BẢN THỂ VÀ HIỆN TƯỢNG, TÁNH VÀ TƯỚNG
Nguyễn Thế Đăng
Có thể nói bản thể (noumène) và hiện tượng (phénomène) là sự phân biệt căn bản trong bất kỳ triết học và tôn giáo nào. Mối tương quan giữa chúng định hình nên hướng đi và mục tiêu kết quả của triết học và tôn giáo ấy.
Ở đây chúng ta tìm hiểu vấn đề này qua luận Dharmadharmatavibhanga của Bồ tát Di Lặc được dịch từ tiếng Sanskrit qua tiếng Tây Tạng rồi qua tiếng Anh (Distinguishing Phenomena from their Intrinsic Nature, by Dharmachakra Translation Committee, 2021) và Distinguishing Phenomena and Pure Being, Jim Scott, Snow Lion Publications). Dịch ra tiếng Hán là “Biện pháp pháp tánh luận”.
1/ Bản tánh và hiện tượng, tánh và tướng
Dharma là pháp, các pháp, các sự vật, các hiện tượng, các tướng. Dharmata là bản tánh của các pháp, pháp tánh. Luận này nói về sự phân biệt giữa các hiện tượng, các tướng và bản tánh của chúng, tức pháp tánh. Trong bài này sẽ rút gọn thành Tướng và Tánh.
Nếu tất cả mọi sự được tóm tắt
Có thể được hiểu là hai
Bởi vì mọi sự gồm lại trong
Những hiện tượng và bản tánh nội tại của chúng.
Cái được xếp loại là những hiện tượng
Là sanh tử luân hồi, trong khi bản tánh nội tại
Được xếp loại là niết bàn, vượt khỏi khổ đau
Của ba thừa.
Tất cả mọi sự trong vũ trụ được xếp loại thành: các hiện tượng, các tướng, và bản tánh của tất cả các hiện tượng. Các hiện tượng thì số nhiều, bản tánh thì số ít, xác định.
Các hiện tượng, các tướng thì vô số và khác biệt nhau, tách biệt với nhau, hòa thuận và triệt tiêu lẫn nhau (như nước với nước và như nước với lửa). Các hiện tượng thì hữu hạn, phần mảnh, cách biệt nhau, khắc chế lẫn nhau.
Sống trong một thế giới chỉ gồm những hiện tượng hữu hạn, phân mảnh, đối nghịch nhau như vậy, con người cũng bị giới hạn, phân mảnh, và thấy mọi sự như khác biệt, đối nghịch với mình. Mọi sự trở thành cái khác, mọi người trở thành những người khác, thiên nhiên, thế giới là thiên nhiên, thế giới khác. Không có được nối kết và thấy những cái khác ấy như chống lại với mình, đưa đến cô độc, khổ đau.
Thế giới chỉ gồm toàn những hiện tượng, chỉ một hiện tượng, một tướng trái ý mình sẽ dẫn tới khổ đau. Thế giới chỉ gồm toàn những tướng, phân cách nhau, chống trái nhau, đây là thế giới sanh tử khổ đau. Con người lạc vào thế giới hiện tượng ấy sẽ nhận lấy khổ đau, đây gọi là thế giới sanh tử, nghĩa là bị giới hạn trong sanh và tử của chính mình và của tất cả mọi hiện tượng.
Đâu là nền tảng, bản tánh, từ đó con người và mọi hiện tượng xuất hiện và nối kết được với nhau?
Tất cả những hiện tượng đều có chung một “bản tánh nội tại của chúng”. Đây không phải là một tuyên bố của khoa học, của triết học, mà là của đạo Phật, con đường đưa đến sự chứng nghiệm bản tánh nội tại này. Bản tánh nội tại là nền tảng, là môi trường cho mọi xuất hiện hình tướng. Trong phần sau của Luận dạy về thiền định thiền quán để thấy trực tiếp bản tánh này ở địa đầu tiên Hoan hỷ địa của con đường mười địa.
Tất cả các tướng đều có cùng một bản tánh. Con đường hiện thực hóa câu nói đó bắt đầu từ niềm tin (Thập Tín) cho đến chứng ngộ nó từng phần ở Thập Địa.
Ở đây nêu lên vài thí dụ trong kinh luận. Tất cả các làn sóng của đại dương, về tướng thì khác nhau, cao thấp, màu sắc, mạnh yếu… nhưng tất cả sóng đều có cùng một bản tánh là nước của đại dương.
Tất cả mọi hình bóng xuất hiện trong gương đều cùng một bản tánh nền tảng là tấm gương.
