TIỂU SỬ VẮN TẮT
ĐỨC JAMYANG KHYENTSE WANGPO (1820-1892)[1]
Alak Zenkar Rinpoche[2] soạn
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ
Đức Jamyang Khyentse sinh trong vùng Yaru Khyungchen Drak ở Dilgo thuộc Derge, miền Đông Tây Tạng vào ngày năm tháng sáu Tây Tạng năm Kim Thìn trong chu kỳ sáu mươi năm thứ mười bốn. Cha của Ngài là ông Rinchen Namgyal, một thư ký ở Derge thuộc dòng họ Nyo và là hậu duệ của Tổ Drikung Changchub Lingpa. Mẹ của Ngài, bà Sonam Tso, là con gái của Gerab Nyerchen Gontse thuộc gia đình Sogmo.
Đức Jamyang Khyentse học đọc khi lên bốn hay năm tuổi và từ khi còn nhỏ, trí thông minh của Ngài đã phát triển khiến Ngài có thể làm chủ việc đọc, viết cùng những kỹ năng khác mà không gặp khó khăn nào. Mười hai tuổi, Ngài được Đức Thartse Khenchen Jampa Kunga Tendzin[3] công nhận là vị tái sinh của Khenpo vĩ đại của [Tu viện] Evam Tharpatse – Jampa Namkha Chime[4] và Ngài được ban danh hiệu Jamyang Khyentse Wangpo Kunga Tenpe Gyaltsen Palzangpo. Hai mươi mốt tuổi, Ngài thọ đại giới từ Đức Minling Khenchen Rigdzin Zangpo[5]. Tựu chung lại, Ngài có hơn một trăm năm mươi vị thầy – những đạo sư vĩ đại từ cả bốn trường phái chính – Sakya, Gelug, Kagyu và Nyingma – từ khắp các vùng như U và Tsang, cũng như miền Đông Tây Tạng, bao gồm Đức Minling Trichen Gyurme Sangye Kunga[6], Đức Shechen Gyurme Thutob Namgyal, Đức Sakyapa Dorje Rinchen[7] và huynh đệ Khenpo vĩ đại của Thartse[8] cũng như nhiều bậc giảng giải kinh văn uyên bác về năm ngành khoa học.
Nhờ sự nghiên cứu về các ngành khoa học bình thường của thủ công, y học, ngữ pháp và lô-gic, và các giới luật thứ yếu khác nhau, cũng như những bộ luận chính yếu của nhân thừa đặc tính về Trung Đạo, Bát Nhã, Luật Tạng và A-tỳ-đạt-ma, và các chỉ dẫn sâu xa của những Mật điển như Thắng Lạc Kim Cương, Kim Cương Hỷ và Mật Tập Kim Cương, cũng như Guhyagarbha và Kim Cương Thời Luân cùng nhiều Mật điển khác của quả thừa Mật chú bí mật, Ngài xua tan mọi nghi ngờ và nhận thức sai lầm.
Ngài đã tu học với những đạo sư từ mọi truyền thống chân chính của sự thực hành với một truyền thừa không gián đoạn, thứ còn tồn tại vào thời điểm đó ở Xứ Tuyết [Tây Tạng], mà đặc biệt là ‘Tám Cỗ Xe’:
Ngài đã thọ nhận toàn bộ những giáo lý này theo cách thức đúng đắn, thấu triệt tất cả quán đỉnh chín muồi, chỉ dẫn giải thoát và khẩu truyền hỗ trợ từ truyền thừa thì thầm ‘từ miệng đến tai’ vào ‘nút vĩnh cửu’ vinh quang của tâm trí tuệ của Ngài.
Với sự tinh tấn lớn lao và vượt qua mọi khó khăn vật lý, Ngài thọ nhận khẩu truyền cho khoảng bảy trăm tập, đại diện cho giáo lý trọn vẹn, không bộ phái của Ấn Độ và Tây Tạng, đặc biệt bao gồm bất cứ trao truyền nào còn tồn tại cho Những Giáo Lý Quý Báu Được Chuyển Dịch Của Đấng Chiến Thắng (Kangyur), Tuyển Tập Mật Điển Nyingma (Nyingma Gyubum) và Các Bộ Luận Được Chuyển Dịch (Tengyur).
