Thư Viện Hoa Sen

Câu Chuyện Về Cỗ Xe Và Phong Cách Lái Xe Lý Tưởng Theo Kinh Điển Phật Giáo

CÂU CHUYỆN VỀ CỖ XE VÀ

PHONG CÁCH LÁI XE LÝ TƯỞNG
THEO KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO

Chúc Phú


Trong kinh điển Phật giáo, từ Hán tạng cho đến Nikāya nói chung, thật sự không quá khó để tìm thấy những cụm từ liên quan đến một phương tiện vận chuyển trong thời kỳ cổ đại, thường được gọi là cỗ xe (yāna, 乘). Trong kinh Tạp A-hàm, số 769 đã ghi nhận nhiều chi tiết liên quan đến cỗ xe như cỗ xe giới luật, cỗ xe cõi Trời, cỗ xe cõi Phạm và cỗ xe lớn (律乘、天乘、梵乘、大乘)[1].

Theo kinh vừa dẫn, một buổi sáng nọ, tôn giả A-nan đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, đã trông thấy Bà-la-môn Sanh Văn (Jāṇussoṇi) cưỡi một cỗ xe rất thù thắng. Sau khi trở lại tinh xá, tôn giả đã thuật lại sự kiện trên và nhân đó đã hỏi đức Thế Tôn về những chi tiết liên quan. Để bạn đọc dễ hình dung, chúng tôi xin lược trích thưa hỏi của ngài A-nan và lời dạy của Đức Phật:

-Bạch Thế Tôn! Sáng sớm hôm nay con đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, trông thấy Bà-la-môn Sanh Văn đi xe ngựa trắng, quyến thuộc và đồ vật đều một màu trắng. Mọi người trông thấy đều reo lên: “Cỗ xe tốt! Đó là cỗ xe của Bà-la-môn.” Bạch Thế Tôn, theo Chánh phápGiới luật thì đó là cỗ xe của người đời hay là cỗ xe của Bà-la-môn?

Phật bảo A-nan:

– Theo Chánh phápGiới luật của Ta thì đó là cỗ xe của người đời, chẳng phải là cỗ xe của Bà-la-môn. Này A-nan! Cỗ xe Chánh phápGiới luật của Ta, cỗ xe chư Thiên, cỗ xe Bà-la-môn, cỗ xe lớn có thể điều phục quân binh phiền não. Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, Ta sẽ giảng nói cho Thầy. Này A-nan! Thế nào là cỗ xe Chánh phápGiới luật, cỗ xe của chư Thiên, cỗ xe của Bà-la-môn, cỗ xe lớn có thể điều phục quân binh phiền não? Đó là Thánh đạo Tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. A-nan! Đó gọi là cỗ xe Chánh phápGiới luật, cỗ xe của chư Thiên, cỗ xe của Bà-la-môn, cỗ xe lớn có thể điều phục quân binh phiền não.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói bài kệ:

Niềm tin, giới là ách,

Tàm quý là dây dàm,

Chánh niệm khéo giữ gìn,

Là người khéo điều ngự.

Xả, tam-muội: càng xe,

Trí, tinh tấn là bánh,

Vô trước, nhẫn nhục: giáp,

An ổn đi đúng phép.

Tiến thẳng chẳng trở lui,

Trọn không còn lo sợ,

Bậc trí cỡi xe này,

Nhiếp phục giặc vô trí[2].

Qua đoạn kinh trên, cỗ xe chánh pháp đã được đức Phật khéo giới thiệu sống động đến từng chi tiết. Từ một cỗ xe trong thực tế, qua tuệ giác của đức Phật thì ý nghĩa từng bộ phận của chiếc xe đã được đức Phật tái định nghĩa với nội dung chánh pháp. Nói cách khác, bất kỳ ai hiểu được cỗ xe qua những phương diện này thì sẽ nhận chân được chánh pháp.

Như vậy, cỗ xe chánh pháp và cách vận hành cỗ xe ấy đi đúng chánh pháp để điều phục quân binh phiền não đã được đức Phật giới thiệu đầy đủ và chi tiết. Vậy thì, trong kinh điển Phật giáo đã có những hướng dẫn gì về cách vận hành cỗ xe thế tục, để cỗ xe ấy đi đúng chánh pháp, đem lại an lạc cho mình, cho người?

Trước hết, theo Kinh Tương Ưng Bộ, trong điều kiện giới hạn của khoa học kỹ thuật thời bấy giờ, việc tạo thành một cỗ xe, sở hữu một cỗ xe, ban tặng một cỗ xe cho người,… được xem nhưhạnh phúc và là thành công ở đời. Câu kệ: Ban tặng cỗ xe, sẽ nhận hạnh phúc (Yānado sukhado hoti) trong Kinh Tương Ưng Bộ (S.1.42-I.32) đã phần nào xác chứng cho quan điểm này. Nguyên văn đoạn kệ ấy như sau:

Cho ăn là cho lực,

Cho mặc là cho sắc,

Cho xe là cho lạc,

Cho đèn là cho mắt.

