Quảng Đức

Taliban đổi hướng: sẽ bảo tồn di sản Afghanistan

Taliban đổi hướng: sẽ bảo tồn di sản Afghanistan

Nguyên Giác dịch

Lời Giới Thiệu của dịch giả: Bài này kết hợp từ ba nguồn. Bản tin đầu tiên trong bài này sẽ dịch theo bản tin AFP nhan đề "Taliban change tune on preserving heritage sites" (Taliban thay đổi thái độ về việc bảo tồn các di sản) trên Báo Taipei Times, ấn bản Thứ Tư, ngày 23 tháng 4/2025. Bài thứ nhì sẽ lược dịch theo Wikipedia mục từ tiếng Anh “Buddhism in Afghanistan” (Phật giáo tại Afghanistan) để thấy bối cảnh quá khứ văn hóa Phật giáo nơi đây, trước khi vùng đất này bị bạo lực chuyển sang theo Hồi giáo. Bài thứ ba là trích đoạn từ Wikipedia, mục từ tiếng Việt “Các tượng Phật tại Bamyan”. Các nguồn sẽ ghi cuối bài.)

.... o ....

Taliban thay đổi thái độ về việc bảo tồn các di sản

Taipei Times, Thứ Tư, ngày 23 tháng 4/2025

Hồi tháng 3 năm 2001, Taliban đã gây chấn động thế giới khi cho nổ tung các bức tượng Phật khổng lồ ở Bamiyan. Hai thập niên sau, họ đã trở lại nắm quyền và tuyên bố đang có những bước tiến trong việc bảo tồn di sản hàng ngàn năm tuổi của Afghanistan, bao gồm cả các di tích thời kỳ tiền Hồi giáo.

Ngay cả nhiều tháng trước khi họ tiếp quản toàn quốc Afghanistan hồi năm 2021, Taliban đã kêu gọi bảo vệ các di tích cổ trong nước, làm dấy lên sự hoài nghi trong giới quan sát.

"Tất cả mọi người đều có nghĩa vụ bảo vệ, giám sát và bảo tồn chặt chẽ các hiện vật này" và các khu di tích ở Afghanistan, theo một lệnh do chính quyền Taliban đưa ra vào tháng 2 năm đó.

Họ cho biết, chúng là "một phần của lịch sử, bản sắc và nền văn hóa phong phú của đất nước chúng ta".

Kể từ khi họ trở lại nắm quyền và nhiều thập niên chiến tranh đã kết thúc, các phát hiện khảo cổ học - đặc biệt liên quan đến Phật giáo - đã gia tăng, với những khám phá được chính quyền [Taliban] công bố.

Ở phía đông Tỉnh Laghman, các hốc đá được chạm khắc trong Làng Gowarjan được cho là kho chứa đồ có niên đại từ thời đế chế Kushan, trải dài từ Sa mạc Gobi đến Sông Hằng cách đây 2.000 năm.

Cũng tại Laghman, người ta đã tìm thấy những dòng chữ Brahmi được khắc, cùng với một phiến đá rỗng dùng để giã nho làm rượu.

“Người ta nói rằng lịch sử Afghanistan đã có từ 5.000 năm trước — những di tích cổ đại này chứng minh điều đó; người ta đã từng sống ở đây,” Mohammed Yaqoub Ayoubi, giám đốc sở văn hóa và du lịch của tỉnh cho biết.

“Cho dù họ có theo đạo Hồi hay không, họ vẫn có một vương quốc ở đây,” ông nói, đồng thời nói thêm rằng chính quyền Taliban “rất chú ý” đến việc bảo tồn những di tích này.

Tại Tỉnh Ghazni gần đó, người đứng đầu về thông tin và văn hóa Hamidullah Nisar cũng đồng tình với quan điểm này.

Những bức tượng Phật giáo mới được phát hiện gần đây phải được "bảo vệ và truyền lại cho các thế hệ tương lai, vì đó là một phần lịch sử của chúng ta", ông nói.

Những di vật này có thể đã gặp phải một số phận khác trong thời kỳ Taliban cai trị lần đầu tiên từ năm 1996 đến năm 2001.

