Thư Viện Hoa Sen

365 LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT
của ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay
Đức Đạt-lai Lạt-ma
Matthieu Ricard ghi chép và sắp đặt bản gốc
Hoang Phong chuyển ngữ

IV.
SUY TƯ VỀ CÁC KHÓ KHĂN TRONG CUỘC SỐNG
(CÂU 182 ĐẾN 304)



Suy tư về sự rụt rè

268

Khi phải tiếp xúc với một người mà mình chưa hề quen biết thì rất có thể là mình sẽ có một thái độ dè dặt quá đáng, hoặc giữ một khoảng cách nào đó. Thái độ đó không hợp lý chút nào. Trên thực tế không có lý do gì khiến chúng ta phải e sợ khi tiếp xúc với người khác. Chỉ cần ý thức được rằng người khác cũng là con người như mình, cũng có những ước mơ và các nhu cầu như mình, thì cũng đủ để phá vỡ lớp băng ngăn cách giữa người ấy với mình để cùng trò chuyện với nhau.

269

Mỗi khi tiếp xúc với một người nào đó lần đầu tiên thì trước hết tôi tự nhủ họ cũng là một con người như tôi, cũng ước mong được hạnh phúc và tránh né khổ đau chẳng khác gì như tôi. Dù tuổi tác, tầm vóc, màu da, địa vị xã hội của người ấy có như thế nào đi nữa thì trên căn bản giữa người ấy và tất cả chúng ta cũng chẳng có gì khác biệt. Qua sự nhận định đó tôi có thể mở rộng lòng tôi để đón nhận người ấy như là một người trong cùng một gia đình với tôi, và tức khắc mọi cảm tính rụt rè sẽ tan biến hết.

270

Rụt rè thường là vì thiếu tự tin nơi mình và bám víu quá đáng vào các thói tục và quy ước xã hội. Người ta tự nấp mình phía sau hình ảnh mà mình muốn nó phải hiện ra với người khác đúng như thế mỗi khi họ nhìn vào mình. Đó là một thái độ hoàn toàn giả tạo, và các xu hướng tự nhiên của mình thì cứ nhắc đi nhắc lại với mình thái độ đó, đôi khi như là một thứ mệnh lệnh. Mỗi khi có nhu cầu cấp bách làm nhẹ bớt cái bọng đái thì người ta có thể làm việc đó như là mọi sự đều tốt đẹp (đúng theo ý muốn của mình) trong một khoảnh khắc nào đó, nhưng không thể kéo dài sự tốt đẹp đó bất tận được. (sở dĩ mình rụt rè là vì mình luôn tìm cách nấp phía sau hình ảnh lý tưởng về mình mà mình muốn người khác cũng phải nhận thấy đúng như thế mỗi khi họ nhìn vào mình. Thế nhưng hình ảnh đó chỉ là giả tạo và không thể duy trì thường xuyên được như ý mình muốn, tương tự như sau khi làm nhẹ bớt cái bọng đái thì sự thoải mái cũng chỉ kéo dài được một chốc lát sau đó mà thôi. Mỗi khi đứng trước một người lạ thì các xu hướng tự nhiên bên trong chính mình cứ nhắc đi nhắc lại với mình hình ảnh lý tưởng đó, đôi khi như là một thứ mệnh lệnh, thế nhưng mình không thể kéo dài hình ảnh giả tạo đó thường xuyên được, tương tự như sự thoải mái của cái bọng đái cũng chỉ xảy ra trong một lúc nào đó mà thôi. Sự kiện không thể duy trì thường xuyên hình ảnh lý tưởng về mình khiến mình rụt rè và nhút nhát mỗi khi phải tiếp xúc với người lạ, hoặc dự tính hay bắt tay vào một việc gì đó).

271

Sở dĩ nhút nhát (rụt rè) là vì mong muốn bảo vệ mình một cách quá đáng hoặc ý thức quá mạnh về cái tôi của mình. Thế nhưng thật hết sức nghịch lý, càng bảo vệ chính mình thì mình lại càng làm mất đi sự tự tin nơi mình, khiến mình càng trở nên nhút nhát hơn (cảm tính này rất kín đáo và tế nhị vì thường là một xu hướng tự động, một sự tạo tác tâm thần phát sinh từ nghiệp xuyên qua bản năng sinh tồn: đó là sự mong muốn hình ảnh "lý tưởng" của mình không bị sứt mẻ. Sự mong muốn sâu xa đó khiến mình nhút nhát và sợ hãi). Trái lại, càng mở rộng lòng mình với người khác bằng cách bộc lộ tình thươnglòng từ bi của mình thì mình sẽ càng ít bị ám ảnh hơn bởi chính mình và phát động dễ dàng hơn sự tự tin nơi mình.