Tất cả mọi ý nghĩ, dù chống đối lẫn nhau, nơi một cá nhân, đều phát xuất từ bản tánh của tâm và tan chìm lại vào bản tánh đó.
“Cái được xếp loại là những hiện tượng là sanh tử luân hồi”. Như đã nói ở trên, các hiện tượng là hữu hạn, thay đổi, sanh diệt không ngừng nên theo chúng người ta cũng thành hữu hạn, thay đổi, sanh diệt không ngừng. Điều này khiến người ta không yên ổn, dần dần đưa đến khổ đau.
“Trong khi bản tánh nội tại (của những hiện tượng) được xếp loại là niết bàn, vượt khỏi khổ đau, của ba thừa”.
Hơn nữa, bản tánh nội tại này chính là niết bàn của cả ba thừa, tức là của cả con đường Phật giáo.
Điều này không thể thấu hiểu, chứng ngộ bằng ý thức của nhà khoa học, của nhà triết học, mà chỉ có thể thấu hiểu bằng một tâm cực kỳ thanh tịnh – nghĩa là vượt khỏi ý thức và đối tượng của nó là những tướng. Như đoạn sau nói, thấu hiểu bằng “trí huệ bổn nguyên không khái niệm” (nonconceptual original wisdom), tức là trí huệ vô phân biệt.
Bản tánh của tất cả các hiện tượng là niết bàn, mà tất cả các hiện tượng là sanh tử, vậy bản tánh của sanh tử là niết bàn. Điều này được nói nhiều trong các kinh đại thừa: “Sanh tử tức niết bàn”, “Phiền não tức Bồ đề (giác ngộ)”.
Nói trong những thuật ngữ của hệ Bát nhã, thì: “Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, tức là Không; Không tức là sắc, thọ, tưởng, hành thức”. Có nghĩa là tất cả các hiện tượng sanh tử sắc, thọ, tưởng, hành, thức có bản tánh là niết bàn, và niết bàn này là tánh Không.
Sắc tức là tánh Không, sanh tử tức là niết bàn, đây là kết luận của Luận.
2/ Tất cả xuất hiện chỉ là chân như
Nhưng nói, sanh tử tức niết bàn, vậy cứ để nguyên sanh tử như người bình thường vẫn kinh nghiệm, thế thì làm sao thoát khỏi khổ đau của sanh tử?
Sanh tử là sự xuất hiện (appearance) của những hiện tượng, những tướng hoàn toàn khác biệt nhau và chẳng có một nền tảng nào nối kết chúng với nhau. Sở dĩ như thế, bởi vì có sự xuất hiện phân hai mê lầm của cái được nắm hiểu, cái được nhận thức, và cái nắm hiểu, cái nhận thức. Sanh tử là do sự phân biệt chia cách giữa một chủ thể nhận thức và các đối tượng được nhận thức. Điều này được nói nhiều trong Luận:
Cái xuất hiện nhưng thật sự không hiện hữu
Là cái được nắm hiểu và cái nắm hiểu
Một đoạn khác:
Một khi đã xác minh rằng cái xuất hiện như là
cái được tri giác thì không hiện hữu,
Cũng xác minh rằng cái xuất hiện như
là cái tri giác cũng không hiện hữu.
Do vậy, hãy đi vào sự không hiện hữu
Của cái xuất hiện như là cái được
tri giác và cái tri giác
Được xác minh nhờ sự đột khởi hoàn toàn
Của cái không có bắt đầu
Lý do cho điều này là sự hoàn toàn không có nhị nguyên
Được xác minh trọn vẹn.
Sanh tử là do sự phân biệt nhị nguyên hư vọng giữa chủ thể và đối tượng. Một khi sự phân biệt nhị nguyên này tiêu tan thì niết bàn chân như hiện ra. Điều này được Luận gọi là sự chuyển hóa, chuyển hóa sanh tử thành niết bàn.
Ở đây, sự chìm ngập trọn vẹn vào cái nền tảng
Là chân như không vết dơ,
Nơi tất cả xuất hiện chỉ là chân như
Và điều này hoàn thành sự chuyển hóa.
Trái ngược với một số người nghĩ tưởng rằng bản tánh, hay chân như, niết bàn, tánh Không, thì không có sự xuất hiện của các hiện tượng, của các tướng, nghĩa là không có một cái gì cả, chỉ là một hư vô trống rỗng. Ở đây, Luận nói có sự xuất hiện của tất cả, và “tất cả xuất hiện chỉ là chân như”.