Vài ngày sau khi Mullah Omar (người sáng lập Taliban) ra lệnh phá hủy tất cả các bức tượng Phật giáo để ngăn chặn việc thờ thần tượng, những bức tượng Phật khổng lồ 1.500 năm tuổi ở trung tâm tỉnh Bamiyan đã bị phá hủy — Taliban không hề nao núng trước tiếng kêu gọi [bảo vệ tượng Phật] của quốc tế.

“Khi họ trở về nắm quyền, mọi người nghĩ rằng họ sẽ không coi trọng các di tích lịch sử,” theo lời Mohammed Nadir Makhawar, giám đốc bảo tồn di sản tại Laghman, một vị trí mà ông nắm giữ dưới thời nước cộng hòa bị lật đổ, cho biết. “Nhưng chúng tôi thấy rằng họ coi trọng chúng.”

Vào tháng 12 năm 2021, Taliban đã mở lại Bảo tàng Quốc gia Afghanistan, nơi họ từng phá hủy các hiện vật tiền Hồi giáo.

Năm sau, họ đã liên hệ với Aga Khan Trust for Culture (AKTC) để giúp bảo tồn di tích Phật giáo lịch sử Mes Aynak, nơi cũng có một mỏ đồng theo hợp đồng phát triển với một tập đoàn Trung Quốc.

"Yêu cầu này thật bất ngờ", Ajmal Maiwandi, người đứng đầu AKTC tại Afghanistan, cho biết, ông thậm chí còn ghi nhận "sự nhiệt tình" từ chính quyền trong việc hỗ trợ công tác bảo tồn.

“Tôi nghĩ Taliban đã hiểu được việc phá hủy các bức tượng Phật Bamiyan đã làm tổn hại đến danh tiếng của họ như thế nào”, Valery Freland, giám đốc của tổ chức Liên minh Quốc tế Bảo vệ Di sản (Alliance for the Protection of Heritage) cho biết.

“Họ dường như ngày nay quan tâm đến việc bảo tồn di sản vật chất trong mọi sự đa dạng của nó”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã nhấn mạnh rằng chính quyền Taliban không mở rộng mối quan tâm tương tự đối với di sản phi vật thể: âm nhạc, khiêu vũ, văn hóa dân gian và bất kỳ điều gì liên quan đến phụ nữ vẫn là một ranh giới đỏ trong cách giải thích nghiêm khắc của họ về đạo Hồi.

Và trong khi một giáo đường Do Thái lịch sử ở thành phố Herat được bảo tồn sau khi Taliban tiếp quản, chính quyền địa phương gần đây đã phản đối sự chú ý của giới truyền thông về địa điểm này và về cộng đồng Do Thái trước đây của thành phố.

Afghanistan đã ký một số công ước về di sản kể từ khi Taliban lên nắm quyền lần đầu tiên, với việc phá hủy nó được coi là tội ác chiến tranh vào năm 2016.

Ngoài nguy cơ làm phật lòng cộng đồng quốc tế — những người mà Taliban đang tìm kiếm sự công nhận — di sản của Afghanistan đại diện cho "một đòn bẩy tiềm năng cho du lịch và phát triển kinh tế của đất nước", một chuyên gia trong ngành giấu tên cho biết.

Tuy nhiên, chính quyền phải đối mặt với hai thách thức lớn, nguồn tin cho biết, chỉ ra tình trạng thiếu nguồn lực tài chính và sự ra đi — sau khi họ tiếp quản — của "giới tinh hoa khảo cổ và di sản".

An ninh cũng có thể cản trở tham vọng du lịch; một nhóm người đến thăm Bamiyan đã bị tấn công khủng bố chết người vào năm ngoái.

Trong bảo tàng Laghman nhỏ bé, một túi nhựa và tờ báo đóng vai trò bảo vệ các bức tượng nhỏ, một trong số đó khắc họa khuôn mặt của một vị thiên nữ Phật giáo.

Người ta đã phát hiện ra nó vào năm ngoái trong sân của một trang trại, giữa những con bò và dê đang xay xát ngũ cốc.

Ayoubi cho biết ông cần sự giúp đỡ để bảo quản và nghiên cứu chúng một cách thích hợp nhằm xác định độ tuổi chính xác của chúng, một quá trình bị cản trở bởi bốn thập niên chiến tranh ở Afghanistan.