Ai cho chỗ trú xứ,

Vị ấy cho tất cả,

Ai giảng dạy Chánh pháp,

Vị ấy cho bất tử[3].

Như vậy, sự xuất hiện của xe ngay từ thuở đầu đã có những dấu chỉ liên quan đến hạnh phúc thường tục (sukha). Và để hạnh phúc thường tục đó được vững bền thì đòi hỏi người chủ xe hoặc người đánh xe (sārathi, 御者) phải có một phương cách vận hành cỗ xe đúng chuẩn và thích hợp.

Với những khảo sát kinh điển bước đầu, chúng tôi phát hiện ra rằng, có ba phương cách chủ yếu để vận hành một cỗ xe, cụ thể hơn là có ba cách đánh xe.

Thứ nhất, đánh xe theo phong cách chư Thiên.

Thứ hai, đánh xe theo phong cách của loài người.

Thứ ba, đánh xe theo phong cách của A-tu-la.

Trước hết, về việc đánh xe theo phong cách chư Thiên, theo Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1222[4] ghi nhận rằng:

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Vào thời quá khứ, chư Thiên và A-tu-la dàn trận đánh nhau và A-tu-la thắng còn chư Thiên thất bại. Khi đó, quân của trời Đế Thích tan rã rút lui, vô cùng sợ hãi, quay xe kéo tàn quân chạy theo hướng Bắc để trở về cung trời.

Bấy giờ, dưới chân núi Tu-di có con đường tắt băng qua khu rừng rậm. Trong rừng này có một tổ chim đại bàng cánh vàng có nhiều chim non trú ngụ. Lúc ấy, vua Đế Thích sợ xe ngựa chạy ngang qua sẽ giày chết những chim non nên liền ra lệnh cho người đánh xe:

– Hãy quay xe lại, đừng làm hại đàn chim non!

Người đánh xe tâu:

– Thưa Đế Thích! Quân A-tu-la đang đuổi theo phía sau, nếu quay xe lại thì chúng ta sẽ bị vây khốn.

Vua Đế Thích bảo:

– Thà quay lại mà bị A-tu-la giết, còn hơn là để quân lính giẫm chết chúng sanh.

Người đánh xe liền quay xe trở lại hướng Nam. Quân A-tu-la từ xa trông thấy xe của Đế Thích quay lại thì nghĩ rằng đó là chiến sách nên vội vàng rút lui, quân lính sợ hãi, tháo chạy tán loạn trở về cung A-tu-la[5].

Ở đây, đánh xe theo phong cách của chư Thiên là đánh xe với lòng từ.

Thứ hai, đánh xe theo phong cách của loài người, có thể tìm thấy những phẩm chất tối ưu qua đoạn Kinh Tăng Chi Bộ (A.4.112-II.114):

Thành tựu với bốn chi phần, này các Tỷ-kheo, một con ngựa thuần thục hiền thiện của vua, xứng đáng cho nhà vua, là vật sở hữu của vua, được xem là biểu tượng của vua. Thế nào là bốn? Với trực tánh, với tốc độ, với nhẫn nhục, với thiện ngôn (Ajjavena, javena, khantiyā, soraccena)

Thành tựu với bốn chi phần này, này các Tỷ-kheo, một con ngựa thuần thục, hiền thiện của vua, xứng đáng cho nhà vua, là vật sở hữu của vua, được xem là biểu tượng của vua[6].

Bốn đức tính này mặc dù là đặc tả dành cho loài ngựa quý, nhưng khi tham chiếu vào phẩm chất của một người đánh xe thì cũng có những nét tương đồng. Vì lẽ, với đức tánh thứ nhất, trong tiếng Pāli, từ Ajjavena có gốc danh từ là Ajjava, nghĩa là sự ngay thẳng, trung thực; với Javena có gốc danh từ là Java, nghĩa là sự nhanh nhẹn, tin tấn; với Khantiyā có gốc danh từ là Khanti, là sự kham nhẫn, kiên trì; với Soraccena có gốc danh từ là Soracca, là sự điềm đạm, nhu hoà.

Như vậy, bốn phẩm chất quan trọng của một người đánh xe trong cõi đời này theo Kinh Tăng Chi Bộ là: Trung thực - Nhanh nhẹn - Kham nhẫn - Nhu hoà.

