp dần xuống một thung lũng. Một hàng rào gạch, xây ngang đến thắt lưng chiếm lĩnh vùng bằng phẳng. Nhiều ngọn nến cúng dường đã được đặt trên mặt những bức tường thấp.
Sau khi lễ phủ phục, Đức Đạt Lai Lạt Ma bước đến cạnh sườn núi và nhìn xuống thung lũng Rajgir, cách Đạo Tràng Giác Ngộ ba giờ lái xe. Một con đường bụi đỏ chia đôi vùng đất nông trại xanh tươi, đưa thẳng đến những ngọn núi cao bao quanh thung lũng. Khung cảnh tuyệt đẹp. Nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma không nán lại nơi ấy. Tâm tư ngài đang cầu nguyện - kinh tuệ giác giải thích về khái niệm tánh không - tâm kinh bát nhã - mà ngài đã đến để trì tụng. Chính tại nơi này, hai nghìn năm trăm năm trước, Đức Phật đã giảng giải giáo lý tánh không, một ý tưởng trọng tâm của tri thức Phật Giáo.
Trong những cuộc gặp gở trước với tôi, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giải thích rộng rãi những khái niệm quan hệ với nhau của sự lệ thuộc hổ tương và tánh không - chúng là hai mặt của đồng xu, hai cách khác biệt nhau để thấu hiểu cùng một ý tưởng. Đây là những gì ngài đã nói với tôi: sự tồn tại của bất cứ thứ gì - cà phê, chiếc ca, cảm giác ghen tỵ - hoàn toàn tùy thuộc vào một mạng lưới phức tạp của những mối quan hệ. Do bởi điều này, nếu ta nghĩ về nó đúng mức, thì sẽ không có một cách hợp lý nào cho những thứ này tồn tại một cách độc lập. Do thế, trong thuật ngữ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, chúng được nói là trống rỗng một đời sống của chính chúng. Chúng không có sự tồn tại cố hữu, vô tự tánh. Nói cách khác, chúng là không. Ngài cũng nói với tôi rằng hiểu rõ giá trị những khái niệm này một cách trọn vẹn, để siêu việt sự thấu hiểu trí năng đơn thuần, là một sự thực tập tâm linh nghiêm mật liên hệ một thời gian dài của thiền tập là không thể thiếu được.
Trong một cuộc phỏng vấn khác, tôi muốn biết Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đối diện với khái niệm tánh không lần đầu tiên như thế nào và tiếp theo đấy nó đã chiếm lĩnh tầm quan trọng then chốt trong đời của ngài như thế nào.
"Tánh không không phải là một vấn đề dễ dàng để hiểu," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với tôi. "Nhưng một khi tôi đã phát triển một sự thấu hiểu nào đó, một tuệ giác trực tiếp nào đó, sau đó tôi nhận ra rằng nó có thể ứng dụng được vào hầu hết mọi kinh nghiệm, mọi hoàn cảnh."
Ngài hướng sang Lhakdor và nói Tạng ngữ. "Đã đạt được tri thức sâu hơn cùng với tuổi tác, ảnh hưởng của tánh không với đời sống của ngài trở thành sâu sắc hơn," Lhakdor thông dịch.
"Tôi nghĩ khoảng hai mươi tuổi, thì tôi đã phát triển một sự thích thú chân thành với tánh không," Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục, lúc lắc tới lui nhẹ nhàng trên chiếc ghế của ngài. "Tôi nhớ một sự kiện. Năm 1954, tôi dự Quốc Hội Nhân Dân ở Bắc Kinh. Có vài ngày rỗi rảnh, vì thế tôi đã yêu cầu học về tánh không với vị giáo thọ kỳ cựu của tôi là Ling Rinpoche. Đó là một dấu hiệu sự thích thú của tôi."
Đức Đạt Lai Lạt Ma bổng im lặng, nhịp điệu lúc lắc dừng lại. Ngài ngồi thẳng và nhìn chằm chằm vào khoảng không. Sau một lúc, ngài cào cào trên má ngài và bắt đầu nói Tạng ngữ lại với Lhakdor, xoa bóp nhẹ nhàng bàn tay phải ngài, trong một chuyển động tròn, chung quanh ngực ngài. Lhakdor chồm tới trước, đôi mắt ông nhìn thẳng vào vị lãnh tụ Tây Tạng khi ông thông dịch. "Vào cuối những năm hai mươi tuổi của Đức Thánh Thiện, năm 1963, một ngày nọ khi ngài đang đọc một kinh luận Phật Giáo, tới một điểm khi ngài ngang qua một dòng nói: 'Tôi' chỉ đơn thuần được mệnh danh cho tự ngã của những uẩn vật chất (những tập hợp tinh thần và vật chất). Ngay khi đọc điều đó, ngài có một cảm giác đặc biệt, một kinh nghiệm lạ kỳ." Giọng của Lhakdor thì thầm khàn khàn, tôi phải cố gắng để nghe những lời ấy.
"Kinh nghiệm lạ kỳ ấy tồn tại bao lâu?" tôi hỏi.
"Cảm giác ấy tồn tại, tôi nghĩ, vài tuần, có lẻ," Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời. Ngài nói thêm với Lhakdor. Những nếp nhăn trên chân mày ngài sáng lên; ngài nhìn chằm chằm vào sàn nhà trước mặt ngài và làm điệu bộ như quét thảm. Có một cái nhìn lạ thường trên khuôn mặt ngài.
"Trong thời gian ấy," Lhakdor thông dịch, "bất cứ khi nào ngài thấy con người, sự vật … thảm, thí dụ, ngài thấy chúng như thảm và con người, nhưng cùng lúc, ngài chú ý rằng tất cả không có bản chất. Ngài có cảm nhận rõ ràng rằng không có cái 'tôi'. Không phải trong bản chất rằng cái 'tôi' không tồn tại, nhưng một cảm giác nào đó về không có cái 'tôi' như chúng ta hiểu nó."
"Sự vắng mặt của thực tại cứng nhắc," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói một cách nhấn mạnh. Ngài đưa cả hai tay lên ngực và nắm chúng lại thành những nắm đấm chặc chẽ.
"Ngài có bất cứ viễn tượng nào không?" tôi hỏi ướm thử, không chắc là trí tuệ có trong câu hỏi này không. Tôi vừa nhận ra rằng cuộc đối thoại đã chuyển theo một chiều hướng không ngờ tới. Đức Đạt Lai Lạt Ma đang nói cho tôi nghe điều gì đó rất cá nhân, điều gì có lẻ chỉ có một số người đếm trên đầu ngón tay nghe mà thôi.
"Không," ngài trả lời.
"Nhưng có kinh nghiệm này của cái không 'tôi'," tôi nói.
"Vâng."
Đức Đạt Lai Lạt Ma lại một lần nữa nói trực tiếp với Lhakdor. "Thể chất mà nói, có điều gì đó như ánh sáng lóe lên qua trái tim ngài," Lhakdor thông dịch. "Ngài kinh nghiệm điều gì đó như một cú sốc điện."
Tôi có cảm giác không thoải mái như tôi đang nghe trộm. Những thực chứng tâm linh là các kinh nghiệm mật thiết, cá nhân đối với một Phật tử, và đây là lần đầu tiên tôi mới nghe một hành giả nghiêm khắc nói về chúng. Nhưng tôi cần xác chứng những gì tôi mới vừa nghe. "Một cú sốc điện đi qua thân thể ngài?" tôi hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma.
"Vâng," ngài trả lời. Ngài đang nhìn tôi một cách gần gũi, đôi bàn tay ngài bây giờ để trên đùi.
Tôi nghe một tiếng lách cách, một tiếng động dường như đến từ một nơi xa. Rồi thì tôi nhận ra rằng băng thu thanh của tôi đã ngừng, hết băng. Tôi giữ đôi mắt tôi không thay đổi với Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi không tin tưởng khả năng tôi để gắn vào một băng mới từ trong túi của tôi. Tôi sẽ có một băng copy cuộc phỏng vấn từ Lhakdor.
"Trong vài tuần lễ ấy, ngài thấy các đối tượng như không có bản chất, không có thực thể?" tôi hỏi. Đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi rất ngay ngắn trên ghế, gương mặt ngài điềm tĩnh. Trong tôi ngài rất giống một Đức Phật vào lúc ấy. Tôi không thể không cảm thấy kinh ngạc bởi sự hiện diện của ngài.
"Vâng. Nếu tôi có nghĩ về vô ngã, không cái 'tôi'," ngài giải thích, "thế thì trong giây phút ấy, giống như hình ảnh. Tôi nghĩ đơn giản là xem TV hay một bộ phim. Một cách đặc biệt như là xem một bộ phim. Một cách để xem phim: cảm giác điều gì đó thật sự đang diễn ra trong đấy. Nhưng cùng lúc, trong khi mắt ông nhìn đấy, nhưng tâm tư ông biết đây chỉ đơn thuần là hình ảnh - hành động, không thật. Cho nên việc thấy cùng hình ảnh: một, không thấu hiểu đây là hành động; một cái khác: thấy nhưng vẫn cảm thấy đây là hành động."
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với tôi rằng cách thấy của ngài đã thay đổi sau kinh nghiệm lạ lùng của năm 1963. Ngài đã thấy rằng mọi vật bây giờ xuất hiện có hai mặt. Một là cụ thể cứng nhắc, thật sự, có thể chạm đến được, loại sự vật chúng ta chạm trán hàng ngày - tủ lạnh, sân hận, hàng xóm. Thứ hai là bản chất không thật tiềm ẩn của mọi vật - mọi vật giống như một cuộc trưng bày hình ảnh - bản chất của chúng không có gì nhưng lập lòe những ảo ảnh hào nhoáng trên một màn ảnh rộng. Sự tồn tại của chúng, được đặc trưng bởi sự thay đổi liên tục và nhất thời, lệ thuộc trên một mạng lưới của những mối quan hệ. Mọi vật - tủ lạnh, sân hận, hàng xóm - có thể được quán sát trong hai nhận thức này.
Ảnh hưởng của sự kiện năm 1963 vẫn còn với ngài, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với tôi. Khi tiếp tục với sự thực tập của ngài và hành thiền trên căn bản hàng ngày, tuệ giác của ngài xảy ra thường xuyên hơn. Bất cứ khi nào tư tưởng về ''tự ngã'' hay cái ''tôi'' nổi dậy trong tâm, thì có lẻ nó được đồng hành với một cảm giác về tánh không, của "không tôi".
"Trước đây," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, "ngoại trừ tôi nghĩ một cách nghiêm khắc và liên tục tối thiểu vài phút, bằng không thì khó để có một loại cảm giác như thế. Bây giờ, ngay khi tôi nghĩ về tánh không, hình ảnh trở nên khác biệt một cách rõ ràng."
"Có phải đây là một sự thực chứng mạnh mẽ hơn về tánh không?" tôi hỏi.
"Vâng," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. Rồi thì ngài nhanh chóng trở lại: "Tánh không … tôi không biết." Tôi có cảm giác rằng ngài muốn thật cẩn thận về điều này.
"Có quan trọng gì trong việc thấy điều không thể nắm được trong mọi vật? Điều này sẽ làm gì với đời sống của ngài?" tôi hỏi.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với Lhakdor.
"Thông thường, chúng ta có xu hướng thấy mọi vật trong một cách cụ thể cứng nhắc rõ ràng," Lhakdor thông dịch. "Do thế, có một xu hướng chấp trước vào mọi vật, trở thành dính mắc với mọi vật. Chúng ta bám víu vào ý tưởng của một tự ngã riêng biệt và mọi vật riêng biệt. Chúng ta phấn đấu cho những kinh nghiệm mới, những thành tựu mới. Tuy thế, ngay khi chúng ta sở hữu chúng, tình trạng kích thích biến mất, và chúng ta tìm kiếm cho một điều mới gì đó. Vòng lẩn quẩn bất tận này của tham muốn đem đến khổ đau.
"Trong trường hợp của Đức Thánh Thiện thái độ chấp trước không sinh khởi. Đây là bởi vì 'tự ngã', mong ước, tham muốn, hay những đồng hồ Rolex được nhận thức một cách rốt ráo bởi ngài như vô thường, thay đổi, khó nắm bắt. Trống không. Giống như ảo ảnh, chúng không hoàn toàn thật. Không có cách nào để ông thật sự bám lấy chúng. Do vậy, không có điểm nào để thèm thuồng chúng. Nếu chúng ta có được sự thông hiểu về tánh không, thì tham dục, nguồn gốc của khổ đau, bị giảm thiểu."
Đức Đạt Lai Lạt Ma quay sang nói Tạng ngữ một lần nữa. Điều gì đó thọc lét trong xương tủy tiếu lâm của ngài. Ngài bắt đầu chuyển sang một đợt hứng thú cười toàn thân, lúc lắc đầu ngài từ phía này sang phía nọ. Gương mặt ngài nhăn nhúm với niềm vui đến nổi không thấy được đôi mắt ngài.
"Đức Thánh Thiện nói rằng ngài đang khoe khoang. Và ngài nói điều này được gọi là một kẻ ngu ngơ cố gắng để lừa phỉnh người khác. Lhakdor nói với một nụ cười mĩm phình toàn gương mặt.
Nhìn lướt tập giấy mà tôi ghi vội xuống, cuộc phỏng vấn đã bước sang một chiều hướng mà tôi không ngờ. Một tư tưởng nẩy lên trong tâm tôi, và tôi hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma: "Ngài có bao giờ nói với bất cứ người nào về sự thành tựu tâm linh của ngài không?''
"Vào những năm đầu của thập niên bảy mươi," ngài trả lời, "tôi đã nói với Ling Rinpoche, gần như là một báo cáo, về sự thấu hiểu của tôi về tánh không, rồi thì ngài .. " Đức Đạt Lai Lạt Ma chuyển sang nói Tạng ngữ với Lhakdor.
"Ling Rinpoche bình luận rằng không bao lâu Đức Thánh Thiện sẽ trở thành một hành giả du già không gian," Lhakdor thông dịch. "Hành giả du già không gian là một hành giả thực chứng không gian tánh không, người thành tựu sự Giác Ngộ trọng yếu."
"Ngài đã thâm nhập vào thể trạng ấy rồi chứ?" tôi hỏi một cách thận trọng.
"Tôi không biết," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. Tôi chú ý rằng ngài dường như đang vặn nhẹ những ngón tay cái của ngài, nhưng sau một giây tôi nhận ra rằng bàn tay ngài, để thoải mái trên đùi ngài, đang nhẹ nhàng lần chuỗi hạt tưởng tượng. Ngài lại nói với Lhakdor.
"Trong mọi thời ngài tu tập tiến triển," Lhakdor thông dịch. "Đức Thánh Thiện hoàn toàn xác thực một điều . Nếu Ling Rinpoche còn tại thế, và Đức Thánh Thiện thưa với ngài về sự thành tựu tâm linh, Ling Rinpoche chắc chắn sẽ vui lòng."
"Có một lý do tại sao Đức Thánh Thiện giải thích tất cả những điều này cho ông," Lhakdor nói, một cách tự nhiên. "Thông thường hoàn toàn không thích đáng để nói về những thứ này."
"Đúng đấy, đúng đấy. Do thế, bất cứ khi nào tôi giải thích điều gì đó về những kinh nghiệm của tôi về từ bi và sự thông hiểu của tôi về tánh không, tôi luôn luôn làm rõ ràng …" Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. Ngài chuyển sang Tạng ngữ và nói trực tiếp với Lhakdor.
"Đức Đạt Lai Lạt Ma đôi khi nói về những sự phát triển tâm linh của ngài để tạo cảm hứng cho người khác." Lhakdor thông dịch, "nhưng ngài luôn luôn kết luận bằng việc nói rằng: 'tôi không nói tôi là một vị Bồ tát; tôi không nói tôi thực chứng tánh không.' Đức Thánh Thiện cũng làm điều này: theo kinh nghiệm của riêng ngài, ngài nhận thấy rằng mỗi người luôn luôn có thể tu tập tiến bộ. Do vậy, ngài nói với thính chúng của ngài rằng: 'Trong trường hợp của riêng tôi cũng thế, mặc dù tôi không phải là một vị Bồ tát, chưa trau dồi Tâm Giác Ngộ - lòng vị tha vô hạn - nhưng tôi giống như một người nào đó có thể thấy đỉnh của ngọn núi.' ''
Đức Đạt Lai Lạt Ma chen vào. "Chưa đến đỉnh, nhưng bây giờ tôi có cảm giác rằng - ô, tôi có thể đến đấy," ngài nói và véo vào mũi ngài.
"Ngài ngửi thấy nó," tôi gợi ý.
Bóng râm đã trải dài trên hành lang dễ thương bên ngoài. Đức Đạt Lai Lạt Ma nhìn vào đồng hồ ngài và nói với tôi, "Bây giờ, năm phút nữa." Tôi đã ở bên cạnh ngài gần hai giờ đồng hồ, nhưng tôi cảm thấy một sự hoảng hốt nhẹ nhàng len lõi trong tâm. Tôi vẫn còn một trang và chừng ấy câu hỏi. Khi tôi xem xét đến câu hỏi tiếp, Lhakdor quay sang và nói với tôi: "Luôn luôn có một hiểm họa trong việc nói đến những thứ như việc phát triển tâm linh."
"Hiểm họa?" Tôi lúng túng. Tôi cũng ngạc nhiên rằng Lhakdor đã tự nêu lên sự cảnh báo này, trong sự hiện diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thường thường thói quen của ông là giữ im lặng ngoại trừ ông được kêu gọi để thông dịch
"Nếu ông nói ông đã thực chứng tánh không, trong khi thực tế ông chưa đạt đến thể trạng ấy," Lhakdor giải thích.
"Hiểm họa là điều này," Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích. "Mặc dù tôi không có ý định ấy, trên căn bản tường trình của tôi, nhưng người nào đó tin rằng tôi đã đạt đến thể trạng cao siêu nào đó. Nếu người ấy tin tưởng vì tín ngưỡng, có thể cũng không sao. Nhưng nếu người ấy tin tưởng do bởi sự tường trình của tôi, và rồi thì nếu tôi cảm thấy …" ngài dừng.