Cướp, trộm di sản cũng đã chứng minh là một thách thức đang diễn ra, với hơn 30 địa điểm vẫn đang bị "cướp bóc tích cực", theo một nghiên cứu năm 2023 của các nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago cho biết.

Ngay cả khi các dự án bảo tồn không bị gián đoạn, Maiwandi vẫn "lạc quan thận trọng".

"Tình hình ở Afghanistan có thể thay đổi nhanh chóng", ông nói.

 

.... o ....

 

Phật giáo tại Afghanistan

Phật giáo lần đầu tiên đến Afghanistan ngày nay là qua các cuộc chinh phạt của Ashoka (trị vì 268–232 TCN), vị hoàng đế thứ ba của Đế chế Maurya. Trong những địa điểm đáng chú ý sớm nhất về ảnh hưởng của Phật giáo ở đất nước này là một dòng chữ khắc song ngữ trên sườn núi bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Aramaic có niên đại từ năm 260 TCN và được tìm thấy trên mỏm đá Chil Zena gần Kandahar.

Nhiều nhà sư Phật giáo nổi tiếng đã có trú xứ tại Afghanistan trong thời kỳ của các nhân vật nổi tiếng này:

-- Vua Menander I (trị vì 165–130 TCN), một vị vua Hy Lạp-Bactria, là một người bảo trợ nổi tiếng của Phật giáo và được bất tử hóa trong Milinda Panha, một văn bản Phật giáo bằng tiếng Pali, dịch sang tiếng Việt là Mi Lan Đà vấn đạo, bản khác dịch là Na Tiên Tỳ Kheo;

-- Đại sư Mahadharmaraksita, một nhà sư Ấn-Hy Lạp thế kỷ thứ 2 TCN, được cho là đã dẫn đầu 30.000 nhà sư Phật giáo từ "Alasandra, thành phố của người Yonas" (một thuộc địa của Alexander Đại đế, nằm cách Kabul ngày nay khoảng 150 km hoặc 93 dặm về phía bắc) đến Sri Lanka để cống hiến Mahathupa (Đại Bảo Tháp) ở Anuradhapura, theo Mahavamsa (Đại vương Thống sử: Chương XXIX);

-- Lokaksema (Lâu-ca-sấm), một nhà sư Kushan thế kỷ thứ 2, đã đi đến thủ đô Lạc Dương của Trung Quốc trong thời kỳ trị vì của nhà Hán và là người đầu tiên dịch kinh Phật Đại thừa sang tiếng Trung Quốc.

Các tu viện Nava Vihara (Tân Tu Viện), nằm gần thành phố cổ Balkh ở miền bắc Afghanistan, hoạt động như trung tâm các sinh hoạt Phật giáo ở Trung Á trong nhiều thế kỷ.

Tôn giáo này bắt đầu suy tàn ở Afghanistan sau khi bị người Hồi giáo Ả Rập chinh phục sau sự trỗi dậy của đạo Hồi vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên; tiếp tục suy tàn trong khu vực trong thời kỳ Hồi giáo Ghaznavid vào thế kỷ thứ 10–12. Phật giáo đã bị xóa sổ ở Afghanistan vào thế kỷ 13 trong các cuộc chinh phạt của người Mông Cổ, và không có thêm thông tin nào về sự hiện diện của Phật giáo trong khu vực này sau thế kỷ 14.

Thư viện tu viện Bamiyan

Một trong những trường phái Phật giáo đầu tiên, Mahāsāṃghika-Lokottaravāda (Đại chúng bộ - Xuất thế thuyết bộ), được biết đến là nổi bật ở khu vực Bamiyan. Nhà sư Phật giáo Trung Quốc Huyền Trang đã đến thăm một tu viện Lokottaravāda vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên, tại Bamiyan, Afghanistan, và địa điểm tu viện này kể từ đó đã được các nhà khảo cổ học phát hiện lại. Các bản thảo bằng vỏ cây bạch dương và lá cọ của các văn bản trong bộ sưu tập của tu viện này, bao gồm cả các kinh Mahāyāna (Đại thừa), đã được phát hiện tại địa điểm này, và hiện chúng nằm trong Bộ sưu tập Schøyen (đang lưu trữ ở Oslo [Na uy] và London [Anh quốc]). Một số bản thảo bằng tiếng Gāndhārī và chữ viết Kharoṣṭhī, trong khi những bản khác bằng tiếng Sanskrit (Bắc Phạn) và được viết theo dạng chữ viết Gupta.

