Tam Giới Toàn Thư

Hội Bàn Đào

* Nguồn gốc

– Hội Yến Diêu Trì Cung hay Hội Bàn Đào là lễ yến hội được Đức Diêu Trì Kim Mẫu khai mở nơi Diêu Trì Cung, bên dưới những tán cây Bàn Đào Linh Thụ Tiên ở tầng Tạo Hóa Huyền Thiên thuộc cõi Niết Bàn.
– Từ thuở khai Thiên lập Địa, Đức Từ Mẫu tạo tác nên chư Thần Thánh Tiên Phật hàng hà sa số, họ phân tán khắp Đại Vũ Trụ để lo phần độ hóa chúng sinh, dạy dỗ các đẳng chân hồn khắp nơi ngày một tinh tấn. Bấy giờ, chư vị Thần Thánh Tiên vẫn thường xuyên nhớ về Đức Từ Mẫu, muốn về thăm Người, nên lâu lâu sẽ có chư vị Thần Thánh Tiên ấy trở về thăm. Những buổi gặp gỡ giữa Đức Từ Mẫu và con cái của Người vô cùng cảm động, hạnh phúc vô cùng nên Đức Từ Mẫu cho mở yến tiệc tiếp đón con cái mình.
Việc chư Thần Thánh Tiên về thăm tùy ý sẽ khó lòng giữ được sự trật tự cân bằng của Tam Giới, thế nên sau đó yến hội này được chủ động tổ chức định kỳ với việc sắp xếp người tham dự cụ thể để giữ trật tự vận hành của Tam Giới, nhằm tạo cơ hội cho các chân hồn ở cấp Thánh Hồn và Tiên Hồn đang hành thiện nghiệp ở khắp Tam Giới có dịp được về thăm Đức Từ Mẫu mỗi một nhiệm kỳ Can Chi, tức là 60 khắc luân chuyển kết hợp của Thiên Can và Địa Chi vận hành Đại Vũ Trụ.
– Mỗi một Bộ, Tộc Chánh Thần sẽ có khoảng thời gian hồi hướng về thăm Đức Từ Mẫu riêng biệt.
Việc này giúp các chân hồn vơi bớt phần nào nỗi nhớ thương, không cảm thấy bị cô độc tủi phận khi ở xa Đức Từ Phụ, Đức Từ Mẫu vậy. Thế nên yến hội này còn được gọi là Hội Yến Đoàn Viên.
– Về sau này, Hội Bàn Đào mở rộng hơn, dành để tiếp đón các chân hồn vừa được nhập vào Thánh Tịch, Tiên Tịch.
– Hoặc là các chân hồn ở phẩm Thần khi họ vừa vong thân mạng chuyển sinh về Trung Giới, nhưng chưa đủ công nghiệp nhập vào Thánh Tịch thì được các vị Thánh Tiên khác trợ duyên đưa về Thượng Giới tham quan, ghé về thăm Đức Từ Phụ, Đức Từ Mẫu một lần để tăng thêm tín tâm và khai mở trí tuệ, từ bi tâm. Từ đó họ cố gắng tịnh tâm tinh tấn hành nhiều thiện nghiệp có thể nhập vào Thánh Tịch, Tiên Tịch về sau.
– Từ việc mở rộng yến hội như trên, Hội Bàn Đào nơi Thượng Giới ở Diêu Trì Cung hiện tại giống như là buổi ăn hàng ngày của chúng ta vậy. Khắp cả Đại Vũ Trụ này, mỗi thời khắc canh giờ đều có một số chân hồn chuyển sinh trong Cửu Phẩm Thần Tiên, và những chân hồn ấy đều sẽ được về đoàn viên với Đức Từ Mẫu trong một buổi yến tiệc thân mật.
– Do ở Thượng Giới không có khái niệm ngày đêm, luôn luôn là ánh sáng vi diệu ấm áp chan hòa như ánh nắng bình minh vậy, nên tạm gọi các yến hội này là Triều Hội Đoàn Viên, cũng hiểu như là một ngày đoàn viên ở Thượng Giới vậy. Những chân hồn như những đứa con xa nhà lâu năm, trở về nhà trong một buổi sớm mai gặp lại người mẹ hiền đã bao năm trông đợi con về.
– Đối với cõi Hạ Giới nơi Địa Hoàn này, Yến Hội Đoàn Viên chính thức được ghi chép lại trong lịch sử Đạo Gia vào thời Hán Vũ Đế nước Trung Hoa cách đây hơn 2000 năm, do Đạo Sĩ Đông Phương Sóc chủ trì tế lễ long trọng trang nghiêm nơi hoàng cung, thành kính cung nghinh Đức Tây Vương Mẫu giáng lai, chứng giám cho tấm lòng nguyện cầu quốc thái dân an của vua dân thời ấy. Việc này diễn ra vào đêm rằm Trung Thu tháng Tám, nên ngày Lễ Trung Thu còn được gọi là Lễ Đoàn Viên vậy.

* Tính chất

– Mỗi một thời khắc của Thiên Can kết hợp Địa Chi trôi qua, ta có thể hiểu như là một canh giờ ở Thượng Giới và Hạ Giới. Cụ thể là Giáp Tý, Ất Sửu, Bính Dần, Đinh Mão… Trong vũ trụ có bao nhiêu chân hồn chuyển sinh nhập vào Thần Tịch, Thánh Tịch, Tiên Tịch thì họ sẽ được các vị Chánh Thần phụ trách ở cõi Trung Giới đến chỗ họ gửi thiếp Phó Hội Bàn Đào. Sau đó họ được chư vị đưa đến nơi tập hợp ở giao điểm Trung Giới và Thượng Giới ở cõi Thanh Thiên, Bồng Lai Đảo.
– Chân hồn chuyển sinh, tức là có thể chân hồn ấy đang là một sinh vật sống có thân xác hữu hình rồi từ bỏ thân mạng, hoặc chân hồn đó đang ở Trung Giới là một âm linh vừa giải xong các nghiệp bất thiện chấp kiến của mình, tu tập tinh tấn mà đạt quả vị Chánh Thần rồi nhập Thần Tịch, Thánh Tịch hay Tiên Tịch. Để đạt được quả vị trong Cửu Phẩm Thần Tiên cũng không phải là việc dễ dàng, cho nên cả vũ trụ này mỗi một canh giờ trôi qua cũng không có quá nhiều chân hồn được chuyển sinh và nhận thiếp Phó Hội Bàn Đào.
– Từ Bồng Lai Đảo, chân hồn sẽ được chỉ dạy các phép tắc lễ nghi nơi Thượng Giới, được nhận thêm một số pháp bảo đặc biệt hỗ trợ cho việc di chuyển trong Thượng Giới một cách dễ dàng. Đối với các chân hồn đang còn nặng trược bởi chấp niệm thì cần phải mất thêm thời gian hóa giải, buông xả chấp niệm ấy cho được nhẹ nhàng mới nhập được vào Thượng Giới thuận tiện. Sau một khoảng thời gian 9×9 là 81 ngày, chân hồn sẽ được đưa về thăm Đức Từ Mẫu, dự Hội Bàn Đào nơi đây.
– 81 ngày này là thời gian lý tưởng của một chân hồn được học hỏi, tịnh tấn, trải nghiệm khảo đảo thử thách và vượt qua được các bài thi.
Nếu lỡ như chẳng may, không vượt qua được các bài thi thì sẽ tiếp tục ở lại đợi các chu kỳ 9 ngày một lần, cùng tham gia tu học và dự khảo thí với các nhóm chân hồn ở các thời khắc đã đến sau mình. Lúc nào thi đạt thì mới được dự yến hội vậy.
– Ở yến hội, có đầy đủ các loại hương đăng hoa trà quả, có cả các loại bánh, rượu được tinh chế từ hoa và quả Đào Tiên. Có chư vị Thiên Ca, Thiên Nhạc trình tấu những giai điệu du dương thánh thoát, những khúc ca ngâm gợi nhớ cảnh Thiên Cung, nhắc nhở chư linh biết tu tâm dưỡng tánh.
– Điều quan trọng nhất của chân hồn khi được dự yến hội chính là được diện kiến Đức Từ Mẫu. Chân hồn thỏa lòng mong nhớ với Đấng đã tạo nên hình hài mình trong vũ trụ này, được khơi gợi lên nỗi khát vọng tìm về Cội Đạo. Từ đó có thêm động lực tinh tấn, tu học và hành thiện nghiệp để độ duyên cho chính mình và cho muôn sinh linh khắp Tam Giới vậy.

Nguồn: Tam Giới Toàn Thư