Tam Giới Toàn Thư

Địa Ngục

* Địa Ngục thực cảnh trong Tam Giới

– Địa Ngục không tồn tại như cách người ta hiểu từ thuở xa xưa.
– Trong Tam Giới đầy dẫy những sự tranh đấu hơn thua giữa các thế lực cường quyền, tà quái. Mỗi thế lực đều có những trú xứ riêng của mình, đa phần là ở những nơi u tối, âm u thiếu ánh sáng, gọi chung là các cảnh giới thuộc U Minh Giới. Những nơi này, được hình thành và duy trì bởi những chấp niệm mang tính tiêu cực của Tham Sân Si.
– Những người thường gây nên nhiều điều bất thiện, tính tình hung hiểm, thích tàn hại lẫn nhau trong kiếp sống của mình. Khi họ mất đi thân mạng, hồn của họ sẽ được các cảnh giới nơi U Minh Giới thu hút về đó theo nguyên tắc đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu.
– Ở những nơi như thế, tình trạng ức hiếp lẫn nhau, bắt bớ, kẻ mạnh tàn hại kẻ yếu thế cô là việc thường xuyên diễn ra, tạm hiểu theo kiểu ma cũ thích bắt nạt ma mới vậy. Các thế lực mạnh ức hiếp kẻ yếu này thường có băng nhóm, đẳng cấp thứ bậc cao thấp khác nhau. Họ nghĩ ra đủ thứ cách để hành hạ, tra tấn, làm nhục những kẻ yếu thế hơn họ để thị uy và bắt kẻ yếu thế cô phải phục tùng họ như âm binh, tay sai, quỷ sai, nô lệ vậy. Ở những nơi đó đầy dẫy tiếng kêu gào thảm thiết, tiếng khóc than van xin, tiếng mạt sát mắng nhiếc nhau, tiếng binh khí va chạm nhau hô hào chém giết luôn hiện hữu vậy.
– Những người hữu duyên được thấy biết qua các hình thức như: thần thức du hành trong giấc mơ đến đó, do âm linh ám nhập thị hiện nói cho hay, do cơ bút của chư linh nơi Tam Giới tiết lộ… thấy biết các cảnh tượng kinh hãi như thế mới có suy nghĩ rằng đó là các cảnh giới Địa Ngục, có các quỷ sai hành hình các chơn hồn tội lỗi.

* Địa Ngục tại Tâm cảnh của mỗi người

– Tại thế giới quan, tâm cảnh của mỗi người đều luôn tồn tại Thiên Đàng và Địa Ngục.
– Người nào cảm thấy an lạc hoan hỉ khi nhìn đời bằng ánh mắt từ bi, yêu thương, sống lương thiện, làm điều tích cực cho đời, tôn trọng hòa ái với muôn loài trong khắp Thiên Địa. Thì tự nhiên đời họ luôn an yên, vui tươi, đó chính là Thiên Đàng tại Tâm, cũng là thiên đàng hiện hữu nơi thế gian hữu tình vậy. Những người khi sống tích cực như thế, khi chết đi thân mạng thì chơn hồn họ hiển nhiên có thể nhập được vào Thiên Đàng, Cực Lạc thự cảnh nơi Thượng Giới.
– Người nào cảm thấy phiền não, thích tranh đấu, tham sân si, tật đố ganh ghét hơn thua nhau, thích hưởng khoái lạc thú vui ăn uống thân mạng của chúng sinh, thích tìm vui trên nỗi đau khổ của kẻ khác. Lúc bấy giờ trong tâm tưởng của họ chỉ toàn là những điều bất thiện, những gì họ đã làm với chúng sinh sẽ ám ảnh họ. Các oán khí, ác nghiệp đeo bám họ mãi không rời, khiến lòng họ chẳng an, đầy dẫy phiền não với những điều bất thiện. Cho đến khi chung mạng, chơn hồn họ vì chịu ảnh hưởng bởi các phiền não, rối ren, điều bất hiện họ từng làm với muôn sinh nên họ được các cõi giới cũng chứa đầy dẫy những điều bất thiện như thế thu hút về. Đó chính là Địa Ngục Tâm Cảnh được chuyển hóa thành Địa Ngục thực cảnh trong Tam Giới vậy.
Nhân Quả là thế, tin tưởng và thực hành theo lối sống thế nào, thì tự mình đã đăng kí tên mình vào nơi phù hợp với lối tồn tại như thế trường tồn torng Tam Giới.
– Có câu nói “Đệ tử Phật thì Phật dắt. Đệ tử Ma thì Ma dắt” chính là sự nhắc nhở cảnh tỉnh cho chúng sinh đang sinh tồn nơi thế gian này biết hồi tâm, chuyển ý, thức tỉnh một đời của mình tránh lầm đường lạc lối mà về nơi U Minh thống khổ vậy.

* Sự hiểu biết chưa chính xác của dân gian theo dòng lịch sử

– Thuở xa xưa, người ta cho rằng cõi Âm Giới là bên dưới lòng đất, vì thân xác người chết được chôn vào lòng đất nên chơn hồn sẽ sống ở đấy.
– Những người lúc sống làm nhiều điều bất thiện thì khi mất đi thân mạng, chơn hồn sẽ bị bắt đến nơi gọi là Địa Ngục. Đây là nơi giam giữ, có nhiều quỷ sai, ngưu đầu mã diện hành hình các chơn hồn ấy. Nhờ vậy mà họ thấm thía, khiếp sợ các việc tội lỗi ác nghiệp họ từng gây ra lúc sống. Họ hiểu được sự kinh khủng dường nào, đau đớn ra sao với các đối tượng họ đã từng thực hành ác nghiệp. Sau đó họ ăn năn sám hối rồi chuyển sinh để trả nợ theo luật Nhân Quả.
– Ở khía cạnh này thì lại không ổn cho lắm. Vì chơn hồn tội lỗi đó gieo ác nghiệp, đã bị tra tấn dã man khổ sở, cuối cùng sợ hãi, đau khổ rồi lại chuyển sinh để trả tiếp ác nghiệp đó của mình. Vậy thì mất công bình nhân quả thực. Kế đến, vốn dĩ việc trừng phạt lẫn nhau như thế, đâu ai có quyền phán xét trừng phạt kẻ khác trừ chính oan gia trái chủ của những ác nghiệp họ đã gieo trồng.
– Mọi chơn hồn đều có quyền tự do của mình, đau khổ hay hạnh phúc là ở ý niệm chấp trước hay tiêu diêu tự tại chẳng vướng bận phiền não.
Nguồn: Tam Giới Toàn Thư