Lhakdor hoàn tất tư tưởng của Đức Đạt Lai Lạt Ma. "Nếu Đức Thánh Thiện cảm thấy, 'Okay thôi, tốt thôi rằng ngài đã có một ý định [muốn cho người khác hiểu] như vậy,' thế thì như vậy là một hiểm họa."
"Cho nên bây giờ thì có một động cơ vị kỷ Đức Đạt Lai Lạt Ma thêm vào.
Như tôi ở vào những lúc khác, tôi bị ấn tượng bởi vấn đề Đức Đạt Lai Lạt Ma thẩm tra động cơ của ngài trong mỗi hành động một cách không nao núng. Đó là một phản xạ có điều kiện, nó xảy ra trong mỗi lần ngài mở miệng hay thực hiện một quyết định nào.
"Dối trá, dĩ nhiên, cho dù cư sĩ hay tu sĩ, mọi người, lừa lọc là một tội lỗi, tiêu cực," Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục, với cường độ cao. "Nhưng tôi là một tu sĩ, cụ túc giới. Nếu tôi nói với mọi người rằng tôi có một kinh nghiệm thực chứng tâm linh sâu xa nào đó, và biết rằng tôi không có phẩm chất đó, sự dối trá đó là một sự dối trá nghiêm trọng. Nó làm cho phải bị lột y - không còn là tu sĩ nữa."
"Nó không là một sự nói dối nho nhỏ nào đó; nó là một sự dối trá rất lớn, đặc biệt," Lhakdor thêm vào.
"Giống như tà hạnh bất chính, giết người, trộm cắp. Rồi thì thì sự dối trá này,"Đức Đạt Lai Lạt Ma nói.
"Bốn thứ quan trọng," tôi nói
"Sau đó không còn như một tu sĩ nữa. Do thế, nó nguy hiểm," Đức Đạt Lai Lạt Ma kết luận.
Cuộc đàm luận của chúng tôi kết thúc. Đức Đạt Lai Lạt Ma bước tới và ôm tôi. Sau khi ngài rời phòng, tôi bắt đầu thu thập mọi thứ mà tôi đã vung vãi khắp bàn cà phê - tập ghi chép, các xấp giấy của những loại câu hỏi, photocopy những chủ đề, băng thu thanh. Lhakdor tới lui chung quanh và giúp tôi nhét những thứ ấy vào ba lô của tôi. Chúng tôi không tán gẫu với nhau như thường lệ sau buổi phỏng vấn, tôi cảm thấy kiệt sức, và Lhakdor cũng thế. Khi chúng tôi bước ra khỏi phòng tiếp kiến, Lhakdor chạm nhẹ nhàng vào cùi chỏ tôi. Tôi quay lại nhìn ông. Gương mặt ông dường như ôn hòa, một cái xúc chạm dễ thương.
"Ông biết không, Victor," ông nói với tôi một cách lặng lẽ, "Tôi đã nghe Đức Thánh Thiện nói tóm tắt về những đề tài này trước đây rồi. Nhưng tôi chưa bao giờ nghe ngài chi tiết như thế, sâu xa như thế. Những tu sĩ và lạt ma trong các tu viện không thể tin vào tai họ nếu họ nghe buổi phỏng vấn đó." Đôi mắt ông nhìn sâu vào mắt tôi. "Họ sẽ được hứng thú vô cùng, xúc động vô cùng, họ sẽ phát điên mất."
*
Tôi thích phòng khách sạn này. Nó rộng rãi và trần cao, một trong ít phòng khách của Circuit House, một tòa nhà lớn thời thuộc địa được nhà chức trách Ấn Độ sử dụng cho chính quyền Raigir, một thị trấn nhỏ gần núi Linh Thứu. Tôi không quan tâm tới nhà tắm, không có nước nóng, và nhà cầu của phương Đông - một cái lỗ trên sàn nhà. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc cần thiết sử dụng những cơ chân hay sự uyển chuyển để đối phó với những tiện nghi này. Tuy nhiên, căn phòng hướng ra một hành lang rộng, trang bị những ghế mây và những cái bàn thấp. Tôi có thể dễ dàng tưởng tượng việc ngồi đấy vào lúc hoàng hôn, mặc đồ lụa trắng, nhâm nhi rượu bổ nước đá lạnh tô điểm với một miếng chanh cắt hình tam giác. Tôi đang ở tại Circuit House lịch sự dành cho Văn Phòng Riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Căn phòng mất mười rupee mỗi đêm, hai mươi xu tiền Mỹ - đó là hóa đơn hợp lệ mà chính quyền Ấn Độ tính cho Dharamsala.
Tôi không ngờ phải ngủ đêm ở đấy, nhưng có sự thay đổi trong chương trình. Trong mấy tuần rồi, tôi đã tháp tùng với Đức Đạt Lai Lạt Ma trong chuyến hành hương một vài Phật tích quan trọng ở Ấn Độ. Sau khi hăm hở đi lên đỉnh Linh Thứu, Đức Đạt Lai Lạt Ma quyết định đi thẳng đến một khách sạn ở Patna, ba giờ đồng hồ lái xe. Ngài tiếp tục hành trình dài đăng đẳng không thoải mái về Đạo Tràng Giác Ngộ trên con đường xấu khủng khiếp của Bihar; ngài sẽ về để nghĩ ngơi và chuẩn bị tốt hơn cho nghi thức truyền đạo Thời Luân trước 200,000 khách hành hương. Tôi đã quyết định không theo chuyến ấy để không phải đối diện với một hành trình dài trên một chuyến xe khuya lơ khuya lắt về đêm.
Tôi ở cùng phòng khách sạn với Bác sĩ Tseten Dorji Sadutshang một trong những y sĩ chính của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông đến với tôi khi tôi chuẩn bị lên giường. Ông vốn là người yên lặng và dè dặt, mặc dù thường thân hữu với tôi. Chúng tôi có vài điều giống nhau. Một phần gia đình ông ở Vancouver, thành phố thường trú của tôi, và cả hai chúng tôi cùng có những đứa con trước mười ba tuổi. Chúng tôi cũng thích thú bàn tán đã đời về Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Trước khi tắt đèn, Bác sĩ Tseten đã nói với tôi tại sao ông ở Raigir, tại sao ông tự có sáng kiến đi theo Đức Đạt Lai Lạt Ma trong chuyến hành hương đến núi Linh Thứu và Na Lan Đà. Đường xá thì tệ hại ở những nơi hẻo lánh như vầy, và những phương tiện y tế kém cỏi và ở xa xôi. Cho nên Bác sĩ Tseten đã đi theo để phòng khi cần đến. Thật không dễ để làm bác sĩ cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, ông tâm sự. Vị lãnh tụ Tây Tạng bực mình khi bộ phận thân cận làm ầm lên vì ngài. Ngài chống đối ý kiến có những bác sĩ ở quanh ngài khi ngài du hành; ngài tin rằng bác sĩ nên phục vụ công cộng hơn là quanh quất bên ngài. Trải qua năm tháng, Bác sĩ Tseten đã hòa hiệp với điều này, và ông nghiên cứu để theo dõi thân chủ của ông một cách kín đáo.
Lúc tôi dậy vào buổi sáng. Bác sĩ Tseten đã rời phòng rồi. Tôi tắm một màn với nước lạnh cho khỏe, thu xếp đồ vào ba lô, và đi ra ngoài hiên nhà. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế đan bằng liễu gai, thưởng thức không khí mát lạnh buổi sáng. Sương mù đã quét nhẹ làm mềm làn đất đỏ. Một vài con chó trên đường, chết tiệt đâu vào buổi tối trong những chuyến thám hiểm, bây giờ cuộn lại như trái banh dưới một gốc cây. Tất cả đều im lặng chỉ trừ những con chim.
Bổng nhiên Bác sĩ Tseten xuất hiện ở cầu thang, bước hai nấc một lần. Không cần khách sáo một lời chào buổi sáng, ông nói với tôi: "Okay, xe bây giờ ở đây. Chúng ta phải đi liền. Không có thời gian cho điểm tâm." Ông lấy vội túi đồ của ông trong phòng và chạy xuống cầu thang. Tôi theo sát ông phía sau.
Khi chúng tôi rời khỏi khu Circuit House, Bác sĩ Tseten nói cho tôi nghe. Ông nhận một cú điện thoại lúc sáng sớm từ Tenzin Taklha, phó thư ký riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bị đau bụng dữ dội trên đường về Patna và đã ngủ lại đêm ở đấy, trong khách sạn Maurya. Ngài không thể về Đạo Tràng Giác Ngộ trong điều kiện ấy. Sau khi gác máy, Bác sĩ Tseten đã gọi đồng nghiệp của ông - Bác sĩ Namgyal và Dawa, những chuyên gia về y học Tây Tạng, những người đã lập một phòng khám miễn phí cho khách hành hương ở Đạo Tràng Giác Ngộ. Họ sẽ đi liền tới Patna.
***
Maurya là khách sạn tốt nhất ở Patna, nằm giữa một vài tòa nhà chung cư trông xơ xát. Hành lang của nó đầy những phóng viên Ấn Độ, đây sẽ là những thông cáo chính khi họ chờ đợi tin tức về tình trạng của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Một người bảo vệ đưa Bác sĩ Tseten lên cầu thang ngay lập tức. Tôi đã đến nhà hàng để ăn điểm tâm, sau đó đi lên tầng thứ ba. Một đội bảo vệ Tây Tạng rải rác ở hành lang. Không thấy Bác sĩ Tseten và Tenzin ở đâu cả.
Tình trạng xem ra nghiêm trọng. Tôi có thể thấy những cận vệ của Đức Đạt Lai Lạt Ma lo lắng, không ai trong họ nói đùa như thường lệ. Và tất cả ba y sĩ chịu trách nhiệm chăm sóc Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến đây để khám nghiệm tình trạng của ngài. Trong tất cả những năm tháng từ khi tôi biết ngài, từ lần gặp gở đầu tiên năm 1972, vị lãnh tụ Tây Tạng chưa bao giờ bệnh hoạn đáng lo, ngoại trừ thỉnh thoảng cảm sốt hay đau bụng. Chỉ một lần bệnh nặng là khi ngài mắc phải viêm gan B năm 1967. Ngài phải nằm bệnh cả tháng trời, và cộng đồng lưu vong đã phải một phen hoảng hốt.
Gần trưa hôm ấy, tôi đã về Đạo Tràng Giác Ngộ mà không có Bác sĩ Tseten. Tôi đã bị viên tài xế rầy rà khiến tôi cảm thấy khó chịu, khi ông ta lái xe ra khỏi đám xe cộ dày đặc ở Patna.
***
Sau ba ngày nghỉ ngơi ở Patna, tình trạng của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã không cải thiện. Ngài được chở tới phi trường nhỏ ở Gaya trên một chiếc trực thăng của chính quyền. Từ đấy ngài được chở đi một đoạn đường ngắn để đến Tu viện Shechen ở trung tâm Đạo Tràng Giác Ngộ. Khi ngài bước ra khỏi xe không vững, ngài được chào đón bởi Chime-la, người con gái cao lớn, to xương của cố Dilgo Khyentse Rinpoche, vị khai sáng huyền thoại của tu viện. Đức Đạt Lai Lạt Ma nắm tay trái của bà và dựa vào người bà với tất cả trọng lượng của ngài khi họ lê bước đến cổng vào. Rabjam Rinpoche, vị trụ trì hiện tại, quay mắt đi, nước mắt rơi xuống má ông, ông sửng sốt với sự hốc hác của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
***
Vị lạt ma tái sanh tám tuổi ngồi phía sau một cái bàn thấp trải một tấm thổ cẩm hoa văn phức tạp. Sự chói lọi của thổ cẩm cạnh tranh sự chú ý với những bông hoa đầy ấp trên bàn. Cúc vạn thọ xếp đầy trong một chiếc chậu cạn bằng đồng chứa đầy nước, những bó bông huệ hồng (lay-ơn) hợp với những bông hoa tử đinh hương màu tím nhạt chưng trong một lục bình đồng. Một chàng trai trẻ trông quá nhỏ với chỗ tựa lưng quá lớn phía sau mà trên ấy thêu những con rồng đùa giởn trên bề mặt kim nhũ, đó là Yangsi Rinpoche, trông ngài như một vị hoàng tử trên ngai. Bên cạnh là Rabjam Rinpoche và những lạt ma cao cấp khác, ngài ngồi trước một hội chúng lớn của những tu sĩ Tây Tạng. Họ đã tập trung trong vườn tháp Đại Giác, Đạo Tràng Giác Ngộ để cầu nguyện cho Đức Đạt Lai Lạt Ma chóng bình phục. Vị lãnh tụ Tây Tạng bệnh hoạn ở Đạo Tràng Giác Ngộ đã mấy ngày, và không có dấu hiệu gì cho thấy ngài sẽ khá hơn.
Một tu sĩ Tây Tạng đeo khẩu trang trắng tiến gần đến chàng trai mặt mũm mĩm; ông đang giữ một lồng sắt trước mặt ngài. Bên trong lồng là một con két viền hồng đuôi dài, một con chim xanh lục cở con két nhỏ. Cúi thấp xuống, vị tu sĩ đưa chiếc lồng cho Yangsi Rinpoche, ngài nghiêng về phía trước và thổi vào những con chim - một sự gia ơn cho chúng sanh. Sau đó ngài tiến lên chiếc vòng kim loại hồng ở trên đỉnh của chiếc lồng. Con chim ỏng ẹo đột nhiên đập cánh một cách bạo động và chàng trai giật mình và rút vội bàn tay ra. Vị tu sĩ mở cửa chiếc lồng, con chim vổ cánh một cách vụng về với sự mở cửa. Một làn lóe xanh lục, và rồi biến mất. Cậu bé lạt ma, tự vui lòng, nhìn vội vào Rabjam Rinpoche. Vị lạt ma trưởng lão cười toe trên khuôn mặt. Vị lạt ma trẻ tuổi tiến hành nghi lễ, với sự hộ đàn chút ít, để cầu nguyện phước đức hồi hướng cho Đức Đạt Lai Lạt Ma mau bình phục.
Một nhóm người Tây Tạng lão thành hành hương ngồi cách xa tôi. Một người đàn ông đang bận rộn với bánh xe cầu nguyện tự làm của ông ta, một thanh gỗ dày đỉnh quấn vải vàng với những lời cầu nguyện in trên ấy. Ông cắm thanh cây xuống đất và đang quay theo chiều kim đồng hồ, làn vải xiêm làm thành một vòng vàng bay nhạt nhòa. Người đàn ông ngồi bên cạnh ông ta đang nghển cổ, theo dõi đường con chim bay cho đến tận cùng.
***
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã không rời phòng ngủ của ngài trên tầng thượng của Tu viện Shechen từ lúc ngài rời Patna về đây. Những bác sĩ và thị giả lâu năm của ngài, Paljor-la, là những người có thể thấy ngài mà thôi. Tenzin Takla lang thang rảnh rỗi trong khuôn viên tu viện với một cặp đầy giấy tờ: những trao đổi ngắn gọn giữa nội các Tây Tạng và Văn phòng riêng, những quyết định đòi hỏi những chú ý cấp bách cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng không có những cuộc gặp gở, không có yết kiến, không có sự giảng dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Khi ngài nằm ẩn dật dưỡng bệnh, 200,000 khách hành hương đổ về thị trấn nhỏ nơi Đức Phật thành đạo Giác Ngộ. Tất cả mọi người tha thiết được thoáng thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma và sốt ruột mong cho lễ truyền đạo Thời Luân được bắt đầu.
***
Bốn người lính biệt kích mang súng tự động chạy chậm qua cổng vào đạo tràng Thời Luân, khăn quấn đầu màu đen phất phới đàng sau họ. Chiếc xe Đại sứ trắng chở Đức Đạt Lai Lạt Ma chầm chậm chạy theo họ. Chiếc xe đến chỗ dừng lại, và vị lãnh tụ Tây Tạng bước ra, tôi đã không gặp ngài trong mười hôm rồi, và tôi bị sốc. Thay vì là một người đàn ông khỏe mạnh khoảng giữa năm mươi tuổi, ngài bây giờ trông y như một người sáu mươi bảy tuổi.
Đôi vai ngài trông khòm hơn thường lệ, Đức Đạt Lai Lạt Ma đi núng nính dọc theo làn thảm vàng - thảm đỏ phủ vải cô tông vàng - đã được trải ra cho ngài. Khi ngài đến tại một làn đón tiếp của những tu sĩ và chính quyền Tây Tạng, tất cả đều cầm những bó nhang, ngài cào nhẹ ngón tay trỏ lên má phải và nói điều gì đó với vị tu sĩ gần ngài nhất. Tôi đoán là ngài hỏi rằng ngài có gầy hơn không. Không cần hỏi ngài có giảm cân hay không. Đôi má lõm xuống của ngài là tuyên bố rõ ràng hơn, đôi mắt ngài lún sâu vào. Khi ngài bước qua tôi, khuôn mặt ngài nhăn như muốn mĩm cười. Nhưng tôi chú ý rõ rằng ngài không có năng lượng để đưa tay lên chào như thói quen của ngài.
Đức Đạt Lai Lạt Ma bước lê qua ngôi điện Thời Luân nhỏ chứa mạn đà la cát và ra một khán đài rộng. Bốn trăm tu sĩ lão thành nhất từ bốn trường phái của Phật Giáo Tây Tạng đang chờ đợi ngài một cách kiên nhẫn. Như được thông báo hai ngày trước rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ xuất hiện ngắn ngủi tại đạo tràng Thời Luân - sự xuất hiện lần đầu tiên của ngài từ sau cơn bệnh. Sự hào hứng đã lan tỏa khắp Đạo Tràng Giác Ngộ và xa hơn thế nữa. Dưới khán đài một đội ngũ khá lớn những phóng viên và nhân viên TV lợi dụng thời cơ để có những hình ảnh về vị lãnh tụ Tây Tạng bệnh hoạn.