Thứ ba, đánh xe theo phong cách của A-tu-la. Theo vũ trụ luận Phật giáo, A-tu-la (Asura) thường được mô tả là một dạng chúng sinh rất hung dữ, hiếu chiến và đầy sân hận. Những cuộc chiến bất phân thắng bại giữa chư Thiên và A-tu-la được Kinh Tương Ưng Bộ, phần Tương ưng Sakka, ghi nhận với rất nhiều chi tiết đặc thù.

Theo kinh điển, A-tu-la thường đồng nghĩa với cái xấu, cái ác. Trong bốn hạng người được miêu tả trong Kinh Tăng Chi Bộ (A.4.91-II.92) dưới đây đã chứng minh cho điều đó:

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn? A-tu-la với quyến thuộc A-tu-la, A-tu-la với quyến thuộc chư Thiên; chư Thiên với quyến thuộc A-tu-la; chư Thiên với quyến thuộc chư Thiên. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người A-tu-la với quyến thuộc A-tu-la? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ác giới, theo ác pháp, hội chúng của người ấy cũng ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người A-tu-la với quyến thuộc A-tu-la. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người A-tu-la với quyến thuộc chư Thiên? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ác giới, theo ác pháp, nhưng hội chúng của người ấy có giới, theo pháp hành. Như vậy này các Tỷ-kheo, là hạng người A-tu-la với quyến thuộc chư Thiên. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người chư Thiên với quyến thuộc A-tu-la? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người giữ giới, theo pháp lành, còn hội chúng của người ấy ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người chư Thiên với quyến thuộc A-tu-la. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng chư Thiên với quyến thuộc chư Thiên? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có giới, theo pháp lành, và hội chúng của người ấy cũng có giới, theo pháp lành. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người chư Thiên với quyến thuộc chư Thiên.

Bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.

Với tính cách nhiều sân hận, thế nên mọi hành động của A-tu-la đầu nghiễm nhiên ảnh hưởng bởi tính chất này. Và trên thực tế cuộc đời, có những dạng chúng sanh đánh xe trong tâm thái sân hận, bực dọc. Ngành giao thông hiện đại gọi những trường hợp này bằng thuật ngữ road rage[7], mà ở đây, theo kinh điển, có thể gọi là lái xe theo phong cách A-tu-la.

Như vậy, hình ảnh về một cỗ xe trong kinh điển là một thực tế sinh động được đức Phật vận dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau, nhằm giới thiệu giáo pháp, con đường tu tập cho nhiều giới và nhiều người. Mỗi cơ phận của chiếc xe đều được Phật tái định nghĩa với những giá trị khả hành theo chánh pháp. Bởi lẽ, cỗ xe thế tục có thể hư mục nhưng cỗ xe chánh pháp sẽ luôn vững chãi nếu như tuân hành theo những khuyến nghị của Ngài.

Về phương diện thực tiễn đời sống, tuy đức Thế Tôn chưa từng giảng một bài kinh cụ thể, dạy về phong cách đánh xe. Tuy nhiên, qua những khái quát có nguồn gốc từ kinh điển nêu trên, đã gián tiếp cho thấy rằng, Đức Phật đã đưa ra những tiêu chuẩn lý tưởng về việc vận hành một cỗ xe.

Ba phương cách đánh xe theo kinh điển được giới thiệu ở trên, cũng là thực tế đã và đang diễn ra trong cuộc sống sinh động này. Bởi lẽ, có những người lái xe với tâm từ ái, bao dung; có những người lái xe với năng lực vững chãi, nhanh nhẹn, an toàn và cũng có những trường hợp lái xe trong bực dọc, sân hận.

Trong tất cả, dù bất kỳ ai, hãy nên chọn lấy hai phong cách lái xe cơ bản: Lái xe với lòng từ của chư Thiên và lái xe theo lời Phật dạy ở trong Kinh Tăng Chi Bộ: Trung thực - Nhanh nhẹn - Kham nhẫn - Nhu hoà (Ajjavena, javena, khantiyā, soraccena).



[1] Tạp. 雜 (T.02. 0099.769. 0200c11). Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ (S.45.4 - V.4)

[2] Bản dịch của Trung tâm dịch thuật Trí Tịnh.

[3] Bản dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu

[4] Theo, Tạp. 雜 (T.02. 0099.1222. 0333b24). Xem thêm: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.49. 0390a03); S.11.6 - I.224.

[5] Bản dịch của Trung tâm dịch thuật Trí Tịnh.

[6] Bản dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu

[7] Road rage: Là một thuật ngữ trong ngành giao thông, chỉ cho những hành vi như bấm còi liên tục, chửi bới, la hét, đánh võng, cắt đầu xe khác, dùng cử chỉ khiếm nhã, thậm chí có hành vi bạo lực hoặc gây tai nạn có chủ ý.