Ngài không chỉ sở hữu sự uyên bác bao la mà còn phát triển những phẩm tính vô song của kinh nghiệm và chứng ngộ nhờ hoàn thiện thực hành thiền định. Dần dần, danh tiếng của Ngài lan rộng khắp Tây Tạng và danh hiệu Pema Osal Dongak Lingpa, ‘bậc trì giữ bảy sự trao truyền đặc biệt (ka bab dun)’[14], được nghe thấy ở khắp nơi như tiếng sấm dội vang khắp vùng đất. Ngài thọ nhận bảy trao truyền đặc biệt theo cách thức sau đây:
Tất cả những gì mà Ngài đã thọ nhận về Kinh điển, Mật điển và chỉ dẫn cốt tủy, Ngài đều trao truyền cho các đệ tử tùy theo căn cơ và phước duyên của họ. Bằng cách liên tục ban các quán đỉnh, trao truyền và giáo lý, Ngài đảm bảo rằng những môn đồ của Ngài có nền tảng vững chắc dựa trên các giáo lý bất bộ phái trọn vẹn của Đức Phật và đã thiết lập nhiều vị trên con đường của sự chín muồi và giải thoát. Quan trọng nhất trong vô số đệ tử của Ngài, những bậc trì giữ giáo lý là Kongtrul Yönten Gyatso[16], Ju Mipham Jamyang Namgyal Gyatso[17], Dodrupchen Jigme Tenpe Nyima, Terchen Chokgyur Lingpa[18] và nhiều đạo sư uyên bác và thành tựu của Trường phái Nyingma; bậc trì giữ Pháp tòa Sakya vĩ đại – Ngài Tashi Rinchen, Zimok Rinpoche của Tu viện Nalendra, rất nhiều vị Khenpo đáng kính của Ngor và nhiều đạo sư tôn quý khác của truyền thống Sakya; Đức Gyalwa Karmapa thứ mười bốn và mười lăm, Situ Rinpoche thứ mười và mười một, Taklungma Rinpoche và những bậc trì giữ giáo lý Kagyu khác; Konchok Tenpa Rabgye, vị Nomihan vĩ đại của Drakyab, Lithang Khenchen Jampa Phuntsok, Horkhang Sar Gyalwa và nhiều Geshe vĩ đại khác của truyền thống Riwo Gendenpa, cũng như nhiều học giả, thiền gia khất sĩ khác và những bậc trì giữ giáo lý của truyền thống Yungdrung Bonpo.
Với những món cúng dường mà Ngài nhận được từ các đệ tử sùng kính, Ngài đặt làm khoảng hai nghìn bức tượng Đức Phật, từ vàng và đồng, như những đại diện về thân giác ngộ của Đức Phật. Như những đại diện về khẩu giác ngộ, Ngài cho làm những bản khắc gỗ cho khoảng bốn mươi tập và chịu trách nhiệm cho khoảng hai nghìn tập được sao chép bằng tay. Như những đại diện về ý giác ngộ của Đức Phật, Ngài xây dựng hơn một trăm bảo tháp bằng vàng và đồng; nổi bật nhất trong đó là bảo tháp vĩ đại ở Lhundrup Teng. Để lưu giữ những đại diện về thân, khẩu và ý giác ngộ này, Ngài xây dựng khoảng mười ba ngôi chùa lớn và nhỏ, nơi những thành viên của Tăng đoàn nhận được sự kính trọng và tiến hành các thực hành hàng ngày và những nghi lễ thường kỳ. Bên cạnh đó, Ngài hỗ trợ nhiều Tu viện bị hư hại do những bất ổn xã hội và đóng góp lớn lao để hỗ trợ những sự cúng dường và v.v. Ngài khuyên các quan chức từ Trung Hoa và Tây Tạng, cũng như những vị vua và thượng thư của Derge và như thế, đem lại sự hòa giải. Đó là những hành động không thể sánh bằng của Ngài trong việc đem lại lợi lạc cho giáo lý và chúng sinh.
Kết thúc những hành động bao la và tuyệt vời như vậy, Ngài thị hiện viên tịch vào ngày hai mươi mốt tháng Hai năm Thủy Thìn thuộc chu kỳ sáu mươi năm thứ mười lăm.
Các trước tác của Ngài, điều bắt đầu từ thời thanh niên cho đến ngay trước khi viên tịch vào năm bảy mươi ba tuổi, bao gồm khoảng mười ba tập. Như được chỉ ra rõ ràng trong phụ lục cho các tác phẩm được tuyển tập của Ngài, với tựa đề Chìa Khóa Của Kho Chỉ Dẫn Xuất Sắc, những tác phẩm này có thể được chia thành chín loại chính:
Hơn thế nữa, chính vị đạo sư vĩ đại này là người chịu trách nhiệm sắp xếp những tuyển tập quan trọng như Trích Yếu Nghi Quỹ và chính nhờ hoạt động giác ngộ của Ngài mà Năm Kho Tàng của Đức Jamgon Kongtrul Rinpoche, Trích Yếu Mật Điển của Ponlop Loter Wangpo và Tuyển Tập Hai Mươi Bảy Mandala Nyingma Kama của Palyul Gyatrul Dongak Tenzin đều được kết tập và chỉnh sửa. Vì thế, hoạt động giác ngộ của Ngài vẫn tiếp tục, đem tất cả những giáo lý này đến với các môn đồ hữu duyên của Ngài và nhiều học trò khác của Giáo Pháp.
Được biên soạn bởi Thubten Nyima sùng kính.
Adam Pearcey chuyển dịch sang Anh ngữ năm 2006.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Nguồn Anh ngữ: https://www.lotsawahouse.org/tibetan-masters/alak-zenkar/brief-biography-of-jamyang-khyentse-wangpo.