Cậu bé Yangsi Rinpoche cùng với nửa tá lạt ma tái sanh ngồi hàng trước. Đức Đạt Lai Lạt Ma bước đến và vổ vào đầu cậu bé lạt ma. Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu bước lên cầu thang gỗ tới ngai của ngài, vài đôi tay đã nắm tay ngài để hổ trợ ngài đứng vững. Một lạt ma to lớn người bước lên phía tầng cấp cao nắm tay ngài để làm đòn bẩy và dễ dàng hơn để hổ trợ Đức Đạt Lai Lạt Ma ốm bệnh lên trên. Vị lãnh tụ Tây Tạng đứng không vững trên chiếc tọa cụ mõng. Hai lòng bàn tay đặt trước ngực ngài, ngài xá chào một cách trang trọng tới một hội chúng khổng lồ trước mặt ngài. Hàng trăm nghìn khách hành hương từ toàn thể vòng cung Hy Mã Lạp Sơn và lục địa Ấn Độ chen lấn nhau trong đạo tràng dựng tạm cùng với 2,000 người phương Tây từ năm mươi quốc gia.
Sau khi ngồi xuống, Đức Đạt Lai Lạt Ma sờ soạng bên trong y áo ngài và lấy ra một tờ giấy. Điều đó là bất thường. Ngài luôn luôn nói chuyện ứng khẩu. Tôi quay chỗ khác để nhìn lướt qua chúng hội phía dưới. Từ trong khóe mắt, tôi thấy thứ gì đó giống như một con chim trắng thon dài lơ lững trên không trung phía trên đám đông của những tu sĩ ngồi bên dưới. Một tu sĩ, không rời khỏi vị thế xếp bằng lục trong túi da của ông và lấy ra một khata - một khăn choàng trắng nghi lễ. Ông cuộn lại như trái banh và ném nó ra phía đám đông. Nó bay trong không khí một cách phong nhã, như được truyền năng lực từ một cơn gió mạnh. Một vị tu sĩ ria dài bắt được nó giữa dòng, và ném nó đi xa hơn. Ngay lập tức, như do một sự gợi ý vô hình nào đấy, sau đó hàng trăm tấm lụa trắng bay nhanh như chớp qua không khí như vô số cánh diều lụa, hình thành một màng lưới trắng tỏa chiếu lung linh luôn luôn thay đổi bên trên một biển đỏ [của y áo tu sĩ]. Không thể đến gần khán đài để dâng cúng những tấm khăn choàng cho vị lãnh tụ ốm bệnh Tây Tạng, các tu sĩ và khách hành hương đang làm một việc tuyệt vời tiếp theo ấy.
Đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi khòm lưng trên tòa của ngài, nhìn khung cảnh ấy. Ngài thở một hơi sâu dài, đằng hắng giọng, và nuốt vào. Ngài cố gắng thở ra vào một vài hơi. Tôi thấy cảnh ấy, một thời khắc cảm động đối với ngài, ngài xúc động sâu sắc bởi sự quan tâm tuôn trào từ rất nhiều người. Tôi sẽ nhớ mãi vài giây phút này. Mặt đất đầy chật người, nhưng không một tiếng ho làm náo động sự yên tĩnh.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu nói bằng Tạng ngữ. Giọng sâu lắng của ngài vẫn đấy, nhưng một sự hoành tráng nào đó đã thiếu vắng. Cơn bệnh đã cướp mất sức mạnh của ngài khá nhiều. Thông dịch viên của ngài, Lhakdor, ngồi xếp bằng trong một góc của khán đài, một máy thu thanh nhỏ ở phía trước ông. Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu nói chuyện với đám đông, Lhakdor thông dịch nhẹ nhàng vào micro của ông bằng Anh ngữ. Lời của ông sẽ được những người phương Tây nghe qua làn sóng FM.
"Trong vài ngày vừa qua, tôi đã bị bệnh khá trầm trọng," Lhakdor thông dịch. "Trước đấy, mặc dù tôi khỏe mạnh, nhưng nhiều người đã đề nghị tôi nên nghĩ ngơi thêm và đừng làm việc quá. Tôi đã không chú ý nhiều đến những lời đó. Cho nên tôi đã cẩu thả và hơi cứng đầu." Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với đám đông về chuyến hành hương của ngài đến núi Linh Thứu và việc leo núi mệt lã của ngài. Ngài nói về cơn đau kinh khủng mà ngài đã trải qua trên đường đến Patna.
"Tôi nghĩ tôi đã hết bệnh, nhưng vẫn còn rất mệt mõi," ngài tiếp tục. "Tôi không nghĩ rằng tôi có thể giảng dạy cho những lễ chuẩn bị." Tôi nghe một vài tiếng sổ mũi qua ống nghe của tôi. Tôi ngước nhìn Lhakdor. Ông ta cúi đầu, và tôi có thể thấy mặt ông đỏ. "Cho lễ truyền đạo Thời Luân, phạm vi có thể ngắn hơn. Nhưng sự chuẩn bị cần tối thiểu năm đến sáu giờ một ngày - ngay cả nếu tôi thực hiện một cách nhanh chóng. Tôi không nghĩ sức khỏe hiện tại cho phép tôi làm việc ấy." Nhiều tiếng sổ mũi hơn. Lhakdor dừng nói hoàn toàn trong một lúc khi ông hắng giọng. "Nếu tôi buộc tôi phải tiến hành những sự chuẩn bị này, đó sẽ là một bướng bỉnh. Cho nên, vì sự duy trì sức khỏe, để có thể làm lợi ích cho người khác về lâu về dài, tôi đã quyết định dời lễ truyền đạo Thời Luân đến năm sau." Trên khán đài, nhiều vị lạt ma và trụ trì cao cấp đã lau nước mắt một cách công khai.
"Trong số quý vị những ai đến từ xa xôi, đừng cảm thấy buồn rằng quý vị đã không thể tiếp nhận lễ truyền đạo Thời Luân," Lhakdor thông dịch. "Quý vị đã đến nơi thiêng liêng này với quyết tâm và động cơ đúng đắn. Quý vị sẽ tích lũy phước đức với mỗi bước chân của quý vị, mỗi hành vi mà quý vị thực hiện. Nguồn gốc gia hộ chánh không phải là tôi. Không phải là Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nó là biểu tượng thánh thiện của Đức Phật, và mãnh đất thiêng liêng đã được viếng thăm bởi rất nhiều vị đạo sư tâm linh vĩ đại nhất. Thế nên đừng nghĩ quý vị không được gì khi đến nơi này.
"Thông thường quý vị không thể nhìn mạn đà la cho đến sau lễ truyền đạo. Tuy nhiên, vì tôi không thể cầu nguyện ban phép đến được, đây là một rắc rối nhỏ. Nhưng quý vị đã đến nơi Phật tích thiêng liêng này với sự tận tâm rất lớn, cho nên tôi nghĩ thật rất lợi ích để quý vị có thể chiêm ngưỡng mạn đà la."
Đức Đạt Lai Lạt Ma dừng lại để suy nghĩ.
"Ngay bây giờ, đúng là khôi hài, thân thể tôi dường như khỏe khoắn hơn khi tôi nói chuyện với quý vị. Nếu sức khỏe tôi không tệ hại, tôi sẽ cố gắng để giảng dạy cho quý vị trong hai ngày. Và vào ngày thứ mười lăm của tháng Tây Tạng, tôi sẽ trở lại đây cho sự kiện sau cùng của lễ truyền đạo Thời Luân - lễ truyền lực trường thọ."
***
Nhiều người Tây Tạng tiếp tục đến Đạo Tràng Giác Ngộ trong những ngày kế tiếp. Đêm ấy, Đại Tháp Giác Ngộ tràn ngập ánh sáng. Vô số bảo tháp chung quanh và đại tháp được chạm khắc đá phức tạp được thắp nửa triệu ngọn nến, mỗi ngọn được dâng cúng để cầu nguyện cho Đức Đạt Lai Lạt Ma chóng bình phục. Hàng chục nghìn người hành hương Tây Tạng lê chân đi nhiễu theo chiều kim đồng hồ. Từ xa xa, những khoảnh đất chung quanh giống như một trạm không gian khổng lồ được tắm trong ánh sáng rực rở của một thế giới khác.
Tôi trở lại đạo tràng Thời Luân dựng tạm trong ngày kế. Những tu sĩ từ tu viện của Đức Đạt Lai Lạt Ma đang tán tụng cầu nguyện. Một vài người đồng liêu của họ đang làm việc trên mạn đà la đầy màu sắc và rất phức tạp, cần mẫn thêm từng hạt cát mỗi lúc. Mọi thứ trong mạn đà la được bố trí một cách tỉ mỉ trên một tấm gỗ bằng hai mét vuông, là một biểu tượng của hai khía cạnh của bổn tôn Thời Luân (Kalachakra), và bổn tôn của vũ trụ. Tại một chỗ, tôi chú ý rằng họ đã phát cáu, thì thầm với nhau. Họ đã có một sai sót nhỏ: một hình tượng bé tí được khắc sai chỗ. Sau khi chắc là không ai đang xem, một tu sĩ đã bí mật hút những hạt cát sai phạm ra qua một ống kim loại. Tôi đã từng xem vài mạn đà la được kiến tạo, nhưng đây là lần đầu tiên tôi mới thấy một sai sót. Không có sự hiện diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma, cho nên có một cảm giác thờ ơ rõ ràng trong không khí.
Tôi chú ý thấy một micro nhỏ gắn trên phần gỗ ngay trên cửa sổ, dây của nó được truyền qua một lỗ hổng ra bên ngoài. Một tu sĩ nói với tôi rằng làn dây ấy được nối với một máy phát FM truyền vào một cái loa trong phòng ngủ của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Mặc dù đang ốm yếu, Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn góp phần. Nếu ngài không thể trực tiếp tham dự, ngài muốn bảo đảm là tinh thần ngài vẫn ở đó. Ngài muốn hòa điệu với sự cầu nguyện của những tu sĩ, và phụ vào lời cầu nguyện của ngài trong im lặng từ xa. Điều này tích lũy năng lượng, một khúc khải hoàn với sự hòa bình của thế giới, sẽ được tỏa ra khi nghi lễ hủy mạn đà la và cát của nó được đổ vào một nguồn nước. Cho đến lúc ấy, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ tự buộc ngài trú lại gắn bó, để theo dõi những sự chuẩn bị tỉ mỉ từ giường bệnh của ngài. Hình dung ngài ở đấy, tự nguyện ý thức với những lời tán tụng, một lần nữa tôi được chạm với tình người của ngài.
*
Trưởng nhóm múa Đại Hàn đang ở trong trạng thái xuất thần. Mắt cô nhắm lại, một nụ cười mĩm ngây ngây đọng lại trên gương mặt cô. Cô hất đầu tới và lui trong một cách bạo động dữ dội thình lình theo nhịp ngắt của trống gỏ bởi những đội viên múa. Có sáu người trong đội, tất cả đều mặc áo lụa hồng thắt ngang lưng và quần rộng thùng thình màu trắng. Một vài người đội mũ cao nhiều tầng một cách lạ lùng với những búp lụa hồng và vàng. Những vũ công là bộ phận của một đội ngũ khá lớn Phật tử Đại Hàn ở Đạo Tràng Giác Ngộ tham dự lễ truyền đạo Thời Luân. Sau thời giảng dạy buổi sáng của một lạt ma Tây Tạng, một nhóm nhỏ trong họ đã quyết định cống hiến cho những tu sĩ một màn giải trí gì đó, để làm cho tâm tư họ thư giãn khỏi tình trạng không chắc chắn của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Một lão bà Tây Tạng xuất hiện từ đâu không biết. Bổng nhiên, bà ở giữa đám vũ công Đại Hàn. Bắt đầu khệnh khạng tới lui một cách lừ đừ. Một khi bà ta thâm nhập vào giai điệu, bà xoay người và vặn tròn trên một chân một cách hăng hái, buông hai tay chung quanh một cách phóng túng. Ba lấy ra một khăn quàng xanh dương và quất vòng vòng quanh cổ bà, một sự bổ sung tuyệt vời với sự bay lượn áo quần Tây Tạng của bà.
Các tu sĩ say mê thích thú. Bà ngoại Tây Tạng ẻo lả này, tóc trắng của bà cột thành chùm phía sau, phù hợp với những vũ công Đại Hàn trẻ hơn rất nhiều đang đánh trống rộn rã. Họ thúc giục bà với những tiếng la hét và huýt sáo. Một sư chú khoảng sáu tuổi, leo lên vai một tu sĩ lớn hơn để xem cho rõ hơn. Một người cảnh sát Ấn Độ lực lưỡng đứng và nhìn chăm chăm, quên mất trong một lúc nhiệm vụ kiểm soát đám đông của ông. Lão bà, nụ cười trầm tĩnh trên khuôn mặt, không chú ý gì đến đám đông chung quanh bà ta.
Một lão bà Tây phương, cười toe toét và lắc đầu không tin nổi, đi đến một trong những tu sĩ. Khi ông để ý, bà đưa một ngón tay cái lên, sau đó xoay tròn cánh tay và đôi vai để bắt chước điệu múa của lão bà Tây Tạng. Vị tu sĩ cười vui vẻ tự nhiên, vỗ trên vai bà, và đưa ngón tay cái của ông lên.
Sau màn biểu diễn đó, tôi trở lại khách sạn. Tôi ngồi xuống hành lang và đọc báo Time of India. Đức Karmapa đã kiểm tra vào khách sạn vài ngày trước, và có nhiều người đang quanh quẩn ở hành lang, hy vọng sẽ được nhìn thấy vị lãnh đạo mười bảy tuổi của tông Karma Kagyud. Mấy năm trước đây, vị thanh thiếu niên này đã qua mắt những người giám sát Trung Cộng trong tu viện của ngài, và băng qua Hy Mã Lạp Sơn trên ngựa vào lúc ban đêm, để có thể hội ngộ với Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Alan King, một người Canada đã chụp hình bảy lễ truyền đạo Thời Luân trong những thập niên qua, nhích lại bên cạnh tôi. Ông nghiêng đến gần và nói nhỏ: "Victor, tôi không thích sự thể thế này. Tenzin Taklha sau cùng lấy hai tấm hình của tôi đem vào Đức Đạt Lai Lạt Ma sáng nay. Nửa tiếng sau, ông đưa trở lại tôi. Không ký tên." King đang chuẩn bị cho một cuộc triển lãm hình ảnh những lễ truyền đạo Thời Luân ở Graz, Áo quốc, và ông cần những chữ ký của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Taklha đa mang những tấm hình của ông trong cặp táp của ông mấy ngày nay.
"Tenzin không đi gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma sao?" tôi hỏi.
"Không. Ông ấy đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma và đưa những tấm hình. Nhưng ngài quá yếu để ký tên vào."
Tôi cảm thấy băn khoăn về Đức Đạt Lai Lạt Ma trong mấy ngày nay. Khi ngài xuất hiện tại đạo tràng Thời Luân, ngài đã nói một cách rõ ràng rằng ngài sẽ giảng dạy hai ngày nếu sức khỏe của ngài hồi phục khá hơn. Điều ấy đã không xảy ra. Vài lạt ma hàng đầu đã giảng dạy thay vì ngài. Ngài cuối cùng của lễ truyền đạo Thời Luân, khi đám đông khổng lồ sẽ cầu nguyện hồi hướng trường thọ cho Đức Đạt Lai Lạt Ma đã sắp đến. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã hứa hẹn là ngài sẽ tham dự, nhưng cho đến bây giờ không có một sự xác nhận chính thức nào.
Đã ba mươi năm kể từ ngày tôi yết kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma lần đầu tiên. Trong những năm gần đây, chúng tôi bay với nhau, bẻ bánh mì với nhau, và đôi khi ở trong khu thường trú của ngài vào những lúc sáng sớm. Khi chúng tôi làm việc cho quyển sách, ngài chia sẻ tuệ giác của ngài về tha thứ, từ bi và tánh không. Từng chút một, ngài thấm nhuần trong tôi ngày càng sâu đậm. Cho đến bây giờ tôi thấy ngài như hình ảnh một người cha.
Quan trọng nhất, tôi biết trong trái tim tôi rằng ngài quan tâm đến tôi. Có những lúc ngài gửi cho tôi một cái ghế để ngồi nghe ngài giảng, vì ngài cảm thấy rằng đôi chân tôi không quen với việc ngồi xếp bằng trên nền nhà. Tôi biết ngài đã khuyến khích Tenzin Geyche chăm sóc tôi, mời tôi đi ăn chiều hết lần này đến lần khác để tôi không cảm thấy bị quên lãng. Tôi rất cảm động với sự sâu sắc này. Sự thật là Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng quan hệ sâu xa với rất nhiều người trong quỹ đạo của ngài, nhiều người trong họ khi ngài gặp họ lần đầu tiên, không khác biệt gì nhiều. Tôi không ganh tỵ với sự may mắn của họ. Đôi khi như vậy cũng đủ để tôi trải nghiệm sự nồng hậu sâu sắc của ngài.
Tôi đã choáng váng khi thấy ngài quá yếu ở đạo tràng Thời Luân. Trong khoảng thời gian mười ngày, ngài đã già đi mười tuổi. Và bây giờ Alan King đang nói với tôi rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma quá yếu không cầm nổi cây bút.
Tôi rời khách sạn Mahayana và đi bộ một khoảng ngắn đến Đại Tháp Giác Ngộ. Đi một vòng theo chiều kim đồng hồ quanh tháp, tôi bắt đầu nghi thức đi nhiễu, bị chen lấn và bị đẩy đi bởi đám đông người hành hương. Tôi dừng lại tại một khu vực nhỏ mở ra phía nam đại tháp. Ở đấy, hàng nghìn với hàng nghìn đèn cầy và đèn bơ được thắp trên những bệ thờ đá và bất cứ nơi nào thuận tiện. Tôi mua một túi nhỏ đèn cầy từ những hàng quán. Tôi thắp một cây đèn cầy với chiếc mồi lửa, hơ nóng dưới chân đèn cho sáp chảy xuống, sau đó gắn vào một cạnh phiến đá. Khi tôi thực hiện việc ấy, tôi đã dâng một lời cầu nguyện cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sau đó tôi thắp hết những cây đèn còn lại.
