TỪ ĐÂY ĐẾN GIÁC NGỘ
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Phần tiếng Anh: Guy Newland
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển - 2014
Contents
Lời Người Dịch. 3
Lời Người Biên Tập Và Hiệu Đính. 8
Lời Nói Đầu. 11
Chương 1: Sự Nối Kết Thâm Sâu. 16
Chương 2: Giá Trị To Lớn Của Giáo Huấn Này. 29
Chương 3: Trái Tim Của Đạo Phật. 44
Chương 4: Đạo Phật Trả Lời Những Câu Hỏi Lớn. 55
Chương 5: Bốn Chân Lý Cao Quý. 64
Chương 6: Thực Tập Như Thế Nào. 79
Chương 7: Ý Nghĩa Của Đời Sống Loài Người 88
Chương 8: Giải Thoát Và Từ Ái 98
Chương 9: Tinh Thần Giác Ngộ. 118
Chương 10: Bi Mẫn Trong Hành Động. 130
Chương 11: Tĩnh lặng. 139
Chương 12: Mục Tiêu Chân Thực Của Tánh Không. 152
Chương 13: Thực Tại Và Duyên Sinh. 162
Chương 14: Tìm Ra Trung Đạo. 175
Chương 15: Hướng đến Quả Phật. 194
Tự Tiến Bộ Qua Sáu Hoàn Thiện. 198
Bốn Pháp ấn Của Đạo Phật. 214
VÀI NÉT VỀ ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA.. 235
Năm năm trước đây (2009) Tuệ Uyển đã dịch quyển Bừng Sáng Con Đường Giác Ngộ (Illuminating The Path To Enlightenment) một quyển sách ghi lại sự giảng dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma căn cứ trên Tiểu Luận Con Đường Tiệm Tiến Lamrim (Bồ đề thứ đệ tiểu luận) của Tổ sư Tông Khách Ba Và Ngọn Đèn Cho Con Đường Giác Ngộ (Bồ đề đạo đăng luận)của Tổ sư Atisa. Năm nay (2014) Tuệ Uyển lại có cơ hội để chuyển ngữ Đại Luận Con Đường Tiệm Tiến Lamrim (Bồ Đề Thứ Đệ Đại Luận) của Tổ sư Tông Khách Ba cũng do sự giảng dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Ngọn Đèn Cho Con Đường Giác Ngộ và được giảng rộng trong Những Giai Tầng Của Con Đường Tiệm Tiến Đến Giác Ngộ đưa ra ba hạng người với ba năng lực và ba giai tầng tu tập:
- Người có năng lực nhỏ: tu tập để đạt sự tái sanh may mắn ở những cõi hạnh phúc trong tương lai.
- Người có năng lực vừa: tu tập để đạt sự giải thoát cá nhân khỏi vòng luân hồi sanh tử khổ đau.
- Người có năng lực lớn: tu tập để đạt sự Giác Ngộ của một Đức Phật vì lợi ích của tất cả chúng sanh.
Chúng ta thấy trong Thanh Tịnh Đạo Luận một trong những bộ luận căn bản của Phật Giáo Therevada cũng có ba hạng người tương tự như vậy.
Kệ đắp Đại Y Tăng Già Lê của Tỳ kheo là:
Thiện tại giải thoát phục
Vô thượng phước điền y
Phụng trì Như lai mạng,
Quảng độ chư quần sanh.
Tuy quyển sách này giảng về Đại Luận Con Đường Tiệm Tiến Lamrim nhưng chúng ta thấy có những giáo lý rất căn bản như quy y tam bảo, tứ đế, 12 nhân duyên, vô thường, vô ngã,… mà như Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng nếu không có những giáo lý căn bản này thì Đại Thừa không đứng vững, và sự thực tập Kim Cương thừa sẽ không thành tựu.
Những giáo lý căn bản này sẽ là nền tảng cho sự thực tập của người có năng lực nhỏ và vừa. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma nói trong Ba Phương Diện Chính Của Con Đường Giác Ngộ là viễn ly, tâm bồ đề, và tánh không, thì viễn ly và tánh không là giáo lý căn bản của Phật Giáo, Đại Thừa chỉ thêm vào tâm bồ đề.
Tâm bồ đề quy ước liên hệ đến sự ngưỡng vọng đạt đến Quả Phật vì lợi ích của tất cả chúng sanh. Tâm bồ đề cứu kính là sự thực chứng tánh không của Bồ tát, thực tại cứu kính. Quán chiếu tâm bồ đề quy ước và cứu kính chúng ta có thể thấy tương tự với một câu trong kinh Hoa Nghiêm, Bồ tát thấy chúng sanh là như huyển nhưng vẫn phát tâm để độ chúng sanh.
Cũng vậy việc thực tập của người có năng lực lớn thì thêm tâm bồ đề và 6 ba la mật. Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng nói rằng định và tuệ trong 3 vô lậu học là sự thực tập của người có năng lực vừa để giải thoát sanh tử cho cá nhân, còn người có năng lực lớn thì là thiền định và trí tuệ trong 6 ba la mật.
