Nhân Giới sanh Định
Giới, nói một cách
dễ hiểu là ngăn chặn người ta làm những điều
tội lỗi,
lỗi lầm sai trái, những điều mà khi làm người ta
cảm thấy trong lòng
bất an như
lo lắng,
sợ hãi, bồn chồn hoặc
mặc cảm tội lỗi.
Trạng thái tâm lý này có thể xảy ra khi chuẩn bị làm, trong khi làm hay sau khi làm hoặc cả ba giai đoạn. Ví dụ như một người muốn
ăn trộm của ai cái gì, họ sẽ
hồi hộp khi chuẩn bị làm việc đó, rằng không biết làm có
thành công hay không, hay là sẽ bị phát hiện và
bị bắt. Trong khi làm họ cũng
hết sức hồi hộp, nhìn tới nhìn lui coi có ai
để ý mình không. Và sau khi làm họ cũng
tiếp tục lo sợ không yên vì sợ sẽ bị phát hiện, bị truy tìm nên luôn lẩn tránh hoặc lúc nào cũng phải đề cao
cảnh giác. Hơn nữa, một người làm ác hay làm những điều
sai trái, họ không chỉ sợ
mọi người biết mà tự trong tâm họ cũng
cảm thấy không ổn. Cái
cảm giác đó có khi
rõ ràng để họ có thể dễ dàng
nhận ra, nhưng có khi lại
tiềm ẩn sâu xa trong
tiềm thức. Nhưng cho dù
hiển lộ hay
tiềm ẩn thì
mặc cảm tội lỗi vẫn còn đó, như cây kim nằm trong túi áo, như khối u trong cơ thể, chỉ chờ cơ hội là
hành hạ con người.
Chuyện kể rằng, một ngôi làng nọ, có một
gia đình nghèo khó bần cùng, người cha vì không có tiền, thường ban đêm lẻn vào vườn rau nhà người ta hái trộm. Hôm đó anh ta
mang theo cả con trai đi cùng. Khi người cha vừa mới nhổ một cây củ cải, đứa con bỗng nhiên ở sau lưng khẽ kêu: “Cha... cha..., có người đang nhìn
chúng ta kìa”. Cha của cậu
kinh hãi, ngó nhìn bốn phía, hoảng hốt hỏi: “Người đó ở đâu?”. Đứa trẻ
chỉ tay lên trời
trả lời: “Cha xem, là
mặt trăng đang nhìn
chúng ta đó!”. Người cha này nghe con trai nói vậy,
cảm thấy hổ thẹn về
hành vi của mình nên
lặng lẽ dắt tay con trai đi về nhà.
Dọc đường về, anh ta thầm nghĩ: “Trộm cắp là gây nghiệp rất lớn, có lẽ ông trời
từ bi, mượn miệng con trai để giúp mình
tỉnh ngộ, từ nay phải
sửa sai hướng thiện thôi!”.
Thật ra, không phải đợi tới khi đứa con trai
lên tiếng người cha mới
nhận ra và
hổ thẹn về
việc làm của mình. Anh ta có thể đã
ý thức được điều đó từ lâu rồi, nhưng một cách âm thầm. Nói cách khác, anh không muốn
đối diện và
thừa nhận sự
sai trái của mình nên
cố tình phớt lờ
tiếng gọi của lương tâm. Nhưng khi đứa con trai nói ra điều đó, anh không thể giả ngơ được nữa, không thể coi
như không có chuyện gì. Đứa con trai đã nói giùm anh cái điều mà từ lâu anh không dám nghĩ tới, chỉ vì để được “yên tâm” làm việc
sai trái.
Trong kinh “Đại bát Niết-bàn” thuộc
Trường bộ kinh 1,
Đức Phật dạy người
giữ giới được năm điều
lợi ích. Một trong năm điều đó là “Người
giữ giới, sống theo
giới luật khi
đi vào hội chúng nào, hoặc Sát-đế-lỵ, hoặc Bà-la-môn, hoặc
gia chủ, hoặc Sa-môn, người ấy
đi vào với
tâm thần không
sợ hãi, không bối rối”. Có nghĩa là người
giữ giới thì dù có đi đâu ở đâu đều
cảm thấy tự tin, cũng không lo người khác
nói xấu mình sau lưng vì họ không làm điều gì xấu.