Sau khi hoàn tất một vòng hành lễ, tôi trở lại khách sạn. Trước khi đến đấy, tôi chạy đến Tenzin Takla, đang vội vả trong hướng ngược lại. Tôi rất mừng được gặp ông ta, tôi muốn biết tin tức mới nhất về tình trạng của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Tenzin chậm lại nhưng không dừng lại. "Tôi vừa mới nói chuyện với ngài thủ tướng trên điện thoại. Trước nhất ngày mai chúng ta sẽ chuyển Đức Đạt Lai Lạt Ma khỏi đây."
Trong tình trạng bàng hoàng. Tôi bước vào hành lang của khách sạn. Vẫn còn đông đảo những người đang chờ đợi Đức Karmapa xuất hiện. Một nhóm nhỏ người Tây phương đang ngồi trên những ghế bành gần phía sau. Một người Mỹ cao lớn đang cho những người khác xem những hình ảnh choáng ngợp trắng đen của miền Đông Tây Tạng trên laptop. Một người nào đó bùng nổ một chuyện đùa, và mọi người cười vang. Werner Herzog, một nhà làm phim huyền thoại từ Đức quốc, đi ngang qua với đội ngũ làm phim của ông và người vợ trẻ yểu điệu của ông. Ông đã đến đây để làm một phim tài liệu về lễ truyền đạo Thời Luân.
Tôi trở lại phòng tôi, đóng màn lại, và nằm xuống. Tôi có thể nghe tiếng dậy động của đám đông trên đường ngoài kia - những người hành hương đang hướng đến đại tháp, những người hành hương rời đại tháp về nơi tạm trú của họ. Tôi đang mong đợi Senge Rabten, đội trưởng cận vệ của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Mỗi ngày vào khoảng giờ này, ông đến phòng tôi để tắm, vì không có nước nóng ở tu viện Shechen. Nhưng Rabten không bao giờ đến ngày hôm ấy.
***
Bây giờ là sáng sớm ở Đạo Tràng Giác Ngộ. Tôi phải bảo đảm đến Shechen tu viện đúng giờ Đức Đạt Lai Lạt Ma lên đường. Tin tức ngài sẽ được chuyển đến một bệnh viện tư ở Bombay đã lan truyền, và con đường đến tu viện đã hoàn toàn bị phong tỏa. Không khí lo ngại phảng phất đâu đây. Không ai biết Đức Đạt Lai Lạt Ma bệnh hoạn thế nào, có những tin tức hơi nghiệt ngã nhưng đầy đồn đoán. Sự thật là ngài sẽ nằm bệnh viện, lần đầu tiên trong ba thập niên, một cú sốc như làn sóng dữ lan ra khắp cộng đồng Tây Tạng.
Nhiều cảnh sát và binh sĩ đang bận rộn cố gắng để giữ đám đông khổng lồ tránh cửa ra vào. Khi tôi bước vào tu viện, tôi ngạc nhiên khi thấy Hoàng hậu của Bhutan, không phô trương trong bộ đồ sọc truyền thống Bhutan, đang đứng đau khổ cùng với đám đông. Một vài người cảnh sát, rõ ràng không biết bà là ai, đã đẩy bà về phía sau một cách vô tư.
Trong sân của tu viện cũng đầy người. Vị quan tòa của Gaya đang trao đổi với vài viên cảnh sát kỳ cựu của ông. Ngoài họ ra trong một nhóm nhỏ là những biệt kích Ấn Độ nổi tiếng, hùng hổ và bảnh trai trong bộ đồ toàn đen của họ. Kém hơn là những binh sĩ mặc đồ kaki và đội nóng bê rê xanh, đứng chung quanh những tụ điểm. Lhakdor cũng ở đấy, như đang trông ngóng trong bộ y phục màu đỏ sậm của ông.
Đưa thẻ Nội Nhập của tôi chiếu điện kiểm soát xong, tôi bước vào hành lang chật hẹp của tu viện. Một tá những lạt ma nổi tiếng của Phật Giáo Tây Tạng đang tập trung trên những ghế bành trong một khu nhỏ hẹp. Bộ ba tu sĩ Tích Lan trong y áo màu cam, những người quản lý Đại Tháp Giác Ngộ, ngồi chung với họ.Trulshik Rinpoche, vị giáo thọ còn sống duy nhất của Đức Đạt Lai Lạt Ma, đi xuống cầu thang. Vị tu sĩ ốm yếu và hiền lành không nghi ngờ gì, được mời để chào từ giả Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Tôi đứng vào một phía của hành lang và chờ đợi.
Chẳng bao lâu, tôi thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma từ từ đi xuống cầu thang. Vị thị giả tận tụy lâu năm của ngài, Paljor-la, đở bên nách phải của ngài. Senge Rabten ôm chặc bên cùi chỏ phải của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đức Đạt Lai Lạt Ma trông phờ phạc, nhưng không tệ hơn lần tôi thấy cuối cùng. Tuy nhiên, ngài rõ ràng đang liên tục xuống cân.
Khi vị lãnh tụ Tây Tạng đến gần hành lang, ngài đi tới những lạt ma đang chờ đợi. Như thói quen của ngài, ngài đùa bởn và chọc vui họ. ngài vò đầu một vị và thọc thọc vào ngực một vị khác. Ngay cả trong tình trạng yếu đuối như vậy, ngài vẫn muốn làm cho họ cảm thấy tốt lành, làm nhẹ nổi đau buồn của họ. Ngài biết rằng họ đang bị chấn động với tình trạng của ngài.
Khi lê bước đến cửa ra vào, Đức Đạt Lai Lạt Ma chợt thấy tôi, nép mình sau những người bảo vệ. Trong một vài nhịp tim, ngài dừng lại và nhìn chăm vào tôi. Ngài không mĩm cười, đôi mắt ngài đơn giản ghìm chặc vào tôi. Tôi thấy mình đang đỏ lên, cơ hàm của tôi xiết chặc. Đức Đạt Lai Lạt Ma bước tới và ôm tôi một cách nhẹ nhàng. Nước mắt rơi trên má tôi, làm ướt cả chiếc y đỏ của ngài, khi tôi giữ chặc ngài. Ngài cuối cùng buông ra, nhìn vào đôi mắt đẩm lệ của tôi một lần nữa, và bước ra ngoài sân.
*
Lhakdor ngồi cứng đờ trên cạnh một chiếc ghế bành. Vị tu sĩ thông dịch này im lặng một cách khác thường. Lúc ấy là 4:30 sáng, có thể như vậy là quá sớm với ông. Drolma, con chó chăn cừu gốc Đức của ngài, nằm cuộn tròn kế bên ông. Nàng ta không biết đến sự xâm nhập của chúng tôi vào chỗ của nàng, tô chén đựng thức ăn và nước uống bằng thép không rỉ đang ở trên sàn nhà cạnh chiếc ghế bành.
Đó là cuối tháng Ba năm 2002, hai tháng rưởi sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma ngã bệnh nặng ở Đạo Tràng Giác Ngộ. Lhakdor và tôi đang ở trong phòng khách tầng trệt trong khu vực riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Dharamsala. Chúng tôi có cuộc hẹn với vị lãnh tụ Tây Tạng. Lần đầu tiên từ sau cơn bệnh ngài đã đủ mạnh để tiếp khách. Và đây là lần thứ hai trong ba năm, tôi được một đặc ân hiếm hoi là cùng đi bộ với Đức Đạt Lai Lạt Ma vào buổi sáng. Tôi sẽ chính mắt thấy ngài đã thật sự bình phục hay chưa.
Nút thắt bất tận |
Bàn ghế bằng mây và thảm trải trong phòng khách tầng trệt thì xềnh xoàng và hơi quá tệ vì đã mòn do dùng lâu ngày. Một chân dung sơn dầu của Đức Đạt Lai Lạt Ma, được họa bao năm trước do nhìn vào đấy mà biết, treo trên tường. Một bức họa một nút thắt bất tận [bàn trướng] trôi nổi trên màu xanh dương thời đại mới dựng tựa vào chân bàn. Rõ ràng căn phòng này ít khi được dùng đến. Đức Đạt Lai Lạt Ma có vài lý do để đến phòng này. Mọi thứ ngài cần đến - thiền phòng, phòng nghiên cứu, phòng ăn - ở tầng hai. Và ngài hầu như luôn luôn thích tiếp khách trong tòa nhà tiếp kiến trong khu phức hợp xa dưới đồi trong khu vực thường trú.
Một điều làm tôi chú ý là nó có cảm giác như một cái kho. Tòa nhà rõ ràng được thiết kế để phòng ngừa động đất, thậm chí là chống động đất. Những khối dầm bê tông được nén dưới đáy nền này. Trần phòng thấp làm nổi bật cảm giác ngột ngạt của nó.
Chính xác lúc 4:40 sáng sớm, một bảo vệ Tây Tạng vào và nói với chúng tôi rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma sắp đến. Chúng tôi rời phòng và vội vả ra ngoài. Không khí mát lạnh dễ chịu ban đêm ngập tràn hương thơm của những bông hoa kỳ lạ, gần như tất cả những không gian nào thuận tiện trong sân ra vào được nhồi nhét đầy những chậu cây, hàng khối hoa tím và xanh dương đậm rộ nở làm nổi bật những bông hoa đỏ cao hơn phía sau. Khu cư trú hai tầng được làm sáng lên như một chiếc tàu trên biển, nhuộm những nền đất chung quanh với ánh sáng. Khoảng nửa tá bảo vệ quanh quẩn chúng quanh cửa ra vào. Trong khi những người khác ở Dharamsala ngủ, vùng đất riêng biệt này được sống với hoạt động yên lặng có mục đích.
Đức Đạt Lai Lạt Ma bước một chậm rãi xuống cầu thang bê tông cốt sắt to lớn bên ngoài. Ngài mặc đồ tu sĩ Tây Tạng nhưng không có chiếc y đỏ bên ngoài, đôi vai và đôi tay ngài để trần. Sau khi gật đầu với Lhakdor, ngài cúi gần nhìn chăm vào tôi, rồi đứng thẳng lên, và nổ vang một cách mạnh khỏe "Nị hào?" chuẩn mực chào mừng bằng tiếng Hoa với tôi - và bước đi tốc độ nhanh. Đã hơn hai tháng từ khi tôi gặp ngài lần cuối. Vào lúc ấy, ngài bước lê một cách mệt nhọc khỏi tu viện Shechen ở Đạo Tràng Giác Ngộ trên đường đến phi trường nhỏ của thành phố Gaya. Một chiếc trực thăng đang chờ đợi để đưa ngài đến một trong những bệnh viện nổi tiếng nhất Ấn Độ. Tuy nhiên, trong buổi sáng sớm mùa xuân ấy, ngài trông tỉnh táo và đầy sức sống, giá mà đừng chạm đến sự gầy rạc của ngài. Không nghi ngờ gì ngài đã bình phục khỏi cơn suy nhược bệnh hoạn. Hai nhân viên Ấn Độ trong áo kaki và áo gió xuất hiện không biết từ đâu và đi theo sau ngài. Những người bảo vệ Tây Tạng, Lhakdor và tôi đi bên cạnh.
Chẳng bao lâu chúng tôi đã rời khỏi khu thường trú sáng chói bố cục lạ kỳ ở phía sau. Bước đi trên con đường bê tông rộng, chúng tôi đi ngang qua ngôi nhà kính dài và hẹp. Sau đó chúng tôi hướng vào một khu tối đen đầy cây cối. Một người lính gác Ấn Độ, mặc áo ấm ngắn chống lại cái lạnh, đứng chú ý cạnh phòng gác bê tông, cây súng trường đặt khéo léo bên cạnh anh ta. Đức Đạt Lai Lạt Ma bước tới anh lính, giật mạnh một cách đùa bởn với cây súng, và nói lời chào buổi sáng. Người lính dường như đã quen với việc này, đôi mắt vẫn nhìn chăm chăm thẳng vào phía trước và nói một cách quả quyết, "Chào buổi sáng, thưa ngài."
Chúng tôi đi dọc theo chân một ngọn đồi nhỏ với những lá cờ cầu nguyện và một ngôi tháp trắng. Lối mòn hẹp lại khi chúng tôi đến gần khu tiếp kiến phức hợp. Khu vực này tối đen. Người cận vệ đã tiến ra phía trước và bật đèn pin sáng chói của anh ta lên, chiếu sáng lối đi và hàng hiên bông giấy. Đức Đạt Lai Lạt Ma đi quanh đường vòng và hướng lên đồi đến thiền phòng riêng. Từ phía bên kia của tòa nhà, một đường dốc đi xuống qua vùng cây rậm rạp trở lại khu thường trú, Đức Đạt Lai Lạt Ma đi chậm lại một ao nuôi cá phần cuối cùng, uốn mình theo những bước chân khi ngài vượt qua những dốc nghiêng trong ánh sáng lờ mờ. Sau đó chúng tôi trở lại nơi chúng tôi đã bắt đầu. Tôi mừng rở ngạc nhiên khi Đức Đạt Lai Lạt Ma quay trở lại và bắt đầu một vòng nữa. Lần đầu tiên tôi đồng hành cùng ngài trong một trong những cuộc đi dạo buổi sáng như thế này -- ngài chỉ đi qua khỏi ngôi nhà kính rồi trở lại - một khoảng cách không dài hơn chiều rộng của một sân đá bóng. Trong hai năm từ khi ấy, tôi thường càm ràm ngài về tầm quan trọng của việc vận động thân thể, và tôi hài lòng vì ngài đã quan tâm đến điều ấy một cách nghiêm túc. Trong buổi sáng hôm ấy, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã hoàn thành tất cả ba vòng. Vào cuối chương trình buổi sáng này, ngài nói lời tạm biệt với chúng tôi và đi lên tầng trên để tắm và dùng điểm tâm. Cuộc đi bộ mất gần nửa tiếng đồng hồ, và tôi đẫm mồ hôi mặc dù không khí núi đồi mát lạnh.
Ngay cả chút ít tôi thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma trong bóng tối, ánh sáng lúc trước rạng đông, nhưng tôi có thể nói rằng ngài đã mất trọng lượng. Không ngạc nhiên gì, vì ngài đã bệnh nặng hầu như cả tháng Giêng và tháng Hai. Trong vài tiếng đồng hồ, tôi có thời khóa biểu với một loạt cuộc phỏng vấn khác với ngài. Tôi say mê để hỏi về bệnh tật của ngài.
***
Khi tôi bước vào tòa nhà tiếp kiến buổi trưa hôm ấy, tôi ngạc nhiên vui mừng thấy Ngari Rinpoche ở đấy với Lhakdor. Người em trai út của Đức Đạt Lai Lạt Ma không ngồi ở đấy trọn những buổi phỏng vấn của tôi, nhưng thời gian rỗi rành mà ông làm, thường là với sự thỉnh cầu Đức Đạt Lai Lạt Ma, biểu hiện cảm giác tiếu lâm tột bực của ngài giúp để đánh tan sự căng thẳng tinh thần của tôi. Đức Đạt Lai Lạt Ma vào phòng không lâu sau đó, đúng thời gian biểu như thường lệ. Ngài ngồi xuống chiếc ghế bành của ngài và nhìn tôi một cách chờ đợi.
"Ngài cảm thấy thế nào bây giờ?" tôi bắt đầu.
"Okay. Chỉ một rắc rối, hơi," ngài trả lời.
"Bùng phình lên, nhiều hơi quá," Ngari Rinpoche giải thích.
"Hơi tăng lên, thế nên đôi khi hơi đau. Nhưng đi bộ, không có vấn đề gì," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. Tôi chú ý ngài đang ngồi trên mép của chiếc ghế bành thay vì dựa lưng vào như thường lệ. Và tiếng Anh của ngài thay đổi một cách đáng chú ý.
Tôi đặc biệt thích thú muốn biết điều gì xảy ra cho Đức Đạt Lai Lạt Ma sau cuộc hành hương đến phế tích Na Lan Đà và Núi Linh Thứu. Ngài nói với tôi rằng cơn đau bụng gia tăng kịch liệt trước khi đoàn xe hộ tống đến Patna. Cơn đau quá nghiêm trọng khiến ngài phải cuộn tròn như một trái banh. Cố gắng để được thoải mái, ngài thay đổi vị trí, dựa vào cửa xe, quay mình bên này rồi bên kia. Cuối cùng ngài bỏ cuộc và dựa hẳn vào phía bên trái, cúi đầu và lưng dựa vào tay vịn. Mỗi cú dằn xe trên đường làm lắc bật dữ dội toàn thân ngài. Mắt ngài nhắm lại và mồ hôi ra đầm đìa, mặc cho máy điều hòa được mở cao độ.
Trước khi phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi đã nói chuyện với nhân viên liên lạc người Ấn Độ chịu trách nhiệm những sắp xếp phối hợp bảo vệ. Tôi muốn biết về chiếc xe đi từ Na Lan Đà đến Patna. Nhân viên đã đồng hành với Đức Đạt Lai Lạt Ma trong nhiều chuyến đi ở Ấn Độ. Nhưng ông ta chưa bao giờ thấy ngài trong một tình trạng đau đớn như vậy. Tiêu chảy nhẹ hay cảm lạnh, vâng. Nhưng chưa bao giờ như thế này. Đức Đạt Lai Lạt Ma gập lại như một chú chó bệnh, và Patna vẫn còn một tiếng đồng hồ nữa mới tới. Nhân viên đã gọi điện thoại với trưởng nhóm cảnh sát hộ tống, nói với ông ta về rắc rối này. Đoàn xe tăng tốc độ, mở còi hụ và đèn chớp. Tất cả xe cộ trên đường phải tấp vào lề để đoàn xe kỳ lạ chạy qua. Tốc độ gia tăng lướt qua một số ổ gà, và thế ấy dường như đã làm cho Đức Đạt Lai Lạt Ma cảm thấy hơi nhẹ nhàng hơn.
Tuy nhiên ở ngoại ô Patna, đoàn xe phải chậm rề rề lại. Đường xá đã tắt nghẽn với giao thông buổi chớm tối, và tiếng ồn ào là khủng khiếp, hay dường như thế đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma, mỗi người tài xế đang tựa vào chiếc kèn xe của họ. Ngay cả đối với cảnh sát hộ tống, không có cách nào để đoàn xe chạy nhanh hơn. Nó bị nêm chặc giữa những chiếc xe buýt chạy dầu cặn và những chiếc xe ba bánh phóng nhanh. Do bởi những lần ngừng và chạy thường xuyên, Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu cảm thấy đau ở dạ dày. Ngài xoay sở ngồi thẳng dậy, và thấy rằng cơn buồn nôn nhẹ đi khi ngài có thể nhìn ra ngoài cửa sổ.
"Tôi đau lắm, đau vô cùng," Đức Đạt Lai Lạt Ma diễn tả cảnh tượng cho tôi nghe trong tòa nhà tiếp kiến. Ngari Rinpoche lắng nghe từng lời, ông chưa nghe những chi tiết này trước đây. "Rồi thì tất cả dung dịch … nước … mồ hôi này. Lúc này tôi chú ý rằng nước từ mắt, liên hệ rất sâu đậm với cảm xúc. Nước từ thân thể, liên hệ rất nhiều với cơn đau vật lý. Cho nên khi cơn đau thân thể rất nghiêm trọng đến, không có nước từ mắt, chỉ từ thân thể. Khác biệt gì, liên hệ gì, tôi không biết. Rồi thì tôi thấy một người già với đầu tóc dài không cắt tỉa." Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa bàn tay phải ngang qua đỉnh đầu. Mở rộng ngón tay cái và ngón út, ngài diễn tả cho tôi biết tóc của người già kia dài thế nào. "Và râu ria. Hoàn toàn rối bời. Mặc áo quần đầy bụi bẩn." Ngài nhăn mặt khi nhớ lại hình tượng bối rối đó.
"Rồi thì nhiều trẻ em nghèo. Không học vấn, sống bên cạnh lề đường. Tôi chú ý một đứa cở này." Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa cánh tay ra để diễn tả chiều cao của đứa bé khoảng ba đến bốn bộ, sau đó ngài cúi xuống chạm vào ống chân ngài với cả hai tay. "Bị chứng bại liệt. Cả hai chân được kẹp lại. Và nó phải dùng những cây nạng. Thế nên trong khi tôi bị cơn đau thân thể này, trong đôi mắt tôi chỉ có hình ảnh của những người nghèo này. Không ai quan tâm đến họ trong khi tôi đang được chăm sóc kỹ lưỡng."
Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắm mắt lại và rơi vào im lặng. Sau một vài giây, ngài tiếp tục. "Mặc dù tôi cảm thấy đau đớn vật lý, nhưng tinh thần không boăn khoăn, hoàn toàn hòa bình. Chỉ cảm thấy hơi bất tiện. Tại sao là cảm giác hòa bình như vậy? Tự tôi có cơn đau thân thể ấy, nhưng tinh thần liên tục cảm nhận về những người không ai săn sóc ấy. Do vậy, không lo lắng cho cơn đau của chính tôi nhiều. Quan tâm đến những người khác dường như giúp tôi giảm nhẹ cơn đau. Kinh nghiệm của việt phát sinh lòng từ bi là điều gì đó rất lợi lạc cho chính mình, không nhất thiết là lợi lạc cho người khác. Tôi quán chiếu điều kiện kinh khủng của người già, và cậu bé bại liệt. Cảm giác quan tâm đã giảm thiểu cơn đau của tôi. Cho nên rất tốt."
"Có phải điều này ngài có trong tâm," tôi hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma, "khi ngài nói trong giáo lý rằng chư Phật và chư Bồ tát của thế giới là những chúng sanh vị kỷ nhất, bằng việc trau dồi lòng vị tha các ngài thật sự thành tựu niềm hạnh phúc tột cùng cho chính các ngài chứ gì?"
"Vâng. Một sự vị kỷ thông tuệ," ngài trả lời. "Giúp đở người khác không có nghĩa là chúng ta làm việc này từ sự tổn hại của chúng ta. Không phải như thế. Chư Phật và chư Bồ tát, là những bậc rất thông tuệ. Trọn đời sống của các ngài chỉ muốn một điều: thành tựu hạnh phúc rốt ráo. Làm việc này như thế nào? Bằng việc nuôi dưỡng từ bi, trau dồi lòng vị tha. Khi các ngài quan tâm đến người khác, chính các ngài được lợi lạc trước nhất - các ngài có hạnh phúc tối đa trước nhất. Các ngài biết phương pháp tốt nhất để hướng đến đời sống hạnh phúc là giúp đở người khác. Đó là tuệ giác thật sự. Các ngài không nghĩ: 'Ô, tôi là quan trọng nhất, người khác không quan trọng quá như thế.' Không phải là cách ấy. Các ngài quan tâm một cách chủ tâm cho sự cát tường của người khác là điều quan trọng nhất. Và, trong thực tế, hành động này trở lại lợi lạc tối đa cho các ngài."
Một tư tưởng len vào Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài quay sang Ngari Rinpoche và nói bằng tiếng Anh, "Tôi nghĩ nấu … " Ngài chuyển sang Tạng ngữ. Người em trai út của ngài thông dịch: "Một người nấu ăn cho người khác, mặc dù không có ý định nấu cho chính người ấy, nhưng luôn luôn no đủ."
"Nhiều người nấu ăn rất béo phì, tôi để ý thế," Đức Đạt Lai Lạt Ma thêm vào. Ngài và người em trai cùng bùng cười to với câu nói ấy.
"Vậy thì cơn đau của ngài thật sự qua khỏi khi ngài thấy những người nghèo ở Patna?" tôi muốn biết.
"Không, tôi không nghĩ thế," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. "Nhưng những hình ảnh tinh thần mà tôi thấy, sự nghèo đói và bất lực, chúng rất bén nhạy. Ngay cả trong khi tôi nằm trên giường khách sạn ở Patna, tôi trong cơn đau, nhưng tất cả những gì tôi thấy là hai thứ ấy: Đói, khát. Tôi hỏi nhiều lần trong tâm tư tôi: "Đáng thương thay! Chúng ta có thể làm gì, chúng ta có thể làm gì? Cơn đau mãnh liệt của tôi giảm thiểu. Điều gì đó như bị tràn ngập bởi một sự quan tâm mạnh mẽ."
*
Kể từ khi rời Đạo Tràng Giác Ngộ, tôi đã bị ám ảnh với một câu hỏi dằn dặt đau khổ: làm thế nào vụ đau bụng của Đức Đạt Lai Lạt Ma leo thang thành một cuộc khủng hoảng bùng vở, cuống cuồng đưa Đức Đạt Lai Lạt Ma đến một bệnh viện đặc biệt ở Bombay? Tôi muốn khám phá nguyên nhân cơn bệnh này với Đức Đạt Lai Lạt Ma.
"Ngài có cảm thấy xấu đi khi ngài đi trên đường dốc đến đỉnh Linh Thứu không?" tôi hỏi ngài trong phòng tiếp kiến. Ngari Rinpoche kéo chiếc ghế-thẳng-lưng hơi gần hơn anh của ông. Ông không có đi Linh Thứu với chúng tôi, và ông quan tâm muốn biết điều gì đã xảy ra trước khi đau xảy ra cho Đức Đạt Lai Lạt Ma.
"Không," Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời. "Tôi không có cảm nhận xấu trong buổi sáng ấy. Không có gì hết. Rất khỏe khoắn. Nhưng rồi thì, đã có một số nguyên nhân và điều kiện rồi."
"Ngài có ăn thứ gì đó tệ hại ở khách sạn Nhật Bản ở Raigir?"
"Tôi không nghĩ thế."
"Nhưng ngài bị tiêu chảy nhẹ sau khi dùng trưa tại khách sạn?"
"Kiết lỵ."
"Tôi đã nghe từ Bác sĩ Tseten là có vi khuẩn amip trong dạ dày của ngài. Chúng phải đến từ thực phẩm hay nước kém vệ sinh."
"Tôi không biết," Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời. "Những con amip ở trong bao tử tôi bao lâu tôi không biết. Không nhất thiết là đến ngay ngày hôm ấy … Có nhiều nguyên nhân. Một, nguyên nhân tức thời, là sự bất cẩn."
"Bất cẩn?"
"Bất cẩn bởi vì thông thường thân thể tôi Okay, rồi thì tôi nghĩ … " Đức Đạt Lai Lạt Ma nhìn qua Lhakdor và chuyển sang Tạng ngữ.
"Đức Thánh Thiện cảm thấy ngài rất khỏe mạnh, cho nên ngài luôn tự bắt buộc ngài, làm việc quá nhiều, du hành quá nhiều," Lhakdor thông dịch.
"Thiếu cẩn trọng," Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích.
Những người làm việc gần gũi với Đức Đạt Lai Lạt Ma đồng thuận với ý kiến chân thành này. Ngài giữ một thời khóa thúc ép, một cách đặc biệt khi ngài trên đường. Tôi đã du hành với ngài đủ thời gian để tự biết điều này. Tôi trẻ hơn mười tuổi. nhưng năng lượng và sức chịu đựng của ngài làm tôi phải xấu hổ. Để theo kịp ngài dứt khoát không là một cuộc đi bộ trong công viên.
"Rồi thì đi lên đỉnh Linh Thứu buổi sáng, đổ mồ hôi nhiều quá," Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục. "Trên đỉnh núi, hơi lạnh. Đi xuống, lại đổ mồ hôi, rồi bửa trưa, cởi áo ra. Sau bửa trưa, uống nước chanh tươi - thông thường không rắc rối gì, nhưng ngày ấy, do vì điều gì đấy đã quấy rầy, điều đó trở thành một trong những nhân tố.
"Một nguyên nhân quan trọng hơn. Trước khi tôi đi hành hương ở Linh Thứu và Na Lan Đà, trước hết tôi đi Nam Ấn để giảng dạy. Trong khi tôi ở đấy, tôi bắt đầu dùng thuốc Tây Tạng cho gan và mắt. Đó là thuốc lạnh - nó làm thân thể lạnh. Khoảng ba mươi năm trước, tôi đã dùng thứ thuốc ấy cho gan, và ngay lập tức cơn đau nổi lên chút ít ở đây trong bao tử tôi. Thay vì thế tôi ngừng và dùng thuốc để sinh nhiệt. Cơn đau biến mất hoàn toàn. Bây giờ lần này, chính xác cùng chỗ. Quá lạnh."
Quá lạnh. Đó là những gì mẹ tôi thường nói bất cứ khi nào tôi bị bệnh. Tôi không quan tâm nhiều về triệu chứng của tôi là gì. Rắc rối luôn luôn là "lạnh bốc hơi". Mẹ tôi kéo tôi đi xuyên đảo Hồng Kông bằng xe lửa điện đến vùng ngoại ô West Point, nơi chúng tôi bước lên những lối đi hẹp, dốc lót bằng những viên đá gập ghềnh, đến một tiệm bán cỏ thuốc, đông y dược. Nơi ấy lờ mờ, và hầu hết các chỗ nào cũng có những ngăn đựng thuốc bằng gỗ đỏ, đầy cỏ thuốc. Thầy thuốc sẽ bắt mạch tôi, xem lưỡi tôi, kê toa thuốc với bút và mực đen, và cân thuốc từ những ngăn chứa. Trở về nhà, mẹ tôi sẽ sắc thuốc trong vài tiếng đồng hồ, cho đến đúng mức cần thiết nước thuốc sánh đen. Thuốc dược thảo mặc dù đắng, nhưng không hoàn toàn khó chịu. Tôi phải uống hết một lần trong khi nó đang nóng. Thông thường, tôi thật khá hơn không lâu sau đó - có lẽ như thế mặc dù thuốc đắng, tôi thích nghĩ như vậy.
"Giống như thuốc Tàu, như thuốc Ayurveda của Ấn Độ, thuốc Tây Tạng thường được phân làm hai thứ nóng và lạnh," Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích. "Hầu hết bệnh tật của phần dưới thân thể liên hệ với lạnh nhiều. Rắc rối của gan, đầu có nghĩa là quá nóng. Tôi dùng thuốc đó, làm tăng lạnh trong cơ thể tôi. Thỉnh thoảng chút gì đau đau bắt đầu. Rồi thì trong cuộc hành hương, những nguyên nhân tức thời xảy ra, và điều gì đó bùng phát."
"Một nhân tố khác," ngài tiếp tục. "Tháng Năm vừa rồi, khi tôi ở Mỹ, hệ thống tiêu hóa của tôi rất tốt, tuyệt vời. Cho nên trong bửa điểm tâm tôi dùng sửa lạnh nhiều. Sau đó ở Salt Lake City, một phụ nữ nói với tôi rằng quả việt quất (blueberry) là rất tốt cho mắt. Bà nói với tôi là phi công Hàng Không Quân Sự Hoa Kỳ ăn mứt việt quất nhiều lắm. Thế nên tôi ăn một ít quả việt quất, ngon lắm. Rồi sau đó, ngày qua ngày, tăng lên. Thế đó nó tác động đến hệ thống tiêu hóa tới một mức độ nào đó - quá nhiều lạnh."
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói ngắn với Lhakdor. "Dường như là mọi việc đã bắt đầu như thế ấy," Lhakdor thông dịch, "do bởi sự lạnh lẽo của quả việt quất."
***
Vậy là do sự lạnh lẽo của những quả việt quất đã châm ngòi khủng hoảng. Đó hoàn toàn không phải là câu trả lời mà tôi mong đợi. Nhưng tôi đành cam chịu với sự kiện rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma không giống như bạn và tôi. Ngài có một cách khác biệt đáng chú ý về việc nhìn thế giới chung quanh ngài. Vẫn còn có một vài việc về cơn bệnh mà tôi muốn biết.
"Điều gì xảy ra khi ngài ở Đạo Tràng Giác Ngộ," tôi hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma, "sau khi ngài trở lại từ Patna?"
"Năm, sáu ngày ở Shechen, không khá gì hơn. Cho nên tôi nghĩ: nếu lễ Thời Luân bắt đầu, nếu một khi bắt đầu rồi mà thất bại, thế thì tệ hại lắm. Do thế, tốt hơn là đình lại, dời lại. Vì vậy tôi quyết định. Lúc đầu, vẫn hy vọng giảng dạy ba ngày. Nhưng không thể làm được. Rồi thì một buổi sáng Bác sĩ Tseten chú ý rằng phía này sưng phồng ra," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, vỗ vỗ vào phía bên trái dạ dày ngài.
"Tôi đề nghị Đức Thánh Thiện vào bệnh viện ngay ngày hôm ấy," Lhakdor nói.
"Đó là tại sao ngài đã bãi bỏ lễ cầu nguyện trường thọ vào ngày cuối cùng của lễ Thời Luân?" tôi hỏi.
"Vâng," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. "Ngay ngày đó, không thể sắp xếp chuyến đi. Sau đó cố gắng để xem có thể đến Bombay ngày hôm sau không. Một vài người liên lạc với Delhi. Chính quyền bang đồng ý cung cấp một trực thăng, chính quyền trung ương cung cấp một chuyến bay đặc biệt từ Patna đi trực tiếp Bombay. Ở Bombay, từ phi trường thẳng tới bệnh viện."
''Khi Đức Thánh Thiện bước vào bệnh viện," Ngari Rinpoche nói với tôi, một cách tự ý. "việc đầu tiên ngài thấy là một chai nước biển và một cây kim lớn đang chờ ngài. Ngài cảm thấy không thoải mái. Ngài hơi sợ." Mặc dù Ngari Rinpoche ở đấy chính yếu để phụ Lhakdor thông dịch, nhưng tôi luôn tin rằng ông đến với một tin tức gì đó hấp dẫn.
"Nhưng không có lựa chọn nào khác, cho nên tôi phải vô nước biển," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, hơi nhăn nhó với ký ức.
"Họ đã thử nghiệm những gì ở bệnh viện?" tôi hỏi.
"Họ kiểm tra đủ thứ. Bao tử, ruột, dĩ nhiên. Cũng như tim, gan, máu. Không có gì bệnh tật. Không ung thư."
"Nhưng điều gì làm cho sưng lên?" tôi hỏi.
"Họ không thể tìm ra. Mặc dù một chuyên gia đã nói với tôi …" Đức Đạt Lai Lạt Ma chuyển sang Tạng ngữ.
"Sau khi khám cho Đức Thánh Thiện," Ngari Rinpoche thông dịch, "chuyên gia nói mọi thứ hoàn toàn Okay, không có dấu hiệu gì của ung thư. Sau đó ông nói: đây là cơn bệnh trầm trọng. Nó có thể giết ngài. Có một lỗ thủng bé tí trong ruột ngài. Nếu nó lớn hơn, nó có thể đã giết ngài."
Tôi liếc sang Đức Đạt Lai Lạt Ma, có một nụ cười mĩm kín đáo trên khuôn mặt ngài. Giống như ngài lấy làm vui một cách bí mật rằng ngài xém chết.
Một vài tu sĩ vào phòng tiếp kiến, mang theo những cái khay. Một tu sĩ cẩn thận đặt một chén có nắp nước nóng bên cạnh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Một vị khác đặt một cái khay với một bình Nescafé uống liền, một vài gói trà, và một bình thủy nước nóng trên một cái bàn thấp bên cạnh tôi. Họ rời phòng một cách lặng lẽ như khi họ đến. Ngari Rinpoche đứng lên và bước đến tôi, và thì thầm trong tai tôi, "Ông muốn cà phê hay trà?"
Mắt tôi vẫn không rời Đức Đạt Lai Lạt Ma. "Dạ, cà phê." Tôi cảnh giác một cách mơ hồ với Rinpoche đang cho một muỗng Nescafé uống liền vào ly và đổ nước nóng vào. Ông dựa gần vào tôi và thì thầm vào tai tôi một lần nữa, "Sửa? Đường?"
"Uh, vâng, cảm ơn," tôi trả lời một cách tự động. Khi tôi lật qua những trang giấy về những loại câu hỏi, một thoáng hoảng loạn bùng lên. Tôi đã lạc mất chỗ câu hỏi cuối của tôi, và tôi không biết đáng lẻ tôi phải hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma điều gì kế tiếp. Cà phê luôn luôn là một sự chào đón hào sảng: bây giờ đang ở giữa đoạn đường của hơn hai giờ phỏng vấn, năng lượng của tôi có khuynh hướng giảm sút. Mà đôi khi sự ngắt lời có thể làm cho tôi đánh mất sự tập trung tế nhị của tôi.