Như thế bởi vì những xuất hiện của hiện tượng, của tướng đã được tịnh hóa khỏi những phân biệt hư vọng là cái được tri giác và cái tri giác, và khi không còn nhiễm ô thì, “tất cả xuất hiện chỉ là chân như”.
“Sắc tức là Không, Không tức là sắc” không có nghĩa là trong Không không có sắc. Trái lại sắc đã được tịnh hóa, đã được chuyển hóa để thành thanh tịnh như tánh Không vốn thanh tịnh. Và bấy giờ, sắc là sự biểu lộ của tánh Không, sắc là hiện tướng (appearance) của tánh Không.
Tất cả tướng thanh tịnh tức là tánh thanh tịnh. Đây là Chân Không – Diệu Hữu.
Luận Phân biệt các pháp và bản tánh của chúng là một trong năm luận của Bồ tát Di Lặc làm căn bản cho sự thành lập Duy thức tông hay Du già hành tông, một trong hai tông chính yếu của Đại thừa.
Ở đây soi rọi trở lại vấn đề trên bằng Ba tánh của Duy thức tông.
Các pháp, các hiện tượng, các tướng hoàn toàn sai khác nhau, không có nối kết liên hệ với nhau trên một nền tảng chung (pháp tánh). Đây là cái thấy sai lầm mà Duy thức tông gọi là Biến kế sở chấp tánh (sự phân biệt sai lầm tưởng tượng hư vọng nơi cái nắm hiểu). Chính sự phân biệt tưởng tượng hư vọng này đã tạo ra một thế giới phân mảnh chia cắt gọi là sanh tử, và sanh tử ấy là hư vọng, thấy lầm do tưởng tượng.
Biến kế sở chấp tánh là như hoa đốm giữa hư không, lông rùa, sừng thỏ, sóng nắng mà tưởng là nước…, cần phải loại bỏ để có cái thấy như thực.
Y tha khởi tánh (tính chất tuỳ thuộc) là thế giới do duyên sanh, đây là thế giới làm căn bản cho những kinh nghiệm bình thường của con người. Thay đổi, vô thường, sanh già bệnh chết… là y tha khởi tánh, thế giới duyên sanh, các sự vật, các hiện tượng tác động lẫn nhau, duyên sanh lẫn nhau, và huỷ hoại lẫn nhau.
Y tha khởi tánh là các hiện tượng, các tướng không bị mê lầm hư vọng của biến kế sở chấp làm méo mó, gây ra ảo tưởng, nhưng các hiện tượng, các tướng vẫn nằm trong vòng thay đổi, sanh diệt.
Phải rõ biết “bản tánh nội tại của các hiện tượng, các tướng”. Biết các hiện tượng sanh ra từ đâu, hiện hữu trong cái gì, và tiêu tan nơi cái gì, cái biết này làm cho con người thoát khỏi sự sanh diệt của các hiện tượng, đạt được “bản tánh nội tại của các tướng tức là niết bàn”, do đó mà giải thoát, tự do.
Luận nói, trí huệ biết bản tánh là “trí vô phân biệt”.
Trí vô phân biệt rõ biết Viên thành thật tánh, thật tánh vốn hoàn hảo (viên thành) của tất cả mọi hiện hữu. Nếu nhìn từ tánh viên thành thật này, thì đây chính là nền tảng cho y tha khởi tánh duyên sanh và biến kế sở chấp hư vọng.
Sự chuyển hóa (hay chuyển y) là trừ bỏ biến kế sở chấp không thật và chuyển hóa y tha khởi tánh sanh diệt thành viên thành thật tánh vô sanh. Nói cách khác, xóa bỏ cái không thật, chưa từng có là biến kế sở chấp, và chuyển hóa y tha khởi tánh (chân lý tương đối và quy ước, tục đế) thành viên thành thật tánh (chân lý tuyệt đối và tối hậu, chân đế). Chuyển hóa tục đế thành chân đế là chuyển hóa sanh tử thành niết bàn.
Sự chuyển hóa tục đế sanh tử thành chân đế niết bàn không phải là xóa bỏ tục đế sanh tử, mà chuyển hóa tục đế sanh tử thành thật tướng của sanh tử tức là niết bàn.
Lúc ấy sanh tử được thấy y như thật tướng của nó, đó là diệu hữu. Thế nên Đại thừa thường nói Chân Không – Diệu Hữu. Hay nói theo ngôn ngữ của Bát nhã tâm kinh: Sắc tức là Không, Không tức là sắc; sanh tử tức là niết bàn, niết bàn tức là sanh tử.