Di tích Phật giáo

Vào tháng 8/2010, có bản báo cáo cho thấy rằng khoảng 42 di tích Phật giáo đã được phát hiện tại Mes Aynak thuộc Tỉnh Logar ở Afghanistan, nằm ở phía nam Kabul. Một số trong những di tích này có niên đại từ thế kỷ thứ 2 theo các nhà khảo cổ học. Một số địa điểm Phật giáo đã được tìm thấy ở Ghazni. Các di tích ở Logar bao gồm hai ngôi chùa Phật giáo (các bảo tháp Stupas), tượng Phật, bích họa, đồng bạc và vàng và các hạt đá quý.

.

Các tượng Phật tại Bamyan

Các tượng Phật tại Bamyan là hai bức tượng Đức Phật thế kỷ thứ 6 được khắc sâu vào núi đá ở thung lũng Bamiyan, thuộc vùng núi Hazarajat, trung tâm Afghanistan. Nó nằm cách 230 kilômét (140 mi) về phía tây bắc của thủ đô Kabul, ở khu vực có độ cao 2.500 mét (8.200 ft) so với mực nước biển. Bức tượng nhỏ hơn được xây dựng vào năm 507 còn bức tượng lớn hơn được xây dựng vào năm 554 theo phong cách pha trộn cổ điển của nghệ thuật Phật giáo. Chiều cao tương ứng của hai bức tượng lần lượt là 35 và 53 m (115 và 174 ft).

Cấu trúc chính được chạm khắc trực tiếp từ vách đá sa thạch, còn các chi tiết mô phỏng sử dụng bùn trộn với rơm và sau đó phủ bằng vữa. Thực tế là các chi tiết này đã bị mòn từ lâu và để tăng tính biểu cảm người ta đã vẽ lên khuôn mặt, bàn tay và cả nếp gấp của áo Cà-sa. Bức tượng lớn được sơn màu đỏ yên chi trong khi bức nhỏ được sơn nhiều màu. Phần dưới cánh tay của hai bức tượng được xây dựng bằng hỗn hợp bùn trộn rơm, được hỗ trợ bởi cốt gỗ. Người ta tin rằng, phần trên của khuôn mặt tượng Phật là mạng che mặt bằng gỗ đã bị mất. Các hàng lỗ được nhìn thấy trên bức tượng là các chốt gỗ để ổn định cấu trúc vữa bên ngoài.

Vào tháng 3 năm 2001, hai bức tượng Phật đã bị Taliban dùng thuốc nổ đánh sập cả hai theo lệnh của Mullah Mohammed Omar, sau khi chính quyền Taliban tuyên bố rằng họ mới chính là những thần tượng. Một phái viên đến Hoa Kỳ trong vài tuần sau đó nói rằng hai bức tượng Phật bị phá hủy để phản đối viện trợ quốc tế dành riêng cho việc bảo trì tượng trong khi Afghanistan đang trải qua nạn đói khủng khiếp trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Afghanistan tuyên bố rằng việc phá hủy chỉ là để thực hiện Bài trừ thánh tượng trong Hồi giáo. Dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ hành động phá hủy hai bức tượng Phật này, và trong những năm sau đó hành động này vẫn được xem là một ví dụ về sự không khoan dung tôn giáo của Taliban.

Bamyan nằm trên Con đường tơ lụa, chạy qua vùng núi Hindu Kush, trong thung lũng Bamyan. Con đường tơ lụa trong lịch sử là một tuyến đường lữ hành nối liền thị trường Trung Quốc với thế giới phương Tây. Đây là địa điểm của một số tu viện Phật giáo, một trung tâm thịnh vượng về tôn giáo, triết học và nghệ thuật. Các nhà sư tại các tu viện sống như những ẩn sĩ trong những hang động nhỏ được khắc vào bên vách đá Bamyan. Hầu hết họ đã tôn tạo các hang động với các bức tượng tôn giáo và các bức bích họa có màu sắc rực rỡ. Bamyan trở thành một địa điểm Phật giáo từ thế kỷ thứ 2 cho đến thời Hồi giáo xâm lược vào nửa cuối thế kỷ thứ 7. Cho đến khi nó hoàn toàn bị chinh phục bởi triều đại Hồi giáo Saffarid vào thế kỷ thứ 9, Bamyan là một địa điểm văn hóa về Đức Phật.