[2] Theo Rigpawiki, Alak Zenkar Rinpoche Tupten Nyima, tức Tudeng Nima (sinh năm 1943) là vị tái sinh của Alak Zenkar Pema Ngodrup Rolwe Dorje. Ngài đóng vai trò quan trọng trong việc chấn hưng Phật giáo và văn học Tây Tạng ở Kham trong những thập niên gần đây.
[3] Theo Rigpawiki, Thartse Khenchen Jampa Kunga Tendzin (1776-1862), giống như em trai Naljor Jampal Zangpo, là một trong những Bổn Sư của Đức Jamyang Khyentse Wangpo. Ngài là cháu trai và đệ tử của Đức Jampa Namkha Chime. Năm 1811, Ngài trở thành vị trì giữ Pháp tòa thứ 47 của Tu viện Ngor.
[4] Theo Rigpawiki, Jampa Namkha Chime (1765-1820) là vị trì giữ Pháp tòa thứ 44 của Tu viện Ngor (giai đoạn 1789-1793) và là tiền thân của Đức Jamyang Khyentse Wangpo.
[5] Vị Minling Khenchen thứ 6 từ truyền thừa Khen Rab [của Tu viện Mindrolling].
[6] Đức Minling Trichen thứ 7.
[7] Chính từ Đức Sakyapa Dorje Rinchen mà Ngài đã chính thức thọ Bồ Tát giới.
[8] Ngorpa Thartse Khenpo Jampa Kunga Tendzin (1776-1862) và Thartse Ponlop Naljor Jampal Zangpo (sinh năm 1789), những vị là cháu trai của hóa thân đời trước của Đức Jamyang Khyentse Wangpo – Ngài Namkha Chime.
[9] Điều này liên quan đến ‘Bảy Giáo Lý Linh Thiêng Của Chư Vị Kadampa’ (bka’ gdams lha chos bdun), Tam Tạng (Kinh, Luật và Luận) và bốn Bổn tôn (Phật Thích Ca Mâu Ni, Bất Động Minh Vương Acala, Quán Thế Âm và Cứu Độ Mẫu Tara).
[10] Đây là những giáo lý của ‘truyền thừa dài’ mà Tilopa thọ nhận và trao truyền cho Naropa. Tuy nhiên, như Gene Smith đã chú thích, “Các nguồn tài liệu Tây Tạng khác biệt đáng kể tùy theo truyền thừa và nội dung của bốn dòng chảy này”. Theo hầu hết các ghi chép, những giáo lý liên quan đến điều được biết đến là ‘sáu du già của Naropa’. Có một sự bất đồng về danh sách những đạo sư mà Tilopa đã thọ nhận những giáo lý này. Đức Shechen Gyaltsab, trong lịch sử về tám truyền thừa thực hành, cho rằng đó là Nagarjuna, Dombi Heruka, Luhipa và Sukhasiddhi.
[11] Kamtsang hay Karma Kagyu được thành lập bởi Đức Karmapa thứ nhất – Dusum Khyenpa (1110-1193), Barom Kagyu bởi Darma Wangchuk (1127-1199), Tsalpa Kagyu bởi Zhang Yudragpa Tsondru Drakpa (1123-1193) và Pakdru Kagyu bởi Phagmo Drupa Dorje Gyalpo (1110-1170).
[12] Drigung Kagyu được thành lập bởi Drigung Kyobpa Jigten Sumgon (1143-1217), Taklung Kagyu bởi Taklung Thangpa Tashi Pal (1142-1210), Tropu Kagyu bởi Gyal Tsha Rinchen Gon (1118-1195) và Kunden Repa (1148-1217), Drukpa Kagyu bởi Lingje Repa Pema Dorje (1128-1188) và Tsangpa Gyare Yeshe Dorje (1161-1211), Marpa Kagyu bởi Marpa Drubthob Sherab Senge, Yelpa Kagyu bởi Drubthob Yeshe Tsegpa (sinh năm 1143), Yabzang Kagyu bởi Sharawa Kalden Yeshe Senge (mất năm 1207) và Shukseb Kagyu bởi Gyergom Chenpo Zhonno Drakpa (1090-1171).
[13] (1243-1313), vị sáng lập ban đầu của Tu viện Jonang.
[14] Bka’ babs bdun. Về bảy trao truyền này và đặc biệt là cách mà chúng được thọ nhận bởi vị cùng thời và bạn hữu tâm linh của Đức Jamyang Khyentse – Chogyur Dechen Lingpa, tham khảo Andreas Doctor, Tibetan Treasure Literature: Revelation, Tradition and Accomplishment in Visionary Buddhism, Ithaca: Snow Lion, 2005, trang 84-101.
[15] Điều này liên quan đến một linh kiến của Đức Jamyang Khyentse khi Ngài mười sáu tuổi, trong đó, Ngài đã đến cõi Ngayab Ling và diện kiến Guru Rinpoche, vị giới thiệu cho Ngài bản tính của tâm bằng đoạn kệ sau:
“Không bị vấy bẩn bởi bám víu đối tượng,
Không bị hư hỏng bởi tâm bám chấp,
Duy trì giác tính trần trụi và rỗng rang,
Là tâm trí tuệ của tất cả chư Phật!”.