Quyển sách này mang tên là Từ Đây Đến Giác Ngộ, trong quyển sách này chương 11 tĩnh lặng (thiền định) Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đưa ra một câu hỏi, Chúng ta đi từ đây đến Quả Phật như thế nào? Khi đọc đến chương này chúng ta sẽ có câu trả lời chi tiết cho câu hỏi này do Đức Đạt Lai Lạt Ma giảng dạy. Nhưng đối với tôi thì Từ Đây Đến Giác Ngộ hay Chúng ta đi từ đây đến Quả Phật như thế nào? Là một câu hỏi mà mỗi Phật tử chúng ta dù tại gia hay xuất gia phải tự hỏi mình để xác định, như chúng ta được biết trong Ngọn Đèn Cho Con Đường Giác Ngộ và được giảng rộng trong Những Giai Tầng Của Con Đường Tiệm Tiến Đến Giác Ngộ là để hành giả khi nhìn vào biết mình đang ở vị trí nào để thực hành. Hành giả là người có năng lực nhỏ đang mưu cầu cho một sự tái sanh tốt đẹp hơn trong những kiếp sống tương lai. Hành giả là người có năng lực vừa đang mưu cầu cho một sự giải thoát cá nhân khỏi luân hồi sanh tử khổ đau. Hay hành giả là người có năng lực lớn đang có nguyện vọng đạt được Giác Ngộ tròn vẹn như một phương tiện thuận lợi nhất để hổ trợ tất cả chúng sanh thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Có một người đến nói Đức Đạt Lai Lạt Ma là vị ấy có những giấc mơ và căn cứ vào những giấc mơ ấy thì tự cho là đã đạt đến địa vị của những Bồ tát, Đức Đạt Lai Lạt Ma từ việc ấy mà nói rằng có những người nghĩ mình có năng lực lớn nhưng trong khi không có quyết tâm để thực hiện ngay cả những sự thực hành của người có năng lực nhỏ. Ngài nói rằng sự thực hành của người có năng lực lớn phải bao hàm những sự thực hành của người có năng lực vừa và nhỏ. Và sự thực hành của người có năng lực vừa phải bao gồm những sự thực hành của người có năng lực nhỏ.
Như phẩm Dược Thảo Dụ của kinh Pháp Hoa nói một trận mưa xối xuống thì cây cỏ tùy năng lực của mình mà thấm nhuần. Cũng vậy, mỗi người tùy nhân duyên quá khứ nên có một năng lực riêng cho mỗi cá nhân, Phật Pháp bao la, nhưng người có năng lực lớn thì không thể đòi hỏi người có năng lực vừa cũng tu như mình; hay người có năng lực vừa không thể đòi hỏi người có năng lực nhỏ cũng tu như mình; và cũng thế người có năng lực nhỏ không thể muốn người có năng lực lớn cũng phải có mục tiêu tu tập như mình …? Thế nhưng trong Những Giai Tầng Của Con Đường Tiệm Tiến đến Giác Ngộ, là để hướng dẫn hành giả tu tập dần dần lên kết quả cứu kính sau cùng, chứ không phải dậm chân tại chỗ, không phải người có năng lực nhỏ thì cứ nhỏ mãi, người có năng lực vừa thì cứ như vậy mãi, vì Đức Đạt Lai Lạt Ma nói việc tu tập để thoát ly sanh tử, để giải thoát Giác Ngộ thì không chỉ tính đến một đời một kiếp mà phải tính đến thời gian vô hạn. Đừng nghĩ rằng nếu ta muốn vô sanh thì được vô sanh mà không cần phải tu tập, hoặc không tin tái sanh thì sẽ không tái sanh vì chưa chứng quả vô sanh thì sẽ tự động tái sanh theo nghiệp lực.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng nếu quy y tam bảo như để có nơi nương tựa như Phật, Pháp, Tăng gia hộ để thoát khổ thì không có gì đặc thù của Đạo Phật, các tôn giáo khác cũng có ý nghĩa tương tự như vậy như cứu khổ, cứu rổi, một sự cầu khẩn đến năng lực bên ngoài; như quy y xuất thế gian tam bảo và trụ trì tam bảo, nếu quên không quy y đồng thể tam bảo thì không khác gì ngoại đạo. Quy y Phật là để thành Phật tử, con Phật để sau này trở thành một Đức Phật. Quy y Pháp là để có phương pháp tu tập để sau này trở thành một Đức Phật. Quy y Tăng là để có đoàn thể tu tập hổ trợ để cùng nhau trở thành Phật thì mới đúng ý nghĩa đặc thù của Đạo Phật.
Như Đức Đạt Lai Lạt Ma nói trong quyển sách này ở chương cuối: " Cuối cùng mục tiêu của chúng ta là kinh nghiệm chân thành của lòng vị tha vô hạn và sự thấu hiểu tròn vẹn về thực tại cứu kính. Như những Phật tử mục đích sau cùng của chúng ta là Quả Phật. Tuy nhiên, xa xăm như thế nào đi nữa, thì chúng ta hãy bắt đầu ngay bây giờ vì mục tiêu tối hậu ấy."
HÀNH trình mục tiêu đúng
TRANG bị tâm bồ đề
GIÁC tánh uyên nguyên hiện
NGỘ Phật đạo lối về.
Dĩ nhiên như giáo huấn Những Giai Tầng Của Con Đường Tiệm Tiến Đến Giác Ngộ, mỗi chúng ta có thể đọc và suy nghiệm và tự xác định mình đang ở vị trí nào để tự xác địnhlại mục tiêu đến với Đạo Phật và mục tiêu của sự thị hiện tại thế gian của Đức Phật để có một phương hướng tu tập thực tiển.
Thành kính dâng quyển sách này lên Đức Đạt Lai Lạt Ma, chư vị thầy tổ và tất cả những ân nhân, cầu nguyện cho tất cả đạt được " mục đích sau cùng của chúng ta là Quả Phật." Xin thành tâm sám hối vì những yếu kém!
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Uyển