Tục ngữ cũng có câu: “Không làm việc trái
lương tâm thì nửa đêm không sợ quỷ gõ cửa”. Người ác luôn có điều
ẩn khuất trong lòng, nên luôn
bất an và
nơm nớp lo lắng, mỗi thời mỗi khắc đều sống trong “bóng
ma ám ảnh” của
tội ác mà mình gây nên. Còn người
lương thiện có tấm lòng rộng lớn, không có
tư tâm tư lợi cho
bản thân, không lừa trời, giấu đất, không toan tính hại người, nên không có gì để sợ. Trong lòng họ luôn
trong sáng,
vô tư nên
thân tâm của họ đều
thanh tịnh, cuộc sống
bình an,
hạnh phúc.
Giới luật trong
Phật giáo có nhiều loại từ thấp đến cao, từ ít đến nhiều, từ
căn bản cho đến chi li như
Ngũ giới,
Bát quan trai giới, Sa-di giới, Tỳ-kheo giới và Bồ-tát giới.
Tính chất của
giới luật là “thanh lương”, tức là
mát mẻ, là “biệt biệt giải thoát”, tức là giữ được giới nào thì
giải thoát được giới ấy, giữ được ít thì
giải thoát ít, giữ được nhiều thì
giải thoát nhiều. Nói cách khác,
giữ giới là làm cho
thân thanh tịnh, do thân được
thanh tịnh mà tâm cũng được
thanh tịnh theo, hoặc chí ít cũng là
tăng thượng duyên cho sự
thanh tịnh của tâm.
Phật tử tại gia giữ
năm giới thì làm người một cách
đường đường chính chính, còn người
xuất gia phải giữ hàng trăm giới để làm cho thân được
hoàn toàn vô cấu, không tì vết, tức là
diệt trừ tất cả
nguyên nhân của lo sợ và
hối hận. Được như
vậy thì khi
tu tập các
đề mục Định sẽ dễ dàng
đạt được sự
định tâm. Người làm ác hay
phá giới tâm luôn bị giằng xé, không thể yên tâm ngồi đó
tham thiền nhập định. Cho nên nếu ai đó nói rằng không cần
giữ giới mà có thể tu Định được là họ nói không đúng
sự thật vậy.
Nhân Định phát Tuệ
Tâm Định là
tâm không còn
vọng tưởng. Tâm như đất,
vọng tưởng như cỏ dại,
gai góc, sỏi đá. Nếu đất bị phủ đầy hay trộn lẫn những thứ này thì đất đó không thể gieo trồng hoa màu gì được. Tâm như
mặt trời,
vọng tưởng như mây mờ che phủ ánh sáng của
mặt trời. Ở mức độ
bình thường, người có quá nhiều
vọng tưởng hay
suy nghĩ quá nhiều thứ trong đầu thì không thể
tiếp thu trọn vẹn hay
suy tính việc gì một cách thấu đáo, sâu sắc. Trên
phương diện tu tập, người
chạy theo vọng tưởng là người quên mất
bản tâm, cái mà vua
Trần Thái Tông gọi là “Lưỡi vướng vị ngon tai vướng tiếng/ Mắt theo
hình tướng mũi theo hương” cho nên mới “Lênh đênh làm
kiếp phong trần mãi/ Ngày hết quê xa vạn dặm trường”, càng
chạy theo khách trần thì càng xa quê hương
tự tính.
Tu thiền định là không
chạy theo khách trần mà phải
trở về với khu vườn tâm của mình để chăm sóc nó, để khai thác nguồn tài nguyên
vô tận của
tâm địa.
Thiền sư Thái Lan Ajahn Chah nói rằng: “Chỉ có một cuốn sách đáng đọc nhất, đó là tâm của chính mình”. Và khi mà “Tâm địa nhược không” thì “Tuệ nhựt tự chiếu” vậy. Cùng ý này,
Lão Tử cũng chủ trương về việc
học đạo như sau: “Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn, dĩ chí vô vi”. Nghĩa là
mục đích của việc học ở đời là
tích lũy cho được mỗi ngày một nhiều hơn, còn việc
tu đạo thì phải làm sao cho mỗi ngày một
giảm bớt, ít đi. Giảm rồi lại giảm
cho đến mức
vô vi mới thôi. Giảm cái gì vậy? Chính là giảm đi sự
hiểu biết, giảm
dục vọng, giảm
vọng tưởng vậy.
Khi ta nói “phát tuệ” nghĩa là
trí tuệ đó không phải có được do
tiếp thu từ bên ngoài mà là sự
sinh khởi từ bên trong. Trong tâm của
chúng sinh hàm chứa tất cả
phước đức trí năng mà chỉ cần
giác ngộ, khai mở là ta có thể thấu hiểu
vạn pháp một cách
chân thật.
Lục tổ Huệ Năng sau khi
đại ngộ đã
nhận ra tất cả
vạn pháp chẳng lìa
tự tánh, nên đã
phát biểu rằng: