* Nguồn gốc
– Siêu Linh Hình Thể là dạng hình thể đặc biệt, chẳng phải một sự sinh tồn thực sự. Nó là hình ảnh được hình thành bởi sức mạnh của tư tưởng, ý niệm mãnh liệt của một cá thể hay một tập thể có ý chí tương đồng, hòa hợp nhau. Nó mang những năng lực đặc biệt, khó thể nghĩ bàn nên mới có tên gọi là Siêu Linh Hình Thể.
– Là hình ảnh được thể hiện bởi tư tưởng, ý niệm nên nó còn được gọi là Hình Tư Tưởng.
– Hình Tư Tưởng này khi hình thành, nó thị hiện những tâm tư tình cảm, cảm xúc, nguyện vọng, tính chất đặc trưng của tâm thức chủ thể đã phát khởi tạo ra nó, nên nó còn được gọi là Thức Thần.
* Hình dạng và tính chất đặc trưng
– Vì Thức Thần thường thị hiện thân ảnh mang dáng dấp của chủ thể tâm thức đã tạo ra nó nên nó còn được hiểu là một Pháp Thân, tức là Thân ảnh được hình thành bởi Pháp, chứ không có Nhục Thể hay là phần Tánh Linh như một chơn hồn.
– Thức Thần này như là một bản sao đã được lập trình sẵn bởi các ý niệm của chủ thể. Tự thân nó không có tư duy riêng biệt, không có ý thức hay cảm xúc riêng biệt, chỉ xử lý tình huống theo xu hướng đã định sẵn bởi tâm thức chủ thể.
– Mỗi một chủ thể có thể hình thành, tạo nên cùng một lúc nhiều Pháp Thân khác nhau. Mỗi Pháp Thân này có thể mang những tính chất riêng biệt nhất định thể hiện các khía cạnh tâm tư, tình cảm, tính chất khác nhau của chủ thể. Ở khía cạnh này, hiểu nôm na giống như khoa học dùng từ một người có đa nhân cách, được biểu hiện một cách độc lập ở các cung bậc cảm xúc, trạng thái, hoàn cảnh khác nhau.
– Mỗi một nhóm người, một cộng đồng, một dân tộc, một quốc gia, một giáo phái, một pháp môn tu tập khi có cùng một định hướng, ý chí, tâm tư nguyện vọng tương đồng với nhau, rung cảm mạnh mẽ, thì những ý niệm này có thể tích tụ lại thành một khối năng lượng. Khối năng lượng ấy thị hiện thành một hình ảnh cụ thể, mang đầy đủ các tính chất, tâm tư tình cảm của nhóm người, cộng đồng đó. Ở khía cạnh này, nó giống như là tinh thần dân tộc, tinh thần chung, nguyện vọng chung được biểu hiện bởi một hình ảnh cụ thể vậy.
o Ví dụ cụ thể:
– Việt Nam chúng ta với tinh thần dân tộc kiên cường, ý chí gan dạ, dũng cảm, lại yêu chuộng hòa bình, bất khuất trước các thể loại giặc ngoại xâm. Từ thượng cổ, tinh thần ấy của cha ông ta đã hình thành nên một hình tư tưởng là Rồng Thần. Nên các vua chúa khi xưa hễ nhìn thấy hình ảnh, dáng dấp của Rồng bay nơi bầu trời thì xem đó là điềm may, tự nhận chúng ta là con rồng cháu tiên vậy.
– Pháp Thân có những năng lực đặc biệt nhất định, bao gồm cả những sự vi diệu chẳng thể nghĩ bàn. Nhưng các năng lực ấy, đều dùng chính năng lượng của ý niệm đã hình thành nên nó để vận hành. Cho nên hễ nó năng động, thực hành nhiều hành vi khác nhau, thì nó sẽ tự tiêu hao chính nó, bị hao mòn năng lượng dần, cho đến khi cạn kiệt rồi tiêu biến hoàn toàn.
– Pháp Thân là một phần của tâm thức, cho nên khi Pháp Thân bị tổn thương, hoặc tiêu hao đến cạn kiệt năng lượng mà tiêu biến thì tâm thức của chủ thể Pháp Thân ấy cũng chịu ảnh hưởng bởi những lực đã tác động lên Pháp Thân ấy.
o Ví dụ cụ thể:
Trong trận chiến của ý niệm giữa một người A và một nhóm người gồm B, C và D, gọi chung là nhóm B. Người A dùng ý niệm của mình, hình thành nên Pháp Thân A, nhóm B có cùng ý chí mãnh liệt, hình thành nên khối năng lượng tạo thành Pháp Thân chung của cả nhóm, gọi là Pháp Thân Nhóm B.
Pháp Thân A và Pháp Thân Nhóm B cùng chiến đấu với nhau nơi thế giới tâm thức. Kết quả là Pháp Thân A bị Pháp Thân Nhóm B tiêu diệt, biến mất. Thì lúc đó người A, sẽ bị một lực tác động mạnh ảnh hưởng tới tâm thức của mình, có thể làm cho người đó choáng váng, hoặc là ngất xỉu, hôn mê. Pháp Thân Nhóm B, vì dùng nhiều sức lực để tiêu diệt Pháp Thân A, nên khi làm Pháp Thân A tiêu biến thì Pháp Thân Nhóm B cũng cạn kiệt năng lượng rồi tiêu biến. Thì lúc đó, tất cả những người B, C, D của nhóm B cũng đều bị ảnh hưởng, bị đuối sức, mệt mõi rã rời, hoặc ngất đi nếu dùng ý niệm quá sức mình.
– Tất nhiên, chỉ những ai có tập luyện về ý chí, ý niệm một cách mạnh mẽ, mãnh liệt, tinh thần kiên định trước các sự diễn ra quanh mình. Thì lúc đó mới có thể hình thành nên một Pháp Thân cụ thể. Nếu ý chí không đủ mạnh, năng lượng phát ra yếu ớt thì không thể hình thành nên một thân ảnh cụ thể được, chỉ là những ý niệm mong manh rời rạc không thống nhất. Các ý niệm như vậy, tồn tại một thời gian trong môi trường không gian rồi cũng dần tiêu biến hoàn toàn chẳng còn chút dấu vết.
– Pháp Thân cũng chính là các hình ảnh về Phân Thân Thuật, thuộc Nhẫn Thuật mà các môn phái võ công sử dụng khi cần chiến đấu hay do thám.
* Sự khác biệt giữa Pháp Thân và Bóng Ma
Ma là dạng ý niệm mang tính chất ham muốn mạnh mẽ. Ma là sự thể hiện những cung bậc cảm xúc nhất định ở một môi trường hoàn cảnh nhất định. Ma không thể giao tiếp nghe, nói chuyện được. Chỉ đơn giản là một cái bóng của người có ý niệm ham muốn mãnh liệt ở tại nơi được phát ra dòng ý niệm ham muốn ấy, trong những khoảng thời gian nhất định. Ma không có thân ảnh cụ thể, chỉ là một cái bóng đen, hoặc trắng ngà mờ nhạt, mang dáng dấp của chủ thể cái bóng ấy.
– Pháp Thân là một bản sao khá hoàn thiện của tâm thức, năng lực của chủ thể. Có hình dạng rõ ràng, có sắc phục cụ thể, không phải là một cái bóng mờ nhạt như ma. Có thể giao tiếp nghe, nói, hành động cụ thể tương tác với thế giới quan xung quanh thể hiện đúng tâm tư, tình cảm của chủ thể. Các sự giao tiếp của Pháp Thân này, chủ thể sẽ nhận được thông tin đầy đủ cụ thể. Chủ thể có thể trực tiếp dùng ý niệm của mình để điều khiển, tương tác với thế giới quan thông qua Pháp Thân.
* Sự khác biệt giữa Pháp Thân và Chơn Hồn.
– Pháp Thân là một phần của thần thức, chơn hồn, chứ Pháp Thân không phải là chơn hồn của chủ thể. Ở khía cạnh này, có nhiều pháp môn tu tập nói là để xuất hồn đi chu du Tam Giới, thực ra thì phần đông trong số ấy, những người tưởng rằng mình xuất hồn được, lại chỉ là phát xuất ra được Pháp Thân, một phần chơn hồn mà thôi. Còn chơn hồn là Chân Thân thật sự, muốn rời khỏi thân xác giả tạm, là cả một vấn đề rất lớn của việc giác ngộ và thiện hành trả nghiệp, dứt hết duyên nợ trần gian.
* Pháp Thân với Đạo Gia
– Đạo Gia gọi pháp tu luyện dùng ý niệm để tạo nên hình thể riêng biệt này là “Nhất Bản Hóa Vạn Thù”, tức là một bản thể mà hóa nên muôn hình vạn trạng hình thù khác nhau. Việc này giống như tinh thần chúng sinh hòa đồng nhất thể cùng với Đạo vận hành vạn vật vậy.
– Đức Lão Tử từng dùng đến pháp này, một mình biến hóa ra ba vị Đạo Nhân gọi là Tam Thanh khi phá Tru Tiên Trận của Đức Thông Thiên Giáo Chủ thiết lập.
* Pháp Thân với Phật Môn
– Trong huyền sử về thầy trò Đại Pháp Sư Đường Tam Tạng, được viết thành bộ truyện nổi tiếng Tây Du Ký. Ba vị đệ tử Ngộ Không, Ngộ Năng, Ngộ Tịnh của Đường Tăng chính là ba Pháp Thân, thể hiện các ý niệm của ngài ấy.
– Ngộ Không tượng trưng cho đức trí, trí tuệ, sự giác ngộ về tánh Không, vô thường, vô ngã của bậc hành giả tu Chân Đạo. Ngộ Không được lấy ý tưởng từ vị Bàn Cổ, được tín ngưỡng dân gian tin thờ là vị Thiên Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên, tổ tiên của loài người nơi thế gian, đặc biệt là dân tộc Trung Hoa.
– Ngộ Năng tượng trưng cho phần tính dục, ham muốn của thân xác hữu hình, nên lấy hình tượng là lão Trư, một hình ảnh tượng trưng cho Tham Sân Si của con người. Cho nên thân xác mà muốn đạt Đạo thì phải siêng năng, chăm chỉ mới có thể thành tựu.
– Ngộ Tịnh tượng trưng cho sự tịch tĩnh, cần mẫn, chăm chỉ và vâng lời bề trên, người độ duyên cho mình. Cho nên lấy hình tượng là Sa Tăng, sa là cát, tức là người hành giả tu Chân Đạo giống như hạt cát bụi vô thườn vậy, có đó rồi mất đó, chúng ta chẳng là gì cả trong cái vụ trụ bao la rộng lớn của thiên Địa, nhưng cũng lại là một phần tử duy nhất chẳng giống bất kỳ một phần tử nào tồn tại trong khắp Thiên Địa.
– Trong ba Pháp Thân ấy, đặc biệt là Pháp Thân Tôn Ngộ Không tượng trưng cho Tánh Không. Có lẽ, để thực sự hiểu được tâm tình gởi gấm của tác giả vào nhân vật này là gì thì chẳng có nhiều người hiểu nổi. Nhưng vì họ thấy được chánh nghĩa, nghĩa khí, trí tuệ, dũng cảm, sáng suốt của nhân vật Ngộ Không trong tác phẩm Tây du Ký, từ đó có rất nhiều người tin rằng Ngộ Không là như thế đó, trừ diệt yêu ma nghiệt chướng, bảo vệ dân lành bách tính trước cường bạo tà ác. Từ chỗ có quá nhiều ý niệm, đức tin của chúng sinh về một Pháp Thân hư cấu này, đã có một Ngộ Không là một Siêu Linh Hình Thể thực sự xuất hiện trong Tam Giới. Ngộ Không ấy thể hiện những đặc trưng tính chất, nguyện vọng của chúng sinh đặt nơi khối đức tin ấy, cũng có thần thông có thể hàng yêu phục ma, cứu giúp muôn dân. Nên về sau này, Ngộ Không ấy thực sự thức tỉnh tánh linh sau một thời gian dài tồn tại, hấp thu linh khí Thiên Địa và đức tin của bá tánh. Từ Không trở thành Có, do Duyên của chúng sinh hợp thành vậy.
* Phương thức cảm ứng, nhận biết
– Để phân biệt được Pháp Thân với Chân Thân, tức là chơn hồn của một cá thể nhất định, có thể dùng ý niệm để giao tiếp, hỏi thăm. Nếu thực sự cá nhân ấy có thành ý chia sẻ, tự nhiên sẽ hiển lộ chân tướng rõ ràng cho đối phương. Còn như họ cố tình thị hiện Pháp Thân, chẳng muốn để lộ chân thân của mình, thì chỉ những người có Tuệ Nhãn, hoặc những vị có sự thông tri quán triệt thấu suốt hết Tam Giới mới phân biệt được.
– Cho nên, người bình thường, không cần thiết phải cố gắng phân biệt Chân Thân hay Pháp Thân, cứ tương tác bằng tất cả sự thành tâm của mình là đủ.
Nguồn: Tam Giới Toàn Thư