Rồi thì tôi nhớ điều gì đó mà Bác sĩ Tseten đã đề cập với tôi trong một lần đàm đạo.
"Bác sĩ Tseten nói với tôi rằng những bác sĩ Ấn Độ ở Bombay nói trái tim của ngài như của một người hai mươi tuổi," tôi nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma.
"Vâng, đúng đấy," ngài trả lời." Sau khi kiểm nghiệm điện tâm đồ (ECG) các bác sĩ ở Bombay báo cho tôi biết. Thật sự thì bác sĩ ở Patna người khám tôi cũng nói giống y như vậy."
"Ngài nghĩ đâu là lý do cho điều này?" tôi hỏi khi tôi ngụm cà phê và nuốt xuống một cách tham lam.
"Tôi nghĩ là sự hòa bình của tâm hồn," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói không do dự.
"Trái tim của ngài giống như hai mươi tuổi bởi vì ngài có một sự hòa bình của tâm hồn?"
"Vâng," Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh. "Bằng khác đi, không có điều gì đặc biệt về tôi. Tôi không có tập thể dục gì đặc biệt."
Một người đàn ông sáu mươi bảy tuổi với trái tim hai mươi tuổi. Đức Đạt Lai Lạt Ma không nghi ngờ gì tâm thức ấy có năng lực để chửa trị thân thể. Đối với ngài, tâm thức và thân thể thuộc về một sự tương tục không tách rời nhau. Khi điều gì đó xảy ra cho một thứ, thì thứ kia bị ảnh hưởng - mối lệ thuộc hổ tương của tất cả mọi thứ đã là mật ngôn của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong nửa thế kỷ qua. Bây giờ, ngay cả những bác sĩ và các nhà nghiên cứu chủ đạo chuyên môn cũng đi đến cùng kết luận. Một sự rối loạn trong thận có thể có hậu quả nghiêm trọng cho não bộ. Và một sự phiền muộn bây giờ được xem là nhân tố nguy hại quan trọng cho bệnh tim - nó có thể tệ hại không kém gì mở trong máu. Sau cùng, thân và tâm cùng chia sẻ những khối xây dựng - máu, thần kinh, kích thích tố, kháng thể.
Đây là vấn đề Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thiết lập như thế nào: "Rèn luyện tâm thức, điều này có nghĩa là làm mạnh những cảm xúc tích cực đó chẳng hạn như tha thứ và từ bi, chẳng hạn như hồi hướng lợi lạc cho người khác. Những cảm xúc tiêu cực như thù hận, ganh tỵ, đây là những thứ mà quý vị gọi là kẻ thù. Những cảm xúc tiêu cực qua tu tập, chúng ta có thể giảm chúng đến mức tối thiểu. Sự rèn luyện tâm thức này, theo một số nhà khoa học là liên hệ rất nhiều với sức khỏe của chúng ta."
"Lấy thí dụ như tha thứ. Có hai mức độ ở đây. Một mức độ: tha thứ có nghĩa là ta không nên phát triển những cảm giác của trả thù. Bởi vì trả thù làm tổn hại người khác, do thế đó là một hình thức của bạo động. Với bạo động, thường có phản bạo động. Điều này thậm chí gây ra nhiều bạo động hơn - rắc rối không bao giờ giải quyết được. Cho nên đó là một mức độ. Một mức độ khác: tha thứ có nghĩa là ta nên cố gắng không phát triển những cảm giác của sân hận đối với kẻ thù của ta. Sân hận không thể giải quyết rắc rối. Sân hận chỉ đem đến những cảm giác không thoải mái cho chính ta. Sân hận phá hoại sự hòa bỉnh tâm hồn của chính ta. Tâm trạng hạnh phúc không bao giờ hiện hữu, không có trong khi sân hận vẫn còn. Tôi nghĩ đó là lý do chính tại sao chúng ta nên tha thứ. Với một tâm thức tĩnh lặng, tâm thức hòa bình hơn, thân thể khỏe mạnh hơn. Một tâm thức khích động đầu độc sức khỏe của ta, rất tổn hại cho thân thể. Đây là cảm nhận của tôi."
Tôi hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma ngài có nghĩ điều gì đó tích cực đã hình thành do bởi bệnh tật của ngài không. Những người Tây Tạng khắp thế giới đã cực kỳ lo lắng về ngài. Trong khi ngài nằm trên giường bệnh ở tu viện Shechen, hàng trăm nghìn người hành hương đã ở ngoài trời cả đêm, dâng lời cầu nguyện cho Đức Đạt Lai Lạt Ma giữa những điều kiện rõ ràng của mùa đông.
Đức Đạt Lai Lạt Ma chọn trả lời bằng Tạng ngữ và để Lhakdor thông dịch: "Đức Thánh Thiện nói rằng tình cảnh là một sức mạnh kích hoạt tốt đẹp cho việc tiến hành những hành vi tốt đẹp, cho việc theo đuổi những hành vi tâm linh."
Tôi không hiểu lắm.
"Nếu mọi thứ là bình thường," Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích, "thế thì mặc dù chúng ta cầu nguyện thật nhiều, nhưng những người cầu nguyện có thể không tha thiết lắm. Nhưng bởi vì tôi bệnh, cho nên mỗi lời cầu nguyện là tha thiết. Tất cả chúng ta dâng những lời cầu nguyện thật tha thiết. Thế nên qua cách ấy, có những kết quả tích cực nào đó."
"Bệnh tật là một chất xúc tác làm cho chúng ta có tinh thần hơn," Ngari Rinpoche thêm vào.
Đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma, khổ đau và tai ương là những điều kiện cần thiết cho việc phát triển nhẫn nhục và bao dung. Những phẩm chất này là cần cho sự sống nếu chúng ta muốn giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực như thù hận và ganh tỵ. Khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp, chúng ta ít cần đến nhẫn nhục và tha thứ. Chỉ khi nào chúng ta gặp phải rắc rối, khi chúng ta khổ đau, như vậy chúng ta mới thật sự học hỏi những đạo đức này. Một khi chúng ta tiếp thu chúng, từ bi tuôn chảy một cách tự nhiên.
"Ông có buồn không khi tôi khởi hành?" Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi tôi một cách không ngờ.
"Tôi buồn, vâng," tôi trả lời.
"Ông có nghĩ là Đức Thánh Thiện sẽ không qua khỏi chứ?" Ngari Rinpoche tò mò.
"Không, không. Tôi có một sự tin tưởng nào đó. Thế nào đó tôi biết ngài sẽ không sao,'' tôi trả lời. "Tôi buồn bởi vì ngài trông yếu quá, quá phờ phạc. Tôi chưa bao giờ thấy ngài yếu đuối như vậy trước đây. Tôi bị sốc quá cũng như những người khác vậy. Và một điều khác nữa. Ngài ôm tôi trước khi rời tu viện Shechen. Tôi thật cảm động với việc ấy. Mặc dù ngài đang đau và có thể đứng dậy khó khăn, nhưng ngài vẫn muốn làm tôi thoải mái, động viên tôi. Bệnh tật như ngài vậy mà ngài vẫn để mắt nhìn đến tôi. Như ngài luôn luôn làm, ngài đã đặt lợi ích của người khác trên lợi ích của chính ngài."
*
Tôi đứng bên cạnh Đức Đạt Lai Lạt Ma trên nóc nhà của ngài. Phong cảnh của vòng ngoài dãy Hy Mã Lạp Sơn từ nơi này trông như thấy toàn cảnh. Tôi có thể nhận ra ba dãy núi sương mù chảy dịu dàng từ 4,350 mét của Đèo Indrabar Pass đến Thung Lũng Kangra bao la xanh tươi bên dưới. Xa xa kia, và cao hơn nhiều, là rặng Dhauladhar nhốm tuyết. Trên sườn núi gần đỉnh, tôi nhận ra vài đốm nhỏ màu xám - những thôn xóm núp mình trên cao nguyên nhỏ xíu. Bên cạnh chúng là những vạch dài của đất lở. Xa bên dưới, dãi băng bạc của một con sông phân chia ngang thung lũng, vượt qua những cụm đèn lấp lánh li ti.
Đức Đạt Lai Lạt Ma, cầm xâu chuỗi bên tay trái, chỉ vào một cụm sáng rở và nói, "Ánh sáng của làng quê vẫn ở đấy." Ngài ra dấu cho tôi lại gần ngài hơn để tôi có thể theo dõi đường cong của thung lũng khi nó đi xuống từ ngọn đèo Triund giữa hai đỉnh núi đến những đồng bằng và những khu định cư nhấp nhoáng.
Lúc đó là năm giờ sáng, ngày chủ nhật trước mùa mưa. Đức Đạt Lai Lạt Ma ăn bận giản dị khi ra ngoài vào lúc này của ngày. Ngài không mặc y áo thông thường của tu sĩ. Trên chỉ có một chiếc áo không tay, màu cam nhạt với cổ áo cao của quan lại. Vải áo sa ten lung linh trong ánh nắng sáng sớm. Một chiếc sà rông màu rỉ sét dài tới mắt cá quấn chung quanh thân ngài, ở khoảng giữa thân, ngài cột một chiếc khăn choàng của tu sĩ. Tôi chưa bao giờ thấy kiểu ăn mặc thế này trước đây. Tôi đoán là ngài thường ăn mặc thế này cho sinh hoạt buổi sáng trong nơi cư trú của ngài.
Đây là lần đầu tiên Đức Đạt Lai Lạt Ma mời tôi lên sân thượng. Lối đi bê tông và mặt bằng ngắm cảnh chỉ mới được xây dựng gần đây thôi. Phía dưới chúng tôi, tôi có thể thấy những vùng đất cũ, hầu hết phần um tùm của cây bách hương, thông và đổ uyên, của khu cư trú của ngài bên cánh trên của một lối ra.
Chúng tôi không ở lâu trên sân thượng. Sau khoảng năm phút, chúng tôi đi xuống phòng tiếp khách rộng lớn ở tầng hai và vào thiền phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài cởi giày ra, nhét vào trong một góc lõm của thiền phòng, và ngồi xếp bằng phía sau bàn của ngài.
Hầu như ngay lập tức, Paljor-la, thị giả của Đức Đạt Lai Lạt Ma, đi vào với một khay điểm tâm. Ông đặt nó xuống một tọa cụ thấp trên sàn bên cạnh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Có vài cái bình thủy, một tô thủy tinh lớn cháo yến mạch, một dĩa bánh mì lát dày, bơ và mứt. Đức Đạt Lai Lạt Ma trải một khăn ăn trên đùi và lấy tô cháo yến mạch to bự ấy. Cầm nó trên tay trái, ngài múc một muỗng lớn với tay phải. Ngài giữ nó gần môi trong một vài giây, nhìn chăm chăm vào khoảng không xa xa. Sau đó bắt đầu. Khi ngài ăn, ngài đọc một xấp giấy rời dày năm inch - một luận điển tôn giáo Tây Tạng - sắp xếp ngăn nắp trên bàn trước mặt ngài.
Rồi thì Đức Đạt Lai Lạt Ma lấy một miếng bánh mì nướng Tây Tạng, mới nướng sáng nay trong nhà bếp của ngài, và trải một lớp mứt dâu Hero bằng phẳng trên ấy. Ngài trét một cục bơ trên mứt trước khi cắn lạo xạo miếng bánh mì. Với bửa điểm tâm, Đức Đạt Lai Lạt Ma ăn hết tô cháo yến mạch, hai miếng bánh mì nướng lớn, và tối thiểu hai ca sửa. Trong khi ăn, ngài tập trung vào việc đọc tài liệu và không cố gắng để nói chuyện với tôi.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thích ăn một mình. Ngài không thay đổi dù nhận được nhiều lời mời ăn điểm tâm hay ăn trưa khi du hành ra ngoại quốc. Tenzin Geyche Tethong, thư ký riêng của ngài,cố gắng làm tốt nhất để từ chối hầu hết những lời mời ấy. Nếu vị lãnh tụ Tây Tạng buộc phải có khách vào bửa ăn, ngài ngăn cản một cách linh động việc nói chuyện trong khi ăn.
Vào lúc 5:30 Đức Đạt Lai Lạt Ma đứng dậy và ra dấu cho tôi đi theo ngài. Chúng tôi đi vào phòng tắm. Toàn bộ một bức tường đã được đưa lên bởi các cửa sổ. Ngài mở một tấm màn lên để lộ ra sự hùng vĩ huyền bí của những dãy núi. Một đống báo Kinh Tế Viễn Đông để trên một cái bàn thấp cạnh bồn cầu. Đức Đạt Lai Lạt Ma bật vòi nước và bắt đầu đánh răng.
Trong những chuyến du hành với ngài, tôi chú ý rằng ngài hầu như luôn luôn đánh răng sau khi ăn. Trong một trường hợp, chủ tịch và hội đồng giảng huấn trường đại học Tromso ở Na Uy đã mời buổi trưa danh dự cho ngài. Sau bửa ăn, Đức Đạt Lai Lạt Ma lấy ra một bàn chảy đánh răng và một ống kem đánh răng Colgate từ đãi của ngài và đưa lên cao cho những người chủ nhà ngắm nhìn, như một người đi câu khoe cá vừa bắt được. Vẫn giữ dụng cụ xúc miệng trên cao, ngài đi đến phòng rửa mặt, làm hơn sáu mươi vị hiện diện khoái chí vô cùng.
Trở lại thiền phòng, Đức Đạt Lai Lạt Ma ngài quấn tấm vải đỏ quanh giữa thân ngài và ngồi xuống trên tọa cụ. Đó là thời gian hành thiền buổi sáng của ngài. Nhưng trước khi bắt đầu, ngài quyết định cho tôi một cảm nhận về chương trình của ngày hôm ấy.
"Sau khi tôi hành thiền," ngài nói, "khoảng tám giờ, tôi nghĩ tôi sẽ bắt đầu giảng dạy: một số cầu nguyện và hành thiền đặc biệt. Đó có thể là trong một tiếng rưởi cuối cùng, ông có thể ở lại. Sau đó tôi có thể nghiên cứu. Ngồi đây hay đó," ngài ra dấu tới phòng khách, mà tôi có thể thấy qua cửa ra vào. "Và rồi vào lúc bửa trưa, khoảng mười một giờ rưởi, ở đây. Buổi trưa tự do. Tự do có nghĩa là đọc sách hay xem tin tức gì đó. Hôm nay là chủ nhật. Tôi không có chuyện gì đặc biệt. Thường thường là thay đổi dây đồng hồ đeo tay …" Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu cười khúc khích khi ngài nghịch với đồng hồ đeo tay. "Nhưng hôm nay tôi không nghĩ là có chuyện gì. Buổi chiều, khoảng năm giờ, tôi tắm. Sau khi tắm, tôi ngồi đây với khăn tắm - như những người Tân Tây Lan, trần trụi." Sự tưởng tượng ấy tạo thành một cơn cười vang thót bụng. "Lúc năm giờ ba mươi, bốn mươi lăm, buổi trà tối của tôi. Sau đó tạm biệt, bye-bye."
Đây là lần đầu tiên kể từ khi tôi biết ngài, ngài đã mời tôi dành trọn một ngày tốt lành trong khu vực riêng của ngài.
Đức Đạt Lai Lạt Ma cởi tấm vải ra và lại quấn chung quanh khít chung quanh bụng ngài. Ngài đặt xâu chuổi trên đùi ngài, nhét chiếc váy xuống bên dưới đôi chân xếp bằng, kéo chiếc đồng hồ lên trên một dấu khắc tay, thẳng lưng lên, cúi xuống phía trước một lần, và ngồi thẳng lên. Ngài đã sẳn sàng để bắt đầu thời hành thiền của ngài.
Đối với tôi, Đức Đạt Lai Lạt Ma không khác nhiều so với một số ẩn sĩ mà tôi đã thấy ở Tây Tạng. Những ẩn sĩ sống tách biệt trong những hang động nhỏ trên những vùng cao của Hy Mã Lạp Sơn, thức ăn hàng ngày được đem đến bởi những người thị giả tận tụy của họ. Trách nhiệm duy nhất của họ: tiến tới với sự thực tập tâm linh của họ. Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi trên tấm tọa cụ một thước vuông của ngài trên sàn, thì ngài đang ở trong nơi ẩn dật cá nhân của ngài - dù là một nơi thoải mái. Không gian riêng của ngài, được vây quanh bởi một cái bàn giản dị và một tủ gỗ cao đến đầu gối bên trên là một cái khay ra/vào đỏ, được giảm thiểu thành một chỗ ẩn náo không lớn hơn phòng điện thoại công cộng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thâm nhập sâu lắng vào thiền tâm của ngài rất nhanh chóng, không cần hơn một hay hai phút từ lúc bắt đầu. Đôi mắt ngài nhắm lại. Trên đùi ngài, những ngón tay của cả hai bàn tay đang lần chuỗi một cách đều đặn. Khi việc hành thiền của ngài tiến triển đầu của ngài cúi xuống. Rất thường, tôi có thể thấy cặp mi mắt rộng của ngài bị lăn lộn bởi chuyển động mắt nhanh rõ ràng - giống như một viên cẩm thạch nhảy tung tăng tới lui dưới một chiếc khăn tay.
Một giờ trôi qua. Đức Đạt Lai Lạt Ma không gián đoạn buổi thiền tập, ngài tìm vào trong một ngăn hộc của tủ gỗ phía bên phải ngài và mở máy phát thanh Sony. Đài BBC bắt đầu sau bốn tiếng bíp quen thuộc. Đó là 6:30 sáng Dharamsala, 1 giờ trưa Greenwich. Tin tức kể về cuộc gặp gở lịch sử giữa thủ tướng Do Thái Ariel Sharon, và người tương nhiệm Palestine Mohmoud Abbas. "Họ đã gặp gở ở Jerusalem để thảo luận Lộ Trình hòa bình do Mỹ hậu thuẩn," giọng nữ phát ngôn viên vang dội trong thiền phòng an tịnh. "Cuộc gặp gở được tổ chức trong văn phòng của Sharon được canh gát cẩn mật, và việc bảo vệ là chủ đề chính."