Hai bức tượng nổi bật nhất là hai tác phẩm điêu khắc đứng khổng lồ của Đại Nhật Như Lai và Thích Ca Mâu Ni trong các tư thế thủ ấn khác nhau. Tượng Đức Phật được gọi là "Solsol" cao 53 mét "Shahmama" cao 35 mét được tạc trong các hốc đá đứng cao lần lượt là 58 và 38 mét. Trước khi bị phá hủy vào năm 2001, đây là hai công trình chạm khắc tượng Phật đứng lớn nhất thế giới (Lạc Sơn Đại Phật thế kỷ 8 cao hơn nhưng trong tư thế ngồi). Kể từ đó, Tượng Thống nhất được xây dựng ở Ấn Độ cao 182 m (597 ft) trở thành bức tượng cao nhất thế giới, sau khi phá vỡ kỷ lục của Trung Nguyên Đại Phật trước đó. Kế hoạch xây dựng Trung Nguyên Đại Phật đã được công bố ngay sau khi các tượng Phật ở Bamiyan bị phá hủy và Trung Quốc đã lên án sự phá hủy các di sản Phật giáo có tính hệ thống tại Afghanistan.

Người ta tin rằng, các tác phẩm điêu khắc tượng phật khổng lồ đã được chạm khắc vào vách đá Bamyan giữa thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên, trong khi quần thể hang động ở phía đông, bao gồm tượng Phật 38 mét, được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 hoặc thứ 4 sau Công nguyên. Tượng Phật cao 55 mét được cho là có từ thế kỷ 5 và 6 sau Công nguyên. Tài liệu lịch sử đề cập đến các lễ kỷ niệm được tổ chức hàng năm thu hút nhiều người hành hương và những lời đề nghị xây dựng các bức tượng khổng lồ đã được hiện thực hóa. Chúng có lẽ là địa danh văn hóa nổi tiếng nhất khu vực này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới cùng với cảnh quan văn hóa xung quanh và di tích khảo cổ của Thung lũng Bamyan. Màu sắc của chúng phai dần theo thời gian.

Huyền Trang đã viếng thăm địa điểm này vào ngày 30 tháng 4 năm 630 sau Công nguyên, đã mô tả về Bamyan trong cuốn Đại Đường Tây Vực ký là một trung tâm Phật giáo hưng thịnh với hơn mười tu viện và hơn một nghìn nhà sư. Ông cũng lưu ý rằng, cả hai tượng Phật đều được trang trí bằng vàng và ngọc quý. Hấp dẫn hơn khi Huyền Trang đề cập đến một bức tượng Phật thứ ba thậm chí còn có kích thước lớn hơn. Đó là một bức tượng Phật ngồi có phong cách tương tự như tượng Phật còn tồn tại ở chùa Bình Linh nằm ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.

Việc phá hủy các tượng Phật Bamyan trở thành một biểu tượng của sự áp bức tự do tôn giáo. Mặc dù thực tế là hầu hết người Afghanistan hiện là người Hồi giáo, nhưng họ cũng đã chấp nhận quá khứ lịch sử Phật giáo hưng thịnh và nhiều người đã kinh hoàng trước sự phá hủy đó.

Video năm 2021 tưởng niệm 20 năm phá nổ các tượng Phật:

https://www.youtube.com/watch?v=ZpXn6DL81U0

NGUỒN:

-- Taipei Times: Taliban change tune on preserving heritage sites

https://www.taipeitimes.com/News/world/archives/2025/04/23/2003835682

-- Wikipedia: Buddhism in Afghanistan

https://en.wikipedia.org/wiki/Buddhism_in_Afghanistan

-- Wikipedia: Các tượng Phật tại Bamyan

https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1c_t%C6%B0%E1%BB%A3ng_Ph%E1%BA%ADt_t%E1%BA%A1i_Bamyan  

.01 Taller_Buddha_of_Bamiyan_before_and_after_destruction

 

PHOTO 1:
Tượng Phật cổ tại Bamiyan trước (1963) và sau khi bị Taliban phá hủy (2008). Hình Wikipedia.