Đức Đạt Lai Lạt Ma không biểu lộ gì khi ngài nghe đài. Nhưng thân thể ngài dường như căng thẳng một cách lạ lùng. Ngài nắm hai bàn tay lại với nhau và ấn mạnh góc ngón tay cái vào mũi ngài. Có một sự gắng sức trong cử chỉ của ngài. Giống như bằng việc đẩy mạnh đôi bàn tay một cách vững chắc vào mặt ngài thì bằng sức mạnh tuyệt đối của ý chí, ngài có thể đạt được một trình độ mới của tuệ giác.
Vẫn trong giờ hành thiền, ngài lấy kính đeo mắt của ngài - mặt trời đã ló dạng trên rặng Dhauladhar, và ánh sáng sảng khoái của buổi sáng đang tràn vào phòng. Đức Đạt Lai Lạt Ma thì thầm vài đoạn cầu nguyện nhanh và rồi vặn tắt máy phát thanh.
Đứng dậy từ tọa cụ hành thiền, Đức Đạt Lai Lạt Ma bước vào phòng tiếp khách, một không gian tuyệt đẹp với những cửa sổ từ sàn tới trần ở ba phía. Căn phòng chiếm hết phân nữa tầng hai. Những đám bông giấy rậm rạp màu tím vây quanh phía bên ngoài của tòa nhà, làm dịu ánh sáng sớm tuôn vào phòng. Đức Đạt Lai Lạt Ma đi tới góc xa của phòng và ngồi xuống trên một tọa cụ trên nền, dưới một bàn thấp đầy những xấp kinh luận.
Gần đấy là một máy chạy bộ đời mới nhất là tặng phẩm từ một môn nhân người Đức. Tôi đứng trước một bức tượng Phật sơn mài rực rở được tạc từ một lõi cây. Tôi nhận ra bức tượng đặc biệt ngay lập tức. Đó là tặng phẩm từ Tổng Thống Trần Thủy Biển của Đài Loan; tôi đã ở đấy khi ông tặng nó cho vị lãnh tụ Tây Tạng. Tôi đã tưởng tượng, nếu và khi nào ngài quyết định sử dụng máy chạy bộ, việc nhìn tập trung chăm chăm của ngài vào Đức Phật, nhiều người khác có thể xem chương trình TV yêu thích của họ trong khi họ tập thể thao.
Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đọc những tài liệu, thỉnh thoảng ngài ghi chép vào vở. Sau khoảng hai mươi phút ngài đứng dậy và đi tới chiếc ghế bành ở góc đối diện của phòng. Tôi đi theo và ngồi trên một chiếc ghế lưng thẳng gần ngài một cách thận trọng.
"Đôi,khi những điều kỳ lạ xảy ra," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với tôi một cách bất ngờ. "Năm mươi tám. Mùa hè. Xá lợi trân quý của Đức Phật đã hiện ra trên ngai Đức Phật ở Lhasa đại tự. Tôi nhận được báo cáo và một số xá lợi được gửi đến tôi trong cung điện mùa hè. Tôi: hơi nghi ngờ, không biết chân thật hay không. Vị tu sĩ, người săn sóc bức tượng vào lúc ấy là già, mập. Cho nên tôi ngờ vực. Tôi gửi đến một viên chức. Ông ấy đặt một khăn choàng trắng tại nơi xá lợi xuất hiện và ông niêm phong. Sau vài ngài tôi thăm viếng nơi ấy. Ở dấu niêm phong. Ô, nhiều xá lợi ở đấy, bên trong khoảng hẹp chỗ Phật ngự. Tôi nghĩ rằng đó là một dấu hiệu, một loại tặng phẩm giả biệt. Do, thế, năm mươi chín tháng Ba, chúng tôi ra đi. Kỳ lạ, có phải không?"
"Xá lợi trông như thế nào?" tôi hỏi.
"Trắng. Giống như những viên thuốc tròn nhỏ. Nhiều lắm. Gần đầy ca."
Ngài trông trầm ngâm. Ngài nhìn chăm chăm ra bên ngoài cửa sổ, lần chuỗi một cách đều đặn. Sau đó ngài hướng qua tôi.
"Ông đến thăm tôi nhiều lần trong mấy năm qua," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. "Ông du hành cùng tôi đến rất nhiều nơi. Mỗi cơ hội ông có, ông hỏi tôi những câu hỏi. Đôi khi là những câu rất ngớ ngẫn … " Ngài bùng cười to lên như một trong những thế mạnh của ngài.
Ngài tiếp tục: "Bây giờ tôi muốn hỏi ông một vài câu."
"Dĩ nhiên, thưa Đức Thánh Thiện. Tôi sẽ cố gắng để trả lời hết sức mình."
"Trước nhất, vì ông đến để biết về Tây Tạng, cho nên ông đã viếng thăm Tây Tạng," Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu. Tôi có thể cảm nhận sự tập trung cao độ của ngài vào tôi. Giống như ngài đang cố gắng để truyền một năng lượng thiền nhất tâm đến tôi. "Ông thật sự đã tiến hành một việc nào đó ở đấy. Đã viết một quyển sách lớn về những nơi hành hương của Tây Tạng. Ông nghĩ gì về người Tây Tạng?"
"Vâng, như ngài biết," tôi trả lời, "lần đầu tiên tôi tiếp xúc với người Tây Tạng và văn hóa Tây Tạng khi tôi đến Dharamsala hơn ba mươi năm trước. Đối với một người Tàu từ Hồng Công, quen thuộc với một môi trường nhanh nhẹn, đó là một cú sốc văn hóa. Tôi đã ngạc nhiên bởi tính thân thiện của con người. Người Tây Tạng cười một cách dễ dàng. Và tôi cảm nhận rằng họ đã quan tâm đến những người mà họ tiếp xúc. Ngay cả những người hoàn toàn xa lạ.
"Khi tôi du lịch ở Tây Tạng, người Tây Tạng mà tôi đã gặp ở đấy có cùng phẩm chất. Một điều rõ ràng: họ không bao giờ thành kiến với tôi - mặc dù họ biết tôi là người Tàu. Tôi đã không phải giả vờ rằng tôi là người Nhật.
"Tôi biết có nhiều giả thuyết lãng mạn, lý tưởng ngoài kia về người Tây Tạng. Thực tế không như vậy. Người Tây Tạng giống như hầu hết những người khác, có thể bất chánh, vật chất. Nhưng đã quán sát họ trong một thời gian dài, tôi có thể danh dự mà nói: về tổng thể, những phẩm chất tốt đẹp của người Tây Tạng trội hơn nhiều so với thứ xấu."
"Tôi nghĩ đó là ấn tượng tổng quát,'' Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. "Bằng khác đi, thời gian trôi qua, thái độ thân thiện đối với khách du lịch có thể thay đổi. Nhưng bây giờ, sau bốn mươi bốn năm, mặc dù biết một số hạn chế nào đó, một số lỗi lầm nào đó, thái độ thân thiện phổ quát đối với người Tây Tạng đang gia tăng."
"Tôi gật đầu. Từ những gì tôi đã từng thấy, điều này chắc chắn đúng ở Dharamsal. Ngày càng nhiều khách du lịch đến. Quá nhiều cho nên chính phủ Ấn Độ đã quyết định thực hiện một nổ lực đặc biệt để nâng cấp những hạ tầng cơ sở ảm đạm của vùng đồi núi."
"Đến ngồi gần hơn," Đức Đạt Lai Lạt Ma bảo tôi. Tôi kéo ghế tôi trước mặt ngài. "Bây giờ, cuối cùng chúng ta đã nuôi dưỡng một mối quan hệ thân hữu nào đó. Không chỉ thế. Qua quyển sách sắp tới, ông cố gắng để kể với mọi người về Tây Tạng, về Đức Đạt Lai Lạt Ma. Không tuyên truyền, tôi không nghĩ thế. Ông nghĩ gì về quyển sách, về tác phẩm hợp tác của chúng ta?"
Tôi nghĩ thật thích thú là Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dùng chữ "tuyên truyền". Đó là điều gì đó mà ngài đã cảm nhận một cách sâu sắc. Cả đời, ngài đã thấy ảnh hưởng gậm nhấm đối với sự tuyên truyền của Trung Cộng. Đó là điều mà ngài muốn tránh bằng mọi giá.
"Tôi không nghĩ quyển sách là một sự tuyên truyền," tôi trả lời, "tôi cố gắng để viết về những thứ mà chính mắt tôi thấy. Tôi cố gắng để ghi lại mọi thứ một cách trung thực tối đa như có thể. Nhưng tôi phải chỉ ra một điều, tôi không phải là một phóng viên vô tư, tham vọng khảo sát. Trải qua năm tháng, tôi đã phát triển một sự liên hệ chặc chẽ với nhiều người Tây Tạng. Tôi là một người ngưỡng mộ ngài và Tây Tạng. Nhưng tôi cố để khách quan; tôi cố gắng để không quá mơ mộng."
Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu. Ngài lấy mắt kính ra và xoa quanh mắt bằng lưng nắm tay của ngài. Có lẻ ngài đã mệt mõi vì phải lắng nghe những lời dông dài của tôi. Lần đầu tiên tôi chú ý đến chiếc tủ gỗ đối diện với ngài bên kia phòng, đầy sách vở và báo chí lung tung. Đứng vô hại với chúng là một máy phát thanh to lớn màu đen - một khí cụ chuyên môn của thế kỷ trước. Một tấm hình nhỏ người mẹ quá cố của Đức Đạt Lai Lạt Ma khiêm tốn trong một góc. Bà rất được Đức Đạt Lai Lạt Ma thương mến.
Sau đó Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục với dòng tư tưởng của ngài. "Vậy là tất cả mọi thứ này diễn ra từ khi ông phát triển một sự tiếp xúc nào đó với tôi. Thế nên bây giờ, điều gì thay đổi, chính ông đấy?"
Đây là một chủ đề mà tôi đã không nghĩ nhiều đến, và tôi không biết phải nói thế nào.
"À … chỉ một việc," tôi cuối cùng nói, "tôi cho rằng ngài là thần tượng của tôi. Năng lực tha thứ của ngài. Sự ân cần của ngài đối với con người, ngay cả với những người ngài mới gặp, tiêu chuẩn đạo đức cao thượng của ngài, lòng vị tha của ngài. Đây là những thứ mà tôi thấy bằng chính mắt tôi. Chúng là những tấm gương đầy năng lực cho tôi. Nhưng tôi nghĩ điều đầy đủ ý nghĩa nhất đối với tôi là thế này: sau khi một vài ý tưởng này cuối cùng thấm nhuần, tôi có thể chia sẻ với hai đứa con nhỏ của tôi. Hy vọng, tôi có thể làm một nửa vai trò gương mẫu khá tốt cho chúng."
Đức Đạt Lai Lạt Ma đang ngồi một cách lạ kỳ trên cạnh của chiếc ghế bành. Dường như đối với tôi, vừa mới dành trên bốn giờ đồng hồ ngồi trên sàn sáng nay, ngài đã có khó khăn với những bàn ghế chế tạo cho những người bình thường. Ngài thay đổi vị trí, cố gắng để dựa hoàn toàn vào nệm. Đó là một sự căng mình quá mức. Thay vì thế ngài dựng phần nhỏ của lưng vào tay dựa của ghế. Ngài trông thậm chí khó chịu hơn lúc trước.
"Tôi không nói rằng tôi đã trở thành một người tốt hơn từ khi tôi bắt đầu làm việc với ngài," tôi tiếp tục. "Như tôi đã nói, những thứ này cần thời gian. Nhưng tôi nghĩ tôi đã trở nên tỉnh giác hơn, nhạy cảm hơn. Thì dụ tôi có cảm nhận những phần thưởng của lòng vị tha. Nếu tôi dễ thương với mọi người, tự tôi sẽ lợi lạc. Tôi đã trải nghiệm sự hài lòng đến từ việc quan tâm cho người khác. Tôi không nghi ngờ sự tha thứ vốn ở trong xương tủy ngài. Và tôi đã thấy rằng nó cho ngài sự hòa bình của tâm hồn. Tôi cũng đã học hỏi thêm được điều gì đó từ sự liên hệ hổ tương. Như ngài từng nói, 'Một điều xảy ra ở một nơi nào đó, sẽ tác động đến nơi của bạn.' Thế nên, đây là một trong vài thứ mà tôi bộc bạch. Một vài thứ nào đó có thể thật sự biến chuyển ra, nếu chỉ tạm thời. Bây giờ, nếu tôi phải làm việc cho một quyển sách nữa với ngài, dầu sao đi nữa đó có thể thật sự là hy vọng của tôi."
Đức Đạt Lai Lạt Ma tỏ vẻ vui mừng với điều này.
Tôi quyết định hỏi ngài một câu hỏi về chính tôi, một câu hỏi ở trong đầu tôi ở một lúc nào đó. "Ngài là một tu sĩ suốt đời ngài. Không phải nói về những thứ khó khăn như niết bàn hay Giác Ngộ. Nhưng ngài muốn thành tựu điều gì?"
Không ngập ngừng. Câu trả lời của ngài ngay lập tức, giống như ngài đang chờ nó. Đây là những gì Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói: "Để hạnh phúc. Sự thực tập giúp tôi hướng đến một đời sống hữu ích. Nếu tôi có thể ban một giây phút hạnh phúc ngắn ngủi nào đó cho người khác, thì tôi cảm thấy rằng cuộc sống của tôi đã thành đạt một mục tiêu nào đó. Điều này cho tôi một sự toại nguyện tinh thần sâu xa - cảm giác này luôn luôn đến nếu ông phụng sự cho người khác. Thế nên, khi tôi giúp đở người khác, tôi cảm thấy hạnh phúc. Đối với tôi, điều quan trọng nhất là lòng từ bi nhân bản, một cảm giác quan tâm cho nhau."
Thời gian giải lao trôi qua, ngài đứng dậy và về lại thiền phòng của ngài. Ngài ngồi xuống phía sau bàn và trở lại cầu nguyện. Tôi ngồi một mình, trên một cái ghế xếp đỏ đậm gần cửa ra vào, cách ngài một vài mét. Đức Đạt Lai Lạt Ma đang nhìn nghiêng nghiêng. Bên kia của ngài, qua một bức tường thủy tinh, là những ngọn núi hình lưỡi dao của rặng Dhauladhar, bây giờ rực rở trong ánh nắng. Phía bên trái tôi là những sưu tập thiêng liêng và lộng lẫy của nghệ thuật Tây Tạng quy tụ tại một nơi, tất cả được sắp xếp một cách tỉ mỉ trong những bệ thờ lộng kính rộng. Những hình tượng tuyệt đẹp - hàng trăm bức tượng lớn nhỏ, những bức họa treo tường hàng thế kỷ của Tây Tạng được vẽ trong những màu sắc sôi động của đá, tất cả đều có nguồn gốc huyền thoại - đánh động vào các giác quan. Tôi ý thức về năng lượng sinh động của Đức Đạt Lai Lạt Ma, tinh hoa thánh thiện của ngài thấm nhuần tất cả những đối tượng và không gian trong phòng, đó là kết quả của hàng nghìn giờ mà ngài đã dành cho việc hành thiền và cầu nguyện trong phòng này.
*
Hai bác sĩ Tây Tạng đến nơi cư trú của Đức Đạt Lai Lạt Ma hàng tuần để kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ Namgyal xuất hiện đầu tiên tại thiền phòng. Ông lạy Đức Đạt Lai Lạt Ma ba lần tại ngưỡng cửa. Bác sĩ Tseten tiếp theo. Nếu họ ngạc nhiên khi thấy tôi, họ sẽ chỉ giữ âm thầm cho chính họ. Sự chú ý của họ chính yếu đến Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Bác sĩ Tseten ra hiệu cho đồng nghiệp của ông bắt đầu. Bác sĩ Namgyal, mảnh khảnh trong độ tuổi ba mươi, mặc áo dài đen với cổ cao quan lại. Một chuyên gia của y học Tây Tạng, ông quỳ trên tấm thảm dày trước Đức Đạt Lai Lạt Ma. Vị lãnh tụ Tây Tạng khom về phía trước, chống cùi chỏ trái trên đùi ngài, cánh tay đưa cao. Vị y sĩ đặt cả hai tay nhẹ nhàng chung quanh cổ tay trái của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Những ngón tay của Đức Đạt Lai Lạt Ma lần mò và múa may, giống như ông đang thổi sáo; ông thăm dò những thay đổi cực vi tế trong tình trạng sinh hoạt hiện tại của bệnh nhân ông. Đầu của hai người gần đụng nhau. Một người đang mặc y phục màu nâu đậm và đất son phong phú, và người kia thì đồ đen đậm. Hai dường như giống hai con chim lớn săn mồi, khác biệt chủng loại và bộ lông chim vô cùng khác biệt, chen chúc với nhau để một người có thể điều chỉnh nhịp tim của người kia.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói điều gì đó với vị bác sĩ Tây Tạng, giọng nói của ông sâu, bùng nổ, không ngăn ngại. Bác sĩ Namgyal đáp lại trong giọng dịu dàng thì thầm. Sau một hai phút, ông buông cổ tay Đức Đạt Lai Lạt Ma ra. Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa tay khác ra. Lần này, vị y sĩ sử dụng những ngón tay của bàn tay kia để thẩm tra mạch.
Khi Bác sĩ Namgyal làm xong. Bác sĩ tốt nghiệp ở phương Tây Tseten tiếp cận Đức Đạt Lai Lạt Ma và đặt chiếc gối trên vạt áo ngài. Vị lãnh tụ Tây Tạng để bàn tay ngang qua chiếc gối khi bác sĩ Tseten đặt ống nghe và kiểm tra huyết áp của thân chủ ông. Đức Đạt Lai Lạt Ma tán gẫu với ông luôn: báo cáo, hỏi han. Rõ ràng ngài đang đóng vai trò thông báo năng động trong việc giám sát và bảo vệ sức khỏe của ngài.
Sau mười phút, các bác sĩ rút lui một cách im lặng như lúc họ vào.
Đức Đạt Lai Lạt Ma trở lại tọa cụ của ngài. Ngài quay sang tôi và nói: "Bây giờ, hỏi thêm nữa."
Vậy là ngài muốn tiếp tục việc phỏng vấn của ngài. Tôi có cảm giác rằng ngài đang thích thú với công việc mới của ngài. Ngài phải hỏi những câu hỏi cho một sự thay đổi. Đối với phần của tôi, tôi thưởng thức vai trò đảo ngược lại này. Đó là một kinh nghiệm mới. Nó cho tôi một cơ hội để tương tác với đồng tác giả của tôi một cách khác biệt. Và nó buộc tôi phải nghĩ về những thứ mà tôi không chú ý nhiều trước đây.
"Ông sinh ra trong một gia đình người Tàu và là một người Tàu, nhưng tôi nghĩ là lớn lên trong xã hội phương Tây nhiều hơn," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói.
"Vâng, tôi nghĩ là như thế," tôi trả lời. "Trong hai mươi năm đầu của đời tôi, tôi đã sống ở Hồng Công khi nó vẫn rất là Tàu. Mẹ tôi không nói tiếng Anh. Tâm tư, thói quen của bà rõ ràng rất Tàu. Nhưng lúc đó Hồng Công là một thuộc địa của Anh Quốc, và tôi đã đi học ở một trường của người Anh. Cho nên tôi cho rằng tôi là phân nửa và phân nửa: nền giáo dục Trung Hoa nhưng cũng ảnh hưởng bởi cung cách phương Tây."
"Umm…umm." Đức Đạt Lai Lạt Ma nghiền ngẫm việc ấy. "Bây giờ, ông đã có thêm sự tiếp xúc với người Tây Tạng … Tây Tạng thuộc về Á châu. Phật Giáo là điều gì đó thông thường với Trung Hoa và Tây Tạng. Thế nên ông tiếp nhận thêm văn hóa Á châu."
Tôi hơi bị lạc lõng. Tôi không biết chắc ngài đang hướng đến điều gì.
Tôi xen tiếp theo. "Tôi rời Hồng Công khi tôi hai mươi tuổi. Từ lúc ấy tôi đã sống hầu hết ở phương Tây. Nhưng tôi đã sống ở Nepal trong bốn năm và đã thăm viếng Tây Tạng nhiều lần. Những năm ấy ở Hy Mã Lạp Sơn đã có một tác động mạnh mẽ với tôi. Qua sự liên hệ của tôi với Tây Tạng và người Phật Giáo Tây Tạng, chắc chắn tôi biết rõ văn hóa Á châu hơn."
"Một trường hợp," Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp, "Hội nghị Tâm Thức và Đời Sống. Một người Nhật, bà là một quan sát viên. Vào cuối hội nghị, bà nói với tôi: cho đến bây giờ, tôi luôn luôn có cảm giác rằng, chúng ta là người Á châu, dĩ nhiên, chúng ta có truyền thống phong phú, nhưng chúng ta không có khả năng để nghiên cứu.
"Chúng ta luôn luôn có cảm giác rằng chúng ta chỉ là những đối tượng khảo sát của người phương Tây. Tâm tư khoa học của họ luôn luôn quán chiếu chúng ta. Chúng ta không có khả năng để làm như vậy.
"Sau Hội nghị Tâm Thức và Đời Sống, bà ta có cảm giác: Những người Á châu chúng ta, cũng có khả năng để khảo sát thực tại một cách đồng đẳng hơn.
"Vậy ông có bao giờ có cảm giác như vậy không? Truyền thống của chúng ta phong phú, nhưng là điều gì đó cổ xưa. Không quá hữu dụng trong thời đại ngày nay, không theo kịp thời gian. Nhưng phương Tây quả là điều gì đó rất, rất là cao siêu?"
Hầu hết chúng ta lớn lên không thay đổi ở những nước thuộc thế giới thứ ba có sự thảo luận này ở một điểm nào đó trong đời sống chúng ta. Phương Tây quá tiến bộ, công dân của họ rất giàu và thông minh. Chúng ta đến từ phương Đông đau khổ với sự so sánh này.
"Tôi lớn lên ở Hồng Công vào những năm năm mươi và sáu mươi," tôi trả lời. "Trung Hoa được biết như Đông Á Bệnh Phu (Sick man of Asia) và Hồng Công là sa mạc văn hóa. Sống dưới sự cai trị của Anh Quốc tôi tiêm nhiễm cảm giác một nền văn hóa Trung Hoa thấp kém - tối thiểu về văn hóa Trung Hoa mà tôi biết ở Hồng Công. Chúng tôi lạc hậu về kỷ thuật, và khoảng cách đang mở rộng một cách nhanh chóng. Điều này được củng cố khi tôi là sinh viên làm nghiên cứu vật lý ở Học viện Enrico Fermi Institute ở Chicago. Tôi đã nghiên cứu về thuyết lượng tử và nguyên tử học, và tôi đã kinh ngạc.''
"Vậy thì vì kiến thức mới của ông về Tây Tạng," Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục với dòng câu hỏi của ngài, thẳng người lên phía trước từ vị trí ngồi xếp bằng của ngài, "ông thấu hiểu hơn về văn hóa Tây Tạng và Phật Giáo Tây Tạng. Những thứ này hàm ý truyền thống thông minh Á châu. Thế thì bây giờ, ông có cảm thấy một cách mạnh mẽ hơn: tôi là người Á châu? Cảm giác tự hào dân tộc gì đó không? Chúng ta là người Á châu, chúng tôi là người Tàu, chúng tôi là người Tây Tạng. Một loại tự tin hơn?"
Đức Đạt Lai Lạt Ma chưa từng cho quy y Phật Giáo. Ngài đã duy trì chủ trương hàng thập niên rằng tất cả chúng ta tốt hơn nên giữ gìn truyền thống bản địa với môi trường văn hóa của chính chúng ta. Nhưng bây giờ, lần đầu tiên từ khi tôi biết ngài, Đức Đạt Lai Lạt Ma dường như đang động viên để tôi có những lời khen ngợi. Ngài giống như một người cha tự hào đang khoe đứa con đầu tiên. Trong một khoảnh khắc hiếm hoi không thiên vị, ngài cho phép sự ngưỡng mộ sâu xa về Phật Giáo của ngài chiếu xuyên qua. Tôi có thể thấu hiểu điều này. Xét cho cùng, đến bây giờ ngài đã tu tập sáu thập niên rồi. Ngài giống như một vận động viên Thế Vận Hội, nguyên tắc không thể tưởng và rèn luyện kinh khiếp, cuối cùng có thể có một vị hợp pháp trên bục. Và như tôi ngưỡng mộ việc đoạt huy chương Thế Vận Hội, tôi không ghen tỵ ngài trong việc biểu lộ một chút tự hào.
"Khi tôi gặp ngài vào năm 1972," tôi nói với ngài, "tôi bắt đầu phát triển một sự tò mò nào đó về Phật Giáo. Tôi mò mẫm tài tử trong Thiền tông, Lão giáo, và Tuệ Minh Sát. Trong những năm vừa qua, cảm ơn ngài, tôi đã đi đến biết điều gì đó về Phật Giáo Tây Tạng. Đây là những gì tôi nghĩ: hệ thống tư tưởng hai nghìn năm trăm năm này thích hợp không thể tưởng cho loài người và thời đại hiện nay - một kho tàng trân bảo chân thành. Nó cống hiến một kế hoạch chi tiết hoàn toàn khả thi đến sự cát tường của cảm xúc. Và như những nhà khoa học bây giờ kết luận, là nó cũng tốt cho sức khỏe của chúng ta. Vì vậy, vâng, tôi tự hào rằng tôi đã biết điều gì đó về Phật Giáo Tây Tạng - một truyền thống tuệ giác phát sinh từ Á châu. Như Jean-Jacques Annaud, một đạo diễn phim, một lần đã nói: 'Phật Giáo ở khắp nơi.' Và Amazon.com nói với tôi bây giờ có hai mươi nghìn quyển sách về Phật Giáo."
***
Vào lúc 11:30, Paljor-La, vị thị giả, đến với một khay lớn đầy thực phẩm. Ông để trên chiếc bàn cà phê thấp phía trước Đức Đạt Lai Lạt Ma, vốn đã ngồi trên góc của chiếc ghế bành. Có đến mười chén và dĩa xếp không theo trật tự. Giống như nhiều tu sĩ Phật Giáo, bửa ăn chính của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong ngày là vào buổi trưa.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đang đói. Ngài đã dậy từ lúc 3:30, và bửa điểm tâm đã hơn sáu tiếng rưởi rồi. Ngài nghiêng mình về phía trước một cách không nhẫn nại và nhanh chóng dở nấp dĩa ra. Đó là một bửa ăn thịnh soạn, và mùi hương thuật tuyệt: bánh mì tròn Tây Tạng, súp, và một vài dĩa rau cải xào trong thật bắt mắt, một dĩa củ cải trắng sống, và một dĩa lớn trông như gỏi cuốn của Việt Nam. Đức Đạt Lai Lạt Ma nồng nhiệt quán sát qua các món thức ăn trước mặt ngài. Ngài lấy một miếng bánh mì Tây Tạng và cắn một miếng. Khi ngài thưởng thức hương vị của nó, ngài nhìn lên và nhận ra tôi đang đứng ở một khoảng cách tôn kính, đang nhìn ngài như bị thôi miên. Ngài hướng sự chú ý của ngài đến những dĩa trước mặt ngài, rồi thì, sau một khoảnh khắc do dự, ngài lấy dĩa củ cải.
"Tặng phẩm của tôi. Lấy một miếng," ngài nói, khi ngài đẩy mạnh dĩa ấy đến trước mặt tôi. Tôi vâng lời lấy một miếng.
"Bây giờ, sáu tháng qua, hầu hết là rau cải," ngài nói với tôi giữa lúc đang húp súp. "Gần như không có thịt nữa ngoại trừ một ít thịt tuyết ngưu (yak) khô từ Tây Tạng. Tôi đã thử dùng rau cải trước đây, năm 1965, trong hai mươi tháng, ăn chay." Ngài đặt chén súp xuống, và lấy một cuốn gỏi cuốn. "Bây giờ, không quá gắt gao nữa. Trong những khách sạn lớn. Tôi dùng thịt."
"Nếm," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, đưa cho tôi một cuốn. Việc cuốn gỏi cuốn với đầy nhưng bên trong thật toàn hảo: thịt tuyết ngưu trắng khô, với hương vị đậm đà đặc thù của nó, trộn lẫn với bún và rau cải sắc nhuyễn. Mùi vị thật là tinh tế. Đức Đạt Lai Lạt Ma rõ ràng có một đầu bếp tuyệt vời.
"Ngon chứ?"
"Ngon tuyệt."
Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu. "Nghĩ ngơi đi và trở lại lúc năm giờ. Cảm ơn, tạm biệt."
***
Khi tôi trở lại khu cư trú của Đức Đạt Lai Lạt Ma vào lúc năm giờ chiều, ngài đã ngồi trên thiền tòa sau bàn giấy của ngài. Một khăn tắm vàng nhạt đang quấn quanh thân trên của ngài, và chiếc sà rông màu rỉ sét bao quanh mông và chân ngài. Chiếc TV, đời mới Sony Wega, thường được che kín trong một hộc tủ ở một phía bệ thờ, bây giờ đang được mở lên, âm thanh thấp. Đức Đạt Lai Lạt Ma, tay phải cầm máy điều khiển, và đang xem băng tầng Khám Phá (Discovery) một cách chăm chú. Một tàu Trung Hoa ba cột buồm hùng vĩ, đang lướt trên Biển Đông Nam Á, đang trở buồm theo chiều gió một cách khéo léo giữa những hòn đảo màu lục bảo. Sau một hay hai phút, ngài đổi đài BBC thế giới trình bày tin tức khí tượng mới nhất.
Mắt ngài vẫn bám vào TV, Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi tôi, "Ông có biết nhiều người ở Hồng Công trên một trăm tuổi không? Mới đây tôi đã gặp những người tuổi trên chín mươi ở Tawang. Tôi gặp một cụ ông ở một nơi. Tôi hỏi bao nhiêu tuổi và cụ nói một trăm, nhưng trông như khoảng sáu mươi."
"Ông nội tôi hơn chín mươi tuổi," tôi trả lời tránh né. Tôi không biết thống kê của Hồng Công về tuổi tác. "Thậm chí ông được xác nhận là một người nghiện thuốc phiện." Đức Đạt Lai Lạt Ma dường như hơi sửng sốt vì tin tức này, không chắc là tin hay không tin tôi.
"Và Sikkim cũng thế, tôi chú ý," ngài tiếp tục. "Tôi đã gặp vài người trên chín mươi và một người trên một trăm. Một vị ni, vài năm trước khi tôi ở đấy, đã nói với tôi rằng bà một trăm tuổi. Bà trông như bảy mươi, thế đấy."
"Sự hòa bình của tâm hồn," tôi nói, liên hệ đến niềm tin của Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng tâm tư hòa bình có thể đưa đến một đời sống trường thọ và mạnh khỏe.
"Tôi nghĩ rằng cuộc sống của họ đơn giản hơn," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. "Sự hòa bình của tâm hồn, không nghi ngờ gì ở đấy. Sự hòa bình của tâm hồn trong hai cách. Một: sống thật giản dị. Do bởi thế, tâm tư ít bị quấy nhiễu. Và thứ kia: tâm tư rất phức tạp, tâm tư biết nhiều thứ. Nhưng bên trong ấy, tâm tư tĩnh lặng." Ngài chỉ ngón tay vào mũi ngài và nói, "Như tôi." Ngài nghiêng đầu ra sau và cười vang động một hồi lâu.
"Nhưng ngài đạt được tâm thức tĩnh lặng này như thế nào?' tôi hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma.
"Phân tích," ngài nói một cách giản dị.
"Phân tích?"
"Thí dụ, hãy xem vụ bao tử đau kinh khủng ở Patna. Tôi phân tích hoàn cảnh. Nếu có một khả năng nào đó để giải trừ cơn đau, thế thì không cần phải lo lắng - bởi vì có giải phap. Bây giờ, nếu không có giải pháp, vậy thì không cần phải lo lắng - bởi vì bạn không thể làm bất cứ điều gì. Một điều khác nữa. Thật rất hữu ích để so sánh cơn đau với nổi đau nào đó kinh khủng hơn nhiều. Ngay lập tức ông cảm thấy , 'Ô, cơn đau này thật sự không quá tệ hại so sánh với thứ ấy.' Vậy là ông cảm thấy khá hơn ngay lập tức."
Đức Đạt Lai Lạt Ma vói đến cái khay ra/vào màu đỏ để hồ sơ nhiều tầng trên đầu chiếc tủ gỗ và lục lọi một số giấy tờ.
"Tôi nhận một lá thư từ Đài Loan," ngài nói với tôi. Ngài mở ra hai tờ giấy, tìm kiếm đoạn thư ngài thích thú. Ngài bắt đầu đọc lớn: "'Tôi là một người đàn ông tính khí tệ hại. Người ta thường khó chịu về tôi. Như một người bán trà, sự tham lam làm tôi mất lợi, và tôi chịu đựng đau khổ tinh thần dài lâu. Bây giờ, qua việc nghiên cứu Phật Giáo, tôi nhận ra sai lầm của tham dục. Tính khí tệ hại của tôi được kiểm soát dần dần. Tôi sẽ không chỉ trích người khác một cách dễ dàng.' " Đức Đạt Lai Lạt Ma đặt lá thư xuống vạt áo ngài, nhìn về phía tôi, và cười rạng rở với sự hài lòng rõ ràng.
"Rồi thì tôi nghĩ một điều khác mà ông ta đã đề cập." Ngài dò trong thư và đọc lớn một lần nữa, " 'Và tôi đang buôn bán một ngày nọ. Bổng nhiên, tôi đang xem xét đến các nhu cầu của những đối thủ của tôi hơn là nhu cầu của tôi. Đây là một kinh nghiệm mới.' " Đức Đạt Lai Lạt Ma lại nhìn vào thư, la lớn lên. " 'Tôi chưa bao giờ có điều này trong đời sống của tôi. Bây giờ gia đình của tôi và bạn bè tôi cảm thấy thoải mái với tôi và thương vụ của tôi được cải thiện.' " Ngài cào cào trên đầu ngài và cười thêm nữa.
Paljor-la vào lúc 5:30 chiều với một cái khay có hai chiếc bình thủy và một cái dĩa đậy khăn. Ông để cái ca trên bàn của Đức Đạt Lai Lạt Ma và chế trà nóng vào đó. Đức Đạt Lai Lạt Ma lấy chiếc bình thủy khác và đổ đầy sửa nóng vào ca. Khi Paljor-la quay mình định đi ra, Đức Đạt Lai Lạt Ma dở tấm khăn đậy dĩa lên để hé nhìn xem có gì trong dĩa. Ngài nói điều gì đó với vị thị giả, vị ấy đi vòng qua góc phòng và trở lại với một chiếc hộp nhựa lớn chứa bánh ngọt xếp theo từng loại hình. Đức Đạt Lai Lạt Ma tìm kiếm trong ấy một cách cẩn thận. Ngài không vội vả với việc ấy. Ngài cuối cùng chọn một chiếc bánh tròn và đưa nó cho tôi.
"Ô, bây giờ chấm dứt. Cảm ơn, tạm biệt," ngài nói. Từ tọa cụ của ngài, ngài mở rộng hai tay về phía tôi. Tôi cúi xuống, cầm đôi tay ngài, và chạm đầu tôi vào tay ngài.
"Cảm ơn ngài, thưa Đức Thánh Thiện," tôi nói.
Một câu hỏi nẩy lên lúc tôi bước ra khỏi khu cư trú của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Có cái gì đó trong dĩa, cực kỳ thú vị hay là ngon miệng? Đức Đạt Lai Lạt Ma giống như tất cả những tu sĩ Tây Tạng khác, đáng lẻ không ăn bất cứ gì sau buổi ăn ngọ. Tôi không thể kềm chế mà mĩm cười khi cắn miếng bánh ngọt - một tặng vật trực tiếp từ Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Ẩn Tâm Lộ, Monday, January 04, 2016